Cách sử dụng mô hình nến Engulfing để xác định điểm vào và ra trong giao dịch
Nến Nhật là một trong những mô hình được sử dụng phổ biến nhất trong giao dịch chứng khoán. Với lịch sử hình thành lâu đời, được kiểm chứng qua thời gian dài, áp dụng mô hình Nến Nhật trong trading mang lại nhiều hiệu quả và trở thành một phương pháp được ưa chuộng. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng mô hình nến Engulfing để xác định điểm vào và ra trong giao dịch!
Mục Lục
Mô hình nến Engulfing là gì?
Định nghĩa
Mô hình nến Engulfing là một trong những mô hình nến đảo chiều phổ biến và đáng tin cậy nhất trong phân tích kỹ thuật. Nó bao gồm hai cây nến liên tiếp, trong đó cây nến thứ hai hoàn toàn “nuốt chửng” cây nến trước đó, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong động lực của thị trường.

>> Xem thêm: Nến Nhật là gì? Hướng dẫn cách đọc biểu đồ nến Nhật
Phân loại
Bullish Engulfing (Nến nhấn chìm tăng): Xuất hiện trong xu hướng giảm, báo hiệu khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều lên. Cây nến thứ hai (màu xanh) có thân nến dài và bao trùm hoàn toàn cây nến đầu tiên (màu đỏ).


Bearish Engulfing (Nến nhấn chìm giảm): Ngược lại với Bullish Engulfing, mô hình nến Engulfing này xuất hiện trong xu hướng tăng và báo hiệu khả năng cao thị trường sẽ đảo chiều xuống. Cây nến thứ hai (màu đỏ) có thân nến dài và bao trùm hoàn toàn cây nến đầu tiên (màu xanh).


Cấu trúc của nến Engulfing
Cây nến thứ nhất: Thường có thân nến ngắn, tức là giá mở cửa sát giá đóng cửa và độ dài thân nến không rộng, thể hiện sự yếu kém của xu hướng hiện tại, lực mua bán cân bằng hơn, tạo điều kiện cho một nhịp đảo chiều xu hướng hiện tại.
Cây nến thứ hai: Có thân nến dài và bao trùm hoàn toàn cây nến trước đó, thể hiện sự áp đảo của lực lượng đối lập. Điển hình trong mô hình nến nhấn chìm tăng, sau một xu hướng giảm dài, bên bán và bên mua đang khá cân bằng ở cây nến thứ nhất, thì ở cây nến thứ 2, lực mua hoàn toàn áp đảo, khiến giá tăng mạnh và bao trùm luôn giá của ngày hôm trước, tạo tiền đề cho một nhịp đảo chiều xu hướng từ giảm sang tăng giá. (Minh họa hình 3)
Ý nghĩa của mô hình nến Engulfing trong giao dịch
Phản ánh tâm lý thị trường: Mô hình Engulfing cho thấy sự thay đổi đột ngột trong tâm lý nhà đầu tư, từ bi quan sang lạc quan (Bullish Engulfing) hoặc ngược lại (Bearish Engulfing). Mức độ mạnh của phản ứng có thể thấy được trên độ dài cây nến thứ 2 trong mô hình.
Tín hiệu đảo chiều xu hướng: Đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy xu hướng hiện tại có thể đang thay đổi. Với lực mua và bán mạnh ở cây nến số 2 là tín hiệu để kỳ vọng vào đảo chiều xu hướng hiện tại.
>> Xem thêm: Top 5 cặp nến đảo chiều nhà đầu tư mới cần biết
Độ tin cậy: Độ tin cậy của mô hình Engulfing sẽ cao hơn khi xuất hiện tại các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng.
Giao dịch Mua với mô hình Bullish Engulfing
Chiến lược vào lệnh mua (Buy)
Sử dụng mô hình Bullish Engulfing: Vào lệnh mua khi mô hình xuất hiện tại vùng hỗ trợ hoặc sau khi một xu hướng giảm mạnh.

Đặt lệnh dừng lỗ (Stop-loss)
Điểm thoát vị thế nếu khi có diễn biến giá ngược với chiều mình mong muốn. Trong mô hình nến nến Engulfing là khi giá quay lại xu hướng giảm và tiếp tục thủng vùng đáy thấp nhất vừa thiết lập.
Đặt lệnh dừng lỗ dưới mức thấp nhất của cây nến thứ hai (đối với Bullish Engulfing) và nên để biên độ từ 1.5-2ATR. (Minh họa điểm thoát vị thế trong hình 6)
>> Xem thêm: Stop loss là gì? Vì sao bạn nên dùng lệnh này?
Thiết lập mục tiêu lợi nhuận (Take-profit)
Điểm chốt lời cũng là một yếu tố quan trọng khi vào vị thế giao dịch, thường chốt lời sẽ theo kỳ vọng hoặc theo các điểm kháng cự và hỗ trợ trên biểu đồ giao dịch.
Dựa vào các mức kháng cự và hỗ trợ gần đó hoặc các chỉ báo Fibonacci để xác định điểm chốt lời. Ngoài ra kết hợp thêm các ATR và kỳ vọng để đặt giá chốt lời, điển hình là công thức TP (giá chốt lời) = 2*SL (khoảng giá cắt lỗ).
Các tín hiệu hỗ trợ thoát lệnh
Sử dụng các chỉ báo động lượng (RSI, MACD) để xác nhận xu hướng và điều chỉnh điểm thoát lệnh khi có tín hiệu yếu đi. Nếu nhịp hồi phục diễn ra không đúng như kế hoạch, lực mua lên yếu hơn, giá tăng chậm hơn và có xu hướng quay trở lại giảm như xu hướng hình thành trước đó.
Hạn chế khi sử dụng mô hình nến Bullish Engulfing
Tín hiệu giả: Không phải tất cả các mô hình nến Engulfing đều dẫn đến đảo chiều thành công, nhiều trường hợp xu hướng giá vẫn tiếp diễn theo xu hướng trước đó. Vì thế, khi vào lệnh cần lên sẵn phương án thoát vị thế nếu giá đi ngược với ước tính.
Cần kết hợp với các yếu tố khác: Để tăng độ chính xác, nên kết hợp mô hình Engulfing với các phân tích khác như tin tức, các chỉ báo kỹ thuật khác, và các cấp độ hỗ trợ/kháng cự.
Kết luận
Mô hình nến Engulfing là một công cụ hữu ích trong phân tích kỹ thuật, giúp nhà đầu tư nhận biết các cơ hội giao dịch tiềm năng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần kết hợp mô hình này với các yếu tố khác và có một chiến lược giao dịch rõ ràng. Giao dịch trên thị trường tài chính luôn tiềm ẩn rủi ro. Hãy đảm bảo bạn đã hiểu rõ về mô hình Engulfing và các công cụ phân tích kỹ thuật khác trước khi đưa ra quyết định giao dịch và nên tham khảo các ý kiến tư vấn từ các chuyên gia và các bên có kinh nghiệm.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Bên cạnh đó, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Sơn Mai
Account Manager