Cách đọc bảng điện tử chứng khoán, các thuật ngữ và chỉ số NĐT mới cần quan tâm
Một trong những bài học vỡ lòng và đầu đời trong đầu tư chứng khoán là đọc – hiểu bảng điện tử chứng khoán. Bảng giá cổ phiếu là nơi cung cấp những thông tin về sự tăng, giảm, khớp lệnh của các cổ phiếu lên sàn. Stock Insight sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết để theo dõi bảng giá chứng khoán dành cho những nhà đầu tư “ chân ướt chân ráo” trên thị trường.
Mục Lục
Khái niệm chung về bảng điện tử chứng khoán
Bảng điện tử chứng khoán hiểu đơn giản là màn hình hiển thị những chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán bao gồm mã chứng khoán, giá khớp lệnh, khối lượng giao dịch,… của các sàn trên thị trường.
Tại Việt Nam hiện nay có 2 sàn chứng khoán giao dịch chính thống: HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) và HOSE (Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, trên thị trường còn có sàn giao dịch UPCOM (Unlisted Public Company Market) dành cho các công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết, các công ty cổ phần vừa và nhỏ tham gia vào thị trường chứng khoán.
Các thuật ngữ trên bảng điện tử chứng khoán
Cùng Stock Insight thực hành đọc hiểu các khái niệm trên bảng điện tử/ bảng giá chứng khoán tại bảng giá của HSC: https://priceonline.hsc.com.vn/
1. Cột Mã chứng khoán (Mã CK)
Là danh sách các mã chứng khoán đang giao dịch trên thị trường ( sắp xếp theo thứ tự A – Z). Mỗi một doanh nghiệp niêm yết lên sàn đều được Ủy bản Chứng khoán nhà nước cấp một mã giao dịch riêng gồm 3 ký tự in hoa, là tên viết tắt của công ty nhưng đôi khi do sự trùng lặp nên doanh nghiệp niêm yết lên sàn sau thì buộc lựa chọn tên khác.
Ví dụ: HCM – Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh
2. Cột Tham chiếu (TC)
Là mức giá đóng cửa của mỗi mã trong phiên giao dịch gần nhất (thường có màu vàng). Riêng sàn UPCOM giá tham chiếu được tính bằng giá bình quân của phiên giao dịch gần nhất. Giá tham chiếu cũng là cơ sở để tính giá trần và sàn cho ngày giao dịch tiếp theo.
3. Cột Giá trần (Trần)
Là mức giá cao nhất mà một mã cổ phiếu có thể tăng trong một phiên giao dịch. Nhà đầu tư không thể đặt mua/bán vượt quá so với mức giá này. Giá trần được hiển thị bằng màu tím trên bảng điện.
- Sàn HOSE, Giá trần là mức giá tăng +7% so với Giá tham chiếu
- Sàn HNX, Giá trần là mức giá tăng +10% so với Giá tham chiếu
- Sàn UPCOM sẽ là mức tăng +15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
4. Cột Giá sàn (Sàn)
Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt mua/ bán trong ngày giao dịch. Giá sàn thể hiện bằng màu xanh lam.
- Sàn HOSE, Giá sàn là mức giá giảm -7% so với Giá tham chiếu
- Sàn HNX, Giá sàn là mức giá giảm -10% so với Giá tham chiếu
- Sàn UPCOM sẽ là mức giảm -15% so với Giá bình quân phiên giao dịch liền trước.
5. Cột Tổng khối lượng khớp lệnh (Tổng KL)
Là tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày, thể hiện tính thanh khoản của cổ phiếu.
6. Cột Khớp lệnh (Giá/ KL /+-)
Là cột thể hiện giá và khối lượng trên bảng điện tử đã khớp trong các giao dịch mua bán. Giá mua sẽ khớp từ cao xuống thấp và giá bán khớp từ thấp lên cao.
7. Cột Bên mua
Trên hầu hết các bảng điện chứng khoán hiện nay, mỗi bảng giá đều có 3 cột chờ mua. Mỗi cột bao gồm giá mua và khối lượng, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
- Cột giá 1 – KL1: Đây là cột có mức giá đặt mua cao nhất và khối lượng tương ứng.
- Cột giá 2 – KL2: Đây là cột có mức giá đặt mua cao thứ 2 và khối lượng tương ứng, độ ưu tiên sau cột giá 1.
- Cột giá 3 – KL3: Đây là cột có mức giá đặt mua thấp nhất và khối lượng tương ứng, xếp sau hai lệnh mua trên.
8. Cột Bên bán
Tương tự như cột bên mua trên bảng điện tử, cột bên bán thể hiện mức giá bán tốt nhất và khối lượng tương ứng đi kèm. Cột giá 1 – KL1 sẽ được ưu tiên trước, tiếp sau đó là cột giá 2,3.
9. Cột Giá Cao / Giá Trung bình (TB) / Giá Thấp
Là cột có mức giá khớp cao nhất trong phiên/Là cột giá được tính bằng trung bình cộng của giá cao nhất và giá thấp nhất/ Là cột có giá khớp ở mức thấp nhất trong phiên.
10. Cột Dư mua / Dư bán
Đây là cột thể hiện khối lượng cổ phiếu đang chờ khớp lệnh trên bảng giao dịch điện tử. Khi kết thúc phiên giao dịch, cột này hiển thị số lượng cổ phiếu không được thực hiện trong ngày giao dịch.
11. Cột Đầu tư nước ngoài (ĐTNN)
Là cột thể hiện khối lượng cổ phiếu của Nhà đầu tư nước ngoài trong ngày giao dịch, gồm 2 cột NN mua và NN bán.
Quy định màu sắc trên bảng điện tử chứng khoán
- Màu tím: Đây là màu sắc của mức giá trần ( còn gọi là CE), màu mà những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu mong muốn thấy nhiều nhất. Đây là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt mua/bán trong một phiên giao dịch.
- Màu xanh lá cây: Đây là màu sắc thể hiện mức giá, chỉ số thị trường đang tăng lên. Cổ phiếu màu xanh có mức giá cao hơn giá tham chiếu nhưng thấp hơn giá trần.
- Màu vàng: Đây là màu sắc thể hiện chỉ số chứng khoán không thay đổi so với giá tham chiếu. Đây là cơ sở để xác nhận giá trần và giá sàn trong phiên giao dịch.
- Màu đỏ: Thể hiện giá cổ phiếu, chỉ số đang giảm xuống. Cổ phiếu có màu đỏ có mức giá thấp hơn mức giá mở cửa hay giá tham chiếu nhưng cao hơn giá sàn.
- Màu xanh dương: Đây là màu sắc thể hiện chỉ số, giá chứng khoán giảm đến mức giá sàn. Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể mua/bán trong phiên.
Các chỉ số mặc định trên thị trường
- VN-Index: Chỉ số được tổng hợp và tính toán dựa trên biến động giá mỗi ngày của tất cả các công ty đang niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Chỉ số này giúp nhà đầu tư tham khảo để đưa ra những quyết định đầu tư, so sánh với các chỉ số của các nước khác trên thế giới. Chỉ số này thông thường chịu sự tác động trực tiếp của cung – cầu trên thị trường.
- VN30-Index: Là chỉ số giá của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, niêm yết trên sàn HOSE
- VN-AllShare: Là chỉ số vốn hóa của tất cả các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HOSE và HNX. Nhóm cổ phiếu này đáp ứng được các tiêu chí về tư cách công ty, tỷ lệ chuyển nhượng và tính thanh khoản. Đây cũng là chỉ số duy nhất trên bảng điện được tổng hợp từ cả hai sàn HOSE và HNX.
- HNX-Index: Chỉ số được tổng hợp và tính toán dựa trên biến động giá mỗi ngày của tất cả các công ty đang niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây cũng là một trong những chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá thị trường, định hình chiến lược đầu tư cho riêng mình.
- UPCOM-Index: Chỉ số này phản ánh mức độ biến động chung của thị trường UPCOM, nơi mà cổ phiếu không niêm yết được giao dịch. Điều này làm nổi bật vai trò của UPCOM trong hệ thống chứng khoán Việt Nam. Trên bảng điện tử chứng khoán cũng thể hiện chỉ số này để nhà đầu tư thuận tiện theo dõi.
Các loại lệnh cần biết trên thị trường
- Lệnh LO (Limit Order – Lệnh giới hạn): Là lệnh mua hoặc bán ở một mức giá xác định trên thị trường hoặc tốt hơn thế. Đây cũng là lệnh được sử dụng phổ biến trên thị trường. Ngoại trừ thời gian giao dịch thỏa thuận sau 14h45, lệnh này diễn ra suốt phiên, ngoại trừ sàn UPCOM, lệnh này được thực hiện đến 15h. Sau khi đưa vào hệ thống giao dịch, lệnh sẽ có hiệu lực cho đến khi kết thúc phiên giao dịch hôm đó hoặc đến khi bị hủy chủ động.
- Lệnh ATO (At The Open – Lệnh mở cửa): Là lệnh mua/ bán chứng khoán ở mức giá mở cửa. Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi khớp lệnh. Nếu trên sổ lệnh chỉ có lệnh ATO thì lệnh khớp sẽ không xác định giá đặt lệnh.
- Lệnh ATC (At The Close – Lệnh đóng cửa): Về tính chất là tương tự với lệnh ATO. Là lệnh mua/ bán chứng khoán ở mức giá đóng cửa trên thị trường. Nếu trên sổ lệnh chỉ có lệnh ATC thì lệnh khớp sẽ không xác định giá đặt lệnh.
- Lệnh MP (Market Price Order – Lệnh Thị Trường): Là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán khớp ngay tại mức giá mua cao nhất. Ví dụ: Bạn muốn mua 2000 cổ phiếu của công ty X với lệnh MP (thực hiện mua với giá bán thấp nhất thời điểm hiện tại). Giá cổ phiếu X vào thời điểm bạn đặt lệnh là 30.000đ/cổ phiếu và bạn khớp được 1000 cổ phiếu với giá này. Vậy, lệnh MP của bạn đã được khớp với 1000 cổ phiếu X. Còn lại 1000 cổ phiếu sẽ được đưa vào khớp tiếp ở mức giá chờ sẵn là 30.100đ/cổ phiếu.
- Lệnh MTL (Market To Limit – Lệnh thị trường giới hạn): Là lệnh thị trường sau khi khớp nếu còn dư thì phần dư đó sẽ chuyển thành lệnh giới hạn LO. Bản chất của việc dùng lệnh MTL này là nhà đầu tư muốn đặt ra một ngưỡng nhất định để không cho việc mua chứng khoán của họ bị vượt quá ngưỡng giới hạn. Ví dụ: Lệnh thị trường MTL được đặt với một khối lượng giao dịch mua 5000 cổ phiếu HCM với giá 20.000đ/cổ phiếu, nhưng chỉ có 2000 cổ phiếu khớp lệnh sau khi mua. Đồng nghĩa là 3000 cổ phiếu còn lại chưa được khớp lệnh. Vì vậy, 3000 cổ phiếu này sẽ chuyển thành lệnh LO, nếu giá cổ phiếu di chuyển xuống bằng hoặc dưới 20.000 thì lệnh mua sẽ tự động khớp.
- Lệnh MOK (Match Or Kill – Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc hủy): Là lệnh khớp toàn bộ hoặc hủy toàn bộ. Nhà đầu tư có thể làm lệnh này khi thực hiện nếu không được thực hiện toàn bộ sẽ bị hủy ngang. Ví dụ, nhà đầu tư đặt lệnh mua với mức giá lần lượt là 15, 15.2, 15.3 tương ứng với khối lượng lần lượt là 500, 300, 200. Tuy nhiên tổng khối lượng giao dịch của lệnh bán là 800 nhưng tổng số lượng đặt mua của nhà đầu tư là 1000. Trường hợp này hiểu là MOK.
- Lệnh MAK (Match And Kill – Lệnh thị trường khớp và hủy): Là lệnh thực hiện khớp toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại sẽ bị hủy sau khi khớp. Ví dụ, nhà đầu tư đặt lệnh MAK mua 1000 cổ phiếu Y. Sau khi khớp lệnh, lượng mua thực là 800, số lượng 200 cổ phiếu còn lại chưa khớp được sẽ bị hệ thống hủy bỏ.
- Lệnh PLO (Post Limit Order): Đây là lệnh chỉ có thể thực hiện ở Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ 14h45 đến 15h. Căn cứ điểm điều khoản 2 Điều 17 Quyết định 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022, lệnh PLO là lệnh đặt mua hoặc lệnh đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa.
Kết luận
Với những thông tin cơ bản được hiển thị trên bảng điện tử chứng khoán, Stock Insight hi vọng các nhà đầu tư, bạn đọc sẽ được cung cấp những thông tin cần thiết và đầy đủ để đọc hiểu những chỉ số trên thị trường, từ đó giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn trong việc đặt lệnh và ra quyết định đầu tư.
Hoàng Thị Ngọc
Account Manager