Top 5 cặp nến đảo chiều nhà đầu tư mới cần biết
Nến là một thành phần quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Nến tạo nên đường giá giúp phân tích được xu hướng. Mỗi một nến đều thể hiện tâm lý thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế việc hiểu và phân tích được nến sẽ là một công cụ giúp Nhà đầu tư dự đoán được xu hướng trong tương lai. Bài viết dưới đây, Stock Insight sẽ giới thiệu về những cặp nến đảo chiều mà nhà đầu tư mới cần lưu ý.
Mục Lục
Nến đảo chiều (Reversal Candlestick Patterns) là gì?
Khái niệm nến đảo chiều
Nến đảo chiều là những nến, cặp nến có những tín hiệu để dự báo xu hướng đường giá sẽ đảo chiều trong tương lai.
Nến đảo chiều sẽ có 2 loại là nến đảo chiều tăng và nến đảo chiều giảm.
>> Xem thêm: Mô hình nến đảo chiều – Phân loại và ứng dụng trong giao dịch
Vai trò của cặp nến đảo chiều trong giao dịch chứng khoán
Cặp nến đảo chiều giúp Nhà đầu tư nhận diện được khả năng biến động đường giá trong tương lai. Từ đó đề ra những chiến lược hiệu quả.
Khi xuất hiện nến đảo chiều tăng, Nhà đầu tư có thể thực hiện vị thế mua vào. Khi xuất hiện nến đảo chiều giảm, thì cần có những chiến lược phòng ngừa rủi ro hoặc thực hiện vị thế short.
Các yếu tố quan trọng khi nhận diện cặp nến đảo chiều
Để nhận diện chính xác xác suất đảo chiều của nến, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
- Vị trí của nến, cặp nến đảo chiều trong đường giá
- Độ dài của nến, cặp nến sẽ phản ánh mức độ biến động
- Khối lượng giao dịch tại nến, cặp nến đảo chiều
=>>> Xem ngay Minh họa thực tế các Mô hình nến đảo chiều phổ biến trên HSC ONE
Top những cặp nến đảo chiều phổ biến
Cặp nến Engulfing (Nến bao trùm)
Khái niệm: Là mô hình nến gồm hai cây nến, trong đó cây nến thứ hai bao trùm hoàn toàn cây nến trước.
Mẫu hình này có 2 loại:
- Nến Engulfing tăng (Bullish Engulfing): Xuất hiện khi thị trường từ giảm chuyển sang tăng.
- Nến Engulfing giảm (Bearish Engulfing): Xuất hiện khi thị trường từ tăng chuyển sang giảm.
Lưu ý: Với cặp nến Engulfing này thì độ dài của nến thứ hai sẽ quyết định 80% xác suất xảy ra đảo chiều trong tương lai. Chính vì thế hãy tập trung chú ý diễn biến ở nến thứ hai để đưa ra quyết định hợp lý.
Cặp nến Hammer và Hanging Man
Cặp nến đảo chiều Hamer và Hanging Man này về cấu trúc riêng lẻ nến là giống nhau. Đều được hình thành từ thân nến nhỏ và có bóng nến dài về phía dưới. Nến này chứng tỏ sau khi mở phiên thì có diễn ra một quá trình bán xuống mạnh hình thành tạo nên giá thấp nhất, sau đó được mua trở lại về cuối phiên đóng cửa.
Điểm khác biệt giữa 2 nến này là:
Hammer (Búa) : Xuất hiện khi thị trường từ giảm chuyển sang tăng
Hanging Man (Người treo): Xuất hiện khi thị trường từ tăng chuyển sang giảm
Một số lưu ý khi sử dụng:
- Mức độ đảo chiều của cặp nến Hammer và Hanging Man sẽ không cao. Do mức độ tác động của một cây nến sẽ không đủ làm thay đổi cả một xu hướng.
- Nếu xuất hiện đảo chiều thì xu hướng thường sẽ không dài.
- Nến Hanging Man xác suất đảo chiều sẽ không cao so với những nến, cặp nến đảo chiều giảm khác.
Cặp nến Shooting Star (Sao băng)
Khái niệm: Là mô hình nến có thân nhỏ và bóng trên dài, thường xuất hiện sau xu hướng tăng mạnh. Nến thể hiện sau khi mở phiên thì lực mua tiếp tục duy trì mạnh sau đó nhưng xuất hiện lực bán mạnh trở lại cuối phiên về lại giá mở cửa ban đầu.
Lưu ý:
- Cùng là tín hiệu đảo chiều giảm nhưng nến Shooting Star sẽ có xác suất xảy ra cao hơn so với Hanging dài.
- Xác suất đảo chiều của Shooting Star cũng sẽ không quá cao. Nếu xuất hiện cặp nến đảo chiều thì xu hướng thường sẽ không dài.
Cặp nến Morning Star và Evening Star
Morning Star
Mẫu hình nến Morning Star được hình thành từ ba nến liên tiếp. Nến đầu tiên là nến giảm mạnh thể hiện mức độ quá bán của xu hướng giảm trước đó, nến thứ hai là nến cân bằng đi ngang (nếu tạo được gap so với nến trước sẽ càng tốt) và nến cuối cùng là nến tăng mạnh thể hiện lực mua trở lại đảo chiều.
Evening Star
Về tính chất cũng tương tự như Morning Star, Mẫu hình nến Evening Star được hình thành từ ba nến liên tiếp. Nến đầu tiên là nến tăng mạnh thể hiện mức độ hưng phấn của xu hướng tăng trước đó, nến thứ hai là nến cân bằng đi ngang (nếu tạo được gap tăng so với nến trước sẽ càng tốt) và nến cuối cùng là nến giảm mạnh thể hiện lực bán trở lại đảo chiều.
Lưu ý:
- Hai mô hình này sẽ có xác suất đảo chiều cao hơn do được hình thành từ nhiều nến.
- Xác suất đảo chiều mạnh sẽ phụ thuộc nhiều vào nến cuối thể hiện lực đảo chiều xu hướng.
Nến Doji tiêu chuẩn
Khái niệm: Là mô hình nến với thân nến rất nhỏ gần trung tâm nến và bóng nến dài cân bằng, thường xuất hiện khi thị trường có sự do dự.
Nến Doji này trừ khi xuất hiện nến có độ dài lớn hoặc tạo khoảng trống giá so với nến trước đó thì mới có tín hiệu cần chú ý. Ngoài ra, tín hiệu về nến này khá yếu ớt, không nên đặt nhiều sự chú ý.
>> Xem thêm: Tổng quan về mô hình nến Doji
Cách sử dụng cặp nến đảo chiều trong giao dịch chứng khoán
Đầu tiên cần lưu ý, nến hoặc cặp nến đảo chiều thông thường xác suất thành công thường khá thấp nếu không đạt đủ điều kiện về độ dài của nến hoặc khối lượng. Vì thế chỉ nên sử dụng một phần tài sản hợp lý để vào lệnh:
- Bước đầu tiên cần xác nhận tín hiệu đảo chiều từ mẫu hình nến.
- Điểm vào lệnh (Entry Point): Thông thường tối ưu nhất là vào lệnh gần cuối phiên đóng cửa của nến, cặp nến đang dần hình thành. Khi đó Nhà đầu tư sẽ được lợi hơn về cổ phiếu chờ về tuy nhiên cũng sẽ có rủi ro nếu mẫu hình thất bại trong phiên.
- Điểm dừng lỗ và chốt lời (Stop Loss và Take Profit): Mức độ đảo chiều của xu hướng với nến, cặp nến thường thời gian ngắn nên ra quyết định trong 2 – 5 nến tiếp theo.
Các yếu tố cần lưu ý khi sử dụng cặp nến đảo chiều
Chọn lọc các mô hình nến: Không phải tất cả các mô hình nến đều đáng tin cậy, cần phải xác định bối cảnh thị trường để áp dụng chính xác.
Độ dài của nến: Phản ánh mức độ biến động trong phiên giao dịch nên sẽ quyết định thành bại của mẫu hình.
Lưu ý nhưng nến cuối của mẫu hình: Xác suất đảo chiều đường giá phụ thuộc vào nến cuối của mẫu hình nến.
Khối lượng giao dịch: Cũng sẽ phản ánh mức độ biến động của nến đó. Nếu khối lượng cao hơn trung bình thì xác suất cặp nến đảo chiều cũng sẽ được gia tăng.
Kết luận
Với những mẫu hình cặp nến đảo chiều, nhà đầu tư cần chú ý nhiều đến vị trí và độ dài của nến, mẫu hình. Xác suất đảo chiều của nến, cặp nến thường không cao nên nhà đầu tư nên quan sát đồ thị trong quá khứ của nhiều mẫu hình nến để có cái nhìn tổng quan nhất.
Nến, mẫu hình cặp nến đảo chiều sẽ phù hợp hơn nếu xem như là một tín hiệu kỹ thuật cùng kết hợp với nhiều chỉ báo khác để cho ra xác suất dự đoán cao nhất.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về chiến thuật đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Thiên Phú
Wealth Manager