Basis là gì? Tầm quan trọng của Basis trong việc xác định cơ hội đầu tư

Ngày đăng: 23/07/2025 lượt xem

Trong tài chính, khái niệm Basis thường được sử dụng trong các giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL) của các loại hàng hóa, chỉ số, tiền điện tử,… Đây là một khái niệm quan trọng mà các nhà đầu tư cần phải biết. Trong bài viết này, Stock Insight sẽ giới thiệu cho các bạn về khái niệm này.

Basis là gì?

Định nghĩa

Một hợp đồng tương lai (futures) là một thỏa thuận mua một loại tài sản nào đó tại một thời điểm cụ thể nào đó trong tương lai với một mức giá xác định. Việc Long (mua) hay Short (bán) một hợp đồng tương lai có nghĩa là bạn xác định có thể mua hoặc bán một loại tài sản nào đó tại thời điểm đáo hạn với giá đã được xác định. Basisphần chênh lệch giữa giá của hợp đồng tương lai và giá giao ngay hay giá ở thời điểm hiện tại (spot). Về mặt lý thuyết, đây chính là chi phí nắm giữ của loại hàng hóa đó đến thời điểm đáo hạn.

Ví dụ: Một người nông dân trồng lúa để có thêm chi phí cho phân bón, anh ta bán trước lúa sẽ thu hoạch trong 3 tháng tới với giá 18 ngàn VNĐ/kg. Giá lúa hiện tại là 20 ngàn VNĐ trên một kg. Người mua nhận được lúa tại thời điểm 3 tháng sau và người nông dân sẽ nhận được tiền là 18 ngàn/kg ở thời điểm hiện tại. Chênh lệch giữa giá hiện tại 20 ngàn/kg so với giá trong tương lai 18 ngàn/kg là 2 ngàn/kg chính là basis.

Công thức tính Basis

Basis = Spot – Futures 

Basis có thể âm hoặc dương. Basis dương là khi giá giao ngay lớn hơn giá trong tương lai. Ngược lại, basis âm là giá giao ngay thấp hơn giá trong tương lai.

Basis âm và dương
Hình 1. Basis âm và dương

Trong giao dịch HĐTL, người ta thường sử dụng hai thuật ngữ Contango và Backwardation, dựa trên đồ thị biểu hiện sự khác biệt giữa giá giao ngay và giá tương lai. Trục dọc là giá tương lai, trục ngang là kỳ hạn. 

Contango là đường cong lên dốc, trong đó giá giao hàng trong tương lai lớn hơn giá giao ngay (có basis âm). Contango thường phổ biến trong hàng hóa kim loại như vàng vì những loại hàng hóa này không dễ hư hỏng và phải mất chi phí lưu kho.

Backwardation mô tả một đường cong dốc xuống, trong đó giá giao hàng trong tương lai thấp hơn giá giao ngay (basis dương). Backwardation có thể có nhiều nguyên nhân. Ví dụ, những nguyên nhân ngắn hạn như các cuộc xung đột khiến giá dầu tăng cao do lo ngại nguồn cung và vận chuyển hiện tại. Trong khi dự đoán trong tương lai, giá dầu có thể trở lại trạng thái bình thường.

Các yếu tố ảnh hưởng

Chi phí lưu kho ảnh hưởng rất lớn. Nếu chi phí này cao, basis sẽ tăng vì giá tương lai phản ánh chi phí lưu trữ hàng hóa.

Lãi suất cũng ảnh hưởng lớn vì chi phí vay mượn tiền để mua hàng hóa sẽ làm tăng giá tương lai của hàng hóa.

Cung cầu cũng ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Nếu hiện tại, cung thấp và nhu cầu cao, giá giao ngay tăng mạnh hơn giá tương lai khiến cho basis tăng. Ngược lại, nếu hàng hóa dồi dào và nhu cầu yếu ớt, giá giao ngay sẽ giảm mạnh hơn giá tương lai khiến basis yếu đi.

Rủi ro của thị trường và biến động giá cả cũng tác động đến basis.

Trong giao dịch hàng hóa: Các yếu tố như chi phí lưu kho, lãi suất, nhu cầu, cung ứng và tình trạng thị trường sẽ quyết định basis dương (contango) hoặc âm (backwardation). Ví dụ, trong thị trường dầu thô, nếu nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn, giá giao ngay sẽ cao hơn giá tương lai, dẫn đến backwardation.

Trong chứng khoán: Trong thị trường chứng khoán, chúng có thể được hiểu là chênh lệch giữa giá của các chứng khoán phái sinh (như HĐTL hoặc quyền chọn) và giá cổ phiếu cơ sở. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch 4 loại HĐTL của chỉ số VN30 bao gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp, quý hiện tại và quý kế tiếp. Thông thường, người ta sử dụng Basis là chênh lệch giữa chỉ số hiện tại với giá của HĐTL ở tháng hiện tại.

basis là gì - Chênh lệch giữa chỉ số VN30 Index và VN30F1M
Hình 2. Chênh lệch giữa chỉ số VN30 Index và VN30F1M

Tiền điện tử: Basis cũng xuất hiện trong các thị trường tiền điện tử, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai Bitcoin. Các nhà giao dịch có thể thấy chênh lệch giữa giá giao ngay và giá hợp đồng tương lai Bitcoin. Chênh lệch này thường được ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý thị trường, biến động giá của tiền điện tử và kỳ vọng về sự thay đổi giá trong tương lai.

Chứng chỉ quỹ: Basis trong chứng chỉ quỹ hay quỹ đầu tư cũng tương tự. Ví dụ, trong quỹ ETF (Exchange-Traded Fund), giá giao ngay của quỹ có thể khác với giá của các HĐTL hoặc chứng chỉ quỹ liên quan. Chênh lệch này có thể xuất hiện vì các yếu tố như chi phí quản lý quỹ, chi phí giao dịch và sự khác biệt trong cung cầu của quỹ.

Tầm quan trọng của basis trong việc xác định cơ hội đầu tư

Dự đoán xu hướng giá trong tương lai: Basis giúp nhà đầu tư dự đoán sự thay đổi giá của tài sản trong tương lai. Khi giá trị âm nghĩa là giá tương lai cao hơn giá giao ngay. Do đó, xu hướng giá có thể tăng lên trong tương lai. Ngược lại, khi giá trị dương tức là giá tương lai thấp hơn giá hiện tại do những sự kiện mang tính thời vụ, đột biến nên xu hướng giá sẽ giảm và ổn định trong tương lai.

Nhận diện cơ hội Arbitrage: Khi basis có sự chênh lệch lớn có thể là cơ hội cho các chiến lược Arbitrage, giúp tận dụng sự chênh lệch giá giữa các thị trường hoặc các công cụ phái sinh.

Đánh giá thị trường và tình hình cung cầu: Sự thay đổi của basis có thể phản ánh tình hình cung cầu trong thị trường, giúp nhà đầu tư nhận diện các cơ hội đầu tư dài hạn hoặc ngắn hạn.

Phân tích rủi ro và cơ hội: Giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro của các vị thế trong HĐTL hoặc các sản phẩm tài chính phái sinh.

Rủi ro khi sử dụng basis trong đầu tư

Mặc dù basis có tầm quan trọng trong việc đầu tư như xác định được xu hướng, hay dự đoán được cung cầu về hàng hóa,…, nhưng cũng đi kèm với rủi ro. Khi thị trường thay đổi nhanh chóng, chênh lệch giữa giá tương lai và giá giao ngay có thể thu hẹp hoặc mở rộng bất ngờ, dẫn đến thua lỗ.

Ngoài ra, chi phí lưu kho, chi phí tài chính và biến động của thị trường có thể ảnh hưởng đến chúng, làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư. Trong các tình huống thị trường không ổn định, việc dự đoán sự thay đổi của basis có thể trở nên khó khăn và gây rủi ro tài chính.

Kết luận

Basis hay chênh lệch giữa giá giao ngay và giá tương lai trong giao dịch hàng hóa, cổ phiếu, chỉ số, tiền điện tử,… là một công cụ quan trọng trong phân tích đầu tư. Việc hiểu rõ về chúng giúp nhà đầu tư dự báo xu hướng thị trường, dự đoán sự biến động của giá cả và tận dụng các cơ hội arbitrage.

Basis có thể phản ánh tình trạng cung cầu của tài sản cũng như kỳ vọng của thị trường về giá trị trong tương lai. Từ đó, hỗ trợ xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả. Tuy nhiên, basis cũng có những rủi ro không kiểm soát được, như khi thị trường biến động mạnh và có yếu tố bất ngờ. Nhà đầu tư khi sử dụng cần phải nắm rõ những kiến thức về thị trường mình giao dịch, qua đó giảm thiểu rủi ro và tối ưu lợi nhuận.

Phạm Thạch
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

cổ phiếu thép

3 Điều cần biết trước khi đầu tư cổ phiếu thép trong năm 2023

Cổ phiếu ngành thép (cổ phiếu thép) là nhóm cổ phiếu được đông đảo các nhà đầu tư quan tâm trong thời điểm hiện tại. Vậy cổ phiếu thép là...

PNJ - Cập nhật đại hội cổ đông 2024

PNJ – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

Ngày 16.04.2024, PNJ tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên với các nội dung chính như sau: Kế hoạch năm 2024 bao gồm doanh thu 37.148 tỷ...

Tác động của xu hướng mua sắm giải trí đến Cổ phiếu ngành truyền thông giải trí 2024

Tác động của xu hướng mua sắm giải trí đến Cổ phiếu ngành truyền thông giải trí 2024

Sau khoảng thời gian học tập và làm việc, nhu cầu giải trí và thư giãn là không thể thiếu. Bên cạnh đó, việc bận rộn trong cuộc sống cũng...