Thị trường vốn là gì? Triển vọng thị trường tại Việt Nam
Với các doanh nghiệp, thị trường vốn là kênh huy động vốn thiết yếu để mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư và tăng trưởng. Với nhà đầu tư, đây là nơi mang lại cơ hội sinh lời và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Vậy trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và đối mặt với nhiều biến động, triển vọng của thị trường vốn sẽ như thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng Stock Insight tìm hiểu nhé.
Mục Lục
Thị trường vốn là gì?
Định nghĩa thị trường vốn
Thị trường vốn là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống tài chính. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, giao dịch các công cụ tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, các loại chứng khoán khác).
>> Xem thêm: Chứng khoán là gì? Các loại chứng khoán hiện có trên thị trường Việt Nam
Thị trường vốn là nơi kết nối các đơn vị có nhu cầu vốn, như: doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ,… với các nhà đầu tư đang có vốn nhàn rỗi, sẵn sàng cung cấp vốn để đổi lại lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai, thường cao hơn lãi suất tiết kiệm.

Các loại thị trường vốn
Thị trường sơ cấp: Đây là nơi các công cụ tài chính, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu, được phát hành lần đầu tiên bởi các tổ chức như doanh nghiệp hoặc chính phủ. Mục tiêu chính là huy động vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án, mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc đáp ứng các nhu cầu tài chính dài hạn.
Ví dụ: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 12/2015.
Thị trường thứ cấp: Là nơi diễn ra các hoạt động mua bán lại các công cụ tài chính đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp không tạo ra vốn mới cho tổ chức phát hành nhưng đảm bảo tính thanh khoản cho các nhà đầu tư.
Ví dụ: Giao dịch cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán như HOSE, HNX.
Các công cụ tài chính trên thị trường vốn

Vai trò của thị trường vốn trong nền kinh tế
Huy động vốn cho doanh nghiệp: Thị trường vốn là kênh quan trọng giúp các doanh nghiệp huy động nguồn tài chính dài hạn. Thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu, doanh nghiệp có thể thu hút vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ hiện đại và triển khai các dự án chiến lược.
Cung cấp cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư: Thị trường vốn mang lại cho nhà đầu tư nhiều lựa chọn để đa dạng hóa danh mục tài sản, từ cổ phiếu, trái phiếu đến các sản phẩm tài chính phức tạp hơn như quỹ đầu tư và công cụ phái sinh.
Tăng trưởng kinh tế: Thị trường vốn đóng vai trò như một cầu nối giữa các nguồn lực tài chính và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Thông qua việc phân bổ vốn hiệu quả, nó giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hỗ trợ quản lý rủi ro và bảo vệ tài chính: Các công cụ tài chính trên thị trường vốn, chẳng hạn như hợp đồng phái sinh, giúp các tổ chức và nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro liên quan đến biến động lãi suất, tỷ giá, hoặc giá cả hàng hóa.
Thị trường vốn tại Việt Nam
Tình hình thị trường vốn hiện tại tại Việt Nam
Thị trường vốn Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội đầu tư cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các yếu tố thúc đẩy thị trường vốn trong những năm qua:
- Chính sách cải cách: Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và minh bạch của thị trường vốn. Việc ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của thị trường.
- Phát triển các sàn giao dịch chứng khoán: Sự mở rộng và nâng cấp các sàn giao dịch như HOSE và HNX đã tạo điều kiện cho việc niêm yết và giao dịch các loại chứng khoán đa dạng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài: Thu hút nguồn vốn ngoại đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường.
- Các loại công cụ tài chính phổ biến trên thị trường: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, hợp đồng kỳ hạn.
Các đặc điểm và thách thức của thị trường vốn Việt Nam
Các vấn đề về minh bạch thông tin, quy trình pháp lý chưa hoàn thiện: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều cải thiện về sự minh bạch thông tin, hành lang pháp lý sau hơn 20 năm thành lập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thiếu hụt trong hành lang pháp lý để các cá nhân/ doanh nghiệp lợi dụng nhằm “thao túng” giá cổ phiếu, gây ra nhiều tổn thất không mong muốn cho nhà đầu tư. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể đánh giá chính xác mức độ rủi ro khi đầu tư vào một cổ phiếu.
Độ sâu của thị trường: So với vài nước trong khu vực, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường Việt Nam còn hạn chế. Một phần đến từ việc nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chưa muốn niêm yết, chưa tận dụng được tối đa nguồn lực của thị trường vốn. Phần khác đến từ việc cơ sở hạ tầng còn chưa đủ khả năng xử lý khối lượng lệnh quá lớn trong cùng thời điểm.
Sự thiếu hụt các công cụ phái sinh: Thị trường vẫn chưa phát triển đầy đủ các công cụ tài chính phái sinh như quyền chọn, hợp đồng tương lai trên nhiều loại tài sản. Điều này khiến việc phòng ngừa rủi ro còn gặp nhiều hạn chế.
Quy trình pháp lý chưa hoàn thiện: Một số quy định pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến phát hành và giao dịch chứng khoán. Việc thực thi pháp luật trong một số trường hợp chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm, đặc biệt liên quan đến gian lận tài chính.
Nhận thức của nhà đầu tư cá nhân: Phần lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ kiến thức tài chính, dẫn đến các quyết định đầu tư cảm tính và rủi ro cao.
Tác động từ môi trường kinh tế vĩ mô: Sự biến động từ lãi suất, tỷ giá và các yếu tố kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường vốn.
Tình hình các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam

- HOSE: Thành lập ngày 20/07/2000, HOSE là sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. HOSE quản lý hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết, thu hút các doanh nghiệp lớn với vốn hóa cao.
- HNX: Thành lập năm 2005, HNX chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán, cung cấp nhiều loại tài sản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ETF và các sản phẩm phái sinh.
>> Xem thêm: HOSE, HNX, UPCOM – Đặc điểm và vai trò của các sàn chứng khoán Việt Nam
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/03/2023, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 7,3 triệu tỷ đồng, tương đương 82,15% GDP cả nước, tăng nhẹ so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến ngày 28/06/2024, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.
Triển vọng thị trường vốn tại Việt Nam trong tương lai
Dự báo tăng trưởng của thị trường vốn: Sau thời gian các án lớn về thao túng cổ phiếu đã bị bắt và có chế tài xử phát nặng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang chú trọng hơn vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động và minh bạch thông tin. Điều này giúp tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trong nước, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ hội từ các ngành công nghiệp mới: Thị trường Việt Nam đánh dấu sự chuyển mình khi có nhiều cơ hội mới đến từ các ngành công nghiệp mới (công nghệ, năng lượng tái tạo, truyền thông(ICT)). Đây là cơ hội lớn cho nhiều nhà đầu tư vì những ngành công nghiệp mới luôn được kỳ vọng một sự tăng trưởng vượt bật nếu thành công.
Cải cách pháp lý và chính sách: Chính phủ đẩy mạnh việc nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhằm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Việc cải thiện khung pháp lý, các chế tài xử phạt có tính răng đe giúp tăng tính minh bạch cho thị trường vốn. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế tham gia vào và mở rộng giá trị thị trường vốn.
Sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế: Sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế đang tạo ra một làn sóng mới cho thị trường vốn Việt Nam. Sự hiện diện của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ chỉ số đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và tiêu dùng. Điều này không chỉ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô.
Cơ hội và thách thức đối với nhà đầu tư
Cơ hội
Sau các đợt IPO lớn, thị trường Chứng khoán Việt Nam luôn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, vẫn còn những doanh nghiệp lớn nhưng chưa có dự định niêm yết do chưa có nhu cầu vốn. Nếu những doanh nghiệp này tham gia vào thị trường vốn, những cơ hội mới sẽ mở ra cho các nhà đầu tư trong tương lai cho các nhà đầu tư, mang lại sự phát triển mạnh mẽ và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Ngoài các cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập ổn định. Sự phát triển của thị trường trái phiếu sẽ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư của nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng sinh lời.
Cơ hội ở những công ty niêm yết mới: Trong giai đoạn đầu niêm yết, giá cổ phiếu thường được định giá ở mức hợp lý để thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư sớm tham gia. Các công ty niêm yết mới có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài, làm tăng tính thanh khoản và hỗ trợ giá cổ phiếu trong dài hạn.
Thách thức
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn ổn định, một trong những thách thức lớn đối với nhà đầu tư là sự biến động mạnh mẽ của thị trường Chứng khoán. Những yếu tố như lạm phát, thay đổi chính sách vĩ mô hay tác động từ thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu và trái phiếu. Nhà đầu tư cần có chiến lược quản lý rủi ro và đánh giá thị trường kỹ lưỡng để bảo vệ vốn đầu tư.
Các yếu tố chính trị và các quy định pháp lý chưa hoàn thiện cũng là một thách thức không nhỏ đối với nhà đầu tư. Mặc dù Chính phủ đã có những cải cách tích cực, một số vấn đề về minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và cải thiện hệ thống pháp lý vẫn cần được hoàn thiện.
Kết luận
Thị trường vốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phát triển các doanh nghiệp, tạo ra nguồn tài chính cho các dự án đầu tư và mở rộng sản xuất. Nó không chỉ là nền tảng để các công ty huy động vốn mà còn là kênh kết nối các nhà đầu tư với cơ hội phát triển kinh tế trong nước và quốc tế.
Nhà đầu tư cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định đầu tư và có chiến lược đầu tư phù hợp để tạo nền tảng tài chính ổn định về lâu dài.
Phan Thị Thu Thuỷ
Wealth Manager