Hiểu rõ về quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường hiện nay

Ngày đăng: 18/11/2024 lượt xem

Quy luật cung cầu là nền tảng quan trọng trong việc hiểu rõ hoạt động của nền kinh tế thị trường. Cung và cầu không chỉ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò và ý nghĩa của nó trong các hoạt động kinh tế.

Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường là gì?

Định nghĩa quy luật cung cầu

Cầu biểu thị cho số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng mua. 
Cung biểu thị cho số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người cung cấp có khả năng bán ra thị trường.

Sức cầu và cung gặp nhau sẽ hình thành nên thị trường

Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường là một nguyên tắc kinh tế biểu thị cho giá cả của hàng hóa, dịch vụ mà nó sẽ điều chỉnh để làm cân bằng số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp (sức cung) với số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng (sức cầu) có khả năng mua.

Quy luật cung cầu còn cho thấy mối quan hệ giữa cung và cầu thường không tỷ lệ thuận với nhau: Khi cầu tăng thường sẽ kéo giá tăng, ngược lại khi cung tăng giá thường sẽ có xu hướng giảm.

Một số ví dụ về cung cầu trong nền kinh tế

Đối với ngành bất động sản: Các dự án bất động sản được thiết kế hiện đại, tốc độ xây dựng nhanh chóng sẽ cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm hơn. Nhu cầu tìm mua nhà để ở, để đầu tư kinh doanh tăng lên sẽ làm tăng sức cầu, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhanh hơn.

Đối với lĩnh vực giải trí: Sau quá trình làm việc căng thẳng, nhiều người tìm đến những hình thức giải trí khác nhau, điều này giúp cho lĩnh vực giải trí gia tăng nhiều chương trình, game show, phim ảnh, ca nhạc cũng phát triển với tốc độ rất nhanh để theo kịp nhu cầu thưởng thức ngày càng tăng cao.

Mối quan hệ giữa cung và cầu

Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường
Hình 1: Mối quan hệ giữa cung và cầu.

Thị trường rất phức tạp và luôn biến động không ngừng, dựa vào quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường, nhà cung cấp và người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định một cách chính xác và thông minh hơn, giúp đôi bên cùng có lợi.

Khi giá cả tăng cao, cầu sẽ giảm và cung sẽ tăng: Doanh nghiệp sẽ tăng cường sản xuất (tăng nguồn cung) nếu nhận thấy giá cả đang có xu hướng tăng, để hưởng lợi từ mức giá tăng cao. Trong khi đó thì người dùng sẽ có xu hướng hạn chế mua sắm do nhận thấy mức giá đang không còn phù hợp nữa (giảm sức cầu).

Khi giá cả giảm, cầu sẽ tăng và cung sẽ giảm: Xu hướng giá đang giảm thấp, điều này sẽ hấp dẫn người tiêu dùng, dẫn đến tăng sức cầu. Nhưng đối với doanh nghiệp, việc giá giảm không có động lực để họ gia tăng sản xuất, mà sẽ có xu hướng giảm số lượng sản xuất (cung giảm).

Khi cầu tăng, giá cả tăng và cung cũng tăng theo: Nếu nhu cầu cho một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó tăng đột xuất (nhu cầu lớn) thì giá cả sẽ tăng và doanh nghiệp cũng tăng cường quy mô sản xuất để tăng cung cho thị trường.

Giá cả sẽ giảm khi cung tăng nhưng cầu có thể không đổi: Trên thị trường đang có quá nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ, vượt xa nhu cầu tiêu thụ, sẽ dẫn tới giá giảm. Giá giảm nhưng không phải lúc nào cũng dẫn tới sức cầu tăng mà có thể sức cầu vẫn không thay đổi.

>>>> 2 phút mở tài khoản chứng khoán Online, tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Yếu tố ảnh hưởng đến quy luật cung và cầu trong nền kinh tế thị trường

Các yếu tố ảnh hưởng đến cung (công nghệ sản xuất, nguồn lực sản xuất, số lượng nhà sản xuất, giá nguyên liệu…)

quy luật cung cầu - Hình: Các yếu tố ảnh hưởng đến cung
Hình 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến cung

Công nghệ sản xuất: Một doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại sẽ làm tăng năng suất và do đó sản lượng hàng hóa được sản xuất ra sẽ nhiều hơn.

Số lượng nhà sản xuất: Một loại hàng hóa mà có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất sẽ làm tăng số lượng cung cấp ra thị trường. Càng nhiều nhà sản xuất thì lượng hàng hóa càng nhiều và ngược lại.

Giá của các yếu tố đầu vào: Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bán ra thị trường để tìm kiếm lợi nhuận, giá các yếu tố đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa mà các nhà sản xuất muốn bán.

Nếu giá đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng, điều này làm giảm lợi nhuận nên doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm số lượng sản phẩm. Ngược lại, giá đầu vào giảm kéo theo chi phí sản xuất cũng giảm, làm gia tăng tỷ lệ lợi nhuận sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tăng cường sản xuất.

Chính sách thuế: Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì thuế là chi phí, do vậy khi có chính sách giảm thuế, miễn thuế hoặc trợ cấp có thể khuyến khích sản xuất làm tăng nguồn cung. Ngược lại, nếu thuế tăng sẽ hạn chế sản xuất và làm giảm nguồn cung.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu (thu nhập người tiêu dùng, thị hiếu, giá hàng hóa thay thế…).

phân tích quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường - Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu
Hình 3: Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu

Thu nhập: Thu nhập là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm và khả năng có thể mua sắm của người tiêu dùng. Có thể nói thu nhập và nhu cầu mua sắm có quan hệ tỷ lệ thuận với nhau.

Đối với đa số hàng hoá, dịch vụ, khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên thì cầu đối với chúng tăng lên và ngược lại. Các hàng hoá đó được gọi là các hàng hoá phổ thông. Ví dụ các hàng hoá như lương thực, thực phẩm, du lịch… là hàng hoá phổ thông.

Thị hiếu: Các nhà sản xuất sẽ quan sát thị hiếu người tiêu dùng để biết họ muốn mua những loại hàng hóa nào. Nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, thị hiếu đôi khi không phụ thuộc vào giá cả của hàng hóa và thu nhập của người tiêu dùng. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị hiếu người tiêu dùng như tâm lý lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, thói quen tiêu dùng…Thị hiếu cũng thay đổi theo thời gian và chịu nhiều ảnh hưởng từ quảng cáo từ đó tác động đến quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường.

Ví dụ: Những năm 90 của thế kỷ trước thì giới trẻ Việt Nam thích thời trang phong cách của các ngôi sao Hồng Kông do phim ảnh Hồng Kông lúc đó cực thịnh. Nhưng kể từ sau những năm 2000 cho tới nay thì điện ảnh Hàn Quốc phát triển vượt bậc, được giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt nên họ thay đổi cách ăn mặc, bắt chước các ngôi sao Hàn Quốc nhiều hơn.

Giá của hàng hoá liên quan: Khi mua sắm hàng hóa người tiêu dùng còn rất quan tâm đến giá cả của các mặt hàng liên quan.

  • Hàng hoá thay thế là những hàng hoá có thể dùng thay cho hàng hoá đang cân nhắc hoặc có giá trị sử dụng như nhau hay thỏa mãn cùng nhu cầu ví dụ như cà phê có thể thay thế bằng trà, uống nước chanh thay vì dùng nước cam. 
  • Hàng hoá bổ sung là các hàng hoá được sử dụng cùng nhau ví dụ như xăng và xe máy, xe điện và pin… Khi giá xăng tăng người tiêu dùng có xu hướng giảm mua xe chạy xăng, làm cho nhu cầu xe xăng giảm xuống.

Số lượng người tiêu dùng hay quy mô thị trường là một trong những nhân tố quan trọng giúp xác định lượng tiêu dùng tiềm năng. Thị trường càng nhiều người tiêu dùng thì cầu tiềm năng sẽ càng lớn.

Những quốc gia đông dân số luôn là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Ví dụ như buôn bán lúa gạo, nếu bán ở Singapore với vài triệu dân thì so với thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân thì thị trường Việt Nam tiềm năng hơn nhiều.

Tác động của quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường

Tác động của cung cầu đối với việc xác định giá cả và sản lượng

Trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa, người mua thì muốn mua được mức giá thấp, còn người bán thì lại muốn bán được giá cao nhất. Tuy nhiên, nếu bán với giá quá cao thì sẽ mất khách hàng, hàng hóa khó tiêu thụ. Do vậy, giá bán sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh của thị trường.

Đối với người bán thì giá cả phải bù đắp được chi phí và có lợi nhuận. Lợi nhuận càng nhiều càng hấp dẫn nhà sản xuất. Tuy nhiên, giá bán cao bao nhiêu là hợp lý, điều này sẽ phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, giá cả phải phù hợp với giá trị sử dụng của sản phẩm, của dịch vụ và phù hợp với lợi ích của họ.

Do đó, trong “cuộc chiến” giá cả giữa người mua và người bán, nếu số lượng cung nhiều mà cầu ít thì lợi thế sẽ nghiêng về người tiêu dùng, mức giá sẽ được kéo thấp xuống đáng kể. Ngược lại, nếu cung ít mà cầu nhiều thì lợi thế sẽ nghiêng về bên bán, giá sẽ tăng lên và các nhà sản xuất sẽ gia tăng thêm sản lượng để hưởng lợi từ mức giá tăng cao này.

Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường và chu kỳ kinh tế

Mặc dù bên mua và bên bán luôn “giằng co” về giá nhưng thị trường có khả năng tự điều chỉnh để luôn đạt trạng thái cân bằng. Nếu giá lệch đi so với mức giá cân bằng thì bên mua và bên bán, quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường sẽ có động cơ để thay đổi hành của mình để đưa giá quay trở lại trạng thái cân bằng.

Trong quá trình thay đổi hành vi của bên mua và bên bán, ví dụ bên bán nhận thấy lượng cung đang bị thiếu hụt và giá cả đang tăng cao thì sẽ điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất. Giả sử nhiều nhà sản xuất đều tăng sản lượng sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa quá mức đối với sản phẩm trên thị trường. 

Điều này sẽ tạo sức ép thay đổi giá cả hàng hóa và dĩ nhiên giá sẽ bị giảm nhiều. Nếu lượng dư cung chỉ xảy ra ở phạm vi một vài sản phẩm đơn lẻ trên thị trường thì cũng không có vấn đề gì đối với nền kinh tế, thị trường sẽ tự cân bằng.

Nhưng nếu sự dư thừa này xảy ra ở những lĩnh vực quan trọng và quy mô lớn hơn sẽ gây nên những hệ lụy và có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế một thời gian dài trước khi thị trường có những hành vi thay đổi để tái thiết lập trạng thái cân bằng trở lại.

>> Xem thêm: Chu kỳ kinh tế là gì? 4 giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Cách cung cầu ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nhà nước

Như đã phân tích, cung cầu hài hòa thì giá cả sẽ ổn định. Nếu quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường lệch pha sẽ ảnh hưởng đến giá cả và hành vi của các bên. Nếu thị trường bị tác động bởi sự dư cung hoặc thiếu cầu, chính phủ có thể điều hành bằng chính sách thuế để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng (cung cầu hài hòa).

  • Nếu cung vượt cầu: Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp để kích thích cầu tăng lên. Ví dụ, những khi nông dân sản xuất ra một sản phẩm như dưa hấu, sầu riêng, thanh long… nhưng gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu dẫn đến lượng cung quá nhiều đối với sức tiêu thụ của thị trường, lúc này nhà nước có thể thực hiện một số biện pháp như khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người nông dân phương pháp bán hàng để bán nhanh hơn. 
  • Nếu cầu vượt cung: Nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp để điều chỉnh, tăng nguồn cung cho thị trường như kêu gọi các doanh nghiệp gia tăng sản lượng, định hướng ngành nghề cho những doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực đang thiếu hụt, miễn giảm thuế cũng có hiệu quả kích thích doanh nghiệp gia tăng sản xuất. 

Cách doanh nghiệp ứng dụng quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường để phát triển kinh doanh

Trên thị trường dịch vụ hàng hóa thì luôn tồn tại cuộc “giằng co” về giá cả giữa bên cung và bên cầu. Để hài hòa lợi ích của cả hai bên thì cung cầu trên thị trường phải hài hòa với nhau, nghĩa là không có sự thiếu hụt đáng kể hoặc dư thừa đáng kể về sản phẩm, dịch vụ.

Các doanh nghiệp có thể quan sát thị hiếu của người tiêu dùng, thói quen mua sắm, sở thích, xu hướng thị trường tiêu dùng đang quan tâm lĩnh vực nào sản phẩm nào với mức giá bao nhiêu thì người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu. Dựa vào đó để có kế hoạch phát triển kinh doanh bền vững và đạt được lợi nhuận mong muốn.

Áp dụng quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường để phát triển kinh doanh, nếu nhận thấy thị trường đang dư thừa nguồn cung, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất để giảm nguồn cung ra thị trường. Khi nhận thấy nhu cầu tiêu dùng tăng lên, lực cầu mạnh lên thì doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng sản xuất để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Kết luận

Là một người tiêu dùng, một nhà sản xuất hay một nhà lập pháp thì việc hiểu về cung cầu và quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng giúp chúng ta đưa ra những quyết định kinh tế thông minh. Quy luật cung cầu không chỉ là một nguyên tắc cơ bản của kinh tế mà còn là nền tảng quan trọng của hoạt động kinh tế thị trường.

Việc hiểu rõ quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường không chỉ giúp bạn nắm bắt cơ hội kinh doanh mà còn là chìa khóa để tối ưu hóa quyết định đầu tư. Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Hãy tiếp tục theo dõi Stock Insight để có thêm những thông tin hữu ích về kinh tế và tài chính nhé!

Phan Thị Thu Thuỷ
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Pump là gì? Cách tránh bẫy pump và dump trong đầu tư chứng khoán

Pump là gì? Pump là thuật ngữ ám chỉ hành động mua vào một lượng lớn chứng khoán nhằm đẩy nhu cầu và giá lên cao hơn giá trị thật...

ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì? Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà người mua cổ phiếu không có đặc quyền liên quan như quyền nhận...

Cách xác định xu hướng và giao dịch theo xu hướng dựa trên hệ thống các đường trung bình động

Hệ thống đường trung bình động là công cụ phân tích kỹ thuật mạnh mẽ giúp nhà đầu tư cách xác định xu hướng thị trường. Bài viết này sẽ...