Dự trữ ngoại hối là gì? Top 5 quốc gia dự trữ ngoại hối lớn nhất

Ngày đăng: 13/11/2024 lượt xem

Dự trữ ngoại hối là một khái niệm quan trọng trong kinh tế, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế. Đây được xem là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Một lượng dự trữ ngoại hối lớn giúp một quốc gia tự tin hơn trong việc đối phó với các biến động của thị trường quốc tế. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm này và xác định xem đâu là các quốc gia có trữ lượng ngoại hối lớn nhất trên thế giới.

Dự trữ ngoại hối là gì?

Định nghĩa

dự trữ ngoại hối

Căn cứ Điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ-CP quy định về dự trữ ngoại hối nhà nước như sau:

Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

  1. Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý;
  2. Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước;
  3. Các nguồn ngoại hối khác.

Thanh khoản dự trữ ngoại hối nhà nước là khả năng sẵn sàng đáp ứng ngoại tệ và vàng phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách tỷ giá và vàng, can thiệp thị trường ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế và đáp ứng các nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

Như vậy, dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm dự trữ ngoại hối chính thức, tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các nguồn ngoại hối khác.

Vai trò

Ổn định tỷ giá hối đoái: Khi một quốc gia cần can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá, họ sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối của mình. Nghiệp vụ này sẽ theo chính sách điều hành tiền tệ và tỷ giá trong từng thời kỳ khác nhau.

Đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế: Loại tài sản này giúp một quốc gia có thể thanh toán các khoản nợ quốc tế, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, khi nhu cầu thanh toán của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tăng cao bất thường theo yếu tố thời vụ, thì các NHTW sẽ dùng tới dự trữ ngoại hối để cung ứng ngoại tệ ra thị trường đáp ứng nhu cầu của các bên.

Bảo vệ nền kinh tế trước những biến động kinh tế toàn cầu: Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế hoặc thiên tai, chúng có thể được sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Một quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thường được đánh giá cao về sự ổn định kinh tế và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

>> Xem thêm: Làm giàu từ khủng hoảng kinh tế: Nên hay không nên?

Tại sao các quốc gia cần dự trữ ngoại hối?

Bảo vệ tỷ giá hối đoái: Khi tỷ giá hối đoái có xu hướng biến động quá mạnh, Ngân hàng Trung ương có thể sử dụng loại tài sản này để mua hoặc bán ngoại tệ trên thị trường nhằm tác động lên tỷ giá theo hướng mong muốn. Cụ thể:

  • Mua ngoại tệ: Khi đồng nội tệ có xu hướng mất giá, Ngân hàng Trung ương sẽ dùng dự trữ ngoại tệ để mua lại, làm giảm cung ngoại tệ và hỗ trợ giá trị của đồng nội tệ.
  • Bán ngoại tệ: Ngược lại, khi đồng nội tệ tăng giá quá mạnh, Ngân hàng Trung ương sẽ bán ngoại tệ để tăng cung ngoại tệ, từ đó làm giảm giá trị của đồng nội tệ.

Duy trì niềm tin của nhà đầu tư: Đây được xem là là thước đo khả năng thanh toán nợ nước ngoài và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế. Một lượng ngoại hối lớn cho thấy khả năng tài chính mạnh của quốc gia và giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Đối phó với khủng hoảng kinh tế: Khủng hoảng tiền tệ thường xảy ra khi một quốc gia không có đủ ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ quốc tế hoặc khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt. Dự trữ ngoại hối như một “vùng đệm” giúp giảm thiểu rủi ro này. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, chúng cho phép chính phủ có thêm thời gian để thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế và tránh được những hậu quả nghiêm trọng hơn. Một quốc gia có trữ lượng ngoại hối lớn sẽ có vị thế đàm phán mạnh hơn khi vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Cách đánh giá dự trữ ngoại hối

Để đánh giá về dự trữ ngoại hối ở một quốc gia thông thường chúng ta có thể dựa vào những tiêu chí sau đây:

– Quy mô sẽ được tính bằng số tuần nhập khẩu, Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và giá trị một tuần nhập khẩu. Theo IMF, đất nước nào có trữ lượng ngoại hối có quy mô từ 12 đến 14 tuần nhập khẩu thì sẽ được coi là quốc gia đủ điều kiện dự trữ ngoại hối.

– Tỷ lệ giữa trữ lượng ngoại hối và nợ ngắn hạn nước ngoài ở trong nước. Tiêu chí này cho thấy khả năng đối phó của quốc gia đó khi có hiện tượng tấn công ngoại tệ hoặc rút tiền ra nước ngoài.

Theo thống kê do Wikipedia công bố, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 93 tỷ USD, dữ liệu ngày 1/3/2024, đứng thứ 30 trong bảng thống kê.

Top 5 quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới

Theo thống kê do Wikipedia công bố, một số nước có dự trữ ngoại hối lớn có thể kể đến:

1. Trung Quốc

Trung Quốc là một nhà sản xuất lớn với hàng hóa đa dạng và giá cả cạnh tranh, dẫn đến lượng xuất khẩu khổng lồ.Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù tăng trưởng có chậm lại so với những năm trước và cũng là nước có số lượng dân số lớn thứ 2 trên toàn thế giới, sau Ấn Độ. Sự chênh lệch lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu tạo ra một lượng lớn ngoại tệ chảy vào Trung Quốc. Ước tính, Trung Quốc với 3.288 tỷ USD (dữ liệu ngày 15/8/2024), trong đó dự trữ vàng chiếm trên 174 tỷ USD là nước có lượng ngoại hối lớn nhất hiện tại.

2. Nhật Bản:

Nhật Bản từng là một trong những nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Nhật Bản dựa trên công nghệ cao, sản xuất ô tô, điện tử và các ngành công nghiệp khác. Ước tính quy mô dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đạt 1.235,7 tỷ USD, dự trữ vàng đạt trên 5 tỷ USD, dữ liệu ngày 5/9/2024.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang đối mặt với các thách thức về Lão hóa dân số: Tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản rất cao, dẫn đến thiếu lao động và gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và Sự suy giảm của dân số: Dân số Nhật Bản đang giảm dần, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và lực lượng lao động.

3. Thụy Sĩ:

Nền kinh tế Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nền kinh tế ổn định nhất thế giới, ít chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngành dịch vụ đóng góp lớn vào GDP của Thụy Sĩ, bao gồm tài chính, ngân hàng, du lịch, và dược phẩm. Thụy Sĩ nổi tiếng với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm, đồng hồ và thiết bị y tế. Quy mô dự trữ ngoại hối của Thụy Sỹ vào khoảng 802,5 tỷ USD, dự trữ vàng chiếm trên 15 tỷ USD, dữ liệu ngày 31/7/2024.

4. Ấn Độ:

Ấn Độ với dân số đông nhất thế giới hiện tại và nền kinh tế đa dạng, đang nổi lên như một trong những cường quốc kinh tế mới của thế giới. Ấn Độ nổi tiếng với ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, thu hút nhiều công ty đa quốc gia. Quy mô dự trữ ngoại hối của Ấn Độ khoảng 692,3 tỷ USD, dự trữ vàng chiếm khoảng 70 tỷ USD, dữ liệu ngày 20/9/2024.

5. Nga:

Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Với diện tích lên đến 17.098.246 km², Nga chiếm gần 1/8 diện tích lục địa của Trái Đất. Lãnh thổ của Nga trải dài từ châu Âu sang châu Á, bao phủ nhiều loại địa hình và khí hậu khác nhau. Nga sở hữu lượng lớn các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản… Việc khai thác và xuất khẩu các tài nguyên này mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá dầu thế giới tăng cao trong những năm gần đây đã mang lại lợi nhuận lớn cho Nga, một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn. Quy mô ngoại hối của Nga khoảng 625,2 tỷ USD, dự trữ vàng chiếm khoảng 51 tỷ USD, dữ liệu ngày 20/09/2024.

Những yếu tố ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của quốc gia

Xuất khẩu và nhập khẩu: Sự chênh lệch lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu tạo ra một lượng lớn ngoại tệ chảy vào  giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.

Đầu tư nước ngoài: Lượng vốn FDI và dòng tiền từ đầu tư quốc tế ảnh hưởng cực kỳ lớn. Khi các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các dự án mới tại một quốc gia, họ thường chuyển đổi ngoại tệ thành đồng nội tệ của quốc gia đó để thực hiện các hoạt động đầu tư. Điều này làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường và có thể góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, Khi các doanh nghiệp FDI hoạt động có lãi, một phần lợi nhuận này có thể được chuyển về nước sở tại sẽ làm giảm bớt lượng ngoại tệ cung ứng trên thị trường.

>> Xem thêm: FDI là gì? Ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán

Chính sách tiền tệ: Việc kiểm soát dòng tiền và tỷ giá là một trong những công cụ quan trọng mà các quốc gia sử dụng để điều chỉnh nền kinh tế, duy trì ổn định tài chính và đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng như tác động đến dự trữ ngoại hối. Các biện pháp hành chính có ảnh hưởng như kiểm soát lượng tiền ngoại tệ vào ra, hoặc thay đổi lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi của đồng ngoại tệ.

Tầm quan trọng của việc duy trì dự trữ ngoại hối cao

Phòng ngừa rủi ro: Khủng hoảng tiền tệ thường xảy ra khi một quốc gia không có đủ ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ quốc tế hoặc khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt. Tài sản này như một “vùng đệm” giúp giảm thiểu rủi ro.

Thúc đẩy phát triển kinh tế: Một lượng dự trữ ngoại hối lớn cho thấy khả năng tài chính mạnh của quốc gia và giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Kết luận

Dự trữ ngoại hối là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Một lượng dự trữ lớn giúp một quốc gia tự tin hơn trong việc đối phó với các biến động của thị trường quốc tế. Ngoại hối cũng là một công cụ quan trọng giúp các quốc gia duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc quản lý chúng không phải là một công việc đơn giản và đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có những quyết định sáng suốt, dựa trên tình hình thực tế của nền kinh tế.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Sơn Mai
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Tìm hiểu về trạng thái sideway là gì trong chứng khoán

Tìm hiểu về trạng thái sideway trong chứng khoán

Trạng thái sideway là hiện tượng thị trường di chuyển ngang, không có xu hướng rõ rệt lên hoặc xuống. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về...

các sàn chứng khoán việt nam

HOSE, HNX, UPCOM – Đặc điểm và vai trò của các sàn chứng khoán Việt Nam

Cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có bề dày lịch sử kéo dài gần 24 năm kể từ ngày...

Chỉ báo Stochastic là gì? Cách sử dụng chỉ báo Stochastic

Chỉ báo Stochastic là gì? Cách sử dụng chỉ báo Stochastic

Chỉ báo Stochastic là gì? Chỉ báo Stochastic là một công cụ trong phân tích kỹ thuật được sử dụng để đo lường quán tính và sức mạnh của giá...