Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp là gì?

Ngày đăng: 12/11/2024 lượt xem

Lạm phát và thất nghiệp là hai chỉ số kinh tế quan trọng, có tác động sâu sắc đến tình hình tài chính của mỗi quốc gia. Việc hiểu rõ mối quan hệ giữa chúng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về cách nền kinh tế vận hành và đưa ra các chiến lược tài chính phù hợp. Cùng Stock Insight tìm hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp này nhé!

Lạm phát và thất nghiệp là gì?

Lạm phát là gì?

Định nghĩa lạm phát

Hiện nay, khái niệm về lạm phát không được quy định nhưng có thể hiểu lạm phát là sự gia tăng liên tục của giá hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, đi kèm với sự mất giá của một loại tiền tệ.

Khi mức giá hàng hóa chung tăng cao, bạn sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn nhưng lại mua được ít hàng hóa hơn so với trước đây.

Ví dụ: Năm 2020, Anh A chỉ bỏ ra 35.000 đồng để thưởng thức một tô phở. Nhưng đến đầu 2023, Anh A phải bỏ ra 50.000 đồng để ăn đúng tô phở tương tự. Như vậy, người dùng đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để chi trả cho cùng 1 loại hàng hóa. Nếu nhiều loại hàng hóa đều tăng giá như vậy thì sẽ kéo lạm phát tăng lên.

lạm phát và thất nghiệp
Lạm phát là sự gia tăng liên tục của giá hàng hóa và dịch vụ theo thời gian

Lạm phát được chia làm 3 loại, căn cứ theo từng mức độ khác nhau:

Lạm phát tự nhiên: 0- dưới 10%. Đây là hiện tượng lạm phát có thể dự đoán được, ít ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Thường dao động 2 đến 3% mỗi năm. Trường hợp này, giá cả tăng chậm hoặc tương đối ổn định, người dân tin tưởng vào sức mua của đồng tiền. Đời sống người dân cũng ổn định. Lạm phát tự nhiên không gây ra những biến động lớn trong nền kinh tế, không làm gián đoạn quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Lạm phát phi mã: 10 – dưới 1000%.Là một tình trạng kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, khi mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ tăng lên với tốc độ chóng mặt, thường tính bằng hai hoặc ba con số mỗi năm. Điều này có nghĩa là tiền mất giá nhanh chóng, sức mua của người dân giảm sút và nền kinh tế rơi vào hỗn loạn. Vì vậy, lúc này người dân không muốn giữ tiền mặt nhiều và ưa chuộng giữ hàng hóa, vàng, ngoại tệ hoặc đầu tư sang các nước khác có lạm phát vừa phải.

Trường hợp này đã xảy ra ở Việt Nam vào khoảng năm 1988 – 1989, với sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ) Đỗ Mười đã thành công trong chống lạm phát phi mã. 

Siêu lạm phát: trên 1000%. Đây là tỷ lệ lạm phát khiến đồng tiền gần như mất giá hoàn toàn. Lúc này, người dân mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia, tiền nội tệ mất dần khả năng thanh toán hàng hóa. Có thể kể đến là Zimbabwe giai đoạn năm 2007 – 2008.

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Theo cơ chế của kinh tế học, giải thích cho tình trạng lạm phát cao và siêu lạm phát xảy ra là do khi lạm phát tăng nhanh, cầu tiền giảm liên tục, lạm phát kỳ vọng ngày càng tăng cao, kéo theo xu hướng tốc độ tăng của tỷ lệ lạm phát, dần dần nhanh hơn tốc độ tăng cung tiền để cho cân bằng tiền thực giảm và tái lập cân bằng trên thị trường tiền tệ.

Có thể kể đến 3 yếu tố dẫn đến lạm phát như: 

  • Lạm phát do cầu kéo (demand-pull inflation): Giá cả tăng lên do tăng cầu hàng hóa và dịch vụ từ phía người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt quá khả năng sản xuất hiện có. Điều này dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế quá mức và áp lực lớn lên nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Ví dụ: Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Nếu nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, giá cả các mặt hàng này sẽ tăng lên.

  • Lạm phát do chi phí đẩy (Cost-push inflation): Là loại lạm phát xuất hiện khi chi phí sản xuất tăng lên như chi phí đầu vào, nguyên – vật liệu, nhiên liệu (xăng, dầu,…), từ đó đẩy giá vốn hàng hóa tăng theo, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán để duy trì lợi nhuận, đồng nghĩa gánh nặng này được đẩy qua cho người tiêu dùng.

Ví dụ: Giá xăng dầu gần đây liên tục tăng, kéo theo chi phí vận chuyển tăng, điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng và doanh nghiệp buộc phải đẩy phần chi phí này lên cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán để bảo toàn lợi nhuận.

  • Lạm phát ì (Inertial inflation): Là sự gia tăng liên tục của mức giá chung, tổng cung và tổng cầu dịch chuyển lên trên cùng một tốc độ, giá tăng đều tương đối ổn định đi kèm tình hình sản lượng không đổi. Nói cách khác lạm phát ì là lạm phát ở mức thấp và có thể dự đoán được.

Ví dụ: Giá thực phẩm của các loại thực phẩm như thịt, rau, củ, quả tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, mức tăng này thường khá ổn định và không quá đột biến.

>> Xem thêm: Lạm phát là gì? 4 nguyên nhân dẫn đến lạm phát

Tác động của lạm phát

Lạm phát, dù ở mức độ nào, đều gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế và cuộc sống của mọi người. Dưới đây là một số tác động tiêu biểu của lạm phát:

Đối với lĩnh vực sản xuất: Lạm phát cao tạo ra một môi trường kinh doanh vô cùng khắc nghiệt đối với các nhà sản xuất. Sự biến động không ngừng của giá cả nguyên vật liệu, năng lượng khiến việc lập kế hoạch sản xuất trở nên khó khăn và đầy rủi ro. Chi phí sản xuất tăng cao, trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng lại giảm sút do giá cả hàng hóa dịch vụ cũng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng “lãi ít, lỗ nhiều”, thậm chí là phá sản đối với những doanh nghiệp có lợi nhuận thấp.

Đặc biệt, sự mất giá của đồng tiền làm giảm giá trị thực của lợi nhuận, khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc đầu tư và mở rộng sản xuất. Hơn nữa, lạm phát cao còn gây ra sự bất ổn trong nền kinh tế, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì hoạt động sản xuất.

Đối với lĩnh vực tiền tệ, tín dụng: Lạm phát cao đã gây ra những xáo trộn nghiêm trọng trong hệ thống tài chính. Khi giá cả tăng vọt, người dân mất niềm tin vào đồng tiền, dẫn đến việc rút tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng để tìm kiếm các kênh đầu tư khác hoặc mua sắm hàng hóa để bảo toàn giá trị. Điều này làm giảm nguồn vốn cho vay của ngân hàng, khiến các doanh nghiệp và cá nhân khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

Đồng thời, sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền làm cho việc điều chỉnh lãi suất trở nên vô hiệu, khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiền tiết kiệm. Ngược lại, những người đi vay lại được lợi nhờ việc trả nợ bằng đồng tiền mất giá. Hệ quả là, hoạt động của hệ thống ngân hàng bị đình trệ, chức năng trung gian tín dụng bị hạn chế, và niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính bị suy giảm.

Tác động đến xã hội: Những người sống dựa vào lương hưu, trợ cấp xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá cả tăng cao mà thu nhập không thay đổi, dẫn đến giảm sút đáng kể mức sống. Đối với người lao động, lạm phát có thể gây ra áp lực đòi tăng lương, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ lao động và có thể gây ra các cuộc đình công. Đặc biệt, lạm phát có thể gia tăng tỷ lệ tội phạm và tỷ lệ thất nghiệp trong tương lai. Nội dung của mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp sẽ được đề cấp ở phần dưới của bài viết.

mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp
Lạm phát gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế và cuộc sống

Thất nghiệp là gì?

Định nghĩa thất nghiệp

Thất nghiệp là tình trạng người lao động không có việc làm nhưng vẫn đang tìm kiếm việc làm. Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.

Theo Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,29%; khu vực nông thôn là 2,2%.

Dựa vào đặc điểm của thất nghiệp, có thể chia thất nghiệp thành 3 loại:

  • Thất nghiệp tạm thời (Frictional Unemployment) còn gọi là thất nghiệp ma sát. Đây là loại tồn tại thường xuyên trong nền kinh tế và diễn ra trong thời gian ngắn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thất nghiệp tạm thời là thất nghiệp bắt nguồn từ sự di chuyển bình thường của thị trường lao động, mọi người tự nguyện thay đổi công việc, tìm kiếm việc làm tốt hơn hiện tại. Chẳng hạn như do thay đổi nơi ở mới, người lao động tìm việc làm khác thuận tiện hơn hoặc những người muốn nâng cao trình độ của mình,… Đây như là một phần tự nhiên của xã hội.
  • Thất nghiệp theo chu kỳ (Cyclical Unemployment) hay thất nghiệp do cầu suy giảm, là hậu quả trực tiếp của suy thoái kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người trong xã hội. Khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, và ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.
  • Thất nghiệp theo cơ cấu (Structural Unemployment) là một loại hình thất nghiệp xảy ra khi có sự không phù hợp giữa kỹ năng của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động. Đây là một hiện tượng phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau giữa doanh nghiệp và người lao động. Có thể kể đến là thay đổi công nghệ. Sự phát triển của công nghệ, tự động hóa khiến nhiều công việc bị thay thế bởi máy móc, dẫn đến giảm nhu cầu lao động đối với những công việc đòi hỏi kỹ năng thủ công. Ngoài ra, tính cạnh tranh trên thị trường lao động cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến thất nghiệp cơ cấu. Với những công việc dễ thay thế, chủ doanh nghiệp có thể xem xét cắt giảm người lao động có tay nghề, có kinh nghiệm với mức lương cao để tuyển dụng người mới để đào tạo và chỉ phải trả mức lương thấp hơn.
mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát
Thất nghiệp là tình trạng không có việc làm và đang tìm kiếm việc làm

Nguyên nhân của thất nghiệp

Thất nghiệp là một vấn đề xã hội phức tạp, có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. 

Thứ nhất, với sinh viên mới mới ra trường, do thiếu định hướng nghề nghiệp dẫn tới chọn nghề không phù hợp với nguyện vọng bản thân, từ đó gây ra tình trạng chán nản, từ bỏ nghề hiện tại rồi rơi vào vòng xoáy chần chừ không muốn tìm việc làm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động dồi dào tuy nhiên trình độ lao động còn chưa cao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người dân lại chưa đồng pha với thế giới. Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ cũng là phần nào hạn chế cơ hội việc làm.

Thứ ba, thiên tai có thể ảnh hưởng phần lớn lực lượng lao động tại những vùng bị thiệt hại, dẫn đến họ bị mất việc làm trong khoảng thời gian dài chờ khắc phục hậu quả. Đặc biệt, trải qua cơn dịch Covid -19, càng thấm thía hơn tình trạng mất việc làm dẫn đến lạm phát và thất nghiệp diễn ra trên toàn quốc, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không thể cầm cự được.

Cũng mới đây, theo tờ báo Cafebiz.vn, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 870.000 thanh niên Anh vô công rồi nghề, thất nghiệp và không được đào tạo, nguyên nhân dẫn đến một phần từ khủng hoảng sức khỏe tâm thần hậu đại dịch, điều này gây tác động lớn đến nước Anh, làm bào mòn lực lượng lao động và ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế.

Thứ tư, máy móc công nghệ hiện đại dần thay thế phần nào công việc của con người, đồng thời năng suất mà máy móc tạo ra cũng cao hơn. Vì thế, chủ doanh nghiệp sẽ chủ động thay thế con người bằng máy móc trong những công đoạn nhất định, từ đó một bộ phận người lao động mất việc làm và thất nghiệp.

Thứ năm, mức thu nhập chưa hấp dẫn với người lao động cũng gây ra tình trạng thất nghiệp tạm thời.

Tác động của thất nghiệp

Thất nghiệp tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Thất nghiệp tăng đồng nghĩa lực lượng lao động xã hội không được huy động vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn, từ đó tổng sản phẩm quốc nội suy giảm theo. Thất nghiệp tăng cũng đồng nghĩa nền kinh tế đang suy thoái và từ đó dẫn đến lạm phát. Từ đó cho thấy lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ngoài ra, thất nghiệp tác động trực tiếp đến thu nhập của từng người dân. Do đó, bản thân người lao động và gia đình sẽ gặp khó khăn, sức khỏe giảm sút cho thiếu chi phí để bồi dưỡng cơ thể, chăm sóc y tế,….

Thất nghiệp cũng làm gia tăng sự mất trật tự trong xã hội, khi người lao động mất việc làm, dẫn đến chán nản dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội.

Hơn nữa, từ ảnh hưởng của tình trạng lạm phát và thất nghiệp, gây gánh nặng lên ngân sách Nhà nước vì Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình hỗ trợ người thất nghiệp như trợ cấp thất nghiệp, các chương trình đào tạo nghề. Thêm vào đó, thất nghiệp tăng lên cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước do người lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập, dẫn đến giảm thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách.

Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Đường cong Phillips

Mối liên quan giữa lạm phát và thất nghiệp được thể hiện qua đường Phillips. Đường cong Phillips (Phillips curve) là đường mô tả mối quan hệ thực nghiệm giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi của tiền lương hoặc lạm phát. Đường Phillips do nhà kinh tế người Anh A.W.Phillips phát hiện ra vào năm 1958.

mối quan hệ trong ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp?
Đường cong Phillips mô tả mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Qua hình trên, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ phải qua trái theo chiều ngang do có sự gia tăng trong tổng cầu thì tỷ lệ thay đổi tiền lương hay lạm phát sẽ tăng lên từ dưới lên trên theo phương thẳng đứng.

Đường cong Phillips thể hiện một mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp là nghịch đảo trong ngắn hạn. Khi nền kinh tế hoạt động ở mức cao, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng. Để đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp sẽ phải tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. Việc tăng lương này sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, và để bù đắp, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán sản phẩm, gây ra lạm phát.

Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp theo thời gian

Trong lịch sử kinh tế nước Mỹ, có một thời kỳ đen tối, một trong những giai đoạn tồi tệ nhất là thập niên 1970 – 1980. Chỉ trong vòng 13 năm lại diễn ra 4 cuộc suy thoái (1969-1970, 1973-1975, 1980, 1981-1982), lạm phát và thất nghiệp cao ngất ngưởng, cả doanh nghiệp, chính phủ và người dân đều lâm vào cảnh khốn đốn. Những nhà kinh tế học gọi hiện tượng này là đình lạm (Stagflation).

Đây là một tình trạng kinh tế khá phức tạp, xảy ra khi nền kinh tế vừa phải đối mặt với lạm phát cao (giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng nhanh) vừa trải qua suy thoái kinh tế (tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng).

Nhược điểm lý thuyết đường cong Phillips

Mặc dù lý thuyết đường cong Phillips đã đóng góp rất lớn vào việc phân tích mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp, nhưng nó cũng có những hạn chế và nhược điểm nhất định.

Đường cong Phillips không phải lúc nào cũng ổn định. Trong những năm 1970, nhiều quốc gia đã trải qua tình trạng “stagflation” (đồng thời xảy ra lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm), thách thức tính đúng đắn của lý thuyết này. Đường cong này giả định rằng chỉ có hai biến số chính là lạm phát và thất nghiệp, nhưng thực tế còn nhiều yếu tố khác như kỳ vọng lạm phát, cú sốc cung, cấu trúc thị trường, v.v. có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ này.

Đường cong Phillips có thể khác nhau giữa các nền kinh tế có cấu trúc thị trường khác nhau. Ví dụ, các nền kinh tế có nhiều công đoàn mạnh mẽ có thể có đường cong Phillips khác với các nền kinh tế có thị trường lao động linh hoạt hơn.

Một số yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Ngoài mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp là nghịch đảo được mô tả bởi đường cong Phillips, còn nhiều yếu tố khác tác động đáng kể đến hai chỉ số kinh tế vĩ mô này. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng; bao gồm chính sách tiền tệ, toàn cầu hóa và công nghệ:

Chính sách tiền tệ

Thay đổi lãi suất: Khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng lên, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, từ đó làm giảm áp lực lạm phát và có thể dẫn đến tăng thất nghiệp. Ngược lại, khi giảm lãi suất, chi phí vay vốn giảm, kích thích nền kinh tế tăng trưởng, nhưng có thể gây áp lực lạm phát.

Cung ứng tiền: Việc tăng cung tiền qua các hoạt động mua trái phiếu của ngân hàng trung ương có thể làm tăng lạm phát, nhưng cũng có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp trong ngắn hạn.

Toàn cầu hóa

Cạnh tranh: Toàn cầu hóa tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, giúp kiềm chế lạm phát và thất nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến việc chuyển dịch sản xuất sang các nước có chi phí lao động thấp hơn, gây ra thất nghiệp ở các nước phát triển.

Chuỗi cung ứng: Toàn cầu hóa tạo ra các chuỗi cung ứng phức tạp, khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai, hoặc xung đột địa chính trị. Những cú sốc này có thể gây ra gián đoạn sản xuất, đẩy giá cả lên cao và làm tăng thất nghiệp.

Công nghệ

Năng suất lao động: Công nghệ mới giúp tăng năng suất lao động, làm giảm chi phí sản xuất và có thể kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó cũng có thể dẫn đến thất nghiệp do tự động hóa thay thế lao động.

Mô hình kinh doanh mới: Sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số và mô hình kinh doanh chia sẻ đã thay đổi cách thức sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường lao động và tạo ra những loại hình việc làm mới.

Tác động của mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp đến nền kinh tế và đầu tư

Lạm phát và thất nghiệp là hai chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động sâu sắc đến hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư.

Cả lạm phát và thất nghiệp đều làm giảm đầu tư. Lạm phát làm tăng chi phí đầu tư và giảm lợi nhuận dự kiến, trong khi thất nghiệp làm giảm nhu cầu và làm tăng rủi ro đầu tư.

Nhà đầu tư có thể chuyển hướng đầu tư sang các kênh khác như vàng, ngoại tệ, hoặc bất động sản để đối phó với lạm phát và bất ổn kinh tế.

phân tích mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp

Kết luận

Tóm lại, vấn đề về lạm phát và thất nghiệp luôn là câu chuyện mà mỗi năm quốc gia nào cũng phải nhắc đến. Việc kiểm soát đồng thời lạm phát và thất nghiệp là một trong những mục tiêu chính của các nhà hoạch định chính sách, đây không phải là vấn đề dễ dàng và cũng không có một công thức nào cho tất cả. Stock Insight mong rằng mới bài viết ngắn gọn này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về vấn đề này.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Hoàng Thị Ngọc
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

chu kỳ kinh tế

Các giai đoạn chu kỳ thị trường chứng khoán Việt Nam

Có thể nhiều nhà đầu tư chưa biết thì thị trường chứng khoán cũng có tình chu kỳ. Chu kỳ chứng khoán có quan hệ cực kỳ mật thiết đối...

thị trường chứng khoán

Chứng khoán là gì? Các loại chứng khoán hiện có trên thị trường Việt Nam

Chứng khoán là gì? Chứng khoán, còn gọi là cổ phiếu hoặc cổ phần, đại diện cho quyền sở hữu một phần của một công ty hoặc tài sản kinh...

lãi suất danh nghĩa

Lãi suất danh nghĩa là gì? Phân biệt lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực

Lãi suất danh nghĩa, một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá lợi suất giao dịch tài chính. Để...