Khấu hao là gì? Phương pháp tính khấu hao tài sản cố định

Ngày đăng: 23/04/2023 lượt xem

Khấu hao là gì?

Khấu hao là quá trình xác định, tính toán và phân bổ giá trị hao mòn của tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng. Trong kế toán, khấu hao tài sản cố định thường được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt quãng thời gian sử dụng của tài sản cố định.

Công ty áp dụng khấu hao để phân chia chi phí sở hữu tài sản trong thời gian dài. Điều này giúp giảm bớt áp lực tài chính ban đầu vì họ không cần trả toàn bộ tiền ngay lập tức. Nếu không tính toán khấu hao, lợi nhuận của công ty có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Họ cũng có thể khấu hao tài sản lâu dài cho mục đích kế toán và thuế. Khi nghiên cứu về khấu hao, người ta thường so sánh với việc trả góp, để tính sự thay đổi giá trị theo thời gian của các tài sản vô hình.

Khấu hao là gì?
Khấu hao là gì?

Khấu hao tài sản cố định là gì?

Khấu hao tài sản cố định là quá trình phân bổ chi phí mua tài sản cố định, như máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nhà xưởng,…theo thời gian sử dụng. Việc khấu hao giúp doanh nghiệp phân bổ chi phí đầu tư cho tài sản cố định thành nhiều năm và không tính toán toàn bộ chi phí đầu tư trong năm đầu tiên.

Thông thường, giá trị của tài sản cố định sẽ giảm dần theo thời gian do sự sử dụng và mòn hao tự nhiên, thêm vào đó khấu hao cho phép doanh nghiệp phản ánh giá trị hữu dụng của tài sản cố định trong mỗi năm.

Phương pháp tính khấu hao tài sản cố định

Phương pháp khấu hao đường thẳng (Straight-Line)

Khấu hao đường thẳng là cách ghi nhận khấu hao đơn giản nhất. Phương pháp này báo cáo một khoản chi phí khấu hao bằng nhau mỗi năm trong suốt thời gian sử dụng tài sản đến khi tài sản được khấu hao hoàn toàn đến giá trị còn lại.

Công thức tính như sau:

Khấu hao đường thẳng = (Giá trị của tài sản – Giá trị còn lại) / Thời gian sử dụng của tài sản

Giả sử một công ty mua một máy móc với giá 500 triệu đồng. Công ty quyết định giá trị còn lại (giá trị tài sản sau khi khấu hao) là 100 triệu đồng và thời gian sử dụng là 5 năm. Dựa trên những giả định này, số tiền khấu hao được tính là 500.000.000 – 100.000.000 = 400.000.000 đồng

Khấu hao hàng năm bằng phương pháp đường thẳng được tính bằng cách chia số tiền khấu hao tính được cho tổng số năm sử dụng. Trong trường hợp này, số tiền khấu hao hàng năm là 400.000.000 / 5 = 80.000.000 đồng. Điều này dẫn đến một tỷ lệ khấu hao là 80.000.000 / 400.000.000 = 20%.

Ngoài ra, ta cũng có thể tính Tỷ lệ khấu hao này theo công thức: Tỷ lệ khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng = [1/(Thời gian sử dụng của tài sản) ]x 100 = ⅕ X100 = 20%

Dựa theo ví dụ trên ta có thể rút ra một vài ưu và nhược điểm của phương pháp khấu hao này như sau:

Ưu điểm:

  • Dễ tính toán và theo dõi chi phí sở hữu tài sản.
  • Phân bổ đồng đều chi phí qua thời gian, tránh tình trạng tập trung chi phí lớn vào giai đoạn đầu.

Nhược điểm:

  • Không phản ánh chính xác mức độ hao mòn của tài sản theo thời gian, đặc biệt là nếu mòn không đều.
  • Không áp dụng tốt cho các tài sản có mức độ hao mòn không đều hoặc không tuân theo quy luật theo dõi tuyến tính.

Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần (Declining Balance)

Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần là một hệ thống khấu hao tăng tốc, ghi nhận các khoản khấu hao lớn hơn trong những năm đầu tiên của tuổi thọ hữu ích của tài sản và ghi nhận các khoản khấu hao nhỏ hơn trong những năm sau đó.

Công thức tính như sau:

Khấu hao theo số dư giảm dần = CBV x DR

Trong đó:

  1. Giá trị sổ sách hiện tại (CBV) là giá trị ròng của tài sản vào đầu kỳ kế toán, được tính bằng cách khấu trừ khấu hao lũy kế khỏi nguyên giá của tài sản cố định. Giá trị còn lại (giá trị thanh lý) của tài sản là giá trị còn lại ước tính khi kết thúc thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.
  2. Tỷ lệ khấu hao (DR) được tính theo công thức: Tỷ lệ khấu hao (%) =  Tỉ lệ khấu hao TSCĐ theo PP đường thẳng  x hệ số điều chỉnh khấu hao.

Lưu ý: Về hệ số điều chỉnh khấu hao, nhà đầu tư xem quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, như bảng dưới đây:

Thời gian trích khấu hao của tài sản cố định Hệ số điều chỉnh (lần)
Đến 4 năm (t ≤ 4 năm) 1,5
Trên 4 năm (t > 4 năm) 2,0

Ngoài ra, với các mức khấu hao TSCĐ theo tháng, nhà đầu tư chỉ cần lấy số khấu hao theo năm chia cho 12.

Ví dụ:

Một công ty đã mua 01 máy móc có giá 50.000.000 đồng và quyết định sử dụng phương pháp khấu hao Declining Balance cho máy móc này. Công ty ước tính rằng máy có thể sử dụng hữu ích trong vòng 05 năm. Xác định mức khấu hao hằng năm của loại tài sản này?

Vì thời gian sử dụng/ trích khấu hao của tài sản trên 4 năm nên hệ số điều chỉnh là 2 (lần). Suy ra:

Tỷ lệ khấu hao (%) = Tỉ lệ khấu hao TSCĐ theo PP đường thẳng  x hệ số điều chỉnh khấu hao = [1/5×100] x2 = 40%

Khấu hao trong năm 1 = Giá trị sổ sách hiện tại x Tỷ lệ khấu hao = 50.000.000 x 40% = 20.000.000 = Giá trị khấu hao năm 01 = Giá trị sổ sách ở năm hai.

Tương tự, ta có bảng sau:

Năm Giá trị còn lại Giá trị khấu hao
01 50.000.000 50.000.000 x 40% =20.000.000
02 50.000.000 – 20.000.000 30.000.000 x 40% = 12.000.000
03 30.000.000 – 12.000.000 18.000.000 x 40% = 7.200.000
04 18.000.000 – 7.200.000 10.800.000 :2 = 5.400.000
05 18.000.000 – 7.200.000 10.800.000 :2 = 5.400.000

Trong ví dụ này, từ năm thứ 04 trở đi chúng ta để ý rằng Giá trị khấu hao của TSCĐ được tính bằng công thức khấu hao theo đường thẳng: Cụ thể = giá trị còn lại của TSCĐ năm số 04 / số năm sử dụng còn lại của tài sản đó (tức bằng 2 (T4+T5)).

Nguyên nhân có sự thay đổi này là bởi vì sai sót của kỹ thuật tính toán khấu hao theo số dư giảm dần. Nếu tiếp tục sử dụng phương pháp này trong những năm cuối thì đến năm cuối cùng, sẽ tồn tại một phần giá trị TSCĐ chưa được thu hồi hết.

Và để ngăn chặn sự sai sót này, ở những năm cuối doanh nghiệp/ công ty thường đổi sang áp dụng phương pháp Straight-line Depreciation đối với những phần giá trị TSCĐ chưa được thu hồi. Nhờ vậy, giá trị còn lại của TSCĐ sau thời gian sử dụng hữu ích sẽ bằng 0.

Phương pháp khấu hao gấp đôi số dư giảm dần (DDB: Double-Declining Balance)

Khấu hao gấp đôi số dư giảm dần là một trong hai phương pháp thông thường mà doanh nghiệp sử dụng để tính chi phí cho tài sản lâu dài. Phương pháp này cho phép tính khoản chi phí nhanh hơn.

Công thức tính như sau:

Khấu hao gấp đôi số dư giảm dần = (Giá trị sổ sách – Giá trị còn lại) x (2 / Thời gian sử dụng) x Tỷ lệ khấu hao

Ví dụ: Giả sử một doanh nghiệp đã mua một chiếc xe tải vận chuyển trị giá 300.000.000 đồng và dự kiến sử dụng trong vòng 10 năm. Sau 10 năm, giá trị thu hồi của chiếc xe là 30.000.000 đồng. Theo phương pháp khấu hao theo đường thẳng, công ty sẽ khấu trừ 27.000.000 đồng mỗi năm trong 10 năm, tức là (300.000.000 –  30.000.000)/10.

Tuy nhiên, sử dụng phương pháp khấu hao gấp đôi số dư giảm dần, đầu tiên doanh nghiệp sẽ tính toán khấu hao theo đường thẳng (SLDP) với 1/10 năm thời gian sử dụng là 10% mỗi năm. Sau đó, sẽ nhân đôi SLDP (10% x 2 = 20%) và khấu trừ 20% trên giá trị 300.000.000 đồng (60.000.000 đồng) trong năm đầu tiên, 20% trên giá trị 240.000.000 đồng (48.000.000 đồng) trong năm thứ hai và tiếp tục như vậy, dừng lại khi giá trị sổ sách bằng giá trị thu hồi.

Phương pháp khấu hao theo tổng số năm sử dụng (SYD: Sum-of-the-Years’ Digits)

Phương pháp Sum-of-the-Years’ Digits (SYD) là một phương pháp tính khấu hao của một tài sản sử dụng tuổi thọ kỳ vọng của tài sản và cộng lại các chữ số của mỗi năm.

Ví dụ: nếu tài sản được kỳ vọng sử dụng trong 5 năm, tổng của các chữ số năm sẽ là: 5 + 4 + 3 + 2 + 1 để thu được tổng cộng 15. Sau đó, mỗi chữ số được chia cho tổng này để xác định phần trăm khấu hao của tài sản mỗi năm, bắt đầu bằng số cao nhất vào năm đầu tiên.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng khấu hao

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là một thước đo quan trọng bị ảnh hưởng bởi việc khấu hao tài sản cố định. Giá trị của tài sản cố định sẽ giảm theo thời gian khi khấu hao được áp dụng. Điều này có tác động đến giá trị vốn chủ sở hữu vì tài sản trừ đi nợ sẽ bằng vốn chủ sở hữu. Nói cách khác, khi tài sản mất giá trị đáng kể, dẫn đến ROE giảm theo.

Ngoài ra còn có 1 chỉ số khác là EBITDA cũng bị ảnh hưởng bởi khấu hao. Nhà phân tích có thể coi EBITDA như một chỉ số chuẩn để đo lường dòng tiền. EBITDA được tính bằng cách cộng thêm lãi, thuế, khấu hao và giá trị còn lại vào thu nhập ròng. Nhà phân tích sẽ xem xét từng yếu tố này để hiểu cách chúng ảnh hưởng đến dòng tiền.

Lời kết

Hy vọng rằng, qua bài viết này nhà đầu tư đã nắm được khái niệm khấu hao là gì và các phương pháp tính khấu hao thường được doanh nghiệp sử dụng. Từ đó ra quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp có chiến lược về khấu hao tài sản cố định phù hợp với khẩu vị cá nhân của mình.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể đăng ký các khóa học đầu tư tại HSCEdu với đội ngũ đào tạo đầy kinh nghiệm cùng các hướng dẫn thực hành chi tiết.

Bài viết cùng chuyên mục

Giai đoạn Bùng nổ và Phá Sản của nhà đầu tư chứng khoán (Phần 2)

Giai đoạn Bùng nổ và Phá Sản của nhà đầu tư chứng khoán (Phần 2)

Sau giai đoạn chưa có được lợi nhuận như kỳ vọng ban đầu, nhiều nhà đầu tư chứng khoán thường đối mặt với thời kỳ bùng nổ rồi nhanh chóng...

app chứng khoán

6 Tiêu chí chọn app chứng khoán tốt và uy tín trên điện thoại

Với tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, app chứng khoán ra đời nhằm phục vụ nhà đầu tư giao dịch và theo dõi chứng khoán được thuận...

pivot points

Pivot points – Nhận diện điểm đảo chiều trong phân tích kỹ thuật

Pivot points là công cụ phân tích kỹ thuật quan trọng giúp nhà đầu tư nhận diện điểm đảo chiều của xu hướng giá. Sử dụng các mức hỗ trợ...