Bull Market và Bear Market là gì? Cách nhà đầu tư hưởng lợi từ 2 thị trường này?

Ngày đăng: 12/12/2024 lượt xem

Bull Market và Bear Market là hai trong những thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong giới đầu tư. Một cách ngắn gọn, đây là các cụm từ diễn tả hai trạng thái thị trường đối lập. Cụ thể thế nào và chiến lược đầu tư ra sao trong các thị trường này, hãy cùng Stock Insight tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bull Market

Bull Market và Bear Market là gì?

Định nghĩa Bull Market (Thị trường giá lên)

Bull Market là thị trường tăng giá dài hạn được hỗ trợ bởi điều kiện nền kinh tế thuận lợi. Trong Bull Market, giá cổ phiếu tăng đều đặn khiến các nhà đầu tư lạc quan và phấn khởi về hiệu suất đầu tư trong tương lai của thị trường chứng khoán. Bull Market thường được xác lập khi chỉ số thị trường tăng trưởng ít nhất 20% kể từ đáy gần nhất. 

bull market là gì - Chỉ số VNINDEX hình thành Bull Market từ năm 2016 đến năm 2018
Chỉ số VNINDEX hình thành Bull Market từ năm 2016 đến năm 2018

Định nghĩa Bear Market (Thị trường giá xuống)

Ngược lại với Bull Market, Bear Market là trạng thái thị trường mà giá liên tục suy giảm. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư khiến họ muốn rút vốn và tạo thành vòng xoáy kéo giảm chỉ số thị trường. Thông thường, Bear Market được xác lập khi thị trường giảm ít nhất 20% kể từ đỉnh gần nhất.

Các dấu hiệu nhận biết Bull Market và Bear Market

Khi nhà đầu tư cảm thấy giá có xu hướng hồi phục từ đáy, họ sẽ gia tăng mua vào cổ phiếu với hy vọng rằng đà tăng vẫn tiếp diễn. Niềm tin của phần đông các nhà đầu tư trên thị trường trùng khớp sẽ dẫn đến nhu cầu đầu tư tăng lên, tạo thành tác động tích cực lên chính giá cổ phiếu và Bull Market hình thành.

Ngoài ra, nền kinh tế và thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi kinh tế suy thoái, báo cáo tài chính về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến định giá của nhà đầu tư đối với giá trị cổ phiếu. Định giá thấp hơn thị giá sẽ dẫn đến tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư gây nên hiện tượng bán tháo và hình thành Bear Market.

So sánh Bull Market và Bear Market

Đặc điểm chính của Bull Market và Bear Market: 

Đặc điểm Bull Market Bear Market
Tâm lý nhà đầu tư Tích cực, hưng phấn, mong muốn tiếp tục đầu tư để đạt càng nhiều lợi nhuận Tiêu cực, hoảng loạn, muốn rút vốn để bảo toàn lợi nhuận hoặc hạn chế thua lỗ
Xu hướng giá Tăng trong dài hạn Giảm trong dài hạn
Thanh khoản Duy trì ở mức cao nhiều phiên liên tiếp cho thấy tâm lý phấn khởi, sự tin tưởng của nhà đầu tư vào lợi nhuận nhanh chóng và ổn định Tăng đột biến trong những phiên bán tháo. Ngoài ra còn tăng thêm vào những phiên hồi ngắn hạn do chiến lược đầu cơ của các nhà đầu tư
Cung và cầu Cầu nhiều hơn cung do nhu cầu đầu tư tăng cao, dẫn đến giá liên tục bị đẩy lên Cung nhiều hơn cầu do nhu cầu bán tháo, dẫn đến giá liên tục giảm

Thời gian kéo dài và chu kỳ của Bull Market và Bear Market: 

Chu kỳ của Bull và Bear Market thường trùng khớp hoặc diễn ra sớm hơn chu kỳ kinh tế ¼ (một phần tư) chu kỳ. Điều này là do thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế. Những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ là động lực quan trọng cho thị trường bước vào Bull Market và ngược lại.

>> Xem thêm: Chu kỳ kinh tế là gì? 4 giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Thời gian diễn ra trung bình của Bull Market thường kéo dài hơn so với Bear Market. Trong thế kỷ 21 đã có 4 lần xảy ra Bear Market tương ứng với các mốc thời điểm:

  • Chiến tranh Nga và Ukraine năm 2022
  • Đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020
  • Cuộc Đại suy thoái giai đoạn 2008-2009
  • Sự bùng nổ của bong bóng dot-com và suy thoái liên quan đến sự kiện 11/9 năm 2000–2002

Bear Market gần đây nhất xảy ra vào năm 2022 và kéo dài 282 ngày.

Nguyên nhân dẫn đến Bull Market và Bear Market

Yếu tố kinh tế vĩ mô

Các yếu tố kinh tế đóng vai trò chính trong việc hình thành Bull và Bear Market, trong đó có thể kể đến như:

Tăng trưởng GDP: GDP tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, GDP tăng hay giảm sẽ được phản ánh lên thị trường chứng khoán.

>> Xem thêm: GDP là gì? 5 tác động của GDP đến nền kinh tế Việt Nam

Lãi suất: Sự thay đổi lãi suất sẽ thay đổi lợi nhuận của doanh nghiệp và nền kinh tế. Lãi suất tăng làm giảm lợi nhuận dẫn đến hình thành Bear Market và ngược lại, lãi suất giảm sẽ làm tăng lợi nhuận hình thành nên Bull Market.

bear market là gì - Phản ứng của VNINDEX khi FED điều chỉnh lãi suất.
Phản ứng của VNINDEX khi FED điều chỉnh lãi suất. Nguồn Internet

Lạm phát và chính sách tiền tệ: Khi lạm phát tăng cao có thể buộc Chính phủ phải sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán suy giảm. Việc duy trì tỷ lệ lạm phát ổn định là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm duy trì môi trường đầu tư ổn định trong dài hạn.

Tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền

Trạng thái thị trường và tâm lý nhà đầu tư luôn gắn liền chặt chẽ với nhau. Khi thị trường tích cực, nhà đầu tư rất dễ bị lôi kéo vào tâm lý hưng phấn, từ đó có kỳ vọng tăng trưởng càng lớn kéo theo nhu cầu đầu tư càng nhiều. Thêm vào đó, Bull Market còn lôi kéo thêm một lượng lớn các nhà đầu tư mới vào tham gia với kỳ vọng thu được lợi nhuận. Dòng tiền mới đổ vào thị trường lại tiếp tục là động lực tăng trưởng, kéo dài xu hướng Bull Market.

Ngược lại, Bear Market mang đến tâm lý hoảng loạn ban đầu, hầu hết nhà đầu tư muốn bán tháo tài sản để đầu tư vào các kênh khác ít rủi ro hơn. Dòng tiền bị hút ra khỏi thị trường, cộng với trạng thái cung nhiều hơn cầu gây kéo dài vòng xoáy suy thoái.

>> Xem thêm: 9 tâm lý nhà đầu tư chứng khoán hay mắc phải và cách khắc phục

Tác động của các yếu tố địa chính trị

Các sự kiện địa chính trị lớn có tác động lớn đến thị trường chứng khoán, thường là tác động xấu hình thành nên Bear Market. Biến động địa chính trị có thể dẫn đến giá cả hàng hóa (đặc biệt là dầu và vàng) tăng, trong khi đó thị trường chứng khoán sẽ giảm. 

Một số sự kiện địa chính trị lớn có thể kể đến như: chiến tranh thế giới thứ nhất khiến chỉ số Dow Jone của Mỹ giảm 30%, Chiến Tranh Triều Tiên khiến thị trường Mỹ giảm 11%,…

Một tác động rõ rệt khác khi có tác động địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, dẫn đến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Tiêu biểu như chiến tranh Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, chi phí vận tải tăng mạnh gâp áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

Cách nhà đầu tư hưởng lợi từ Bull Market

Chiến lược đầu tư trong Bull Market

Trong Bull Market, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn về chiến lược đầu tư, bao gồm:

  • Cổ phiếu tăng trưởng: Chỉ số P/E cao của các cổ phiếu tăng trưởng phản ánh mức kỳ vọng cao của nhà đầu tư về giá trị tiềm năng của cổ phiếu. Trong Bull Market, với những yếu tố tích cực thúc đẩy, cổ phiếu tăng trưởng thường sẽ đáp ứng hoặc thậm chí vượt quá kỳ vọng của nhà đầu tư.
  • Mua và giữ (buy and hold): Stock Insight tin rằng việc sớm xác định được Bull Market và mua vào các cổ phiếu ở giá tốt sẽ là lợi thế khổng lồ của nhà đầu tư khi thị trường bắt đầu đà tăng dài hạn. Khi này, giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng gia tăng theo xu hướng của thị trường và mang về lợi nhuận tuyệt vời cho nhà đầu tư.
  • Đa dạng hóa danh mục: Hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá trong Bull Market, đây là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu và đa dạng hóa danh mục, từ đó quản trị rủi ro tốt hơn và đạt được hiệu quả đầu tư lớn hơn. 

Các loại tài sản và ngành nghề phát triển mạnh trong Bull Market

Các cổ phiếu nhạy cảm với dòng tiền thường sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào lợi thế phản ứng nhanh nhạy với sự thay đổi xu hướng thị trường. Có thể kể đến các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Tài chính như Chứng khoán và Bất động sản. Ngoài ra còn có nhóm cổ phiếu Công nghệ là ngành có xu hướng mạnh, nhanh chóng nắm bắt các thay đổi của thị trường.

Lưu ý khi đầu tư trong Bull Market

Để đầu tư an toàn trong Bull Market, nhà đầu tư không chỉ cần một chiến lược giao dịch hiệu quả mà đồng thời phải lưu ý một số điểm quan trọng trong đầu tư như tránh FOMO quá mức, đặt định giá kỳ vọng cho cổ phiếu quá cao hay từ bỏ các quy tắc quản trị rủi ro.

Stock Insight hy vọng nhà đầu tư luôn duy trì sự tỉnh táo và thận trọng trong đầu tư để tránh các sai lầm trong giai đoạn thị trường tăng mạnh dẫn đến trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Cách nhà đầu tư hưởng lợi từ Bear Market

Chiến lược đầu tư trong Bear Market

Nhiều nhà đầu tư cho rằng Bear Market là “ngõ cụt” và không hề có bất cứ cơ hội đầu tư nào trong thị trường này, vậy hãy cùng Stock Insight tìm hiểu một vài chiến lược trong Bear Market nhé.

  • Bảo toàn tài sản: Khi Bear Market xảy ra, nhà đầu tư cần nhanh chóng thực hiện các phương án quản trị rủi ro đã hoạch định để bảo toàn tài sản, tuyệt đối không để lỗ cấn vào vốn gốc ban đầu, vì đây là phương tiện để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục khi thị trường hồi phục.
  • Mua tài sản trú ẩn: Vàng, trái phiếu, và tiền gửi tiết kiệm là những tài sản ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi biến động chung. Do đó, trong Bear Market, nhà đầu tư có thể thay đổi phương thức đầu tư sang các loại tài sản trú ẩn này để bảo vệ tài sản của bản thân.
  • Đầu tư vào cổ phiếu phòng thủ: Đây là những cổ phiếu có xu hướng hoạt động tốt kể cả trong Bear Market. Thông thường, cổ phiếu này thuộc về các nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu, Năng lượng và Chăm sóc sức khỏe.

Lợi ích của Bear Market đối với các nhà đầu tư dài hạn

Trong Bear Market, hầu hết các cổ phiếu đều chịu ảnh hưởng bởi thị trường chung và bước vào thời kỳ giảm mạnh. Stock Insight cho rằng đây là cơ hội để nhà đầu tư dài hạn mua gia tăng cổ phiếu với giá rẻ để giảm giá mua trung bình và gia tăng tài sản khi thị trường phục hồi. 

Rủi ro cần tránh khi đầu tư trong Bear Market

Bear Market xảy ra thường tạo tâm lý hoảng loạn trên diện rộng khiến các nhà đầu tư nhanh chóng bán tháo tài sản. Tuy nhiên, Stock Insight muốn lưu ý rằng đây không phải là chiến lược hiệu quả bởi mỗi khi đưa ra quyết định mua hay bán đều cần có sự cân nhắc và suy nghĩ cẩn trọng từ nhà đầu tư chứ không nên bị ảnh hưởng bởi tâm lý chung của thị trường.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần vạch ra kế hoạch tài chính rõ ràng, có sẵn những phương án dự phòng và quản trị rủi ro để nhanh chóng phản ứng trong trường hợp thị trường chuyển biến tiêu cực.

Kết luận

Bull Market và Bear Market là hai thuật ngữ miêu tả trạng thái tăng và giảm trong dài hạn của thị trường. Các trạng thái thị trường này được tạo nên từ nhiều yếu tố như tâm lý nhà đầu tư, kinh tế vĩ mô, và các sự kiện địa chính trị. Stock Insight tin rằng luôn có chiến lược giao dịch hiệu quả cho các nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội, hoạch định kế hoạch tài chính rõ ràng và tuân thủ quy tắc quản trị rủi ro dù là trong Bull hay Bear Market.

3 phút mở tài khoản và tham gia vào thị trường cùng HSC: Nhanh chóng, an toàn và bảo mật tối đa.

Quốc Dil
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi là gì? Tầm quan trọng của phân tích chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi là gì? Chi phí biến đổi (Variable Costs) là chi phí phải chi trả để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ...

giá niêm yết là gì

Giá niêm yết là gì? 6 Loại giá niêm yết trên thị trường

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, giá cả đóng một vai trò quan trọng, quyết định cách chúng ta mua sắm và đầu tư. Đối với người tiêu...

đường MA 200 là gì

Đường MA200 và quy tắc ngầm khi giao dịch cổ phiếu

Khi tham gia thị trường chứng khoán, việc hiểu và áp dụng các công cụ phân tích kỹ thuật có thể là một lợi thế lớn đối với nhà đầu...