Chứng khoán phái sinh là gì? Những quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh (Phần 1)

Ngày đăng: 01/11/2024 lượt xem

Thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển đáng kể kể từ khi ra mắt vào năm 2017. Với sự đa dạng hóa các công cụ tài chính và nhu cầu quản lý rủi ro ngày càng tăng của nhà đầu tư, CKPS đang trở thành một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại thời điểm cuối tháng 8 năm 2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 1.744.236 tài khoản, tăng 1,38% so với cuối tháng 7/2024 và có mức tăng trưởng mạnh kể từ khi thành lập.

Trong bài viết này, Stock Insight sẽ cùng bạn khám phá cụ thể chứng khoán phái sinh là gì, các quy định về đầu tư và các cơ hội cũng như thách thức với loại hình đầu tư này.

Chứng khoán phái sinh là gì?

Khái niệm cơ bản

Chứng khoán phái sinh là một trong 4 loại của chứng khoán. Chứng khoán phái sinh được định nghĩa tại khoản 9 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 như sau:

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 về chứng khoán bao gồm các loại sau đây:

  • Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  • Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  • Chứng khoán phái sinh;
  • Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Chứng khoán phái sinh cũng tương tự chứng khoán truyền thống, là một trong các loại chứng khoán, và là các tài sản được quy định theo Luật. Tuy nhiên, công cụ này vẫn có những điểm khác biệt như: Đây là những hợp đồng có giá trị phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở khác (có thể là chứng khoán, hàng hóa, chỉ số,…) tức là Giá trị được quyết định bởi giá của một tài sản khác.

Các loại chứng khoán phái sinh

Các loại chứng khoán phái sinh

Hợp đồng tương lai (Futures): là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

a) Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

b) Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

>> Xem thêm: Tổng quan kiến thức về hợp đồng tương lai

Hợp đồng quyền chọn (Options): là loại chứng khoán phái sinh xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

a) Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

b) Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Hợp đồng hoán đổi (Swaps): là một loại hợp đồng tài chính được ký kết giữa hai bên đối tác với mục tiêu trao đổi các luồng tiền hay tài sản khác nhau trong một khoảng thời gian cụ thể, và theo một phương thức được định sẵn giữa hai bên.

Hợp đồng kỳ hạn (Forwards): là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

>> Xem thêm: Phân biệt 3 loại hợp đồng trong chứng khoán phái sinh

Chức năng và lợi ích

Chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính phức tạp nhưng lại vô cùng hữu ích trong thị trường tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro và góp phần vào sự ổn định của thị trường.

Những quy định về đầu tư chứng khoán phái sinh

Quy định chung

Chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được quy định trong Luật chứng khoán 2019, Nghị định 158/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác. 

Quy định về giao dịch

Mở tài khoản: Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cần mở tài khoản tại một công ty chứng khoán có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này.

>>> Mở tài khoản giao dịch Chứng khoán phái sinh

Yêu cầu về vốn: Nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về số dư tài khoản ký quỹ để đảm bảo khả năng thanh toán các nghĩa vụ phát sinh.

Loại sản phẩm: Hiện nay, hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 là sản phẩm phái sinh chính được giao dịch trên thị trường Việt Nam. HĐTL chỉ số VN30 là loại HĐTL có tài sản cơ sở là chỉ số VN30, mô phỏng kỳ vọng giá của chỉ số VN30. Mỗi HĐTL có một mã riêng tương tự như cổ phiếu, được quy ước theo quy tắc nhất định và chứa đựng thông tin về hợp đồng đó. Ví dụ, Hợp đồng có mã VN30F2407 bao gồm các thông tin: “VN30F” là Hợp đồng tương lai của chỉ số VN30. “24” là năm 2024 và “07” là tháng đáo hạn của Hợp đồng.

Thời gian giao dịch: Giờ giao dịch chứng khoán phái sinh được quy định cụ thể và có thể thay đổi theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán. Khung giờ giao dịch hiện tại: Phiên ATO từ 8h45-9h00; Khớp lệnh liên tục: 9h00-11h30 và 13h00-14h30, Phiên ATC từ 14h30-14h45.

Phương thức giao dịch: Nhà đầu tư có thể giao dịch trực tuyến thông qua các phần mềm giao dịch của công ty chứng khoán hoặc giao dịch qua điện thoại.

Nguyên tắc khớp lệnh: Các lệnh giao dịch sẽ được khớp lệnh tự động theo nguyên tắc ưu tiên về giá trước ưu tiên thời gian.

Biên độ giao động giá: Giá của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được quy định biên độ giao động trong một phiên giao dịch để tránh những biến động quá lớn, biên độ giao động không quá 7%/phiên giao dịch.

Quy định về rủi ro và bảo đảm

Quy mô và hệ số nhân hợp đồng: Mỗi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có một quy mô và hệ số nhân hợp đồng cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền ký quỹ và lợi nhuận/lỗ lỗ của nhà đầu tư. Hệ số nhân hiện tại là 100.000 đồng, tức giá trị hợp đồng bằng 100.000 đồng × điểm chỉ số VN30.

Xác định giá trị ký quỹ: Trước khi giao dịch đảm bảo mức ký quỹ ban đầu và tỉ lệ sử dụng tài sản ký quỹ (TSKQ): Giá trị ký quỹ ban đầu = Hệ số nhân HĐ * Số lượng HĐ * Giá giao dịch cuối * 17% (theo thông báo Tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với HĐTL chỉ số VN30 hiệu lực từ ngày 16/08/2024 của VSD)

Đáo hạn hợp đồng: Hợp đồng tương lai có thời hạn nhất định, khi đến hạn, nhà đầu tư phải quyết định giữ hoặc đóng vị thế.

Phương thức và thời gian thanh toán: Việc thanh toán lợi nhuận hoặc lỗ được thực hiện theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán. Hiện tại, giá đáo hạn phái sinh là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.

Cơ hội và thách thức trong đầu tư chứng khoán phái sinh

Cơ hội

  • Tăng cường lợi nhuận từ biến động thị trường: Việc hợp đồng phái sinh VN30 có thể Short (Bán) trước là 1 trong những yếu tố vượt trội so với chứng khoán cơ sở, có thể là 1 phương án phòng ngừa (hedging) cho danh mục đầu tư. Khi thị trường cơ sở đi xuống, chỉ số VN30 giảm, sẽ mang lại lợi nhuận cho các vị thế Short. Chứng khoán phái sinh giúp các nhà đầu tư bảo vệ giá cả đầu vào hoặc đầu ra của sản phẩm, dịch vụ, tránh những biến động bất ngờ của thị trường.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư kiếm lời cả khi thị trường tăng hoặc giảm, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận từ việc dự đoán đúng xu hướng biến động của thị trường, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro tập trung vào một loại tài sản cụ thể.

Thách thức

  • Rủi ro cao: Giao dịch chứng khoán phái sinh tiềm ẩn rủi ro rất cao, nhà đầu tư có thể mất toàn bộ số tiền đầu tư. 
  • Cần kiến thức chuyên môn: Chứng khoán phái sinh có tính biến động cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm để quản lý rủi ro. Để tham gia giao dịch, nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, các sản phẩm phái sinh và các quy định liên quan.

Kết luận

Chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính đa năng, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc hiểu rõ về các chức năng và đặc điểm của chứng khoán phái sinh là rất quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Cơ chế hoạt động của chứng khoán phái sinh khá phức tạp, cần thời gian để hiểu rõ. Nhà đầu tư nên tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tài chính trước khi quyết định tham gia thị trường.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 2: Cách đầu tư chứng khoán phái sinh cho người mới bắt đầu
Phần 3: Cách quản lý rủi ro trong đầu tư chứng khoán Phái Sinh
Phần 4: Các sai lầm thường gặp khi đầu tư chứng khoán Phái Sinh

 Sơn Mai
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Trái phiếu là gì? Phân biệt trái phiếu và cổ phiếu (Phần 1)

Trái phiếu là gì? Phân biệt trái phiếu và cổ phiếu (Phần 1)

Trái phiếu và cổ phiếu đều là những công cụ đầu tư phổ biến, nhưng chúng khác biệt về bản chất và cách thức hoạt động. Trong bài viết này,...

Lãi suất trái phiếu – Khái niệm cùng công thức tính cực dễ

Lãi suất trái phiếu là một khía cạnh quan trọng của thế giới tài chính mà hầu hết chúng ta gặp phải hàng ngày mà không hề nhận ra. Từ...

Hành trình của nhà đầu tư chứng khoán: Giai đoạn đầu tiên (Phần 1)

Hành trình của nhà đầu tư chứng khoán: Giai đoạn đầu tiên (Phần 1)

Khi bắt đầu hành trình vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư mới thường đối mặt với thách thức lớn: xác suất thành công không cao. Nguyên nhân...