ROS là chỉ số gì? Ứng dụng chỉ số ROS trong đầu tư chứng khoán

Ngày đăng: 24/07/2024 lượt xem

Trong đầu tư chứng khoán việc phân tích các chỉ số tài chính là hết sức quan trọng, nó cung cấp cho nhà đầu tư các góc nhìn về hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính, tiềm năng tăng trưởng và những rủi ro trong tương lai của doanh nghiệp. 

Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu về ROS – Một trong những chỉ số đánh giá thực tế hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư chọn lọc những doanh nghiệp có hiệu suất kinh doanh tốt. Vậy cụ thể ROS là chỉ số gì và ứng dụng nó như thế nào?

ROS là chỉ số gì?

Định nghĩa chỉ số ROS

ROS – Return on Sales là thước đo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần, hay nói cách khác với mỗi đồng doanh thu thuần công ty thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. ROS càng cao chứng tỏ doanh nghiệp càng tạo ra được nhiều lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

ROS - return on sales

Cách tính chỉ số ROS 

Sau khi đã khám phá khái niệm ROS là chỉ số gì, chúng ta cùng tìm hiểu cách tính của chỉ số này.

Công thức tính:  

ROS = (Lợi nhuận ròng / Doanh thu thuần) x 100%

Ví dụ minh họa: Giả sử doanh nghiệp A trong năm 2023 có doanh thu là 230 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 28 tỷ đồng.

khi đó ROS = (28 / 230) x 100% = 12.17%

Ý nghĩa: Từ 100 đồng doanh thu doanh nghiệp A tạo ra được 12.17 đồng lợi nhuận sau thuế

Ý nghĩa của ROS

Phân tích ý nghĩa của ROS trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

ROS có vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ROS phản ánh tác động của các chi phí trong quá trình kinh doanh, vận hành, quản lý đến lợi nhuận, từ đó các nhà quản trị sẽ có những góc nhìn, phân tích khác nhau để đưa ra những chiến lược tối thiểu chi phí và tối đa lợi nhuận trong tương lai.

ROS được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần vì thế nên:

  • ROS dương cho thấy công ty làm ăn có lãi, ROS càng cao lợi nhuận càng lớn và doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả.
  • ROS âm cho thấy công ty đang thua lỗ, chi phí tăng cao hơn doanh thu, doanh nghiệp cần xem xét lại và đưa ra các phương án quản lý chi tiêu tốt hơn.

Các ngành khác nhau có mức độ sinh lời khác nhau, chỉ số ROS có thể thấp ở ngành này nhưng đối với ngành khác nó có thể được đánh giá cao. Ví dụ ROS 7% đối với ngành sản xuất có thể xem là mức thấp nhưng đối với ngành bán lẻ nó được xem là một sức sinh lời hấp dẫn.

Một doanh nghiệp có quy mô doanh thu cao và lợi nhuận cao chưa hẳn là một doanh nghiệp hiệu quả, ví dụ một doanh nghiệp A có doanh thu 1000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ và một doanh nghiệp B có doanh thu 100 tỷ và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ. Rõ ràng so với quy mô thì doanh nghiệp B kém xa nhưng về tỷ suất lợi nhuận thì B vượt trội so với A (15% so với 10%).

Mối liên hệ của ROS với các chỉ số khác

Ngoài câu hỏi ROS là chỉ số gì, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn được đánh giá qua các chỉ số khác như ROA, ROE, ROI.

công thức tính ros
Mối liên hệ giữa ROA, ROE và ROS

Mối liên hệ giữa ROS và ROA

ROA (Return on asset) – Tỷ suất sinh lời trên tài sản là thước đo khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp hay nói cách khác mỗi đồng lợi nhuận được tạo ra từ bao nhiêu đồng tài sản.

Công thức tính:

ROA = (Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản) x100%

Từ công thức có thể kết luận rằng ROS và ROA luôn đồng pha với nhau, tức là tăng cùng tăng, giảm cùng giảm; dương cùng dương và âm cùng âm. 

Mối liên hệ giữa ROS và ROE

ROE (Return on Equity) – Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là thước đo khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của doanh nghiệp hay nói cách khác mỗi đồng lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ bao nhiêu đồng vốn.

Công thức tính

ROE = (Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu) x 100%

Vốn chủ sở hữu là một trong những yếu tố hình thành nên nguồn vốn của doanh nghiệp, từ đó hình thành nên các tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Chính vì vậy khi ROS tăng lên thì sẽ làm cho ROE tăng lên, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mối liên hệ giữa ROS và ROI

ROI (Return on investment) – Lợi tức đầu tư là thước đo hiệu quả của khoản đầu tư hay nói cách khác lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư.

Công thức tính

ROI = (Lợi nhuận sau thuế / Tổng vốn đầu tư) x 100%

Có thể thấy ROI đánh giá hiệu quả thông qua hoạt động đầu tư còn ROS đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Vì vậy khó có thể khẳng định giữa hai chỉ số này có sự liên quan với nhau trong hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi tìm hiểu được khái niệm ROS là chỉ số gì, cùng Stock Insight khám phá ứng dụng của chỉ số này trong đầu tư chứng khoán nhé!

Ứng dụng chỉ số ROS trong đầu tư chứng khoán

Tầm quan trọng của chỉ số ROS trong đầu tư chứng khoán

Đánh giá hiệu quả kinh doanh: ROS thể hiện tỷ lệ lợi nhuận từ doanh số bán hàng, nó cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. ROS càng cao doanh nghiệp càng tạo ra được nhiều lợi nhuận và lợi ích của cổ đông càng lớn.

So sánh giữa các doanh nghiệp: Sử dụng ROS để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các công ty cùng ngành từ đó chọn ra doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời tốt nhất ngành để đầu tư.

Để chọn lựa một doanh nghiệp đầu tư có chỉ số ROS cao thôi là chưa đủ, vì mỗi ngành có một đặc tính khác nhau nên phải so sánh ROS với các doanh nghiệp trong cùng một ngành để đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Ý nghĩa của chỉ số ROS trong đầu tư

Xác định công ty tiềm năng: Một doanh nghiệp có chỉ số ROS đang có xu hướng tăng có thể cho thấy đang có những dấu hiệu tiềm năng để đầu tư. Khi đó hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu cải thiện, lợi nhuận đang tăng và có thể sẽ còn tăng trưởng tốt trong tương lai (Cần phải theo dõi hàng quý để xác nhận doanh nghiệp vào giai đoạn tăng trưởng).

cách tính ros
Chỉ số ROS của FPT từ 2016 đến 2023

Trên hình là ROS của FPT, trong giai đoạn 2016 – 2018 có dấu hiệu tăng tốc, và sau đó duy trì trên 14%, nếu theo dõi ROS của FPT trong giai đoạn này bạn có thể đã đầu tư vào một doanh nghiệp tăng trưởng tốt bởi vì sau đó giá cổ phiếu FPT có xu hướng tăng mạnh.

chỉ số ros
Biểu đồ giá cổ phiếu FPT từ năm 2016 đến 2023

Quản lý danh mục đầu tư: Bạn đang quản lý một danh mục gồm những doanh nghiệp có hiệu suất sinh lời tốt, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ có những doanh nghiệp đang có hiệu suất sinh lời giảm dần. Thông qua việc hiểu ROS là chỉ số gì và đánh giá chúng sẽ cho biết những khoản đầu tư nào đang không hiệu quả hoặc có những dấu hiệu cho thấy có xu hướng giảm trong tương lai, từ đó sẽ giúp đưa ra quyết định cơ cấu sang những doanh nghiệp có hiệu suất tốt hơn.

Phân tích xu hướng tài chính: ROS tăng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng tạo ra dòng tiền mạnh hơn, cơ cấu tài chính tốt hơn. Bên cạnh đó việc ROS tăng cũng cho thấy doanh nghiệp đang quản lý chi phí một cách hiệu quả, giảm nợ vay,..điều đó cũng làm tình hình tài chính tốt hơn trong tương lai.

Cách đánh giá ROS trong chứng khoán

Chỉ số ROS tốt là bao nhiêu?

Như đã đề cập ở trên, mỗi ngành nghề có một đặc tính khác nhau nên ROS được xem là tốt còn phải phụ thuộc vào mỗi ngành. Việc đánh giá ROS là chỉ số gì và nó bao nhiêu là tốt cần phải so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành và so sánh với chính nó trong quá khứ.

Ví dụ đối với ngành Thép, theo dõi bảng dưới có thể thấy trong giai đoạn 2019 đến 2021, ROS của 4 doanh nghiệp ngành Thép đều tăng trưởng vượt bậc, trong đó HPG có ROS vượt trội so với những doanh nghiệp khác, điều đó cũng chứng tỏ vai trò đầu ngành của HPG. Trong năm 2022, ROS của các doanh nghiệp giảm mạnh cho thấy một giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch covid 19.

ros tính như thế nào
Ví dụ chỉ số ROS giai đoạn 2019 – 2021

Ưu điểm và hạn chế của chỉ số ROS

Ưu điểm của ROS

Dễ tính toán và sử dụng: Những số liệu dùng để tính toán có sẵn trên báo cáo tài chính nên ROS rất dễ tính. Việc sử dụng ROS cũng không quá phức tạp, như được đề cập ở trên, ROS được so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành và so với chính nó trong quá khứ.

Phản ánh hiệu quả kinh doanh thực tế: ROS thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và quản lý chi phí thực tế của doanh nghiệp.

Hạn chế của ROS

Không phản ánh đầy đủ tình hình tài chính của doanh nghiệp: Chỉ sử dụng ROS đánh giá doanh nghiệp tốt hay xấu là rất chủ quan, ROS không thể hiện được tình hình nợ, cấu trúc nguồn vốn, tính thanh khoản,…của doanh nghiệp. Vì vậy, để đánh giá đầy đủ cần phải xem xét đến nhiều chỉ số khác.

Có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn không bền vững: Những khoản lợi nhuận đột biến từ tài chính có thể làm cho ROS tăng đột biến không phản ánh được cấu trúc lợi nhuận chính của doanh nghiệp, từ đó làm sai lệch ý nghĩa của ROS. Khi phân tích ROS là chỉ số gì có thể loại ra những khoản bất thường để ROS thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó hơn.

Kết luận

Câu hỏi ROS là chỉ số gì đã được giải đáp. Đây là chỉ số tài chính quan trọng trong phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp và đầu tư chứng khoán. Những doanh nghiệp có chỉ số ROS tốt là những khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận tốt và rủi ro thấp cho nhà đầu tư.

Ngoài ROS, nhà đầu tư cần phải kết hợp thêm với những chỉ số tài chính khác để đưa ra những quyết định đầu tư tốt hơn vì bản thân ROS chưa phản ánh hết tình hình tài chính, những rủi ro của doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm về các chỉ số tài chính khác tại Stock Insight.

Quốc Dil
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Lãi ròng là gì

Lãi ròng là gì? Tầm quan trọng của lãi ròng đối với doanh nghiệp

Khi Warren Buffett – Nhà đầu tư huyền thoại tại phố Wall tìm kiếm những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững để đầu tư, điều đầu tiên...

cổ phiếu tăng trưởng

Cổ phiếu tăng trưởng là gì? 5 đặc điểm của cổ phiếu này

Cổ phiếu tăng trưởng là một loại cổ phiếu luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Doanh nghiệp phát hành loại cổ phiếu này là những doanh nghiệp có...

Chỉ số DXY

Bản chất chỉ số DXY (US Dollar Index) và tác động của DXY đến thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng phức tạp, việc hiểu rõ các chỉ số đo lường sức mạnh tiền tệ trở nên vô cùng quan...