Tự học chứng khoán: Cẩm nang kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu

Ngày đăng: 12/08/2024 lượt xem

Bạn muốn tự học chứng khoán nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Stock Insight sẽ là người bạn đồng hành hoàn hảo trên hành trình này. Bài viết sau đây cung cấp một cái nhìn toàn diện, từ những khái niệm cơ bản đến các chiến lược đầu tư phức tạp, giúp bạn trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin tham gia vào thị trường chứng khoán. Hãy cùng khám phá và nắm bắt cơ hội làm giàu từ kiến thức tài chính thông qua việc tự học hiệu quả.

Các thuật ngữ cần nắm cho người mới học chứng khoán

Khái niệm liên quan về chứng khoán

1. Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động mua bán, giao dịch các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh. Thông qua thị trường chứng khoán các thành phần tham gia vào thị trường có thể đạt được lợi ích cho mình, với nhà đầu tư thì đó là mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

2. Cổ phiếu

Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận cho quyền và lợi ích hợp pháp khi nắm giữ cổ phần của công ty cổ phần. 

3. Trái phiếu

Trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trái phiếu (trái chủ hay người cho vay) với phần nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ). Đơn vị phát hành có nghĩa vụ thực hiện thanh toán các khoản lãi định kỳ và hoàn lại số tiền ban đầu cho nhà đầu tư khi đáo hạn.

4. Chứng chỉ quỹ

Chứng chỉ quỹ là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với phần góp vốn của họ vào quỹ đầu tư.

5. Chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh là một công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng. Bao gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn. Trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền và chuyển giao tài sản cơ sở theo mức giá đã được xác định vào một thời điểm xác định trong tương lai. Hiện nay, có 2 sản phẩm chứng khoán phái sinh phổ biến đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và chứng quyền.

6. Sàn chứng khoán

Sàn chứng khoán là nơi chứng khoán được niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung, là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch chứng khoán. Ở Viên Nam hiện nay có 3 sàn giao dịch chứng khoán được chính thức công nhận và được pháp luật bảo hộ là sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh viết tắt là HOSE (viết tắt là HSX), Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (viết tắt là HNX), Sàn Giao dịch Chứng khoán Upcom (viết tắt là Upcom).

7. Công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là một tổ chức trung gian, doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ tài chính trong lĩnh vực chứng khoán. Một số nghiệp vụ công ty chứng khoán cung cấp như môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư.

8. Chỉ số chứng khoán

Chỉ số chứng khoán là một thước đo thống kê phản ánh xu hướng biến động chung của thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định. Nó được tổng hợp từ một danh mục các cổ phiếu theo phương pháp nhất định, đại diện cho một phần hoặc toàn bộ thị trường. Một số chỉ số phổ biến với chứng khoán Việt Nam là VNINDEX, VN30, ….

9. Giao dịch ký quỹ

Giao dịch ký quỹ (margin trading) là một hình thức vay tiền của công ty chứng khoán để mua chứng khoán. Khi thực hiện giao dịch ký quỹ nhà đầu tư ký quỹ bằng một phần vốn của mình để làm tài sản đảm cho khoản vay, phần còn lại được vay từ công ty chứng khoán.

10. Bảng giá chứng khoán

Bảng giá chứng khoán là một bảng điện tử thể hiện đầy đủ thông tin liên quan đến giá, khối lượng, và các giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Được cập nhật thông tin liên tục về diễn biến của thị trường trong thời gian giao dịch.

11. Giá tham chiếu

Giá tham chiếu là mức giá được dùng làm giá cơ sở để tính giá trần và giá sàn của chứng khoán trong một phiên giao dịch. Với sàn HOSE và HNX giá tham chiếu được tính bằng giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất trước đó.

12. Khối lượng giao dịch

Khối lượng giao dịch chứng khoán (Volume) là tổng khối lượng được mua bán thành công (khớp lệnh) trên sàn giao dịch chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định (thường hay được tính là trong trong một ngày giao dịch). Khối lượng giao dịch là một dữ liệu quan trọng trong phân tích kỹ thuật của cổ phiếu.

13. Tính thanh khoản

Tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán là khả năng dễ dàng mua bán, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Khái niệm trong phân tích cơ bản

1. Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là việc đánh giá giá trị nội tại của cổ phiếu bằng việc xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị nội tại của doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản thường được sử dụng khi phân tích cổ phiếu gồm: tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng của ngành, chất lượng tài chính của doanh nghiệp, ban lãnh đạo và các đối thủ cạnh tranh.

2. Các bảng báo cáo tài chính 

Báo cáo tài chính là một bộ tài liệu cung cấp các thông tin tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Được trình bày theo biểu mẫu theo quy định về chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Báo cáo tài chính gồm có 4 thành phần: bảng cân đối kế toán, bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, và thuyết minh báo cáo tài chính.

Việc phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được sức khỏe tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp. Để từ đó có quyết định quyết định hợp lý.

Khi phân tích báo cáo tài chính, nhà đầu tư sẽ gặp những khái niệm cơ bản như sau:

Các khái niệm về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền

  • Doanh thu là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác trong một kỳ kế toán. Doanh thu được tính bằng cách nhân giá với khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã bán ra.
  • Lợi nhuận là phần tiền còn lại sau khi trừ doanh thu cho tất cả các khoản chi phí và các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Lợi nhuận là động lực phát triển của doanh nghiệp, và cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
  • Dòng tiền (cash flow) là sự di chuyển vào ra của tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Dòng tiền vẫn được ví như mạch máu của một doanh nghiệp. Nó đo lường khả năng thanh khoản và thanh toán của doanh nghiệp trong việc chi trả các khoản nợ, chi phí và các khoản đầu tư. Dòng tiền được theo dõi trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh các số liệu trên báo cáo tài chính thì các chỉ số được tính toán ra từ các số liệu đó cũng cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát về doanh nghiệp. Các chỉ số phổ biến thường dùng trong chứng khoán như:

Các chỉ số tài chính quan trọng: EPS, P/E, P/B, ROE

  • EPS là viết tắt của Earnings Per Share nghĩa là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên mỗi cổ phiếu. Được tính theo công thức như sau:
Công thức EPS

EPS là một chỉ số quan trọng để đánh giá khả năng sinh lời của mỗi cổ phiếu.

  • P/E là viết tắt của Price to Earnings Ratio hay còn gọi là tỷ số giá trên thu nhập. P/E là tỷ số cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu cho một đồng lợi nhuận thu được từ doanh nghiệp. Được tính theo công thức cụ thể như sau: 
Công thức P/E

P/E là một chỉ số quan trọng trong định giá cổ phiếu, và xác định tính đắt hay rẻ của cổ phiếu.

  • P/B là là viết tắt của Price to Book Ratio hay còn gọi là tỷ số giá trên giá trị sổ sách của doanh nghiệp. P/B là tỷ số cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu cho một đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Được tính theo công thức như sau: 
Công thức P/B

Tương tự như P/E, P/B cũng là một chỉ số quan trọng trong định giá cổ phiếu, và xác định tính đắt hay rẻ của cổ phiếu.

  • ROE là viết tắt của Return on Equity nghĩa là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. ROE là một chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến chỉ số này bởi nó cho biết doanh nghiệp sẽ thu được bao nhiêu lợi nhuận trên một đồng vốn bỏ ra.
Công thức ROE

Khái niệm trong phân tích kỹ thuật

Bên cạnh phương pháp phân tích cơ bản thì phương pháp phân tích kỹ thuật cũng là một phương pháp mà nhà đầu tư thường dùng để xác định điểm mua và điểm bán của cổ phiếu. Để từ đó tối ưu được phương án đầu tư.

1. Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để dự đoán xu hướng giá trong tương lai. Phân tích kỹ thuật dự trên một giả định quan trọng cho rằng lòng tham và nỗi sợ hãi của con người sẽ không thay đổi cho dù thời gian trôi đi. Do đó hành động của con người sẽ ít thay đổi và sẽ lặp lại như những gì đã diễn ra trong quá khứ. Do đó có thể dùng những hành động giá, mẫu hình quá khứ để dự đoán diễn biến trong tương lai.

2. Biểu đồ giá

Biểu đồ giá là một công cụ trực quan để biểu diễn sự biến giá của cổ phiếu (hoặc các loại tài sản khác) theo thời gian. Biểu đồ giá là một công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật cổ phiếu. Trong lĩnh vực chứng khoán loại biểu đồ giá mà nhà đầu tư thường sử dụng là biển đồ nến Nhật.

học chứng khoán
(Biểu đồ nến Nhật thể hiện diễn biến của chỉ số VNINDEX)

3. Biểu đồ nến Nhật

Biểu đồ nến Nhật là một loại biểu đồ giá sử dụng các hình nến để biểu diễn biến động giá trong một khung thời gian nhất định (có thể là phút, ngày, tuần hay tháng). Mỗi một nến gồm các thành phần là một thân nến và 2 bóng nến, được minh họa bằng hình dưới đây:

học đầu tư chứng khoán - Mô hình một cây nến Nhật
(Mô hình một cây nến Nhật trong đồ thị nến)

Nến Nhật được chia làm 2 loại là nến tăng giá và nến giảm giá, thường được ký hiệu bằng màu sắc để biết được cây nến thuộc loại nào. Nến tăng thường được ký hiệu bằng màu xanh, có giá đặc điểm là giá mở cửa sẽ thấp hơn giá đóng cửa. Nến giảm thường được ký hiệu bằng màu đỏ, có giá đặc điểm là giá mở cửa sẽ cao hơn giá đóng cửa.

4. Xu hướng giá

Xu hướng (trend) là hướng di chuyển của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định. Xu hướng giá được chia làm 3 loại chính là xu hướng tăng, xu hướng giảm, và xu hướng đi ngang.

học chứng khoán cơ bản
Minh họa xu hướng giá

Do chứng khoán thường có xu hướng tiếp tục vận động theo xu hướng trước đó, nên xác định được xu hướng giá của chứng khoán là một kỹ năng quan trọng giúp nhà đầu tư ra quyết định sáng suốt.

5. Hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ là vùng giá mà ở đó lượng cầu mua chứng khoán sẽ nhiều lên và lượng cung bán sẽ giảm bớt điều đó làm giá có thể ngừng giảm. Từ đó có thể làm thay đổi xu hướng giảm của chứng khoán.

Ngược lại với hỗ trợ là kháng cự, kháng cự là vùng giá mà ở đó lượng cung bán chứng khoán sẽ nhiều lên trong khi lượng cầu mua sẽ giảm đi điều đó làm giá khó khăn để tiếp tục tăng. Từ đó có thể làm thay đổi xu hướng tăng của chứng khoán.

6. Chỉ báo kỹ thuật là gì?

Chỉ báo kỹ thuật là công cụ phân tích trong phân tích kỹ thuật, dùng để đo lường xu hướng, động lượng, và sức mạnh của giá chứng khoán. Chỉ báo kỹ thuật được xây dựng từ những công thức toán học dựa trên dữ liệu giá và khối lượng trong quá khứ. Nhà phân tích dùng những chỉ báo kỹ thuật để dự đoán xu hướng giá trong tương lai. Có nhiều chỉ báo kỹ thuật, tuy nhiên một số chỉ báo phổ biến thường được dùng như: MACD, RSI, đường MA, bollinger bands, … 

Khái niệm trong các chiến lược đầu tư

Mỗi một nhà đầu tư khi bước vào thị trường có những nền tảng khác khau, có khả năng phân tích khác nhau, có mức độ chịu đựng rủi ro khác nhau,…  gọi chung là ở những vị thế khác nhau nên sẽ có các chiến lược đầu tư khác nhau phù hợp với mỗi nhà đầu tư. Tựu chung lại có thể chia làm một số chiến lược đầu tư chính như sau:

  • Đầu tư giá trị là chiến lược đầu tư mua những cổ phiếu mà nhà đầu tư cho rằng thị trường đang trả giá thấp hơn giá trị thực của cổ phiếu. Điều đó có nghĩa nhà đầu cho cho rằng giá hiện tại không phản ánh đầy đủ triển vọng của công ty, và trong tương lai giá sẽ tăng mức phản ánh đầy đủ triển của cổ phiếu. 
  • Đầu tư tăng trưởng là chiến lược mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai. Điều đó có nghĩa nhà đầu tư tin rằng việc công ty duy trì mức tăng trưởng cao trong tương lai sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu cao hơn nữa.
  • Đầu tư theo xu hướng là chiến lược mua cổ phiếu khi xác định được xu hướng tăng giá của cổ phiếu, và chỉ bán ra khi xu hướng tăng giá đảo chiều.

Tại sao người mới bắt đầu nên trao dồi việc học chứng khoán?

Như đã đề cập ở phần đầu của bài, hiện nay đầu tư chứng khoán là một việc dễ tiếp cận nhưng lại khó để thành công. Nhiều nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường do thiếu kiến thức và trải nghiệm nên dễ bị dẫn dắt bởi thị trường bởi sự tăng giảm liên tục của chứng khoán.

Từ đó đánh mất phương hướng khi ở trong thị trường, dẫn đến hiệu quả đầu tư không được như kỳ vọng. Do đó việc tự học chứng khoán, thường xuyên trau dồi cập nhật kiến thức sẽ giúp nhà đầu tư vững bước trong trong thị trường hạn chế việc bị dẫn dắt mất phương hướng khi đầu tư.

Kinh nghiệm và lời khuyên bổ ích cho những nhà đầu tư mới 

Thị trường chứng khoán là thị trường có tính biến động mạnh, và nhanh nên được xếp vào thị trường có tính rủi ro tương đối cao. Nên khi bước vào thị trường chứng khoán nhà đầu tư nên xác định trước khẩu vị rủi ro phù hợp cho mình từ đó chọn chiến lược phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của mình. Ngoài ra nhà đầu tư cũng nên xác định một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý với mức rủi ro mà nhà đầu tư lựa chọn, để có thể có phương pháp đầu tư hợp lý.

Một số lời khuyên cho người mới bắt đầu: 

Trang bị kiến thức: nhà đầu tư cần trang bị kiến thức để hiểu rõ mình đang làm gì và mình sẽ làm gì khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Và thường xuyên tìm hiểu tự học chứng khoán để không ngừng gia tăng sự hiểu biết về thị trường.

Bắt đầu với số vốn nhỏ: nhà đầu tư nên bắt đầu với số vốn nhỏ để làm quen với cách vận hành của thị trường và kiểm tra mức khả năng chịu đựng của bản thân. Điều này giúp nhà đầu tư tích lũy được kinh nghiệm trước khi đầu tư với số vốn lớn hơn.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư: đừng bỏ hết chứng vào một giỏ, hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư. Có rất nhiều biến số có thể đến khi đầu tư, do đó việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro tập trung.

Kiên nhẫn: khi đã chọn được phương pháp đầu tư phù hợp, nhà đầu tư hãy kiên nhẫn theo đuổi phương pháp đó cho đến khi thu được kết quả. Đừng sợ hãi khi thị trường giảm, cũng đừng FOMO khi thị trường tăng.

Tham khảo ý kiến từ chuyên gia: nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến từ chuyên gia như một cách đứng trên vai người khổng lồ, để có những lời khuyên hữu ích.

Kết luận

Tự học chứng khoán là bước đi quan trọng giúp bạn xây dựng nền tảng tài chính vững chắc và hiểu biết sâu rộng về thị trường. Với bài viết này, bạn sẽ có đủ công cụ để tự tin đầu tư. Hãy kiên nhẫn và không ngừng học hỏi, con đường thành công luôn mở ra cho những ai quyết tâm. Chúc bạn thành công và đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Ngoài ra, với nền tảng HSCEdu được thiết kế sinh động và hệ thống có lưu lại quá trình học tập sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt kiến thức. Đừng quên theo dõi những bài viết của Stock Insight để cập nhật kịp thời những kiến thức hữu ích về đầu tư nhé!

Lâm Quách
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

công thức định giá cổ phiếu

TOP 10 công thức định giá cổ phiếu mà bạn nên biết

Định giá cổ phiếu cho phép nhà đầu tư đánh giá giá trị thực của một cổ phiếu dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính của doanh...

sàn HOSE

Sàn HOSE là gì? 4 Quy định khi giao dịch trên sàn HOSE

Sàn HOSE là nơi mà hàng nghìn giao dịch được thực hiện mỗi ngày. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nắm rõ đầy đủ thông tin về sàn...

Điểm khác biệt của giá trần, giá sàn và giá tham chiếu

Giá trần, giá sàn, giá tham chiếu: Khái niệm và cách tính đơn giản

Giá trần, giá sàn, giá tham chiếu là các khái niệm cơ bản trong đầu tư chứng khoán. Cùng Stock Insight tìm hiểu giá trần, giá sàn, giá tham chiếu...