Bull trap trong chứng khoán là gì? Nhà đầu tư nên làm gì để tránh bẫy tăng giá?

Ngày đăng: 26/07/2024 lượt xem

Bull trap trong chứng khoán là một bẫy tăng giá cho nhà đầu tư cảm giác thị trường đang hồi phục và tốt dần lên sau một giai đoạn điều chỉnh giảm trước đó. Khi tham gia thị trường, cần tìm hiểu rõ Bull trap để giúp nhà đầu tư tránh mua phải cổ phiếu tăng giá ảo, hạn chế được rủi ro và bảo toàn lợi nhuận.

Bull trap trong chứng khoán là gì?

Nói về việc tăng giảm của thị trường, người ta dùng 2 khái niệm rất phổ biến đó là thị trường giá tăng (bull market hay còn gọi là thị trường con bò) và thị trường giá giảm (bear market hay còn gọi là thị trường con gấu). Từ đây có thể thấy bull trap có từ bull được trích từ bull market và trap nghĩa là “cái bẫy”. Vậy bull trap dịch sát nghĩa là một cái Bẫy tăng giá.

“Bẫy” mang ý nghĩa không tốt, mang tính chất không bền vững mà chỉ là sự đánh lừa. Bẫy bull trap trong chứng khoán mang hàm ý sự tăng giá mà nhà đầu tư đang nhìn thấy trên thị trường là không thật, chỉ là một tín hiệu giả, tạo cảm giác cho nhà đầu tư tin tưởng về sự phục hồi tăng giá của cổ phiếu sau một giai đoạn giảm trước đó và ra quyết định mua vào hay có thể dùng từ phổ biến hơn là “bắt đáy”, nếu không sẽ bị bỏ lỡ một cơ hội chốt lời hoành tráng.

Tuy nhiên, sự tăng giá này chỉ diễn ra trong một khoản thời gian rất ngắn và nhà đầu tư sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái thua lỗ nặng nề.

bull trap trong chứng khoán
Bull trap trong chứng khoán

Để xác định được bull trap trong chứng khoán không phải là việc dễ làm. Bẫy thì thông thường sẽ có người chủ động giăng bẫy để “lùa” những người non dạ cả tin mà trên thị trường dùng từ ví von là lùa gà. Vậy ai là người giăng bẫy thì chúng ta không thể biết được, chỉ có thể hiểu là do Ngài thị trường mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là nhà đầu tư không thể tránh được bẫy hoặc không thể nhận ra bẫy.

Dấu hiệu nhận diện của Bull trap 

Các bẫy bull trap thường có những dấu hiệu kỹ thuật nhận biết chung như: Sự đảo chiều của giá thường hay xuất hiện xung quanh các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự nhưng không đi kèm với chỉ báo khối lượng giao dịch hoặc các chỉ báo sức mạnh dòng tiền khác.

  • Giá đảo chiều tăng nhưng khối lượng giao dịch thì không có gì thay đổi so với trước đó, mà còn suy giảm. Điều này giúp nhà đầu tư có thể suy luận rằng trong đợt tăng giá này chỉ có một nhóm nhỏ nhà đầu cơ nào đó tham gia đẩy giá chứ không nhận được sự đồng thuận lan tỏa trên toàn bộ, dẫn tới việc dòng tiền không mạnh thể hiện qua sự sụt giảm của khối lượng giao dịch.
bull trap trong chứng khoán là gì
Ví dụ về Bull trap trong chứng khoán
  • Giá tăng nhưng những chỉ báo kỹ thuật như MA vẫn không cho tín hiệu đảo chiều mà vẫn cho tín hiệu tiếp tục xu hướng giảm. Đây cũng là một dấu hiệu quan trọng, bởi trong xu hướng tăng giá thì MA ngắn hạn sẽ có xu hướng cắt lên MA dài hạn.
bull trap là gì
Ví dụ về Bull trap trong chứng khoán

Nguyên nhân dẫn đến Bull trap trên thị trường

Vì sao có sự xuất hiện bẫy bull trap trong chứng khoán, điều này rất khó lý giải. Thật ra thị trường luôn biến động không ngừng trước những diễn biến phức tạp của các sự kiện kinh tế chính trị trong nước và quốc tế, những thông tin bất ngờ… Có thể diễn giải nguyên nhân xuất hiện bẫy bull trap thông qua những yếu tố sau đây:

  • Tâm lý thị trường: Trong xu hướng giảm giá khi chứng kiến giá cổ phiếu giảm trong một thời gian khá dài dẫn đến tâm lý bi quan và nhà đầu tư rất hy vọng một “phép màu” sẽ xuất hiện. Và trong không khí ảm đạm như vậy thì một tin tốt được tung ra cũng đủ giúp nhà đầu tư hi vọng và chuyển từ trạng thái muốn bán quay sang trạng thái tâm lý hưng phấn muốn mua thêm, muốn bắt đáy để không bị lỡ nhịp tăng giá. Và một lực mua ào ạt xuất hiện làm cho giá cổ phiếu ngừng đà giảm và chuyển sang tăng giá. Nhưng sự tăng giá này không kéo dài được lâu bởi trong một xu hướng giảm, tức là nền kinh tế đang gặp bất lợi thì không dễ gì giải quyết được những khó khăn một cách nhanh chóng.
  • Sự phá vỡ giả của các mức kháng cự: Trong phân tích kỹ thuật, việc giá kiểm tra đi kiểm tra lại ở một khoản giá nhưng không vượt qua được thì gọi là kháng cự. Nếu quan sát trong một khoản thời gian nhưng giá không vượt qua được thì nhà đầu tư cần hết sức quan tâm tới ngưỡng này và quan sát thật kỹ một khi giá vượt qua. Trong bull trap thì lực mua sẽ cố để đẩy giá qua ngưỡng này tao hiệu ứng tích cực thu hút sự quan tâm và kích thích lòng tham bắt đáy của người mua, nhưng sau đó giá nhanh chóng giảm lại, và trong suốt giai đoạn này khối lượng giao dịch không có xu hướng tăng mạnh như diễn biến tăng của giá.
  • Sự sai lệch của các tín hiệu kỹ thuật: Khi giá giảm một tỷ lệ nhất định sẽ ngừng đà giảm, giai đoạn này được xem như đi ngang và các chỉ báo kỹ thuật có thể cho ra tín hiệu bị sai, nhà đầu tư nhìn vào tín hiệu đó và tin tưởng thị trường sắp đảo chiều tăng giá nên vội vàng mua vào, dẫn đến lực cầu mạnh lên một cách bất ngờ làm cho giá tăng trở lại. Nhưng bên mua chỉ áp đảo được bên bán trong thời gian rất ngắn, sau đó do thiếu sự hỗ trợ của những thông tin tích cực nên lực mua nản lòng và không còn bắt đáy nữa, lúc này giá sẽ nhanh chóng giảm trở lại.

Ảnh hưởng của Bull trap lên việc đầu tư chứng khoán

Như đã phân tích, bẫy tăng giá rất khó để nhận biết và cũng có rất nhiều nguyên dẫn tới bull trap trong chứng khoán có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. 

Nhà đầu tư nếu bị dính bẫy bull trap mua vào khi giá tăng ảo sau khi giá quay đầu giảm mạnh trở lại sẽ bị thiệt hại nặng nề:

  • Thiệt hại tài chính: Việc mua cao bán thấp sẽ gây ra nhưng thua lỗ nặng nề, khoản lỗ đôi khi lên tới vài chục phần trăm sẽ tạo áp lực lên kế hoạch đầu tư ban đầu. Nhà đầu tư sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để có thể sửa sai cho quyết định mua nhầm của mình.
  • Tác động tâm lý nhà đầu tư: Việc thua lỗ dẫn tới sự không thoải mái trong tâm lý nhà đầu tư dễ dẫn đến những quyết định sai lầm, nóng vội. Nhà đầu tư cảm thấy lo sợ trước những tin tức trên thị trường nhất là những tin đồn vô căn cứ, không xác định được đâu là thật đâu là giả. 
  • Chiến lược đầu tư bị ảnh hưởng: Chỉ cần một vài lần mua giá cao trên đỉnh đã gây tổn thất nặng nề tới tâm lý. Nhà đầu tư cảm thấy lo lắng không biết mình có bị bỏ lỡ thông tin gì không, có đi ngược thị trường hay không…và vô vàn những mối lo khác nữa và không còn tin tưởng vào phân tích cơ bản hay kỹ thuật nữa hay nói đúng hơn nhà đầu tư bắt đầu không còn tin tưởng vào chiến lược đầu tư mà bản thân đã vạch ra, thay vào đó sẽ có tâm lý chạy theo đám đông, nghe ngóng tin tức nhiều hơn và có thể hành động mua bán vội vàng mà quên đi dự đoán trước đó của bản thân về cổ phiếu về thị trường.

Các nhà đầu tư nên làm gì để tránh bẫy tăng giá?

Rõ ràng bẫy tăng giá gây ra nhiều tổn hại nặng nề cho nhà đầu tư nếu mua phải giá trên đỉnh, để có thể tránh được bẫy bull trap cũng như những rủi ro khác trên thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư cần trang bị nâng cao kiến thức về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, cập nhật tin tức vĩ mô.

Nghiên cứu kỹ lưỡng: Bẫy bull trap trong chứng khoán thường xuất hiện tại các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, nên tập trung quan sát những khu vực này, không được vội vàng ra quyết định. Nếu đảo chiều tăng giá thực sự thì bên cạnh một cây nến xanh mạnh cũng cần phải có một khối lượng giao dịch bùng nổ, có thể gấp rưỡi hoặc tăng ít nhất từ 30% trở lên so với phiên trước đó. Nhà đầu tư cũng không nên mua ngay, mà nên chờ một hoặc hai cây nến xanh sau đó xác nhận xu hướng đảo chiều thực sự.

Như vậy, nhà đầu tư có thể không mua được giá thấp nhất (giá đáy) nhưng khả năng dính bẫy tăng giá (thấp hơn hoặc không có) và khả năng chốt lãi sẽ cao hơn việc đua mua vùng giá đáy khi tín hiệu chưa rõ ràng.

Thiết lập kế hoạch đầu tư rõ ràng: Nhà đầu tư nên có một kế hoạch mua bán cổ phiếu rõ ràng. Xác định vùng nào nên mua vùng nào nên bán, phân bổ tỷ lệ nguồn vốn vào từng loại cổ phiếu một cách hợp lý, tránh mua theo đám đông và tránh sự nóng vội của thị trường. Khi đã có kế hoạch thì nên kiên định với kế hoạch của mình, hạn chế mua đuổi theo đám đông hoặc đua lệnh mua khi giá đã tăng nóng.

Sử dụng các công cụ và chỉ báo kỹ thuật: Trang bị thêm kiến thức về phân tích kỹ thuật, đọc hiểu rõ về các mô hình giá trong chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để nhận định việc tăng giá đang diễn ra là thật hay giả. 

Kiểm tra và xác nhận tín hiệu thị trường: Các chỉ báo xác định xu hướng tăng giá đôi khi cũng cho ra nhiều tín hiệu bị nhiễu. Lúc này nhà đầu tư cần phải quan sát thị trường kỹ hơn và chờ tín hiệu xác nhận ở những phiên tiếp theo để khẳng định xu hướng tăng giá có diễn ra hay không. Khi thị trường tăng giá thì giá thường sẽ tăng trong một khung thời gian tương đối dài, có thể tính bằng tuần, bằng tháng hoặc thậm chí tính bằng năm nên nhà đầu tư không cần phải quá lo lắng về việc không mua được giá tốt. 

Quản lý rủi ro: Mặc dù đã có những kế hoạch rõ ràng, những kiến thức cần thiết để nhận diện thị trường những nhà đầu tư vẫn nên có một chiến lược quản trị rủi ro thật tốt. Đặt ra tỷ lệ chốt lãi/ cắt lỗ hợp lý đối với từng khoản đầu tư. Có thể cắt lỗ khi giá giảm trên 7% chẳng hạn hoặc có kế hoạch chốt lãi khi giá cổ phiếu đã đạt được một mức giá cụ thể và đang chững lại đà tăng giá.

Thay vì vẫn ôm cổ phiếu và kỳ vọng tăng tiếp thì nhà đầu tư nên hiện thực hóa lợi nhuận và đứng ngoài quan sát thị trường và lên kế hoạch cho việc mua bán tiếp theo.

Khi gặp phải tình trạng Bull trap nên xử lý như thế nào?

Mặc dù không mong muốn và ai cũng muốn nâng cao kiến thức để tránh được bẫy tăng giá, nhưng nếu dính phải bẫy bull trap thì chúng ta cần làm gì để xử lý điều bất lợi này. Sau đây là những gợi ý giúp nhà đầu tư hạn chế mức thiệt hại thấp nhất nếu dính phải bẫy bull trap trong chứng khoán:

  • Áp dụng các chỉ báo như RSI, MACD, và Bollinger Bands để xác định các tín hiệu sai lệch của giá. Một tín hiệu quan trọng nữa mà nhà đầu tư có thể dùng để tham chiếu xem đây là tăng giá thật hay chỉ là tín hiệu giả đó là dòng tiền, thể hiện qua khối lượng khớp lệnh. Dù cho bạn có thấy hàng loạt tin tốt đang được đăng tải, mọi thông tin bạn tiếp cận đều là tốt thì kết quả của nó phải là một sự mua mạnh (khối lượng khớp nhiều thể hiện dòng tiền đang đánh giá tích cực những thông tin này), nếu bạn không thấy được khối lượng khớp lệnh tăng lên thì bạn nên nghi ngờ những tin tức được cho là tốt này và cẩn thận xem xét những diễn biến tiếp theo.
  • Kiểm tra sự phá vỡ giả của các mức hỗ trợ và kháng cự: Tại những vùng hỗ trợ và kháng cự thường sẽ xảy ra nhiều sự kiện dẫn tới việc giá vượt qua và quay lại vùng này nhiều lần làm cho tâm lý nhà đầu tư cũng dao động nhiều nhất xung quanh ngưỡng này. Lúc này nhà đầu tư nên thận trọng, không cần thiết phải mua bằng được ở vùng đáy hoặc phải bán ở vùng đỉnh mà vô tình tạo áp lực cho bản thân dẫn tới phán đoán sai lầm.
  • Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm và không có dấu hiệu phục hồi, hãy cân nhắc bán ra để giảm thiểu thiệt hại: Sau khi biết mình mua ở vùng giá cao của bẫy bull trap và quan sát thấy giá cổ phiếu không có triển vọng phục hồi thì nên bán ra càng nhanh càng tốt. Việc cắt lỗ sớm sẽ giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại tài chính rất nhiều. Nếu cắt lỗ ở mức 5% trở xuống sẽ có tác động hoàn toàn khác so với việc phải cắt lỗ từ 30% trở lên.
  • Nhờ các chuyên gia tài chính hoặc cố vấn đầu tư đưa ra lời khuyên cụ thể cho tình huống của bạn: Nếu bạn là nhà đầu tư mới và đang dính bẫy bull trap, bạn đang bị rối và không biết phải làm gì với danh mục đầu tư của mình thì lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là nên tìm tới các chuyên gia, những nhà môi giới chuyên nghiệp để đưa ra lời khuyên tốt nhất dành cho danh mục đầu tư của bạn.

>>> Xem thêm các chiến lược quản trị vốn giúp tránh các bẫy bull trap: https://edu.hsc.com.vn/quan-tri-von/

Kết luận 

Qua bài viết này hy vọng nhà đầu tư có thêm nhiều kiến thức hữu ích về bull trap trong chứng khoán, bẫy luôn luôn rủi ro và đem đến thiệt hại nặng nề. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý và quan tâm tới việc nâng cao kiến thức, xây dựng chiến lược đầu tư thiết thực và một tâm lý vững mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, tránh được bẫy tăng giá và qua đó cải thiện kết quả đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Phan Thị Thanh Thủy
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Nên tạo tài khoản chứng khoán phái sinh hay cơ sở?

Nên mở tài khoản chứng khoán phái sinh hay cơ sở?

Muốn thực hiện bất cứ giao dịch đầu tư cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần phải mở tài khoản chứng khoán. Tài khoản chứng khoán là nơi diễn ra...

Chìa khóa thành công khi giao dịch Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Chìa khóa thành công khi giao dịch Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Trong năm 2017 chứng kiến sự ra đời của sản phẩm phái sinh đầu tiên, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F) và đã được nhà đầu tư đón...

CE là gì

CE trong chứng khoán là gì? Cách tính và làm tròn giá CE, giá FL và ĐCGN mới nhất

  CE trong chứng khoán là gì? CE (Ceiling – giá trần) trong chứng khoán được hiểu là mức giá tối đa mà một cổ phiếu có thể tăng trong...