Biểu đồ chứng khoán là gì? 4 loại biểu đồ chứng khoán phổ biến nhất
Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng có lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Nếu tính riêng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tồn tại hơn 2 thập kỷ. Để có được cái nhìn tổng thể toàn diện về thị trường thì nhà đầu tư phải có công cụ hỗ trợ để có thể có được cái nhìn bao quát về toàn bộ thị trường hoặc từng giai đoạn cụ thể của thị trường.
Biểu đồ chứng khoán và đồ thị là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư phân tích, đánh giá và hiểu rõ hơn về dữ liệu giao dịch của thị trường trong từng giai đoạn.
Mục Lục
Biểu đồ chứng khoán là gì?
Biểu đồ chứng khoán là gì? Đây là một công cụ trực quan quan trọng trong phân tích tài chính, thể hiện biến động giá của một cổ phiếu hoặc chỉ số thị trường theo thời gian. Biểu đồ này giúp nhà đầu tư nhìn thấy các xu hướng, mức hỗ trợ và kháng cự, cũng như các mô hình giá tiềm năng, từ đó đưa ra quyết định giao dịch hợp lý.
Thông qua biểu đồ nhà đầu tư sẽ thấy được sự thay đổi của giá trị hàng hóa, sự tương quan giữa các yếu tố trong quá khứ, hiện tại và qua đó dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm trong tương lai. Không riêng lĩnh vực chứng khoán mà người ta còn dùng biểu đồ và đồ thị để phân tích dữ liệu trong các lĩnh vực khác như khoa học dữ liệu, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế.
Đồ thị là một biểu đồ trực quan hóa dữ liệu trong đó dữ liệu sẽ được biểu diễn dưới nhiều hình dạng khác nhau như các điểm, các đường, các cột hoặc các hình mang tính tượng trưng khác nữa. Mở nền tảng giao dịch HSC ONE và cùng Stock Insight tìm hiểu về các loại biểu đồ chứng khoán được nhà đầu tư sử dụng thường xuyên nhất trong việc phân tích thị trường chứng khoán Việt Nam.
4 loại biểu đồ chứng khoán phổ biến nhất hiện nay
- Biểu đồ đường thẳng – Line chart
- Biểu đồ nến Nhật – Candlestick chart
- Biểu đồ thanh (cột) – Bar chart
- Biểu đồ hình tròn – Pie chart
Biểu đồ đường thẳng – Line chart
Đây được xem là loại biểu đồ đơn giản nhất và dễ sử dụng nhất trong phân tích chứng khoán, nó chỉ là những đường nối lại của giá đóng cửa.
Ưu điểm của biểu đồ Line là tính đơn giản, dễ sử dụng và thích hợp cho việc phân tích dữ liệu theo hướng trực quan nhất, bỏ qua sự biến động trong phiên, chỉ quan tâm phần giá đóng cửa. Do có tính trực quan cao mà biểu đồ line rất thích hợp để biểu diễn xu hướng thị trường trong khoảng thời gian dài.
Nhìn vào biểu đồ line trong biểu đồ chứng khoán chúng ta có thể xác định được cấu trúc tăng của thị trường: bao gồm đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. Ngược lại cấu trúc giảm thì đỉnh và đáy sau sẽ thấp hơn đỉnh đáy trước.
Nhược điểm: Do biểu đồ line chỉ lấy giá đóng cửa nên sẽ bỏ qua giá mở cửa, giá cao nhất, thấp nhất trong phiên, điều này sẽ không thích hợp cho những ai theo trường phái phân tích ngắn hạn và chú trọng tới những diễn biến trong phiên giao dịch.
Biểu đồ nến Nhật – Candlestick chart
Đây là một biểu đồ chứng khoán thuộc về giá được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong phân tích chứng khoán, do thương nhân buôn gạo người Nhật phát minh vào thế kỷ 18 để ghi chép diễn biến của giá gạo. Do tính ứng dụng cao của biểu đồ này mà nó nhanh chóng được sử dụng rộng rãi trong giới thương nhân Nhật Bản và nhanh chóng lan tỏa ra khắp thế giới.
Biểu đồ nến Nhật được tạo ra bởi hàng nghìn những cây nến khác khau, mỗi cây nến sẽ được hình thành dựa trên diễn biến giá trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là 1 phút, 5 phút hoặc dài hơn là 1 giờ, 1 ngày, 1 tuần…)
Cấu trúc của một cây nến Nhật: mỗi cây nến Nhật trong biểu đồ chứng khoán sẽ bao gồm phần thân nến và bóng nến, phần thân nến được nối từ giá mở cửa và giá đóng cửa trong một khoảng thời gian xác định. Phần bóng nến sẽ cho chúng ta biết được biến động giá cao nhất và thấp nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Đỉnh nến biểu thị mức giá cao nhất và đáy nến biểu thị mức giá thấp nhất trong phiên.
Và không phải lúc nào một cây nến Nhật cũng có phần bóng nến, nhà đầu tư sẽ bắt gặp có những cây nến chỉ có phần thân nến mà không có bóng nến, và nếu đây là cây nến xanh sẽ cho chúng ta biết được trong phiên lực mua rất mạnh, giá tăng ngay khi vừa mới mở cửa và giá đóng cửa cũng là giá cao nhất trong phiên.
Ngược lại, nếu đây là cây nến đỏ sẽ cho nhà đầu tư cảm nhận được tâm lý bi quan đang bao trùm trong phiên hôm đó, từ lúc mở cửa giá đã giảm và càng về cuối phiên càng giảm mạnh dẫn tới việc giá đóng cửa là giá thấp nhất trong phiên.
Nến Nhật được phân thành 2 loại: nến tăng và nến giảm. Nến tăng có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa và thường biểu thị bằng màu xanh. Nến giảm có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa và biểu thị bằng màu đỏ.
Khi đặt những cây nến ở cạnh nhau sẽ cho chúng ta một cái nhìn rất trực quan, và nhà đầu tư sẽ dễ dàng nhận ra những mô hình giá phổ biến thông qua biểu đồ nến.
Những mẫu hình nến đảo chiều tăng giá:
- Mẫu hình nến đơn gồm 1 cây nến đảo chiều tăng giá, tiêu biểu là mô hình cây búa (Hammer).
- Cặp nến đảo chiều tăng giá: gồm 2 nến ở cạnh nhau, tiêu biểu là mô hình nến nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing).
- Bộ ba đảo chiều tăng giá: gồm 3 nến ở cạnh nhau, tiêu biểu là mô hình sao mai (Morning star).
Khi nhà đầu tư nhận ra những mẫu hình nến trong biểu đồ chứng khoán đảo chiều tăng giá này xuất hiện thì có thể ra quyết định mua ngay hoặc cũng có thể chờ cây nến tiếp theo sau đó xác nhận xu hướng và đó có thể là một cây nến xanh.
Những mẫu hình nến đảo chiều giảm giá:
- Mẫu hình nến đơn: gồm 1 nến cho tín hiệu đảo chiều giảm giá, tiêu biểu là mô hình Sao băng (Shooting star).
- Cặp nến đảo chiều giảm giá: gồm 2 nến ở cạnh nhau, tiêu biêu là mô hình nhấn chìm giảm (Bearish Engulfing) hay mô hình mây đen che phủ (Dark cloud cover).
- Bộ ba đảo chiều giảm: gồm 3 nến ở cạnh nhau, tiêu biểu là mô hình Sao hôm (Evening star).
Khi nhà đầu tư nhận ra những mô hình nến trong biểu đồ chứng khoán đảo chiều giảm giá này xuất hiện thì có thể ra quyết định bán ngay hoặc cũng có thể chờ cây nến tiếp theo sau đó xác nhận xu hướng và đó có thể là một cây nến đỏ.
Biểu đồ thanh – Bar chart
Đây cũng được xemlà một biểu đồ chứng khoán thuộc về giá và cũng được sử dụng rộng rãi trong phân tích chứng khoán. Mỗi thanh biểu thị giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là 1 phút 30 phút hoặc 1 giờ, 1 ngày, tuần, tháng…). Mỗi thanh là một đường thẳng đứng hiển thị mức giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, thấp nhất trong một khoảng thời gian nhất định.
Cấu tạo của một thanh (cột): gồm có một đường thẳng đứng từ trên xuống dưới, có 2 vạch ngang nhỏ trong đó vạch ngang nhỏ bên trái là giá mở cửa, vạch ngang nhỏ bên phải là giá đóng cửa. Giá cao nhất là đỉnh thanh và giá thấp nhất là đáy thanh.
Người ta chia thanh hay cột thành 2 loại: thanh tăng và thanh giảm. Thanh tăng có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa (tức là vạch ngang bên trái thấp hơn vạch ngang bên phải) và thường được biểu thị bằng màu xanh. Thanh giảm có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa (vạch ngang bên trái cao hơn vạch ngang bên phải).
Nhà đầu tư thường sử dụng biểu đồ thanh trong việc:
Xác định xu hướng thị trường: bằng việc quan sát trình tự sắp xếp của các thanh trong biểu đồ chứng khoán với nhau, nhà đầu tư sẽ nhận ra những mô hình giá phổ biến trong chứng khoán và dự đoán diễn biến tiếp theo trong tương lai.
Đánh giá mức độ biến động thị trường: mỗi thanh có độ dài ngắn khác nhau, nhà đầu tư có thể dựa vào độ dài của mỗi thanh để đo lường sự biến động của thị trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn, và qua đó mà điều chỉnh hoạt động mua bán một cách hợp lý.
Biểu đồ hình tròn – Pie chart
Đây là một loại biểu đồ thống kê dùng để so sánh các đối tượng trong một tập dữ liệu ở mức tổng thể (thường được biểu diễn dưới dạng phần trăm). Để dễ hình dung chúng ta sẽ liên tưởng tới cái tên hình tròn, trong tiếng Anh người ta dùng là Pie cũng có nghĩa là chiếc bánh Táo hình tròn, người ta sẽ chia hình tròn này thành nhiều phần khác nhau và mỗi phần sẽ tương ứng với một tỷ lệ phần trăm nhất định mà không nhất thiết là phải bằng nhau.
Mỗi đối tượng cũng sẽ được biểu diễn bởi màu sắc riêng biệt. Tên của các đối tượng và màu sắc cũng được liệt kê ở phần chú thích của biểu đồ. Phần màu càng lớn thì số liệu cũng như tỷ lệ phần trăm càng lớn và ngược lại phần màu nhỏ thì số liệu cũng như tỷ lệ phần trăm càng nhỏ.
Trong phân tích chứng khoán thì biểu đồ hình tròn cực kỳ hữu ích trong việc biểu diễn dữ liệu nhóm ngành, thống kê giá trị giao dịch các sàn, thống kê khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu, thống kê đóng góp của từng nhóm cổ phiếu trong việc tăng giảm của chỉ số index….
Một số lưu ý khi sử dụng biểu đồ chứng khoán
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng biểu đồ chứng khoán để mang lại hiệu quả phân tích tối ưu nhất:
- Biểu đồ chứng khoán chỉ là công cụ hỗ trợ phân tích, không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn cho quyết định đầu tư.
- Cần kết hợp sử dụng nhiều loại biểu đồ và chỉ báo kỹ thuật khác nhau để có cái nhìn toàn diện về thị trường.
- Cần phân tích biểu đồ trong mối tương quan với các yếu tố kinh tế vĩ mô và tin tức thị trường.
Chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về 4 loại biểu đồ, công dụng và cách dùng đối với từng loại biểu đồ trong phân tích thị trường chứng khoán. Mỗi biểu đồ đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào sở thích và sở trường của mỗi người mà nhà đầu tư có thể ưa thích và sử dụng một loại biểu đồ nào đó cho riêng mình.
Để tăng tính hiệu quả và chính xác trong việc phân tích và xác định xu hướng thị trường, nhà đầu tư nên kết hợp thêm một vài chỉ báo kỹ thuật khác như trendline, MACD, RSI…để việc phân tích đạt được kết quả tốt nhất.
Kết luận
Việc nắm vững các loại biểu đồ chứng khoán là bước đầu quan trọng giúp nhà đầu tư phân tích và dự đoán xu hướng thị trường. Mỗi loại biểu đồ có những ưu điểm và ứng dụng riêng, phù hợp với các chiến lược giao dịch khác nhau. Hiểu rõ và biết cách sử dụng hiệu quả các loại biểu đồ này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đầu tư thông minh và tối ưu hóa lợi nhuận. Hãy tiếp tục học hỏi và cập nhật kiến thức để trở thành nhà đầu tư thông thái và thành công trên thị trường chứng khoán.
Phan Thị Thanh Thuỷ
Wealth Manager