Biểu đồ nến và cách phân tích biểu đồ nến trong đầu tư chứng khoán

Ngày đăng: 05/07/2024 lượt xem

Khi bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán, Biểu đồ giá là một trong những công cụ tiên quyết để ra quyết định đầu tư. Biểu đồ giá có nhiều loại như: dạng đường kẻ, dạng cột, dạng thanh, dạng nến. Và biểu đồ nến (Candlestick chart) là một trong những loại biểu đồ giá phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi không những trong đầu tư chứng khoán mà còn phổ biến ở các kênh đầu tư khác.

Biểu Đồ Nến Là Gì?

Biểu đồ nến chứng khoán, hay còn gọi là biểu đồ nến Nhật (Candlestick chart) là một dạng biểu đồ thể hiện giá của tài sản giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định sử dụng dữ liệu đầu vào là giá: Mở cửa; Cao; Thấp và Đóng cửa có nguồn gốc từ các thương nhân gạo Nhật Bản. Biểu đồ nến giúp nhà đầu tư và nhà phân tích dễ dàng nhận ra các mô hình giá và dự đoán biến động thị trường dựa trên hành vi giá trong quá khứ.

Khi thân nến có màu đen/đỏ (tức là được lấp đầy), điều đó có nghĩa là mức giá đóng cửa trong phiên thấp hơn mức giá mở cửa. Nếu thân nến màu trắng/xanh (tức là trống rỗng), nó có nghĩa là giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa.

Cấu Trúc Của Biểu Đồ Nến Chứng Khoán

Biểu đồ nến được cấu tạo bởi rất nhiều Nến, mỗi Nến đại diện cho giá trị của 1  phiên giao dịch và bao gồm các thành phần cơ bản biểu thị  đầy đủ cho dữ liệu đầu vào của giá tài sản như: Giá mở cửa;  Cao; Thấp; Đóng cửa.

Biểu đồ nến

Thân nến

Thân nến của biểu đồ nến mô tả phạm vi được giới hạn giữa giá mở cửa và giá đóng cửa, thường có hình dạng chữ nhật. Khi thân nến có màu đỏ/đen (tức là được lấp đầy khi chart dạng đen trắng) có nghĩa giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa. Khi thân nến có màu xanh/trắng (tức là trống rỗng khi chart dạng đen trắng) có nghĩa là giá đóng cửa  cao hơn giá mở cửa.

Bóng nến (Râu nến)

Bóng nến của biểu đồ nến là những đường mỏng phía trên hoặc phía dưới thân nến, thể hiện cực trị của  giá trong phiên giao dịch. Đỉnh của bóng nến trên là mức giá cao nhất trong phiên và đáy của bóng nến dưới là mức giá thấp nhất trong phiên.

Râu nến không nhất thiết phải có, và từ đó tạo nên những hình dạng nến đặc biệt:

Nếu một cây nến trong biểu đồ nến chứng khoán không có bóng nến trên, nó được gọi là nến Cạo đầu (shaven head) và một cây nến không có bóng nến dưới được gọi là nến Cạo đáy (shaven bottom).

Hoặc một cây nến không có cả bóng nến trên và bóng nến dưới gọi là nến cường lực/ nến trọc (Marubozu).

Tại Sao Nên Sử Dụng Biểu Đồ Nến Thay Vì Các Biểu Đồ Khác?

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần ôn lại một chút về lịch sử của biểu đồ nến. Biểu đồ nến đã được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản từ những năm 1700 bởi các thương nhân buôn gạo, mà nổi tiếng nhất là Munehisa Honma. Tuy nhiên, biểu đồ nến Nhật chỉ thực sự phổ biến ở phương Tây sau năm 1991 (gần 300 năm) khi Steve Nison xuất bản cuốn sách: Japanese Candlestick Charting Techniques: A Contemporary Guide to the Ancient Investment Techniques of the Far East.

Kể từ đó, biểu đồ nến Nhật đã kết hợp với nền phân tích kỹ thuật tiên tiến, và Thế giới chính thức bước qua khỏi kỷ nguyên mà tác giả gọi là B.C. (Before Candlestick).

Before Candlestick – là câu trả lời tại sao lại nên sử dụng biểu đồ nến, thay vì các loại biểu đồ khác. Một loại biểu đồ gần như hoàn hảo có thể giúp nhà giao dịch hiểu rõ hơn về hành động giá và cung cấp thông tin cần thiết để ra quyết định giao dịch trong thị trường tài chính.

Về mặt thẩm mỹ khi ta so sánh biểu đồ nến và biểu đồ thanh

Biểu đồ nến nhật
Biểu đồ nến chứng khoán

Với cùng 1 dữ liệu giá VN-index từ ngày 15/4/2024 tới 16/6/2024, biểu đồ nến chứng khoán cho cái nhìn trực quan cho ta thấy cái nhìn có chiều sâu hơn về thị trường bởi nó đẩy đồ thị thanh phẳng, hai chiều chuyển thành đồ thị nến gần như ba chiều.

Về mặt dễ sử dụng khi phân tích

Một cây nến trong biểu đồ nến cung cấp cho ta rất nhiều thông tin, ví dụ, bàn về Thân nến thì người Nhật quan niệm thân nến là “tinh túy của chuyển động giá”. Bằng cách nhìn vào chiều cao, màu sắc của thân nến, ngay lập tức ta sẽ thu được gợi ý một cách hình tượng là phe mua (Bullish) hay phe bán (Bearish) đang kiểm soát thị trường.

Ví dụ, nến Vnindex ngày 17/6/2024 cho thấy ai đang kiểm soát thị trường?

Rõ ràng là phe bán, bởi trong phiên giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa và thân nến phiên 17/6/2024 nhỏ hơn thân nến phiên 14/6/2024 cho thấy động lượng (momentum) giảm đang chậm lại. Khi kết hợp nhiều nến lại, biểu đồ nến sẽ cho chúng ta một cái nhìn về  Xu hướng ở đó ta cảm nhận được xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ hay đang yếu dần và gợi ý chúng ta tìm kiếm các mẫu hình nến để xác định xu hướng đang tiếp diễn hoặc đảo chiều xu hướng.

Các Loại Mô Hình Nến Phổ Biến Cần Biết Trong Đầu Tư Chứng Khoán

Mô Hình Nến Hammer (Nến Búa)

Cách đọc biểu đồ nến búa

Nến Hammer (nến Búa) là nến cây dù có bóng nến dưới dài, thân nhỏ (xanh hoặc đỏ) gần đỉnh biên độ giá trong ngày của cây nến và xuất hiện xuất hiện trong một xu hướng giảm, đó là một tín hiệu cho thấy xu hướng giảm có thể kết thúc.

Nến Búa trong tiếng Nhật là Takuri. Từ này có nghĩa là “cố gắng đo mực nước sâu đến mức nào bằng việc cảm nhận vùng đáy”. Một cách ngẫu nhiên, nến Búa trông cũng giống hình ảnh cây búa với phần đầu và tay cầm.

Mô hình Bullish Engulfing (Nhấn Chìm Tăng)

biểu đồ nến là gì? Nến nhấn chìm tăng

Mẫu hình nhấn chìm là loại mẫu hình nến kết hợp 2 loại nến riêng lẻ có màu sắc đối nghịch lại với nhau, khác với mẫu hình nến Hammer (nến Búa) là loại hình nến đơn chỉ cung cấp thông tin dựa vào hình dáng nến, màu sắc, độ dài bóng nến.

Mẫu hình nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing) là mẫu hình đảo chiều tăng giá thường xuất hiện trong 1 xu hướng giảm,  sau đó 1 cây nến tăng giá bao trùm hoặc nhấn chìm thân nến màu đen trước đó (tên mẫu hình xuất phát từ đây) cho thấy lực mua đã áp đảo lực bán.

Mô hình Bearish Engulfing (Nhấn Chìm Giảm)

Biểu đồ nến nhấn chìm giảm

Ngược lại với Bullish Engulfing là Bearish Engulfing (mẫu hình nhấn chìm giảm) là mẫu hình đảo chiều giảm giá,  có 3 tiêu chí để xác định mẫu hình Nhấn chìm (Engulfing Pattern):

  • Thị trường phải có xu hướng tăng/giảm rõ ràng, dù ngắn hạn
  • Hai cây nến cấu tạo thành mẫu hình Nhấn chìm. Thân nến thứ hai phải nhấn chìm thân nến trước đó (không cần nhấn chìm cả bóng nến)
  • Thân nến thứ hai của mẫu hình Nhấn chìm phải có màu đối nghịch với màu của thân nến đầu tiên. (Ngoại lệ cho quy tắc này là khi thân nến đầu tiên của mẫu hình Nhấn chìm là một nến Doji)

Mô hình Morning Star (Sao Mai)

Biểu đồ nến nhật sao mai

Mẫu  hình sao Mai (Morning Star) là mẫu hình đảo chiều tăng giá xuất hiện trong 1 xu hướng giảm, sao Mai là  tên gọi của sao Kim khi trời gần sáng, hàm ý rằng sắp kết thúc giai đoạn tăm tối (giảm giá) và mặt trời sẽ mọc trở lại (giai đoạn tăng giá).

Mẫu hình sao Mai (Morning star) là sự kết hợp của 3 bộ nến:

  • Nến 1: là 1 thân nến đỏ/đen dài, cho thấy bên bán chiếm thế thượng phong.
  • Nến 2: là 1 thân nến nhỏ, và tạo gap down với thân nến 1 .Thân nến nhỏ cho thấy động lượng giảm giá  đang chậm lại.
  • Nến 3: là 1 thân nến xanh/trắng dài xuyên sâu vào thân nến 1, và lý tưởng là có gap up giữa nến 2 và 3. Điều này là một tín hiệu cho thấy phe mua đã chiếm lấy quyền kiểm soát.

Mô hình Evening Star (Sao Hôm)

Biểu đồ nến chứng khoán sao hôm

Sao Hôm là mẫu hình đảo chiều giảm giá, ngược lại với sao Mai. Tên của mẫu hình rất hay khi sao Hôm và sao Mai cùng là tên gọi của sao Kim, và sao Hôm xuất hiện ngay trước khi bóng tối buông xuống. Mẫu hình Sao Hôm là tín hiệu đảo chiều tại đỉnh, do vậy ta nên hành động nếu mẫu hình này xuất hiện sau một xu hướng tăng.

Mẫu hình sao Hôm (Evening star) là sự kết hợp của 3 bộ nến:

  • Nến 1: là 1 thân nến trắng/xanh dài, cho thấy bên mua chiếm thế thượng phong
  • Nến 2: là 1 thân nến nhỏ, và tạo gap up với thân nến 1 .Thân nến nhỏ cho thấy động lượng tăng giá đang chậm lại
  • Nến 3: là 1 thân nến đen/đỏ dài xuyên sâu vào thân nến 1, và lý tưởng là có gap up giữa nến 2 và 3. Điều này là một tín hiệu cho thấy phe bán đã chiếm lấy quyền kiểm soát.

Three White Soldiers (Ba Chàng Ngự Lâm)

Biểu đồ nến là gì? Nến ba chàng ngự lâm?

Three White Soldiers (Ba Chàng Ngự Lâm) là một mẫu hình nến tiếp diễn xu hướng, được cấu thành bởi 3 cây nến xanh/trắng và đều đóng cửa ở mức gần cao nhất trong  phiên giao dịch.

Cách Đọc Biểu Đồ Nến Để Giao Dịch Chứng Khoán Thành Công

Cách đọc biểu đồ nến

Biểu đồ nến Nhật trở nên phổ biến trên toàn thế giới chính là ngoài tính thẩm mỹ, tính tượng hình khi 1 cây nến cung cấp rất nhất thông tin giao dịch từ thân nến, râu nến hay sự kết hợp nhiều nến để tạo ra các mẫu hình giá thì biểu đồ nến còn kế thừa và kết  hợp hoàn hảo với nền phân tích kỹ thuật tiên tiến phương tây.

Ví dụ như chart giá HSG, sau khi tạo đỉnh tại ngày 21/9/2023 ở giá 23.29 thì HSG đã điều chỉnh và tới ngày 18/10-20/10 đã tạo ra cụm nến với mẫu hình Morning star, và gợi ý hỗ trợ là mức thấp mẫu hình ở giá 15.69.

Sau đó, tại ngày 27/10 thì giá tạo mức thấp 15.83 và đồng  thời tạo phân kỳ với RSI và MACD Histogram đã xác nhận và điểm mua quanh vùng 17 đã trở nên tin cậy hơn.

Bằng việc kết hợp mẫu hình Morning star để quan sát khả năng tạo đáy của HSG và sự xác nhận khi phân kỳ RSI, MACD đã cho điểm mua HSG quanh 17 và khi HSG tăng  lên vùng 22 đã mang lại lợi nhuận 29% chỉ trong 2-3 tuần giao dịch.

Kết luận

Biểu đồ nến dù được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản từ những năm 1700, tuy nhiên sau gần 300 năm, khi được giới thiệu rộng rãi ở Mỹ những năm 1990 thì biểu đồ nến Nhật đã kết hợp với nền phân tích kỹ thuật tiên tiến, và Thế giới chính thức bước qua khỏi kỷ nguyên mà tác giả gọi là B.C. (Before Candlestick). Một loại biểu đồ gần như hoàn hảo có thể giúp nhà giao dịch hiểu rõ hơn về hành động giá và cung cấp thông tin cần thiết để ra quyết định giao dịch trong thị trường tài chính.

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi là gì? Tầm quan trọng của phân tích chi phí biến đổi

Chi phí biến đổi là gì? Chi phí biến đổi (Variable Costs) là chi phí phải chi trả để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ...

Rủi ro gì khi giá cơ sở và hợp đồng tương lai không hội tụ vào ngày đáo hạn

Rủi ro gì khi giá cơ sở và hợp đồng tương lai không hội tụ vào ngày đáo hạn

Trong quá trình đầu tư chứng khoán, một trong những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý là khi giá cơ sở và hợp đồng tương lai không...

phân tích kỹ thuật chứng khoán

4 chỉ báo cơ bản trong phân tích kỹ thuật

Khi tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán, bạn sẽ thường xuyên nghe về hai thuật ngữ đó là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Trong bài...