Đầu tư trái phiếu: Những cạm bẫy mà nhà đầu tư thường mắc phải (Phần 4)
Đầu tư trái phiếu thường được xem là an toàn hơn so với cổ phiếu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng như nhiều người nghĩ. Phần 4 của loạt bài này sẽ chỉ ra những cạm bẫy phổ biến mà nhiều nhà đầu tư trái phiếu thường mắc phải, từ việc đánh giá sai rủi ro tín dụng, bỏ qua yếu tố thanh khoản, đến bị hấp dẫn bởi lãi suất cao mà không lường trước những nguy cơ tiềm ẩn. Hiểu rõ những sai lầm này sẽ giúp bạn xây dựng chiến lược đầu tư vững chắc và tránh những rủi ro không đáng có.
Mục Lục
Bạn đã thật sự hiểu rõ về đầu tư trái phiếu?
Trái phiếu là một loại chứng khoán đóng vai trò chứng nhận nghĩa vụ nợ của Tổ chức phát hành (TCPH) đối với Người sở hữu trái phiếu (trái chủ). Thu nhập của trái phiếu (lợi tức) là khoản tiền được trả cố định hàng kỳ cho người sở hữu trái phiếu mà không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của TCPH.
Trái phiếu là chứng khoán nợ, TCPH có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn. Trong trường hợp TCPH bị giải thể hoặc phá sản, trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán trước những cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Đồng thời, người sở hữu trái phiếu cũng không có quyền biểu quyết hay tham gia vào bất cứ hoạt động nào của TCPH.
Lợi tức trái phiếu mang lại thông thường sẽ cao hơn lãi suất ngân hàng cùng kỳ hạn và không biến động liên tục như giá cổ phiếu nên trái phiếu dần trở thành một kênh đầu tư được nhiều người ưa chuộng. Nhưng từ “cú sảy chân” của Evergrande, theo sau đó là hàng loạt các bê bối liên quan đến việc phát hành trái phiếu ở Việt Nam phần nào cho thấy nhà đầu tư chưa thực sự đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Việc nhận diện được cạm bẫy và rủi ro thường gặp sẽ hạn chế được phần nào tổn thất trong quá trình đầu tư.
==> Mở tài khoản đầu tư trái phiếu online tại đây.
Nhận diện các cạm bẫy thường gặp trong đầu tư trái phiếu
Thiếu hiểu biết về rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng của trái phiếu được hiểu là những nguy cơ dẫn đến việc TCPH không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình. Các yếu tố liên quan đến rủi ro tín dụng bao gồm: Xếp hạng tín dụng, khả năng thanh toán, điều kiện kinh tế và khả năng nhận thức của nhà đầu tư.
Bài toán cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của bất kỳ sản phẩm tài chính nào luôn là vấn đề được giới đầu tư quan tâm, trái phiếu cũng không ngoại lệ. Một chu kỳ đầu tư trái phiếu thông thường sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm. Do đó các vấn đề liên quan đến chất lượng nhà phát hành và các điều khoản đảm bảo quyền lợi là những yếu tố cần được quan tâm thay vì chỉ tập trung vào lãi suất.
Những trái phiếu có rủi ro cao thường đi kèm với một mức lãi suất hấp dẫn (đặc biệt là đối với trái phiếu ngành Bất động sản). Hiện tại lãi suất bình quân gia quyền ngành BĐS tại Việt Nam vẫn duy trì trên mức 12% (mức lãi suất này phù hợp với các nhà phát hành có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức Trung bình – BB trở xuống).
Theo trong thống kê của S&P Global Ratings trong giai đoạn 1981-2020, những doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm BB có tỷ lệ vỡ nợ trong 5 năm tiếp theo lên tới gần 20%. Do đó, những doanh nghiệp hoặc công cụ nợ có mức xếp hạng tín nhiệm này thường được xếp vào hạng có tính đầu cơ cao. Trong khi lãi suất ngân hàng chỉ đang dao động quanh 4%, thì con số 12% càng trở nên hấp dẫn.
Để giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư vào các công ty có nguy cơ phá sản cao, luôn kiểm tra xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành tại các tổ chức đánh giá uy tín. Đồng thời, nhà đầu tư cần hiểu rõ về tình hình tài chính của họ trước khi ra quyết định đầu tư.
Nhầm lẫn khái niệm
“Trái phiếu có tài sản đảm bảo” là một khái niệm dễ dẫn đến hiểu lầm cho nhà đầu tư bởi lẽ nhiều người vẫn cho rằng việc nắm giữ trái phiếu có tài sản đảm bảo được xem là an toàn tuyệt đối nhưng thực chất không hẳn là như thế.
Theo luật định, trong trường hợp TCPH mất khả năng thanh toán nợ, trái chủ có quyền sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng lớn đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng. Mức độ an toàn của tài sản đảm bảo còn phụ thuộc vào giá trị và tính thanh khoản của tài sản. Chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng rất hạn chế (chủ yếu là những dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp). Nếu tài sản mất giá hoặc thanh khoản kém thì rủi ro cho nhà đầu tư vẫn tồn tại.
Vì thế, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các điều khoản, thông tin về trái phiếu trước khi ra quyết định đầu tư. Tránh đặt những suy nghĩ chủ quan của bản thân vào quá trình đầu tư. Mọi sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến rủi ro rất lớn đối với tài sản.
Không chú ý đến rủi ro lạm phát và lãi suất
Lợi tức từ trái phiếu thường được neo quanh một mốc cố định trong nhiều năm. Do vậy, việc cân nhắc yếu tố lạm phát và lãi suất ngân hàng cũng cần được lưu ý. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và lạm phát ngày càng tăng tại Việt Nam, nếu lãi suất trái phiếu thấp hơn 4% thì đây đây chắc chắn là khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận. Ngoài ra, giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất tiền gửi. Trong trường hợp lãi suất tăng thì giá trái phiếu giảm và ngược lại.
Vì thế, rủi ro lạm phát và biến động lãi suất cũng là hai yếu tố cần được xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư.
Không đa dạng hóa danh mục đầu tư
Việc “không bỏ trứng vào một giỏ” đã dần trở nên quen thuộc đối với giới đầu tư và trái phiếu cũng không phải ngoại lệ. Phân bổ danh mục một cách hợp lý là điều cần có để tránh việc khi một TCPH gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ danh mục.
Bỏ qua rủi ro thanh khoản
Cuối cùng là yếu tố thanh khoản, đại diện cho khả năng chuyển đổi từ trái phiếu thành tiền một cách nhanh chóng, liên quan đến việc nhà đầu tư phải bán dưới giá trị thực hoặc không thể thanh lý được trái phiếu. Sự chênh lệch giữa mức giá chào mua và chào bán càng lớn thì rủi ro thanh khoản càng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường không đánh giá cao cũng như không có quá nhiều sự chú ý vào trái phiếu này.
Kết luận
Trái phiếu vẫn là một sản phẩm đầu tư với mức lợi suất hấp dẫn nhưng không có loại chứng khoán nào là an toàn tuyệt đối. Vì thế, việc nhận diện được những cạm bẫy trong đầu tư trái phiếu là hết sức cần thiết. Rủi ro vẫn luôn hiện hữu xuyên suốt quá trình đầu tư nhưng có thể giảm thiểu bằng cách trang bị kiến thức, kỹ năng để đảm bảo giao dịch an toàn và hiệu quả. Không nên để bản thân rơi vào trạng thái chủ quan hay tin tưởng hoàn toàn vào một doanh nghiệp.
Như vậy phần cuối của Serie “Đầu tư về trái phiếu” đã khép lại, xin cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian nghiên cứu các bài chia sẻ từ Stock Insight, quý độc giả có thể đọc lại các phần trước tại:
Phần 1: Trái phiếu là gì? Phân biệt trái phiếu và cổ phiếu
Phần 2: Xây dựng chiến lược đầu tư trái phiếu
Phần 3: Học cách quản lý rủi ro để đầu tư trái phiếu an toàn
Đức Phú
Account Manager