Chỉ báo ADX là gì? Ứng dụng chỉ báo ADX trong phân tích xu hướng thị trường

Ngày đăng: 10/07/2024 lượt xem

Câu nói nổi tiếng khi tham gia thị trường chứng khoán là: “Trend is friend” cho thấy chỉ khi hiểu được xu hướng thị trường thì chúng ta mới có thể đưa ra được quyết định đúng đắn. Và chỉ báo ADX chính là một trong những chỉ báo tin cậy về phân tích và đánh giá xu hướng để tăng hiệu quả trong giao dịch.

Chỉ Báo ADX Là Gì?

Khái niệm chỉ báo ADX

Chỉ báo ADX (Average Directional Index) hay dịch ra là chỉ số định hướng trung bình, là một chỉ báo dùng để đo lường sức mạnh của xu hướng. ADX được phát triển bởi J.Welles Wilder, ông là cha đẻ của rất nhiều chỉ báo huyền thoại được nhà đầu tư tin dùng như RSI, MACD, Parabolic SAR.

Thành phần của chỉ báo ADX

chỉ báo adx là gì
Thành phần của ADX

Khi nhắc tới chỉ báo ADX là chúng ta đang nhắc tới 1 tổ hợp gồm 3 chỉ báo đơn lẻ kết hợp lại với nhau:

  • Đường ADX (màu xanh đậm), có chức năng đo lường sức mạnh của xu hướng hiện tại là mạnh hay yếu.
  • Đường chỉ báo định hướng dương (Positive Directional Indicator) ký hiệu là (+DI), đường màu xanh là cây.
  • Đường chỉ báo định hướng âm (Negative Directional Indicator) ký hiệu là (-DI), đường màu đỏ.

Khi đã có ADX là đo lường sức mạnh của xu hướng, thì ta cần kết hợp (+DI) và (-DI) để biết được xu hướng hiện tại là gì:

  • Nếu đường (+DI) > đường (-DI): thị trường đang trong một xu hướng tăng.
  • Nếu đường (+DI) < đường (-DI): thị trường đang trong một xu hướng giảm.

Cách tính chỉ báo ADX

Cách sử dụng chỉ báo ADX không khó, nhưng cách tính ADX thì khá phức tạp, mỗi giá trị dùng để tính ADX đều được lấy trung bình 14 phiên giao dịch. Hiện tại, các phần mềm phân tích kỹ thuật như Amibroker; MT4; MT5 hay các nền tảng giao dịch trực tuyến như: tradingview; fireant;… đều có hỗ trợ sẵn chỉ báo ADX, do đó, chúng ta nên hiểu cấu tạo và áp dụng hơn là tự tính toán ra chỉ số này.

Tính chỉ số ADX, đầu tiên chúng ta sẽ tính ra DX:

Công thức tính DX

Sau đó, từ DX sẽ tính ra “ADX đầu tiên”

Công thức ADX đầu tiên

Tiếp theo, ADX sẽ được tính trong 14 ngày

Công thức ADX

Ứng dụng của ADX trong phân tích Xu hướng thị trường

Công dụng chính của chỉ báo ADX là giúp nhà đầu tư xác định được độ mạnh yếu của xu hướng, từ đó, có thể xác định được xu hướng của thị trường và có tác dụng quan trọng trong việc quyết định nên giao dịch theo hướng nào để tối ưu lợi nhuận.

Đo lường sức mạnh xu hướng

Chỉ số ADX Sức mạnh của xu hướng
0-25 Xu hướng yếu hoặc không có xu hướng
25-50 Có xu hướng và tương đối mạnh
50-75 Có xu hướng mạnh
75-100 Có xu hướng cực kỳ mạnh

Như vậy, ngoài tác dụng trong việc đo lường sức mạnh của xu hướng, chỉ báo ADX cũng cho chúng ta thông tin về việc hiện tại Chỉ số/Cổ phiếu có xu hướng hay không. Và khi ADX >25 là đã xuất hiện xu hướng, và giá trị ADX càng lớn, xu hướng càng mạnh.

Xác định điểm vào lệnh

  • Khi ADX giảm dưới ngưỡng 20, tức là không có xu hướng rõ ràng, nhà đầu tư nên hạn chế vào lệnh để tránh hiện tượng nhiễu.
  • Khi ADX vượt qua ngưỡng 25, tức là chỉ số/cổ phiếu đã bắt đầu có xu hướng. Và đây là lúc chúng ta cần két hợp với 2 chỉ số (+DI) và (-DI) để xác định xu hướng Tăng hay Giảm để từ đó ra quyết định Mua hay Bán.
  • Khi ADX >40 -50, cho thấy 1 xu hướng rất mạnh, và chúng ta kết hợp thêm giao cắt của (+DI) và (-DI):
    • Nếu (+DI) > (-DI) hay (+DI) nằm trên (-DI) thì cho thấy tín hiệu của xu hướng tăng, và nhà đầu tư nên mua vào.
    • Nếu (+DI) < (-DI) hay (+DI) nằm dưới (-DI) thì cho thấy tín hiệu  của xu hướng giảm, và nhà đầu tư nên bán ra.

Xác định điểm thoát lệnh

Sau khi 1 thời gian dài chỉ báo ADX duy trì trên ngưỡng 25, và sau đó bắt đầu giảm xuống  dưới mức 25 trở lại là dấu hiệu về xu hướng hiện tại đang yếu đi. Sau đó, chỉ số/cổ phiếu bước vào giai đoạn đi ngang, có thể sẽ đảo chiều hoặc tái tích lũy. Đứng trước tình huống không rõ ràng như vậy, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro bằng cách đóng bớt vị thế hiện tại hoặc phối hợp với chỉ báo khác để ra quyết định.

Ví Dụ Thực Tế Áp Dụng Chỉ Báo ADX Để Giao Dịch

Để sử dụng hiệu quả chỉ báo ADX, chúng ta cần một lần nữa khẳng định lại, điểm mạnh của ADX là “đo lường sức mạnh của xu hướng”, và chúng ta nên sử dụng ADX để xác định chỉ số đã có xu hướng hay chưa và xu hướng đang mạnh hay yếu?

1. Chỉ báo ADX được sử dụng để ra quyết định mở vị thế mua

adx là chỉ báo gì
ADX được sử dụng để ra quyết định mở vị thế mua

Cổ phiếu HCM ngày 27/3/2023 có thông số chỉ báo ADX như sau:

ADX có giá trị 10; (+DI) có giá trị 24 và (-DI) có giá trị 21, và các phiên giao dịch sau đó, khoảng cách giữa (+DI) và (-DI) ngày càng duy trì nới rộng với (+DI) nằm trên đường (-DI), tuy nhiên, ADX vẫn duy trì mức thấp <25 và với một nhà giao dịch theo trường phái “follow trend” thì tín hiệu còn yếu và chưa đủ cơ sở vào lệnh.

Cổ phiếu HCM tới ngày 25/5/2023, có thông số chỉ báo ADX như sau:

ADX có giá trị 25, và (+DI) vẫn duy trì nằm trên (-DI) từ ngày 27/3/2023, báo hiệu xu hướng hình thành từ 27/3/2023 đã được xác nhận và mạnh hơn, đây là tín hiệu có thể mở vị thế mua với HCM ở vùng giá quanh 18. Sau đó, tiếp tục quan sát HCM, và chỉ báo ADX sau 1 thời gian giảm dần tới ngày 3/8/2023 giảm về bên dưới mốc 25, cho thấy xu hướng tăng đang yếu đi và nhà  đầu tư cân nhắc chốt bớt vị thế hoặc đóng hoàn toàn vị thế tại vùng giá quanh 21, mang lại tỷ suất lợi nhuận 17%.

2. Chỉ báo ADX cũng được sử dụng để ra quyết định khi cần Quản trị rủi ro

chỉ báo adx
ADX được sử dụng để ra quyết định khi cần Quản trị rủi ro

Cổ phiếu HCM ngày 10/1/2022, có thông số chỉ báo ADX như sau:

ADX có giá trị 13, (+DI) là 22 và (-DI) là 29, như vậy, trong bối cảnh giá HCM có phiên giao dịch giảm mạnh để mất MA50 ngày đi kèm KLGD tăng mạnh, và (-DI) nằm trên (+DI) đang báo hiệu 1 xu hướng giảm với cổ phiếu HCM, tuy nhiên, giá trị ADX chỉ là 13 và HCM đang có 1 xu hướng tăng mạnh trước đó, nên tín hiệu ADX chưa đủ tin cậy để bán HCM hoặc  đóng vị thế.

Cổ phiếu HCM ngày 20/1/2022, có thông số chỉ báo ADX như sau:

ADX có giá trị 26, (-DI) tiếp tục duy  trì nằm trên (+DI) cho thấy tín hiệu HCM bước vào xu hướng giảm giá từ ngày 10/1/2022 đã được xác nhận, và xu hướng giảm giá đang mạnh lên. Lúc này, nhà đầu tư cần tuân thủ quản trị rủi ro để hạn chế thua lỗ, khi bán HCM tại vùng giá 25, sau đó HCM đã có nhịp giảm mạnh khi có lúc giảm tới 57% tính từ ngày 20/1/2022 tại vùng giá 25.

Kết luận

Vì vậy, chỉ báo ADX cần được tập trung vào thế mạnh của chỉ báo là đo lường sức mạnh của xu hướng và kết hợp các chỉ báo khác để tối ưu hiệu quả  giao dịch. Tuy nhiên, cũng như các chỉ báo khác, ADX cũng có điểm yếu là tín hiệu tương đối chậm do tổng hợp trung bình của các chỉ số thành phần như (+DI); (-DI); DX và dùng để tính ADX. Việc (+DI) và (-DI) liên tục có tín hiệu giao cắt cũng là điểm yếu của chỉ báo ADX, dễ gây ra các tín hiệu nhiễu cho nhà đầu tư mới ít kinh nghiệm.

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

lệnh ATC là gì

Lệnh ATC là gì? Nguyên tắc hoạt động và cách đặt lệnh ATC

Trong giao dịch chứng khoán, lệnh ATC là một loại lệnh được sử dụng để mua hoặc bán cổ phiếu với giá phù hợp với giá đóng cửa của phiên...

Bull Trap là gì? Cách phòng tránh Bull Trap khi đầu tư chứng khoán

Bull Trap là gì? Cách phòng tránh Bull Trap khi đầu tư chứng khoán

Việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không bao giờ là dễ dàng với các nhà đầu tư mới vì thị trường và cổ phiếu luôn biến...

tài khoản ký quỹ là gì

Tài khoản ký quỹ là gì? Phân biệt nhanh tài khoản ký quỹ và tài khoản thường trong đầu tư

Trong lĩnh vực tài chính và giao dịch, việc đảm bảo tính chính xác và an toàn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Để giải quyết những...