Suy thoái kinh tế là gì? 5 Tác động chính đến thị trường

Ngày đăng: 13/03/2023 lượt xem

Suy thoái kinh tế là một giai đoạn của chu kỳ kinh tế, là điều mà hầu hết quốc gia nào cũng sẽ phải đối mặt. Vậy suy thoái kinh tế là gì, tác động của suy thoái đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán như thế nào? Hãy cùng Stock Insight đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Suy thoái kinh tế là gì?

Suy thoái kinh tế là sự suy giảm các chỉ số, hoạt động của nền kinh tế như GDP, việc làm, đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp,… từ hai quý liên tiếp trở lên.

Nếu chu kỳ này diễn ra quá lâu sẽ bị coi là khủng hoảng kinh tế. Hiểu được nguyên nhân, đặc điểm của suy thoái kinh tế có thể giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự đoán được tình hình, biết được khi nào nên đầu tư và khi nào nên rút tiền. Vì suy thoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi thứ từ cổ phiếu, trái phiếu, lợi nhuận của doanh nghiệp đến thu nhập của người dân.

Suy thoái kinh tế là 1 trong 3 giai đoạn của chu kỳ kinh tế bao gồm hưng thịnh, chạm đỉnh và đáy của chu kỳ
Suy thoái kinh tế là 1 trong 3 giai đoạn của chu kỳ kinh tế bao gồm hưng thịnh, chạm đỉnh và đáy của chu kỳ

4 Nguyên nhân dẫn đến tình hình suy thoái kinh tế

Tất cả các cuộc suy thoái đều có nguyên nhân và hậu quả khác nhau. Các nền kinh tế đang trải qua tăng trưởng có khả năng rơi vào suy thoái như một phần của chu kỳ kinh tế.

Tuy nhiên, các yếu tố khác có thể gây ra suy thoái kinh tế, nhiều yếu tố trong số đó không thể lường trước hoặc ngăn chặn được. Dưới đây là ba nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thoái kinh tế:

  • Cung vượt cầu: Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, các doanh nghiệp có xu hướng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nhu cầu đạt đỉnh và bắt đầu giảm, nguồn cung hàng hóa và dịch vụ quá mức không được tiêu thụ có thể dẫn đến suy thoái. Đặc biệt đối với các công ty cắt giảm sản lượng và thu hẹp quy mô. 
  • Lạm phát: Lạm phát xảy ra khi đồng tiền bị mất giá, hàng hoá và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn. Trên thực tế, không phải tình trạng lạm phát nào cũng xấu. Nếu lạm phát ở mức độ nhẹ có thể góp phần thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế phát triển. Nhưng tỷ lệ lạm phát cao dễ xảy ra tình trạng đầu cơ của những người thừa tiền và hàng hóa, làm mất cân bằng giữa cung và cầu, gây nên suy thoái kinh tế.
  • Lãi suất cao: Lãi suất là khoản chi phí lãi vay mà cá nhân và doanh nghiệp phải trả cho chủ nợ đến khi khoản vay được trả hết. Khi lãi suất thấp, doanh nghiệp có khả năng vay thêm tiền để đầu tư, mở rộng và phát triển kinh doanh. Khi lãi suất cao sẽ kéo theo tăng chi phí cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế.
  • Chiến tranh, thiên tai, địa chính trị: Thiên tai, động đất có thể làm phá huỷ các công trình cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mỏ, khí đốt, làm cho các doanh nghiệp buộc phải tăng giá dầu. Từ đó lượng cầu giảm dẫn đến suy thoái kinh tế.
  • Tâm lý: Nỗi sợ về suy thoái sẽ khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, rút vốn đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí vận hành để vượt qua tình trạng giảm cầu. Điều này tạo thành vòng tuần hoàn cắt giảm chi phí, cắt giảm tiền lương, làm nhu cầu ngày càng thấp hơn. Đọc thêm về Tâm lý nhà đầu tư tại đây.

4 Đặc điểm dễ nhận biết của suy thoái kinh tế

Các chỉ số kinh tế là cơ sở để nhận biết suy thoái kinh tế. Nhà đầu tư sẽ dựa vào sự suy giảm của các hoạt động kinh tế như đầu tư, lợi nhuận, việc làm,.. để có thể đánh giá một nền kinh tế có suy thoái hay không.

Dưới đây là một vài đặc điểm dễ nhận biết của một chu kỳ suy thoái kinh tế:

Đồng USD tăng mạnh

Đồng đô la Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và tài chính quốc tế. Các quyết định của FED sẽ ảnh hưởng đến giá đồng USD. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Trong bất kỳ môi trường kinh tế nào, đồng đô la được coi là một nơi an toàn để gửi tiền của nhà đầu tư. Ở bầu không khí hỗn loạn như đại dịch toàn cầu, chiến tranh căng thẳng ở Đông Âu khiến các nhà đầu tư có nhiều động lực hơn để mua đồng USD.  

Bên cạnh đó, tỷ giá bảng Anh, đồng Euro, nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng Yên của Nhật Bản cùng nhiều đồng tiền khác cũng giảm.

Điều này khiến các quốc gia tốn kém hơn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nguyên nhiên liệu. Đáp lại, các ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ tăng lãi suất để củng cố đồng nội tệ, chống lại lạm phát. 

Động lực kinh tế suy yếu

Ngành tiêu dùng là động lực hàng đầu của nền kinh tế của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên khi hàng hoá liên tục tăng giá, trong khi mức lương không tăng khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Bên cạnh đó, khi lãi suất Mỹ đang tăng nhanh, lãi suất vay thế chấp mua nhà ở, bất động sản đẩy lên mức cao. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và người mua nhà lâm vào tình cảnh lao đao.  

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị chững lại

Trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid, hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp đã tăng trưởng bùng nổ nhờ sức mua của người tiêu dùng trong nước, ngay cả khi lạm phát cao làm xói mòn lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài quá lâu.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải công bố kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm lợi nhuận, doanh thu. Ngành vận tải, đặc biệt là vận tải biển là một chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” của nền tài chính toàn cầu.

Hầu hết hàng hóa trên thế giới như dầu thô, lương thực thực phẩm, ô tô, xe máy,.. thường sẽ được vận chuyển bằng đường tàu biển.

Bên cạnh đó hàng năm, các doanh nghiệp thường tích cực tuyển dụng nhân sự để đáp ứng cho các chiến dịch kinh doanh dịp lễ. Nhưng hầu hết năm nay, doanh nghiệp đều rất thận trọng, quan sát tình hình, thậm chí siết chặt nhân sự. 

Cuộc suy thoái sẽ là động lực cho những thay đổi đáng giá để cải thiện cuộc sống và làm cho nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Cuộc suy thoái sẽ là động lực cho những thay đổi đáng giá để cải thiện cuộc sống và làm cho nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

Bất ổn tình hình địa chính trị, chính sách 

Một dấu hiệu khác cho thấy suy thoái kinh tế sắp diễn ra là sự thiếu nhất quán trong chính sách tiền tệchính sách tài khóa ở một số nền kinh tế lớn, biểu hiện cụ thể là Anh.

Giống như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, Anh đang phải vật lộn với tình trạng giá cả tăng cao chủ yếu do cú sốc đại dịch, tiếp đó là sự gián đoạn thương mại do chiến tranh Nga-Ukraine. Khi phương Tây giảm mua khí đốt tự nhiên của Nga, giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt và nguồn cung bị siết chặt. 

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Thủ tướng Anh công bố kế hoạch giảm thuế lớn nhất trong 50 năm qua. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà kinh tế vì nó diễn ra vào thời điểm lạm phát ở Anh đang đạt mức kỷ lục.

Theo Thủ tướng Anh, mục đích của kế hoạch giảm thuế để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng trong nước, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện giảm thuế, Chính phủ sẽ phải vay nợ. Điều này gây áp lực lớn lên nền kinh tế vốn đang gặp nhiều bất ổn.

5 Tác động của suy thoái kinh tế đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán của một quốc gia

Suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng của mỗi người dân. Tốc độ tăng trưởng và phát triển của các yếu tố sản xuất, lãi suất, việc làm,… cũng tăng giảm mạnh, phản ánh chính xác sức khỏe của nền kinh tế: 

  • Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, người dân mất việc, tạo ra nợ xấu
  • Khi sản xuất bị thu hẹp, nguồn cung sẽ giảm khiến giá cả hàng hóa tăng theo.
  • Lãi suất cao và lạm phát cao khiến các doanh nghiệp có xu hướng chỉ đầu tư vào những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao đủ bù đắp chi phí do lãi suất và lạm phát. Biên lợi nhuận mỏng sẽ làm gián đoạn sản xuất. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch mạnh từ các mặt hàng xa xỉ sang các mặt hàng thiết yếu hơn, tạo ra sự mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng trong các ngành sản xuất và dịch vụ.
  • Khi cung tiền giảm, lãi suất cao, nợ xấu tăng trong sản xuất và tiêu dùng nên ngân hàng tích cực tăng lãi suất để bù đắp rủi ro do nợ xấu. 
  • Nhu cầu vay vốn kinh doanh giảm và các ngân hàng thận trọng hơn với các khoản vay mới. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương cũng quy định trần tín dụng và yêu cầu tăng lãi suất cho vay ở những ngành rủi ro cao.

Bên cạnh những ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế thì cũng có một số ngành không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không nhiều như y tế, điện, nước, nguyên vật liệu cơ bản, năng lượng,….

Thực tế đã chỉ ra rằng khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, người dân sẽ hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu.

Tuy nhiên, những vật chất cơ bản cần thiết cho sự sống vẫn phát triển bình thường. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn các mã cổ phiếu thuộc các ngành này. Cùng với đó, tập trung vào những doanh nghiệp trả cổ tức cao và bền vững theo thời gian. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có được nguồn lợi nhuận ổn định trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Trong thời điểm suy thoái, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kỹ, phân bổ nguồn vốn hợp lý để phòng ngừa rủi ro
Trong thời điểm suy thoái, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kỹ, phân bổ nguồn vốn hợp lý để phòng ngừa rủi ro

Điểm qua 3 cuộc suy thoái kinh tế thế giới nổi bật

Việc tìm hiểu, nắm bắt dữ liệu về các sự kiện suy thoái kinh tế nổi bật trên thế giới là một trong những cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp. Cùng Stock Insight điểm qua những cuộc suy thoái nổi bật trên thế giới nhé!

Đại suy thoái 1929-1933

Cuộc suy thoái này diễn ra trên hầu khắp thế giới tư bản chủ nghĩa, nhưng với quy mô và thời gian khác nhau ở các nước khác nhau..

Khi sản xuất tư bản chủ nghĩa tăng quá nhanh trong thời kỳ ổn định, nhưng nhu cầu và sức mua của người dân không tăng tương ứng, gây ra dư thừa hàng hóa và dẫn đến suy thoái sản xuất. Vì thế, đây được coi là cuộc khủng hoảng thừa. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã tàn phá nền kinh tế thế giới: Sản lượng công nghiệp giảm 45%, khoảng 5.000 ngân hàng phá sản, khoảng 50 triệu người thất nghiệp, phải sống trong cảnh nghèo đói.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn xã hội nổ ra gay gắt. Hàng ngàn cuộc biểu tình của những người thất nghiệp đã nổ ra, trong nhiều trường hợp dẫn đến xung đột với cảnh sát và quân đội.

Các nước tư bản không có hoặc có ít thuộc địa, ngày càng thiếu vốn, nguyên liệu và thị trường đã đi theo con đường của chế độ chính trị phát xít để cứu vãn cuộc khủng hoảng như Đức, Ý, Nhật,…

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ Trung Đông giai đoạn 1973-1975

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ này diễn ra từ tháng 10/1973 khi các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu cho Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu.

Đây được xem là sự trừng phạt của OPEC đối với các nước này vì đã ủng hộ Israel trong xung đột giữa Israel và liên minh Ai Cập-Syria. Lượng dầu bị cắt giảm tương đương 7% sản lượng của thế giới lúc bấy giờ. Sự kiện này làm giá dầu thế giới tăng đột biến và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông 1973-1975 được coi là cuộc khủng hoảng đáng nhớ nhất của thế giới ở giai đoạn thập niên 1970
Cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông 1973-1975 được coi là cuộc khủng hoảng đáng nhớ nhất của thế giới ở giai đoạn thập niên 1970

Nhiều bang của Hoa Kỳ chỉ được phép mua một lượng nhiên liệu nhất định, giá đã tăng trung bình 86% chỉ trong một năm từ 1973 đến 1974.

Hàng dài người chờ trước cây xăng do nguồn cung thiếu trầm trọng, giá cao. Sự gián đoạn đối với sản xuất, phân phối và giá cả là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, thời kỳ lạm phát quá mức làm giảm năng suất và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Suy thoái tài chính toàn cầu 2007-2009

Đây là cuộc khủng hoảng liên quan nhiều đến lĩnh vực tài chính như chứng khoán, bảo hiểm và tín dụng. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến cuộc suy thoái giai đoạn này bao gồm chứng khoán hoá và bong bóng thị trường nhà ở (bong bóng kinh tế):

  • Chứng khoán hoá: Chứng khoán hoá bắt đầu từ những năm 1970 và dần được nới lỏng từ năm 2001. Chứng khoán hoá ra đời kèm theo các sản phẩm như chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS – Mortgage-Backed Security), nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO – Collateralized Debt Obligation),… Ngoài ra, sự xuất hiện của bảo hiểm cho các sản phẩm chứng khoán hóa như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS – Credit Default Swap), thể chế mục đích đặc biệt (SPV – Special Purpose Entity) để tiến hành mua bán MBS và CDO. Điều này tồn tại những rủi ro hệ thống như lựa chọn trái ý và rủi ro đạo đức. Trong khi đó, mô hình giám sát tài chính của Mỹ giai đoạn đó không đủ khả năng giám sát những rủi ro này. Những rủi ro hệ thống này sẽ dễ dẫn đến vỡ bong bóng thị trường tài sản. Lúc này niềm tin của nhà đầu tư khi gửi tiền vào ngân hàng giảm xuống, biểu hiện dễ thấy nhất là nhà đầu tư sẽ rút tiền hàng loạt. Điều này khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Bong bóng thị trường nhà ở: Để cứu vớt nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng bong bóng Dot-com năm 2001, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã hạ lãi suất cho vay liên ngân hàng. Điều này kích thích sự phát triển của lĩnh vực bất động sản và ngành xây dựng với vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi môi trường tín dụng quá dễ dãi, các tổ chức tài chính có xu hướng cho vay có rủi ro, ngay cả đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Kết quả là, việc vay và vay ồ ạt cho mục đích đầu cơ đã dẫn đến sự hình thành bong bóng nhà đất.

Tình hình suy thoái kinh tế tại Đông Nam Á và Việt Nam

Các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có quan hệ hợp tác kinh tế thương mại chặt chẽ với Mỹ và các nước châu Âu.

Vì vậy nếu suy thoái kinh tế có xảy ra ở các khu vực này thì chắc chắn Đông Nam Á sẽ không tránh khỏi những tác động lớn.

Vào tháng 9/2022, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái vào năm tới. Thậm chí có thể dẫn đến một chuỗi khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế lớn, đang phát triển và mới nổi.

Lạm phát và chi phí năng lượng tăng vọt và các tác động kinh tế bị tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Âu.

Khi đó, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu, nhất là với hàng hóa không thiết yếu. Điều này được cho là sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu Đông Nam Á. Đặc biệt là các nhà sản xuất dệt may – ngành xuất khẩu lớn nhất của một số nước trong khu vực.

Trên đây là những thông tin cơ bản về suy thoái kinh tế giúp nhà đầu tư nhận biết xác định nên đầu tư gì trong thời kỳ suy thoái. Qua đó trả lời câu hỏi suy thoái kinh tế là gì và ảnh hưởng như thế nào đến thị trường. Thường xuyên theo dõi Stock Insight để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường chứng khoán hôm nay nhé!

Bài viết cùng chuyên mục

mẫu hình cốc và tay cầm

Mẫu hình cốc tay cầm trong giao dịch chứng khoán

Mẫu hình cốc tay cầm là một trong những mẫu hình tiếp diễn xu hướng được sử dụng rất nhiều trong phân tích kỹ thuật. Cùng HSC tìm hiểu về...

chi phí cố định là gì

Chi phí cố định là gì? Ý nghĩa, phân loại (Cập nhật 2023)

Chi phí cố định là một khía cạnh quan trọng của quản lý tài chính và kế hoạch kinh doanh cho mọi doanh nghiệp. Điểm mấu chốt của chi phí...

GAP là gì? Cách giao dịch với khoảng trống giá GAP

GAP là gì? Tận dụng khoản trống GAP trong chứng khoán

GAP là gì? GAP (khoảng trống giá) là một hiện tượng xảy ra sau khi mở cửa phiên giao dịch, giá cổ phiếu không nối tiếp với bước giá của...