Biên lợi nhuận gộp là gì? Các lưu ý khi tính biên lợi nhuận gộp Gross Profit Margin (GPM)

Ngày đăng: 11/07/2024 lượt xem

Biên lợi nhuận gộp là gì? Biên lợi nhuận gộp hay còn gọi Tỷ suất lợi nhuận gộp (GPM) là một chỉ số quan trọng được sử dụng để đánh giá mô hình kinh doanh cũng như sức khỏe tài chính, vị trí của doanh nghiệp trong ngành. Đây được xem là chỉ tiêu phản ánh rõ ràng nhất về lợi thế của hoạt động kinh doanh và sản xuất cốt lõi của tổ chức. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu biên lợi nhuận gộp là gì, cách tính toán và những lưu ý quan trọng khi sử dụng GPM để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Biên lợi nhuận gộp là gì?

Định nghĩa về biên lợi nhuận gộp

Biên lợi nhuận gộp hay Tỷ suất lợi nhuận gộp là chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán (COGS) chia cho doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận gộp được biểu thị dưới dạng phần trăm. Chỉ số biên lợi nhuận gộp cho biết với mỗi đồng doanh thu bạn sẽ kiếm được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp. Trong đó, lợi nhuận gộp là phần lợi nhuận còn lại từ doanh thu của doanh nghiệp sau khi trừ toàn bộ giá vốn hàng bán.

Ví dụ: Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong Q1.2024 là 42% nghĩa là cứ 100 đồng doanh thu thì VNM thu được 42 đồng lợi nhuận gộp. 

Công thức tính GPM cơ bản: 

Biên lợi nhuận gộp = (Lợi nhuận gộp) : (Doanh thu thuần x 100%) 

Trong đó:

  • Doanh thu thuần = (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ) – (Các khoản giảm trừ doanh thu)
  • Lợi nhuận gộp = (Doanh thu thuần) – (Giá vốn hàng bán)

Vừa rồi là câu trả lời cho câu hỏi biên lợi nhuận gộp là gì, vậy chúng có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư?

Ý nghĩa của biên lợi nhuận gộp

Đối với doanh nghiệp:

Đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Biên lợi nhuận gộp cho biết tỷ lệ lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về sau khi trừ đi giá vốn hàng bán từ lượng hàng bán ra. Chỉ số này phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn lực để tạo ra sản phẩm, dịch vụ.

Thể hiện khả năng sinh lời của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh chính: Với chỉ tiêu để tính toán là doanh thu thuần nên hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp sẽ được thể hiện ở chỉ số Biên lợi nhuận gộp. Các hoạt động kinh doanh chính, mặt hàng kinh doanh chính sẽ là tiêu chí xem xét ở chỉ số này, cũng là phương diện cần xem xét kỹ đối với việc phân tích 1 doanh nghiệp.

So sánh hiệu quả hoạt động giữa các doanh nghiệp cùng ngành: So sánh biên lợi nhuận gộp so với các doanh nghiệp cùng ngành giúp chủ Doanh nghiệp đánh giá vị trí của mình trong ngành, từ đó có chiến lượng xây dựng chính sách bán hàng hiệu quả, mức giá bán được cân nhắc kỹ để nâng cao hiệu quả cho công ty. Doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao trong ngành thường có lợi thế cạnh tranh, khả năng thu hút nhà đầu tư cao hơn.

biên lợi nhuận gộp là gì
Hình 1: So sánh Biên lợi nhuận gộp của các DN sản xuất thép tại VN (nguồn: VCBS)

Đối với nhà đầu tư:

Đánh giá sức khỏe tài chính và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp: Doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao chứng tỏ doanh nghiệp có những lợi thế nhất định trên lĩnh vực mình tham gia. Cụ thể, trong cùng 1 ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp đầu ngành thường là doanh nghiệp có Biên lợi nhuận gộp cao nhất, vì họ có đủ khả năng để kiểm soát chi phí, giá bán và sản lượng bán cao hơn các đối thủ khác trong ngành.

Đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt: Công thức đầu tư thành công đó là chọn những doanh nghiệp hàng đầu trong từng ngành nghề để đầu tư sẽ là khoản đầu tư hiệu quả nhất. Như ví dụ ở trên, biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát luôn dẫn đầu trong ngành, và luôn tốt hơn các Doanh nghiệp khác kể cả những lúc khó khăn.

Vậy là chúng ta đã trả lời được câu hỏi ý nghĩa của biên lợi nhuận gộp là gì, cùng đến với những ví dụ thực tế để hiểu sâu hơn về chỉ số này nhé!

Ví dụ thực tế về tính biên lợi nhuận gộp

biên độ lợi nhuận gộp là gì
Hình 2: Kết quả kinh doanh của Vinamilk

Để tính toán và lấy ví dụ cho doanh nghiệp, Stock Insight cần tìm các thông số tính toán ở Báo Cáo Tài Chính – mục Kết quả kinh doanh. Như hình minh hoạ là Kết quả kinh doanh của Vinamilk.

Theo công thức tính Biên lợi nhuận gộp đã đề cập ở mục 1, thì Biên lợi nhuận gộp Quý 1 năm 2024 của VNM được tính như sau:

GPM = (14,112-8,201)/14,112 = 41.89%

Hoặc nhanh hơn mình có thể lấy số Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần.

Thông thường, biên lợi nhuận gộp được tính bằng số %, tuy nhiên, việc hiển thị bằng đồ thị con số biên lợi nhuận gộp sẽ cho chúng ta thấy được xu hướng biến động của chỉ số này của từng Doanh nghiệp, từ đó có những nhận định cho quá trình đầu tư.

hệ số biên lợi nhuận gộp là gì
Hình 3: Biên lợi nhuận gộp của VNM

Như hình thể hiện, Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk thường duy trì quanh 40%, đây là một mức biên lợi nhuận gộp cao, thể hiện sự dẫn đầu của Vinamilk trong ngành  nghề kinh doanh thực phẩm của mình. Tuy nhiên, xu hướng của biên lợi nhuận gộp giảm dần từ 2020 về tới đầu năm 2023 cho thấy những khó khăn của VNM khi thị trường bị cạnh tranh mạnh, chi phí chưa được kiểm soát tốt khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 47% về tới 39% ở Quý 1 năm 2023.

Sau đó, với việc Ban lãnh đạo VNM quyết tâm đổi mới thương hiệu, thay đổi lại nhận diện thương hiệu với cách nhìn trẻ trung năng động hơn, biên lợi nhuận gộp của VNM đã được cải thiện tốt từ đó đến nay, với mức Biên lợi nhuận gộp từ 39% tăng lên 42%. Giá bán sản phẩm của VNM đã cạnh tranh hơn, chi phí đã được kiểm soát tốt hơn, tình hình hoạt động kinh doanh của VNM cũng đã khởi sắc hơn.

Vậy những lưu ý khi tính biên lợi nhuận gộp là gì?

Các lưu ý khi tính biên lợi nhuận gộp là gì?

Độ chính xác của số liệu

Đảm bảo số liệu về doanh thu và giá vốn hàng bán chính xác, tránh các lỗi phổ biến trong kế toán. Số liệu tính toán nên ưu tiên lấy từ các nguồn uy tín, Báo cáo tài chính doanh nghiệp có kiểm toán. Ngoài ra, nếu cần chi tiết hơn phải lấy được số liệu các ngành nghề của doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp nhiều ngành nghề, mặt hàng) để tính toán cho từng mảng, như vậy mới có cách nhìn chính xác.

Ảnh hưởng của ngành nghề

Ảnh hưởng của ngành nghề đến biên lợi nhuận gộp là gì? Biên lợi nhuận gộp có thể khác nhau giữa các ngành nghề, vì vậy cần so sánh biên lợi nhuận gộp với các công ty cùng ngành để có cái nhìn chính xác. Các ngành nghề có đặc thù riêng về sản phẩm nên sẽ có hình thức kinh doanh khác nhau, dẫn đến chính sách giá bán khác nhau.

Ví dụ, doanh nghiệp thuỷ điện có chi phí đầu vào rất thấp (nước tự nhiên), điện sản xuất được bán cho EVN nên biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp này thường rất cao. Bù lại thì khả năng điều chỉnh giá bán hầu như không có. Ngược lại, các ngành nghề như sản xuất Thép thường có Biên lợi nhuận gộp thấp do phần lớn nguyên vật liệu cần phải nhập khẩu, sản lượng sản xuất lại lớn. Tuy nhiên bù lại thì giá bán các Doanh nghiệp thép có thể điều chỉnh linh hoạt.

Thời điểm và chu kỳ kinh doanh

Biên lợi nhuận gộp cũng có sự biến động theo mùa và chu kỳ kinh doanh. Trong giai đoạn mùa cao điểm tiêu thụ hàng hoá thì doanh số sẽ được đẩy lên, lượng bán hàng tăng, giá bán cũng có thể tăng giúp công ty thu lợi nhuận tốt hơn. Ngược lại, giai đoạn mùa thấp điểm, doanh thu và biên lợi nhuận gộp có thể suy giảm. Ví dụ mùa Tết đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hay mùa xây dựng đối với các Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. So sánh biên lợi nhuận gộp cần so sánh theo cùng kỳ để có cái nhìn đúng đắn.

Các yếu tố ngoại cảnh

Cần lưu ý các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp là gì? Nhiều yếu tố ngoại cảnh bên ngoài cũng là tác nhân tác động tới tỷ suất biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Điển hình như lạm phát, tỷ giá hối đoái, chi phí nguyên liệu… Việc các yếu tố bên ngoài tăng giá, tác động tới việc nguyên vật liệu tăng giá, trong khi giá bán chưa điều chỉnh tăng theo thì điều tất yếu là Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sẽ suy giảm.

Giai đoạn từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, tỷ giá USD VND tăng mạnh khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi chi phí bị đội lên do tỷ giá tăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá.

Biến động giá vốn hàng bán

Một trong những thành tố quan trọng của việc tính toán biên lợi nhuận gộp là gì? Câu trả lời chính là giá vốn hàng bán. Khi giá vốn hàng bán giảm nhanh, tỷ suất Biên lợi nhuận gộp sẽ tăng, và ngược lại. Cụ thể như ở Vinamilk, việc giá thành bột sữa thế giới giảm mạnh trong các năm 2022 và 2023 đang được thể hiện trong việc tỷ suất biên lợi nhuận gộp được cải thiện trong các quý gần đây.

Ở ngành nghề sản xuất Nhựa, giá hạt nhựa PVC liên tục suy giảm trừ 2021 đến nay đã giúp Biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh cải thiện mạnh, mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Cách để cải thiện biên lợi nhuận gộp

Dưới đây là một số gợi ý để trả lời cho câu hỏi cách để cải thiện biên lợi nhuận gộp:

Tăng doanh thu

Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, tăng cường chiến lược marketing và bán hàng nhằm nâng cao sự nhận diện của sản phẩm, từ đó chiếm lĩnh thị phần và sản lượng tiêu thụ ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, khi vào mùa cao điểm, doanh nghiệp có thể tính toán tăng giá hàng hoá bán ra nhằm thu được hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Giảm giá vốn hàng bán

Tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu với giá tốt hơn, tối ưu hóa quy trình sản xuất từ đó hạ phần chi phí giá vốn hàng bán thấp xuống. Không nên tập trung quá vào số ít các nhà cung cấp nguyên vật liệu, đánh giá đúng xu hướng của các biến động bên ngoài như tỷ giá, xu hướng biến động các mặt hàng nhập khẩu, từ đó lên kế hoạch tính toán chiến lược tích trữ hàng tồn kho một cách hiệu quả nhất.

Kiểm soát chi phí

Quản lý tốt chi phí hoạt động và chi phí cố định, sử dụng công nghệ và tự động hóa để giảm chi phí từ đó tăng sản lượng sản xuất, chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm hạ xuống từ đó điều chỉnh chính sách giá bán hợp lý để thu được hiệu quả tốt nhất.

Kết luận

Biên lợi nhuận gộp gì? Đây chính là chỉ tiêu rất quan trọng không những chỉ dùng cho việc quản lý, điều hành doanh nghiệp mà còn là chỉ báo quan trọng cho quá trình đầu tư chứng khoán. Việc hiểu và sử dụng chính xác biên lợi nhuận gộp là gì không chỉ giúp các nhà đầu tư và nhà quản lý đưa ra quyết định thông minh hơn mà còn tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.

Để có mức biên lợi nhuận gộp cao, các doanh nghiệp không chỉ kiểm soát được chi phí đầu vào, tính toán được các yếu tố bên ngoài tác động tới hoạt động kinh doanh mà còn định vị được thị trường, sản phẩm của công ty, có chính sách bán hàng tối ưu và hiệu quả. Các doanh nghiệp như vậy sẽ lần lượt được giới thiệu trên Stock Insight, quý độc giả chú ý theo dõi nhé.

>> Tham khảo khóa học Chứng khoán cơ bản cho người mới tại HscEdu

Sơn Mai
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Quỹ đầu tư

Quỹ đầu tư là gì? Hướng dẫn lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp cho người mới bắt đầu

Ở Việt Nam, việc đầu tư không còn xa lạ với người dân ở các thành phố vừa và lớn, tuy nhiên đầu tư vào quỹ là hình thức còn...

cán cân thương mại

Cán cân thương mại: Định nghĩa, cách tính và ví dụ minh họa

Cán cân thương mại là gì? Cán cân thương mại (BOT – Balance of Trade) là sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu của...

Những lời khuyên hữu ích khi học đầu tư chứng khoán

Trong thời kỳ hiện nay, việc tìm kiếm cách kiếm tiền thông qua đầu tư chứng khoán luôn thu hút sự quan tâm lớn từ phía các bạn trẻ. Mặc...