Lịch sử các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

Ngày đăng: 19/11/2024 lượt xem

Trong lịch sử kinh tế thế giới đã xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng làm rung chuyển kinh tế toàn cầu, thậm chí còn định hình lại cách thức vận hành thế giới sau đó. Các cuộc khủng hoảng tác động từ những điều nhỏ nhất như đời sống, thu nhập, tài sản của từng người dần, đến sự phá sản của các công ty hàng đầu, cho đến vị thế từng quốc gia trên trường thế giới. Trong bài viết dưới đây, Stock Insight sẽ cùng bạn khám phá lịch sử các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này.

Khủng hoảng kinh tế là gì?

Định nghĩa khủng hoảng kinh tế

Là sự suy giảm nghiêm trọng của hoạt động kinh tế trong một khoảng thời gian kéo dài, thường đi kèm với sự sụp đổ của các thị trường tài chính, gia tăng thất nghiệp, và giảm sản xuất.

Khủng hoảng kinh tế là một giai đoạn suy thoái nghiêm trọng và kéo dài của nền kinh tế. Khi đó các hoạt động kinh tế sản xuất, tiêu dùng, đầu tư đều sụt giảm nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng, lạm phát cao, sẽ kéo theo những hệ lụy xã hội khác xảy ra.

Ta có thể nhận ra suy thoái kinh tế từ những biểu hiện như: GDP suy giảm trong một thời gian dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tổng đầu tư của xã hội giảm sút mạnh, hệ thống tài chính sụp đổ.

Nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

Nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này thường bắt nguồn từ các yếu tố như bong bóng tài sản, nợ công, chính sách kinh tế sai lầm, và biến động thị trường tài chính.

Khủng hoảng kinh tế không bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn lẻ mà thường là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau tác động lẫn nhau dẫn đến những hệ lụy dây chuyền nghiêm trọng. Ta có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản như:

  • Bong bóng tài sản: Khi xảy ra bong bóng tài sản, giá tài sản được thổi lên nhanh chóng, vượt quá xa giá trị thực của chúng. Và khi bong bóng bị vỡ sẽ cuốn đi tài sản của nhiều người chạy theo bong bóng đó, tạo nên đổ vỡ dây chuyền và nguy hại đến hệ thống tài chính.

>> Xem thêm: Bong bóng kinh tế là gì? Lịch sử các bong bóng kinh tế lớn trên thế giới

  • Mất cân đối trong nền kinh tế: Mất cân đối trong nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng cũng cầu không gặp nhau, cung vượt quá cầu dẫn đến dư thừa sản xuất làm giá hàng giảm sút doanh nghiệp thua lỗ phải đóng cửa, cầu vượt quá cung làm thiếu hụt hàng hóa, có thể dẫn đến lạm phát cao. 
  • Chính sách kinh tế sai lầm: Chính sách kinh tế sai làm có thể làm nền kinh tế hoạt động yếu kém, không hiệu quả. Làm giảm sức chịu đựng của nền kinh tế, khi xảy ra vấn đề. Thậm chí có thể gây ra lạm phát cao, suy giảm đầu tư, thất nghiệp.
  • Khủng hoảng tài chính: Hệ thống tài chính là nơi lưu giữ và luân chuyển dòng tiền của cả nền kinh tế. Khi hệ thống tài chính gặp khủng hoảng dòng tiền của toàn xã hội sẽ bị mắc kẹt và không được lưu thông. Dẫn đến mất thanh khoản của các thành phần khác trong hệ thống kinh tế, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác như dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra.
  • Lưu thông thương mại quốc tế: Thay đổi trong thương mại quốc tế có thể ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hướng đến sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Từ đó làm suy giảm kinh tế.
  • Bất ổn địa chính trị: Có thể làm suy giảm niềm tin đầu tư, thu hẹp đầu tư sản xuất, từ đó làm suy giảm kinh tế. Ngoài ra, bất ổn địa chính trị cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, và làm gián đoạn chuỗi sản xuất.

>> Xem thêm: Khủng hoảng kinh tế là gì? 5 nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế

Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổi bật trong lịch sử

Khủng hoảng Tulip (1637)

Khủng hoảng hoa Tulip vào những năm 1636-1637 ở Hà Lan có thể coi là 1 trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu tiên trong lịch sử. Khi đó, người dân đổ xô đi mua hoa Tulip khiến cho giá loại hoa này tăng vọt, thậm chí đã tăng đến mức giá của một củ hoa Tulip tương đương với một căn biệt thự xa xỉ khi đó.

Tuy nhiên không lâu sau, bong bóng hoa Tulip nhanh chóng bị sụp đổ do một tin đồn rằng loại hoa này có thể phát tán một loại dịch bệnh. Khiến mọi người lại đổ xô đi bán tháo khiến giá giảm chỉ còn 1% so với trước đó.

các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - Biểu đồ giá hoa Tulip trong khủng hoảng hoa Tulip 1636-1637
Biểu đồ giá hoa Tulip trong khủng hoảng hoa Tulip 1636-1637

Những nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng hoa Tulip được cho rằng:

  • Sự tăng giá nhanh chóng do có tính khan hiếm: Khi đó những cây hoa Tulip có sọc đỏ hay vàng rất được giới thượng lưu Hà Lan ưa chuộng và săn lùng. Điều đó làm cho nhu cầu với những giống hoa này đặc biệt lớn, đặc biệt giống hoa này lại hiếm và khó tạo ra. Sự khan hiếm đó đã khiến cho giá của chúng nhanh chóng tăng vọt.
  • Sự đầu cơ và tâm lý bầy đàn: Khi nhận thấy giá hoa Tulip tăng nhanh, nhiều người bắt đầu lao vào đầu cơ với hy vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa. Đã có những người đầu tiên kiếm được tiền nhờ sự đầu cơ này, nó lại càng kiến cho nhiều người hơn nữa lao vào đầu cơ với hy vọng có thể đổi đời nhờ giá hoa tăng nhanh. Điều đó lại càng khiến cho giá hoa tăng nhanh hơn nữa và nhanh chóng hình thành bong bóng đầu cơ.
  • Sự phát triển của hệ thống tín dụng cho phép người dân có thể dễ dàng vay thêm tiền để tham gia vào đầu cơ. Điều đó cũng khiến dòng tiền của xã hội nhanh chóng chảy vào, kích thích thổi phồng bong bóng.
  • Thiếu sự quản lý của nhà nước: Nhà nước đã buông lỏng quản lý, kiểm soát thị trường để dẫn tới giá hoa Tulip tăng chóng mặt, đầu cơ tràn lan.

Bong bóng hoa Tulip đổ vỡ đã làm cho hàng ngàn người tham gia vào bong bóng đó bị mất trắng tài sản, các công ty tham gia vào cũng bị phá sản trên khắp Hà Lan. Cuộc khủng hoảng cũng lan sang các lĩnh vực khác khi những người vay tiền để tham gia đầu cơ đã không thể trả được nợ, dẫn đến là sóng vỡ nợ phá sản. Nền kinh tế Hà Lan phải mất một thời gian mới khôi phục lại như trước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã không lan rộng ra toàn cầu, do thời điểm đó liên kết kinh tế giữa các quốc chưa diễn ra chặt chẽ như ngày nay.

Vào khoảng năm 2020 ở Việt Nam cũng có một đợt sốt hoa Lan đột biến, cũng làm ta liên tưởng đến bong bóng hoa Tulip này. Tuy nhiên, nhà nước đã nhanh chóng có những biện pháp can thiệp kịp thời điều chỉnh lại thị trường lan đột biến, nên nó chưa gây ra hệ lụy xấu cho xã hội.

Đại suy thoái 1929 – 1933

Đại suy thoái 1929 – 1933 là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20, và cũng kéo dài nhất trọng lịch sử. Bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall vào ngày 29/10/1929 (hay còn gọi là ngày Thứ Ba đen tối). Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và gây ra những hậu quả kinh khủng với kinh tế và xã hội.

Cuộc khủng hoảng đã kiến sản lượng công nghiệp của thế giới giảm 45%, số nhà xây mới giảm 80%, khoảng 5.000 ngân hàng bị phá sản, khoảng 50 triệu người thất nghiệp và phải sống trong cảnh nghèo đói.

Khủng hoảng kinh tế - Diễn biến chỉ số chứng khoán Mỹ trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng 1929 - 1933
Diễn biến chỉ số chứng khoán Mỹ trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng 1929 – 1933

Nguyên nhân gây ra đại suy thoái 1929 – 1933 do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân được kể ra như:

  • Bong bóng thị trường chứng khoán: Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, nền kinh tế sản xuất Mỹ tăng lên quá nhanh, kèm theo đó thị trường chứng khoán Mỹ cũng trải qua một đợt tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến sự đầu cơ điên rồ, giá chứng khoán vượt quá xa giá trị thực. Nhiều người lao vào vay tiền để mua cổ phiếu với mong muốn làm giàu nhanh chóng. Khi giá cổ phiếu quay đầu giảm làm thị trường đầu cơ sụp đổ.
  • Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng: Hệ thống ngân hàng Mỹ khi đó đã không được quản lý chặt chẽ, cấp tín dụng quá dễ dàng. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ, người gửi tiền rút tiền hàng loạt đã làm cho hệ thống ngân hàng sụp đổ, nhiều ngân hàng nhỏ đã bị phá sản.
  • Sản xuất quá mức: Quá trình cơ giới được đẩy mạnh, làm cho nền sản xuất tăng nhanh quá mức, trong khi nhu cầu và sức mua của người dân không tăng tương ứng, dẫn đến dư thừa hàng hóa, hàng tồn kho cao. Khiến các công ty phải sa thải nhân viên, thất nghiệp tăng cao.
  • Chính sách tiền tệ sai lầm: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phản ứng không kịp thời với cuộc khủng hoảng, giữ lãi suất cao trong thời gian dài khiến tín dụng khan hiếm, làm cuộc khủng hoảng kéo dài hơn.
  • Chính sách bảo hộ thương mại: Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ năm 1930 tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu để bảo hộ hàng hóa trong nước. Đã dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn cầu, thương mại quốc tế suy giảm, kéo theo các nền kinh tế khác suy thoái theo.

Đại suy thoái 1929 – 1933 là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng đã gây ra tác động rất lớn đến đời sống kinh tế Mỹ và toàn cầu, cũng như gây ra nhiều thay đổi sau đó như:

  • Nghèo đói và thất nghiệp: Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% năm 1929 lên 25% năm 1933. Hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, nghèo đói, mất nhà cửa. Hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản. Hàng nghìn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra.
  • Kinh tế suy giảm: Tại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm khoảng 30%, trong khi đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm khoảng 15%, thương mại quốc tế giảm khoảng 50%, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones giảm hơn 80%. Cuộc khủng hoảng làm kinh tế suy giảm cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh thế giới thứ hai.
  • Khủng hoảng ngân hàng: Hàng ngàn ngân hàng Mỹ phá sản, khiến những người gửi tiền bị mất tiền, làm mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Điều đó lại càng xoáy sâu vào khủng hoảng.

Sau cuộc khủng hoảng này nhiều thay đổi kinh tế quan trọng đã diễn ra, tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt đã đề ra chương trình cải cách “Tân Chính sách” (New Deal), cổ vũ những ngân hàng dũng cảm hoạt động trở lại thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chính phủ tăng cường chi tiêu công hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Khủng hoảng dầu mỏ 1973

Tiếp theo trong danh sách các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chính là khủng hoảng dầu mỏ 1973. Khủng hoảng dầu mỏ 1973 được coi là cú sốc giá dầu đầu tiên trong lịch sử. Sự kiện bắt đầu từ tháng 10 năm 1973 khi tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định cắt giảm sản lượng và cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và các nước Ả Rập.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng do trong cuộc chiến tranh Yom Kippur (1973), Mỹ và các nước đồng minh đã ủng hộ Israel bằng việc cung cấp vũ khí, vật tư và tiền bạc cho Israel chống lại Ai Cập và Syria.

Để đáp trả lại hành động đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả Rập đã sử dụng dầu mỏ như là một vũ khí để trừng phạt các quốc gia hỗ trợ Israel mà chủ yếu là Mỹ và đồng minh. Cụ thể, ngày 16/10/1973 OPEC đã tăng giá dầu thêm 70% lên 5,11 USD/thùng, và cho đến cuối thời kỳ cấm vận tháng 3/1974 giá dầu đã tăng khoảng 4 lần từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng.

Một nguyên nhân khác do sự phục thuộc vào dầu mỏ của các nước công nghiệp đặc biệt là Mỹ và Phương Tây. Sự phục thuộc này làm nền kinh tế Mỹ và Phương Tây dễ bị tổn thương khi OPEC tăng giá và cắt giảm sản lượng dầu thô.

OPEC lúc này đã trở thành một tổ chức độc quyền lớn, có sức mạnh lớn trong việc quyết định giá cả và sản lượng dầu trên thế giới.

các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới thường bắt đầu từ ngành - Biểu đồ giá dầu giai đoạn 1861–2015 thể hiện sự tăng mạnh năm 1973, đường màu cam là giá điều chỉnh do lạm phát.
Biểu đồ giá dầu giai đoạn 1861–2015 thể hiện sự tăng mạnh năm 1973, đường màu cam là giá điều chỉnh do lạm phát.

Thiếu hụt dầu thô và giá dầu tăng đã khiến cho giá xăng tại Mỹ tăng cao, các xe xếp hàng dài tại các trạm xăng. Các quy định về hạn chế tiêu thụ xăng dầu được đưa ra, điều này đã trực tiếp là thay đổi ngành ô tô chuyển sang những mẫu xe nhỏ hơn, tiết kiệm xăng hơn.

Giá xăng dầu tăng cao làm cho giá cả các mặt hàng và chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến lạm phát cao. Mặt khác thiếu dầu làm cho sản xuất, phân phối hàng hóa bị gián đoạn, dẫn đến sản lượng sản xuất sụt giảm làm giảm tăng trưởng kinh tế. Lạm phát kèm tăng trưởng kinh tế thấp đã làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài dai dẳng mà người ta gọi là “Stagflation”.

Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi chính sách ngoại giao của Nhật và một số nước nước phương Tây đối với Trung Đông nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu ổn định.

Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997

Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 là một trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới được đề cập. Chúng bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 từ Thái Lan, sau đó đã nhanh chóng lan sang các nước Châu Á khác như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, và ảnh hưởng tới những khu vực khác trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã khiến đồng tiền của các quốc gia sụt giảm nghiêm trọng, trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1997 đồng Baht của Thái Lan mất giá 40%, đồng Won của Hàn Quốc mất giá 35%, đồng Peso của Philippines mất giá 27%, đồng Rupiah của Indonesia mất giá 40%.

Gần tương tự như các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đó. Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng do hệ thống tài chính và các quy định pháp lý không bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, thị trường vốn mở cửa quá nhanh. Các biện pháp nới lỏng kiểm soát dòng vốn ngắn hạn diễn ra nhanh hơn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn. 

Chính sách tỷ giá cố định với đồng USD đã khuyến khích dòng vốn đầu tư, tín dụng từ các nước phát triển chảy vào, góp phần tạo ra bong bóng kinh tế, giá cả tăng cao, áp lực lên lạm phát. Khi kinh tế xảy ra vấn đề, dòng vốn ngắn hạn nước ngoài nhanh chóng rút đi, làm đồng nội tệ lao dốc, gia tăng gánh nặng nợ ngân hàng.

lịch sử các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - Diễn biến chỉ số chứng khoán Thái Lan trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á 1997
Diễn biến chỉ số chứng khoán Thái Lan trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á 1997

Khủng hoảng tài chính Châu Á đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, khiến cho đồng nội tệ bị mất giá nghiêm trọng, thị trường chứng khoán sụp đổ, tài sản giảm giá. Nhiều doanh nghiệp phá sản, hệ thống tài chính bị tê liệt, và hàng triệu người bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo đói.

Khủng hoảng đã khiến các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, nhanh chóng can thiệp, hỗ trợ thanh khoản ngoại hối và kích thích tài khóa, và đổi lại các nước này phải thực hiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Cuối cùng trong danh sách các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mà Stock Insight điểm qua chính là khủng hoảng 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 có thể coi là cơn sóng thần của thế kỷ 21, là cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 – 1933. Khủng hoảng bắt đầu từ thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng Mỹ rồi nhanh chóng lan ra thành suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nhiều ngân hàng phá sản hoặc bị buộc sáp nhập, nổi bật nhất là ngân hàng đầu tư Lehman Brothers – một trong năm định chế tài chính lớn nhất nước Mỹ tuổi đời 160 năm phá sản. Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng toàn cầu do các ngân hàng đã dễ dãi cung cấp các khoản cho vay dưới chuẩn với những người có khả năng trả nợ thấp, góp phần hình thành bong bóng bất động sản. Khi bóng bóng bất động sản vỡ, nhiều người vỡ nợ, các ngân hàng cung cấp những khoản vay này lâm vào tình trạng khó khăn.

Các ngân hàng đã tạo ra những sản phẩm chứng khoán hóa các khoản vay dưới chuẩn phức tạp, khiến cho việc quản lý và dự báo rủi ro trở nên khó khăn. Các ngân hàng chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà dưới chuẩn tràn lan đầy rủi ro rồi cung cấp ra thị trường.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính đã không đánh giá đầy đủ rủi ro của những sản phẩm tài chính phức tạp này. Và các cơ quan quản lý cũng không có các biện pháp quản lý, kiểm soát đủ mạnh với sự bùng phát bong bóng tín dụng.

FED duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong thời gian dài đã kích thích tăng cường vay nợ, sử dụng đòn bẩy cao để đầu tư vào các tài sản rủi ro, đã làm tăng mức rủi ro. Cũng góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,2% năm 2007 giảm xuống còn 1,8% năm 2008, và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2009. Nền kinh tế số một thế giới – nước Mỹ rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 10%. 

Hệ thống ngân hàng sụp đổ, nhiều ngân hàng Mỹ, Châu Âu đã phá sản, hoặc buộc phải sáp nhập, hoặc phải được Chính phủ cứu. Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng bị đóng băng, đã dẫn đến mất thanh khoản trong nền kinh tế. Niềm tin vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính lung lay.

Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại trong cuộc khủng hoảng này, VNindex đã giảm một mạch từ khoảng 1100 điểm về 370 điểm, và phải mất nhiều năm sau mới hồi phục lại.

Sau cuộc khủng hoảng nhiều Chính phủ và tổ chức quốc tế đã ban hành quy định, kiểm soát tài chính nghiêm ngặt hơn. Đưa ra các gói cứu trợ lớn và đẩy mạnh chi tiêu công để ứng phó với cuộc khủng hoảng này đã khiến nợ công nhiều quốc gia tăng cao. 

các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - Diễn biến chỉ số chứng khoán VNindex trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008
Diễn biến chỉ số chứng khoán VNindex trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008

Những bài học từ các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới

Từ các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn trên toàn cầu ta có thể nhận thấy bong bóng tài sản là một trong những thủ phạm chính gây nên các cuộc khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng đâu đó đều có bóng dáng của một loại bong bóng nào đó, bong bóng hàng hóa, bong bóng bất động sản, bong bóng cổ phiếu,…. Do đó, để hạn chế xảy ra khủng hoảng các Chính phủ và các ngân hàng trung ương cần phải có các biện pháp, chính sách kiểm soát hạn chế hình thành các loại bong bóng, đầu cơ quá mức.

Vai trò của các Chính phủ và các ngân hàng trung ương là hết sức quan trọng trong việc phát hiện sớm những rủi ro có thể xảy ra, từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời. Cũng đưa ra các chương trình tái tiết lại nền kinh tế sau khủng hoảng.

Nhiều cuộc khủng khoản bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch của hệ thống tài chính. Các sản phẩm tài chính ngày càng phức tạp khiến người dân khi khi tham gia vào đã không hiểu hết được rủi ro khi sử dụng các công cụ tài chính đó, và sử dụng các công cụ tài chính một cách dễ dãi, thiếu kiểm soát.

>> Xem thêm: Có nên làm giàu từ khủng hoảng kinh tế hay không?

Làm thế nào để phòng tránh các cuộc khủng hoảng kinh tế  thế giới trong tương lai?

Từ các bài học của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm để phòng tránh khủng hoảng kinh tế trong tương lai như: Các Chính phủ và các ngân hàng trung ương cần có các biện pháp điều tiết, can thiệp sớm nhằm hạn chế, sửa chữa những khuyết tật của kinh tế tự do. Tăng cường giám sát hệ thống tài chính và hệ thống kinh tế nhằm sớm phát hiện ra những rủi ro của bộ máy tài chính, kinh tế, để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Tăng cường tính minh bạch của hệ thống tài chính, để các thành phần tham gia vào có thể nhận biết được đầy đủ rủi ro của các sản phẩm tài chính mà mình sử dụng, và cùng tham gia vào quá trình giám sát rủi ro của hệ thống tài chính. Tăng cường giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân khi sử dụng các công cụ tài chính.

Cần kiểm soát việc sử dụng tín dụng và đòn bẩy tài chính trong giới hạn cho phép. Để tránh xảy ra rủi ro vỡ nợ, và hạn chế lây lan rủi ro vỡ nợ ra toàn hệ thống. Hạn chế sử dụng đòn bẩy tham gia vào đầu cơ tài sản.

Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu phát triển để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nền kinh tế. Tăng cường đầu tư nâng cao kiến thức, trình độ, tay nghề của người dân để người dân có thể dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp khi xu hướng chuyển dịch ngành nghề thay đổi.

Kết luận

Nhìn lại các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chúng ta có thể thấy rằng chúng đề để lại những hậu quả rất lớn, đặc biệt là với những người dân, những người ở tầng lớp dưới. Do đó, chúng ta mỗi người ở trên vị thế của mình cần học hỏi những bài học từ các cuộc khủng hoảng để hiểu cách vận hành của bộ máy kinh tế, có những cách phòng tránh, hạn chế rủi ro cho mình khi khủng hoảng xảy ra.

Khủng hoảng kinh tế là quy luật tất yếu của thị trường nhằm sửa đổi những sai lầm của kinh tế tự do. Mỗi cuộc khủng hoảng đều do những nguyên nhân khác nhau, do đó rất khó để để biết trước được khi nào nó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng được những rủi ro chúng ta phải đối mặt sẽ giúp chúng ta có thể chuẩn bị trước, và đưa ra được chiến lược đúng đắn giảm thiểu thiệt hại.

Ở góc độ cá nhân mỗi người cần hiểu rõ rủi ro của công cụ tài chính mình sử dụng, hạn chế việc sử dụng các công cụ tài chính dễ dãi một cách tràn lan, không kiểm soát.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để nắm bắt thêm những thông tin chi tiết về các yếu tố kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và phát triển, nhà đầu tư có thể theo dõi thêm các bài viết phân tích trên Stock Insight nhé!

Lâm Quách
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

top-down là gì

Top-down là gì? Phân biệt phương pháp top-down và bottom-up

Top-Down là gì?  Top-Down là một phương pháp đầu tư trong chứng khoán mà nhà đầu tư sẽ bắt đầu với phân tích của thị trường chung, sau đó dần...

Fibonacci là gì? Cách sử dụng dãy fibonacci để chốt lời chủ động

Fibonacci là gì? Cách sử dụng trong giao dịch chứng khoán

  Fibonacci trong chứng khoán là gì? Fibonacci là một chỉ báo trong phân tích kỹ thuật chứng khoán có nguồn gốc từ một lý thuyết toán học của Leonardo Fibonacci...

Hành trình của nhà đầu tư chứng khoán: Giai đoạn đầu tiên (Phần 1)

Hành trình của nhà đầu tư chứng khoán: Giai đoạn đầu tiên (Phần 1)

Khi bắt đầu hành trình vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư mới thường đối mặt với thách thức lớn: xác suất thành công không cao. Nguyên nhân...