Mua trong tham lam và bán trong sợ hãi: Đâu là lối thoát cho nhà đầu tư chứng khoán
“Mua trong tham lam, bán trong sợ hãi” là sai lầm phổ biến của nhiều nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán. Tâm lý này thường dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt, gây ra thua lỗ và mất cơ hội đầu tư dài hạn. Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng lặp cảm xúc này và đưa ra quyết định đúng đắn hơn? Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu nhé!
Mục Lục
Giải thích hiện tượng: Mua trong tham lam, bán trong sợ hãi
Hiện tượng “Mua trong tham lam, bán trong sợ hãi” là kết quả của khi nhà đầu tư ra quyết định mua/bán trong lúc đang bị cảm xúc chi phối. Thường xảy ra khi thị trường tăng/giảm mạnh, lúc này nhà đầu tư ra quyết định vội vàng do yếu tố cảm xúc mà không phải dựa trên việc đánh giá, phân tích lại theo phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Nguyên nhân của tâm lý “tham lam” và “sợ hãi”:
Tham lam: Khi giá cổ phiếu liên tục tăng mạnh, thị trường chung cũng ủng hộ xu hướng tăng, các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi đám đông (những người xung quanh, các bài chia sẻ kêu gọi mua trên không gian mạng, những “flex” lời khủng…). Nhà đầu tư bị thôi thúc việc mua vào giá cao với niềm tin xu hướng tăng đó sẽ tiếp tục, mà bỏ qua những yếu tố rủi ro cũng như không quan tâm giá trị thực của cổ phiếu.
Hy vọng mức lợi nhuận lớn: mong muốn nhanh chóng kiếm được khoản tiền lãi lớn, các nhà đầu tư bỏ qua tín hiệu cảnh báo mà thực hiện đầu tư tất cả, thậm chí còn vay mượn. Do tâm lý muốn lời nhanh, các nhà đầu tư lại càng có xu hướng lựa những cổ phiếu nghe đồn có “game”, cổ phiếu tăng mạnh mẽ. Mà không quan tâm đến định giá cổ phiếu hay rủi ro thua lỗ.
Sợ hãi: Khi giá cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ rằng nếu tiếp tục nắm giữ thì tài sản của mình cũng sẽ tụt không có điểm dừng. Kèm theo những nhận định về yếu tố thị trường xấu đi của đám đông, nhà đầu tư dễ đưa ra quyết định bán tháo, nhằm bảo toàn vốn trong ngắn hạn.
Với suy nghĩ, “còn tiền thì sẽ còn cơ hội”, “cơ hội không bao giờ là thiếu, chỉ có thiếu tiền”, “bán lúc này chứ không hết cơ hội”. Lúc này nhà đầu tư bán tháo do yếu tố tâm lý, mà bỏ qua việc đánh giá lại cổ phiếu mình đang nắm giữ.
Dẫn đến hệ quả:
Mua giá cao, bán giá thấp: Do ảnh hưởng của tâm lý khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu ở đỉnh và quyết định bán ra ở đáy. Lúc này ngoài mất mát tiền bạc còn khiến nhà đầu tư nghi ngờ chiến lược giao dịch của bản thân.
Bỏ lỡ cơ hội đầu tư dài hạn: Khi đã có một kế hoạch đầu tư hiệu quả, nhưng trong quá trình thực hiện khoản đầu tư, nhà đầu tư lại đi lệch kế hoạch mà để cảm xúc chi phối quyết định mua/bán trong ngắn hạn dẫn tới không thể nắm giữ tài sản đủ lâu để tận dụng hết đà tăng trưởng của cổ phiếu đó.
Vòng lặp tiêu cực: Khi các quyết định sai lầm lập đi lập lại, tạo nên chuỗi thua lỗ, làm nhà đầu tư dần mất niềm tin và khả năng tự kiểm soát. Nhà đầu tư nghi ngờ bản thân, đưa ra các chiến lược giao dịch ngày càng kém hiệu quả.
Tại sao nhà đầu tư dễ mắc kẹt trong vòng lặp này?
Tâm lý đám đông:
- Áp lực từ xu hướng chung của thị trường: khi thị trường tăng mạnh, đám đông dễ bị lôi vào vòng xoáy lạc quan, khi quyết định mua nào cũng mang lại lợi nhuận càng ủng hộ cho sự lạc quan.
- Ngược lại, khi thị trường giảm mạnh tâm trạng của phần lớn nhà đầu tư đều xấu, những người bán sớm khiến cổ phiếu tiếp tục giảm, mang lại tâm lý bán sau sẽ không còn cơ hội dẫn tới tâm lý bo quan lan rộng, kích hoạt làn sóng bán tháo hàng loạt. Nhà đầu tư cá nhân hay tham khảo ý kiến từ mạng xã hội, hội, nhóm kín đầu tư chứng khoán sẽ càng dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung này.
- Nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khi thấy người khác kiếm lời: đây là cảm giác sợ hết cơ hội, bỏ lỡ cơ hội (fomo), nên khi nhận thấy nhiều người đang mua vào cổ phiếu và ngay lập tức có lời trong phiên nhà đầu tư hành động ngay lập tức. Điều này dẫn tới các nhà đầu tư cá nhân mua vào khi giá đang cao với kỳ vọng bán giá cao hơn.
>> Xem thêm: FOMO là gì? 5 Cách đánh bại bẫy FOMO trong chứng khoán
Thiếu kiến thức và kế hoạch đầu tư:
- Nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm đến biến động giá ngắn hạn mà không phân tích giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Họ dễ dàng bị cuốn theo xu hướng mà không hiểu rõ rủi ro và tiềm năng thực sự.
- Trong môi trường biến động, những nhà đầu tư không có kế hoạch cụ thể dễ rơi vào trạng thái hoang mang, dẫn đến các quyết định ngẫu hứng hoặc cảm tính, thay vì dựa vào phân tích và dữ liệu.
Chưa kiểm soát được cảm xúc cá nhân:
- Sự “tham lam” khi thị trường tăng và “sợ hãi” khi thị trường giảm làm mờ lý trí của nhà đầu tư, chấp nhận bị cảm xúc chi phối thay vì dựa trên dữ liệu và phân tích. Thay vì cân nhắc lợi ích dài hạn, họ thường đưa ra quyết định nhất thời.
- Phản ứng tức thời với biến động thị trường: Nhà đầu tư thường quá tập trung vào các thay đổi ngắn hạn của thị trường, dẫn đến việc bán cổ phiếu sớm khi giá giảm hoặc mua vào khi giá đã tăng cao. Điều này khiến họ mất đi cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận dài hạn.
>> Xem thêm: Giao dịch theo cảm tính: Đâu là lối thoát?
Lối thoát cho nhà đầu tư chứng khoán
Bước 1: Thay đổi tư duy đầu tư
Hiểu rằng thị trường là một trò chơi dài hạn:
- Thay vì chạy theo những lợi nhuận nhỏ trong ngắn hạn hãy tập trung vào những giá trị cốt lõi của cổ phiếu, đánh giá sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp để có thể có những khoản đầu tư hiệu quả, nhưng không tốn quá nhiều thời gian để bám sát thị trường.
- Luôn nhớ rằng “Đầu tư không phải là dự đoán mà là quản lý rủi ro.” Có kế hoạch giao dịch rõ ràng, kiểm soát mọi rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư, xác định được mức rủi ro lớn nhất có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn tâm lý cho những điều sẽ xảy ra, giúp nhà đầu tư tránh bị cảm xúc ảnh hưởng đến kế hoạch giao dịch.
Nhìn nhận rủi ro một cách tích cực:
- Nhìn nhận từ nhiều hướng, thị trường giảm không phải chỉ có thua lỗ mà còn là dấu hiệu cho một cơ hội mua được cổ phiếu giá tốt sắp xuất hiện.
- Các quyết định đầu tư nên được đưa ra dựa trên căn cứ dữ liệu, phân tích chứ không phải chi phối cảm xúc.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch đầu tư rõ ràng
Lập danh mục đầu tư phù hợp:
- Đa dạng hóa tài sản bằng cách đầu tư vào các loại cổ phiếu khác nhau (ví dụ: cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu giá trị, cổ phiếu cổ tức).
- Xác định tỷ lệ phân bổ tài sản hợp lý để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.
Đặt mục tiêu rõ ràng:
- Xác định trước ngưỡng chốt lời và cắt lỗ để tránh đưa ra quyết định theo cảm tính.
- Gắn bó với chiến lược đã đặt ra, ngay cả khi thị trường biến động ngắn hạn, để đảm bảo đạt được mục tiêu dài hạn.
>> Xem thêm: Làm thế nào để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả?
Bước 3: Rèn luyện tâm lý đầu tư
Kiểm soát cảm xúc:
- Nhận diện và đối mặt với cảm xúc “tham lam” và “sợ hãi” khi chúng xuất hiện.
- Học hỏi về tâm lý thị trường để hiểu rõ hơn về cách các yếu tố kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến hành vi đầu tư.
Tự đặt câu hỏi trước mỗi quyết định:
- “Tôi đang mua/bán vì lý do gì?”
- “Quyết định này dựa trên cảm xúc hay dữ liệu?”
>> Xem thêm: Tư duy như ông chủ Casino: Bài học về quản trị rủi ro và quản lý cảm xúc
Bước 4: Sử dụng công cụ và hỗ trợ chuyên gia
Ứng dụng công cụ phân tích: Sử dụng các phần mềm quản lý danh mục đầu tư hoặc nền tảng phân tích dữ liệu để đánh giá hiệu suất đầu tư và mức độ rủi ro. Các công cụ này giúp loại bỏ yếu tố cảm xúc bằng cách cung cấp các báo cáo và dự báo dựa trên dữ liệu thực tế.
Tham khảo ý kiến chuyên gia tài chính: Làm việc với cố vấn tài chính chuyên nghiệp để xây dựng và điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp với mục tiêu cá nhân.
Câu chuyện thực tế: Bài học từ những nhà đầu tư thông thái
Warren Buffett:
Triết lý: Warren Buffett, được mệnh danh là “Nhà tiên tri của Omaha,” nổi tiếng với câu nói:“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi.” Triết lý này khuyến khích nhà đầu tư đi ngược lại tâm lý đám đông. Thay vì chạy theo sự lạc quan thái quá hoặc hoảng loạn của thị trường, ông tập trung vào giá trị thực và tiềm năng dài hạn của doanh nghiệp.
Cách tiếp cận thị trường: Ông coi những đợt suy thoái là cơ hội, thay vì rủi ro, để tích lũy tài sản chất lượng.
- Đầu tư khi thị trường suy yếu: Khi thị trường giảm mạnh, tâm lý chung là lo ngại và rút vốn. Tuy nhiên, Buffett nhận thấy đây là thời điểm lý tưởng để mua cổ phiếu giá trị, vốn đang bị định giá thấp bởi cảm xúc tiêu cực của đám đông.
- Buffett không tập trung vào biến động giá ngắn hạn. Thay vào đó, ông phân tích kỹ lưỡng các yếu tố như dòng tiền, lợi nhuận, và tiềm năng phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Ông thường đầu tư vào những công ty có thương hiệu mạnh, lợi thế cạnh tranh bền vững, và đội ngũ quản lý tốt.
Bài học rút ra: Warren Buffett đã chứng minh rằng đầu tư thành công không chỉ đòi hỏi kiến thức, mà còn cần sự kiểm soát cảm xúc và kiên nhẫn. Triết lý của ông là kim chỉ nam cho những nhà đầu tư muốn vượt qua vòng lặp “tham lam và sợ hãi” để đạt được lợi nhuận bền vững.
>> Xem thêm: 5 nguyên tắc đầu tư giá trị của huyền thoại Warren Buffett
Kết luận
Đầu tư chứng khoán không chỉ là câu chuyện về kiến thức hay chiến lược, mà còn là bài học về việc kiểm soát cảm xúc và tâm lý. Hiện tượng “mua trong tham lam, bán trong sợ hãi” là thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để nhà đầu tư nhận ra những sai lầm, điều chỉnh tư duy và nâng cao kỹ năng. Thay vì bị cuốn theo tâm lý đám đông, hãy tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược rõ ràng và kiên định với mục tiêu dài hạn.
Bằng việc rèn luyện tâm lý và sử dụng các công cụ hỗ trợ đầu tư, bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi vòng lặp cảm xúc, đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và đạt được sự thành công bền vững trên thị trường chứng khoán. Như Warren Buffett từng nói, hãy biết “tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam” để biến khó khăn thành cơ hội, vững vàng trên hành trình đầu tư của mình.
Bạn có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về đầu tư tài chính, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Nguyễn Thị Vui
Account Manager