Chỉ báo KST: Công cụ nhận diện xu hướng tăng giảm đáng tin cậy

Ngày đăng: 03/01/2025 lượt xem

Chỉ báo KST (Know Sure Thing) là một công cụ phân tích kỹ thuật mạnh mẽ, giúp nhà đầu tư xác định chính xác sức mạnh và hướng đi của xu hướng giá trên thị trường. Vậy KST là gì, điều gì làm tác giả chỉ báo này dám đặt cho nó cái tên “Chỉ báo Chắc chắn”, và làm sao để sử dụng KST giao dịch có hiệu quả, tất cả sẽ được làm rõ trong bài viết này.

Chỉ báo KST là gì?

Chỉ báo KST (Know Sure Thing) là một chỉ báo dao động động lượng trong phân tích kỹ thuật, dựa trên tốc độ thay đổi giá, hay còn gọi là chỉ số ROC (Rate of Change). Chỉ báo được tạo ra bởi Martin J. Pring, một nhà phân tích kỹ thuật nổi tiếng và tác giả trong lĩnh vực đầu tư và tài chính. Martin Pring phát triển KST nhằm giúp các nhà giao dịch xác định sức mạnh của xu hướng giá và tìm kiếm các tín hiệu giao dịch dựa trên động lượng.

Chỉ báo KST là sự kết hợp bốn khung thời gian ROC khác nhau và làm mượt chúng bằng đường trung bình động đơn giản (SMA), tạo nên một chỉ báo dao động động lượng duy nhất. KST được sử dụng để phát hiện các tín hiệu phân kỳ, tín hiệu giao cắt, và các tín hiệu dao động trong khoảng giữa.

Cấu trúc của KST gồm các đường tín hiệu và đường chỉ báo chính. 

Chỉ báo KST
Hình: Chỉ báo KST với Đường KST màu xanh và Đường tín hiệu màu đỏ
  • Đường KST (đường chỉ báo chính-màu xanh): Thể hiện động lượng của xu hướng giá tổng quát. Dùng để theo dõi sức mạnh và độ dốc của xu hướng.
  • Đường tín hiệu (màu đỏ): Là SMA của đường KST, giúp tạo các tín hiệu giao cắt với đường KST. Được sử dụng làm ngưỡng để xác định các tín hiệu mua/bán.

Công thức tính chỉ báo KST

Công thức áp dụng cho cho tham số KST (10, 15, 20, 30, 10, 10, 10, 15, 9)

KST = SMA10 (ROC10) x1 +  SMA10 (ROC15) x2 + SMA10 (ROC 20) x3 + SMA15 (ROC30) x4

Signal Line = SMA9 của KST

Trong đó:

  • SMA là đường trung bình động đơn giản, làm mượt tỷ lệ thay đổi giá của từng chu kỳ.
  • ROC là tỷ lệ thay đổi giá (Rate of Change) của từng chu kỳ nhất định.

Công thức tính ROC: 

Công thức ROC - Chỉ báo KST

SMA10 (ROC10)  là SMA10 của ROC 10

SMA10 (ROC15)  là SMA10 của ROC 15

SMA10 (ROC 20)  là SMA10 của ROC 20

SMA15 (ROC30)  là SMA15 của ROC 30

Công thức tính SMAm (ROCn):   

Chỉ báo KST - Công thức SMA

1,2,3,4 là trọng số, với khung thời gian ngắn nhất có trọng thấp nhất 1, khung thời gian dài nhất có trọng số lớn nhất 4. 

Các tham số của chỉ báo KST

Chỉ báo KST thường được cài đặt với các tham số (10, 15, 20, 30, 10, 10, 10, 15, 9), các tham số này có ý nghĩa:

10, 15, 20, 30: Các giá trị đầu tiên trong thiết lập này xác định các chu kỳ Rate of Change (ROC) được sử dụng.

  • ROC(10): Xác định mức độ thay đổi của giá trong chu kỳ 10 ngày, phản ánh động lượng ngắn hạn.
  • ROC(15): Xác định mức độ thay đổi của giá trong chu kỳ 15 ngày, phản ánh động lượng ngắn – trung hạn.
  • ROC(20): Xác định mức độ thay đổi của giá trong chu kỳ 20 ngày, phản ánh động lượng trung hạn.
  • ROC(30): Xác định mức độ thay đổi của giá trong chu kỳ 30 ngày, phản ánh động lượng dài hạn.

Ý nghĩa: Việc sử dụng nhiều chu kỳ ROC khác nhau giúp kết hợp cả xu hướng ngắn hạn và dài hạn trong chỉ báo KST.

10, 10, 10, 15: Các đường trung bình động đơn giản (SMA) làm mượt ROC.

  • SMA(10) cho ROC(10): Làm mượt động lượng ngắn hạn.
  • SMA(10) cho ROC(15): Làm mượt động lượng ngắn – trung hạn.
  • SMA(10) cho ROC(20): Làm mượt động lượng trung hạn.
  • SMA(15) cho ROC(30): Làm mượt động lượng dài hạn.

Ý nghĩa: Việc làm mượt bằng SMA giúp giảm nhiễu và tập trung vào xu hướng chính, loại bỏ biến động ngẫu nhiên trong mỗi chu kỳ ROC.

9: Đường tín hiệu (Signal Line – SMA(9) của KST)

SMA(9) của KST: Đường tín hiệu này là một SMA với chu kỳ 9, được tính từ chỉ báo KST.

Ý nghĩa: Đường tín hiệu SMA(9) này dùng để tạo ra các điểm giao cắt với chính KST, tạo ra tín hiệu mua và bán.

Ứng dụng chỉ báo KST để nhận diện xu hướng

Nhận diện xu hướng

1. Xác định xu hướng tăng

Chỉ báo KST cắt lên đường tín hiệu: Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy xu hướng tăng có thể bắt đầu.

KST tăng lên trên mức 0: Khi KST tăng lên và vượt qua mức 0, xu hướng tăng càng được củng cố. Việc duy trì trên mức 0 cho thấy động lượng tích cực và giá có thể sẽ tiếp tục tăng.

Đường KST và đường tín hiệu đều dốc lên: Nếu cả hai đường đều dốc lên, đó là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng mạnh mẽ và ổn định.

2. Xác định xu hướng giảm

Chỉ báo KST cắt xuống đường tín hiệu: Đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy xu hướng giảm đang hình thành.

KST giảm xuống dưới mức 0: Khi KST giảm và xuyên qua mức 0, điều này củng cố xu hướng giảm. Động lượng tiêu cực có thể gia tăng khi KST đi sâu hơn dưới mức 0.

Đường KST và đường tín hiệu đều dốc xuống: Nếu cả hai đường đều dốc xuống, điều này cho thấy xu hướng giảm mạnh và có thể kéo dài.

Xác định các điểm giao cắt (Signal Line Crossover)

Các điểm giao cắt giữa KST line và Signal line là điểm giao dịch tiềm năng, cho thấy khả năng đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng hiện tại.

Giao cắt lên (Bullish Crossover): Khi chỉ báo KST cắt lên trên đường tín hiệu, đây là tín hiệu mua (Bullish Crossover). Nếu điểm giao cắt xảy ra khi KST ở vùng quá bán, khả năng hình thành một xu hướng tăng mạnh sẽ cao hơn.

Giao cắt xuống (Bearish Crossover): Khi chỉ báo KST cắt xuống dưới đường tín hiệu, đây là tín hiệu bán (Bearish Crossover). Nếu điểm giao cắt xảy ra khi KST ở vùng quá mua, khả năng hình thành một xu hướng giảm mạnh sẽ cao hơn.

Các lưu ý khi đọc chỉ số KST

Chỉ báo KST trên mức 0: Xác nhận động lượng tăng, KST dưới mức 0: Xác nhận động lượng giảm.

  • Xu hướng tăng sẽ càng mạnh khi KST cắt lên đường tín hiệu từ các vùng quá bán (oversold). Đây thường là điểm khởi đầu cho một đợt tăng trưởng mới.
  • Xu hướng giảm sẽ càng mạnh khi KST cắt xuống đường tín hiệu từ các vùng quá mua (overbought), báo hiệu sự đảo chiều từ xu hướng tăng sang giảm.

Vùng quá mua/bán không có giá trị cụ thể, nó được xác định trong khoảng giá trị 100 đến khoảng 200 (quá bán), và -100 đến khoảng -200 (quá mua).

Cần chú ý khi có tín hiệu giao cắt nhưng chưa rõ ràng hoặc không có sự đồng nhất giữa KST và đường tín hiệu. Đường KST và đường tín hiệu càng xa nhau thể hiện cho một xu hướng mạnh.

Các chiến lược giao dịch với chỉ báo KST

Chiến lược giao dịch theo xu hướng

Chỉ báo KST - KST duy trì trên mức 0 trong xu hướng tăng dài hạn
Hình: KST duy trì trên mức 0 trong xu hướng tăng dài hạn

Cách thức: Chỉ báo KST có thể giúp xác định xu hướng dài hạn. Nếu KST vượt qua mức 0 từ dưới lên, đây là tín hiệu xu hướng tăng, ngược lại nếu KST vượt qua mức 0 từ trên xuống, đây là tín hiệu xu hướng giảm.

Kết hợp với đường giá: Xác nhận tín hiệu KST với các mức hỗ trợ và kháng cự. Ví dụ, nếu KST báo tín hiệu tăng và giá đang ở trên mức hỗ trợ mạnh, xác suất giá tiếp tục xu hướng tăng sẽ cao hơn.

Điểm vào lệnh: Khi giá đang trong xu hướng tăng, ở những nhịp điều chỉnh, khi dường KST cắt lên lại đường tín hiệu (giữ trên mức 0). Không sử dụng chiến lược này trong xu hướng giảm đê giao dịch ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Chiến lược giao dịch đảo chiều

Chỉ báo KST - Minh họa Phân kỳ tăng
Hình: Minh họa Phân kỳ tăng

Chỉ báo KST cũng có thể dùng để nhận diện các tín hiệu đảo chiều khi có sự phân kỳ giữa giá và KST. Nếu giá tiếp tục tạo đỉnh mới cao hơn, nhưng KST không tạo đỉnh mới cao hơn (phân kỳ giảm), đó là dấu hiệu đảo chiều có thể xảy ra. Nếu giá tiếp tục giảm, nhưng KST lai di chuyển tăng lên về gần 0, tạo phân kỳ tăng thì đó là dấu hiệu cho một đợt tăng có thể diễn ra.

Nhận diện sớm tín hiệu đảo chiều khi xảy ra giao cắt ở vùng quá mua/bán:

Chỉ báo KST - xuất hiện giao cắt xuống ở vùng quá mua, ngày 13.11 giao cắt lên ở vùng quá bán
Hình: Ngày 27.9 và 8.7 xuất hiện giao cắt xuống ở vùng quá mua, ngày 13.11 giao cắt lên ở vùng quá bán

Khi cổ phiếu duy trì đà tăng trong dài hạn, dẫn tới KST duy trì ở mức cao liên tục, tạo nên vùng quá mua. Ở những vùng này khi đường KST cắt xuống đường tín hiệu, là dấu hiệu sớm cho thấy có thể xuất hiện đảo chiều, sắp mở ra xu hướng giảm. (Ví dụ: Ngày 27.9 và ngày 8.7 trong hình).

Ngược lại, khi cổ phiếu giảm trong thời gian dài, KST duy trì mức thấp, tạo nên vùng quá bán. Ở vùng quá bán xuất hiện giao cắt lên (KST cắt lên đường tín hiệu). Đây là dấu hiệu sớm cho thấy có thể xuất hiện đảo chiều, sắp mở ra xu hướng tăng. (Ví dụ: Ngày 13.11 trong hình).

Lưu ý khi sử dụng chỉ báo KST trong giao dịch thực tế

Xác định thời gian phù hợp cho giao dịch: Việc chọn chu kỳ dài hay ngắn cho KST tùy thuộc vào phong cách giao dịch của bạn. Cài đặt lại các tham số để phù hợp chiến lược: Ngắn hạn với đồ thị ngày: KST(10,15,20,30,10,10,10,15,9), Trung hạn khi để đồ thị tuần hoặc tháng:   KST(10,13,15,20,10,13,15,20,9).

Kiểm tra tín hiệu sai: Một vấn đề phổ biến khi sử dụng chỉ báo KST là tín hiệu không rõ ràng hoặc bị nhiễu. Để lọc nhiễu, có thể kết hợp KST với các công cụ khác như các chỉ báo xu hướng (MA, MACD) hoặc chỉ báo dao động (RSI, Stochastic). Khi các chỉ báo khác cũng đồng thuận với KST, tín hiệu sẽ mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn.

Chỉ báo KST - Trong 12 tháng, KST cho 13 tín hiệu mua bán, nhưng có 7 là tín hiệu nhiễu, bị sai
Hình: Trong 12 tháng, KST cho 13 tín hiệu mua bán, nhưng có 7 là tín hiệu nhiễu, bị sai

Kết luận

Chỉ báo KST là một công cụ mạnh mẽ để xác định động lượng và hướng đi của xu hướng giá, đặc biệt qua các điểm giao cắt. Nhưng để giao dịch hiệu quả nhất trước khi áp dụng KST vào giao dịch thực tế, nhà đầu tư nên thử nghiệm chiến lược với dữ liệu quá khứ để đánh giá hiệu quả của chỉ báo trong các điều kiện thị trường khác nhau. Việc này giúp điều chỉnh chu kỳ và chiến lược cho phù hợp hơn với phong cách giao dịch và sản phẩm tài chính đang giao dịch.

Và nếu bạn là nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, HSC ONE sẽ là ứng dụng lý tưởng để bạn bắt đầu hành trình đầu tư một cách hiệu quả, cùng khám phá ngay hôm nay!

Hoàng Thị Ngọc
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Lạm phát là gì?

Lạm phát là gì? 4 Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát

Lạm phát là gì? Lạm phát (Inflation) là sự gia tăng giá cả, sự suy giảm sức mua theo thời gian và sự mất giá của đồng tiền. Tốc độ...

đầu tư chứng khoán

Hướng dẫn đầu tư chứng khoán hiệu quả cho người mới bắt đầu

Đầu tư chứng khoán có thể là một cơ hội hấp dẫn để xây dựng tài sản cá nhân, nhưng đối với người mới, nó có thể trở nên phức...

Bull Trap là gì? Cách phòng tránh Bull Trap khi đầu tư chứng khoán

Bull Trap là gì? Cách phòng tránh Bull Trap khi đầu tư chứng khoán

Việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không bao giờ là dễ dàng với các nhà đầu tư mới vì thị trường và cổ phiếu luôn biến...