Lãi suất phi rủi ro là gì? Ý nghĩa đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp
Trong đầu tư chúng ta hay có câu “high risk high return” có nghĩa là rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao. Điều này cũng có nghĩa là đã có mang lại lợi nhuận thì đương nhiên là có rủi ro. Rủi ro càng giảm thì lợi nhuận càng giảm, và khi mức độ rủi ro gần tiệm cận về 0 thì mức lợi nhuận sẽ đạt đến mức tối thiểu và người ta gọi mức lợi nhuận này là lãi suất phi rủi ro (Risk-Free Rate).
Lãi suất phi rủi ro là một khái niệm rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh và đầu tư. Rất nhiều mô hình tính toán hiệu quả đầu tư, định giá tài sản,… đều sử dụng chúng trong tính toán. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu chi tiết hơn về lãi suất phi rủi ro và ứng dụng của nó.
Mục Lục
Lãi suất phi rủi ro là gì?
Định nghĩa
Lãi suất phi rủi ro (Risk-Free Rate) là lãi thu được của một khoản đầu tư mà không có rủi ro nào trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một khái niệm trên lý thuyết vì bất cứ khoản đầu tư nào đều cũng có rủi ro. Do đó, khi sử dụng một giá trị nào đó đại diện cho lãi suất phi rủi ro thì được hiểu giá trị đó chỉ ở mức tiệm cận mà thôi.
Lãi suất phi rủi ro thực là lãi suất được giả định trong trường hợp không có lạm phát. Lãi suất phi rủi ro danh nghĩa là lãi suất thực được điều chỉnh dựa trên các tác động của thị trường như là lạm phát hay trạng thái của thị trường vốn.
>> Xem thêm: Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp
Ví dụ
Khi nói về lãi suất phi rủi ro người ta thường nói đến lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn nguyên do là khả năng Chính phủ phá sản cực kỳ thấp, hơn nữa Chính phủ có thể in ra tiền để trả trái phiếu và lãi suất trái phiếu nên khả năng thanh khoản của trái phiếu Chính phủ rất cao.
Kỳ hạn ngắn giúp nhà đầu tư giảm thiểu được tác động của các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất như lạm phát hay chính sách tiền tệ. Vì vậy, khi sử dụng lãi suất phi rủi ro người ta thường sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn.
Các yếu tố ảnh hưởng
Lãi suất phi rủi ro là một khái niệm phức tạp và có rất nhiều yếu tố tác động đến lãi suất này. Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến là:
Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương: Ngân hàng trung ương tác động đến lãi suất phi rủi ro thông qua các quyết định về chính sách tiền tệ, đặc biệt là các thay đổi về lãi suất. Ví dụ, để đối phó với lạm phát hay sự phát triển quá nóng ngân hàng trung ương tăng các lãi suất điều hành điều này khiến lãi suất phi rủi ro tăng lên. Ngược lại, để kích thích nền kinh tế ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành thì lãi suất cũng giảm theo.
Tình hình kinh tế: Các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp và niềm tin tiêu dùng cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất phi rủi ro. Tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp có thể dẫn đến tăng lãi suất, nó phản ánh chi phí cơ hội tăng lên khi giữ tài sản phi rủi ro. Mặt khác khi kinh tế đi xuống hay suy thoái sẽ khiến ngân hàng trung ương hạ lãi suất để kích thích kinh tế và điều này khiến lãi suất phi rủi ro giảm xuống.
Lạm phát kỳ vọng: Lạm phát trì vọng cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất phi rủi ro thực tế. Nhà đầu tư sẽ yêu cầu thêm phần bù lạm phát kỳ vọng cho phần sức mua bị giảm đi. Thông thường lạm phát kỳ vọng càng cao thì lãi suất này càng cao và ngược lại.
Cung và cầu trái phiếu Chính phủ, kho bạc nhà nước: Đối với nhà đầu tư việc mua trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu kho bạc nhà nước thường được đánh giá là có mức độ rủi ro cực kỳ thấp. Sự biến động về cung, cầu các loại tài sản này khiến cho lợi tức của các loại tài sản này thay đổi và sẽ khiến cho lãi suất phi rủi ro thay đổi vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Khi cầu về các loại trái phiếu này tăng lên khiến cho lợi tức giảm đi và điều đó cũng dẫn đến lãi suất này giảm đi.
Tâm lý thị trường và khẩu vị rủi ro: Yếu tố tâm lý và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cũng có ảnh hưởng đến lãi suất phi rui ro. Ví dụ, trong thời kỳ bất ổn và biến động nhà đầu tư thường có nhu cầu tìm đến các tài sản có độ rủi ro thấp hoặc phi rủi ro điều này khiến nhu cầu về các loại tài sản này tăng lên và điều này làm giảm lãi suất.
Cách tính lãi suất phi rủi ro
Có một số đại diện thường được sử dụng như là lãi suất phi rủi ro trong các phân tích tài chính hay định giá.
Lãi suất trái phiếu kho bạc: Ở nhiều quốc gia lãi suất trái phiếu kho bạc hay lãi suất trái phiếu Chính phủ thường được xem như là lãi suất phi rủi ro. Nguyên nhân là các tài sản này được đảm bảo bởi Chính phủ nên ít khi có khả năng mất thanh khoản hoặc phá sản.
Lãi suất SOFR: Thay thế cho LIBOR, SOFR (Secured Overnight Financing Rate) là một chỉ số lãi suất đại diện cho chi phí vay ngắn hạn có bảo đảm bằng tài sản chất lượng cao tại thị trường tài chính Hoa Kỳ. Được quản lý bởi Fed chi nhánh New York. Lãi suất SOFR được chọn làm lãi suất phi rủi ro cho một số giao dịch và hợp đồng quốc tế có sử dụng đồng ngoại tệ thay vì chỉ sử dụng đồng nội tệ.
Lãi suất gửi tiền mặt: Trong một số trường hợp người ta có thể dùng lãi suất gửi tiết kiệm tiền mặt làm lãi suất này.
Tầm quan trọng của lãi suất phi rủi ro
Lãi suất phi rủi ro đóng vai trò quan trọng trong các mô hình tài chính, mô hình đầu tư, định giá tài sản,… Đây là cơ sở, chuẩn mực để đo lường mức độ lợi nhuận từ các khoản đầu tư. Trong các mô hình định giá như chiết khấu dòng tiền được sử dụng làm lãi suất chiết khấu để tính giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai.
Lãi suất phi rủi ro cũng giúp định giá các công cụ tài chính và xác định tỷ lệ lợi nhuận phù hợp cho các chiến lược đầu tư của nhà đầu tư. Lãi suất này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trái phiếu, giá quyền chọn và giá các công cụ phái sinh khác. Lãi suất này cũng giúp các công ty, nhà đầu tư tính toán chi phí hoàn vốn, lợi nhuận cần thiết của các dự án đầu tư trên cơ sở đó xác định cơ cấu vốn phù hợp để thực hiện các dự án đầu tư tối ưu.
Đối với nhà đầu tư thì công cụ này đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhà đầu tư thường so sánh tỷ lệ lợi nhuận có thể kiếm được từ việc thực hiện đầu tư với lãi suất phi rủi ro để đánh giá xem dự án, doanh nghiệp, cổ phiếu này có đáng đầu tư hay không. Ví dụ như lãi suất phi rủi ro là 5% mà khi thực hiện dự án này trong khoảng thời gian đó nhà đầu tư được mức lợi nhuận là 9% thì mức chênh 4% có đáng để thực hiện dự án hay không đó là điều nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ khi thực hiện.
Trong các mô hình định giá như CAPM (Capital Asset Pricing Model) thì lãi suất này đóng vai trò là cơ sở để xác định phần bù rủi ro khi một nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng.
Công thức tính CAPM:
R = Rf + [B x (Rm – Rf)] |
Trong đó:
- R là tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng của khoản đầu tư
- Rf là tỷ suất sinh lợi phi rủi ro
- B là hệ số beta của khoản đầu tư
- Rm là tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của thị trường
- Phần này của công thức – (Rm – Rf) – được gọi là phần bù rủi ro.
Trong định giá trái phiếu thì lãi suất này quyết định lợi tức của trái phiếu. Trái phiếu được định giá dựa trên giá trị hiện tại của chúng, giá trị này được tính bằng cách chiết khấu các dòng tiền mà trái phiếu này đem lại trong tương lai kể cả gốc bằng lãi suất phi rủi ro hiện hành. Khi lãi suất tăng giá trị hiện tại của các dòng tiền trong tương lai giảm dẫn đến giá trái phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng. Ngược lại, khi lãi suất giảm sẽ khiến giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu giảm.
Lãi suất phi rủi ro cũng ảnh hưởng đến giá của quyền chọn và các công cụ phái sinh khác thông qua mô hình Black-Scholes. Đây là một yếu tố đầu vào của mô hình định giá quyền chọn này và nó sẽ tác động đến giá trị của quyền chọn thông qua chi phí nắm giữ tài sản cơ sở.
Hạn chế của loại lãi suất này
Lãi suất phi rủi ro là một khái niệm có thực và quan trọng trong phân tích tài chính nhưng nó cũng có nhiều hạn chế mà các nhà đầu tư, nhà phân tích nên cân nhắc.
Mặc dù lãi suất phi rủi ro đại diện cho lợi nhuận mà nhà đầu tư khi đầu tư không chịu bất cứ rủi ro gì. Tuy vậy, bất cứ khoản đầu tư nào cũng phải chịu rủi ro dù ít dù nhiều. Do đó, lãi suất vẫn có rủi ro.
Lãi suất này cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường như các quyết định về chính sách tiền tệ, điều kiện kinh tế hay tâm lý nhà đầu tư. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng theo thời gian, do đó khó có thể sử dụng một lãi suất phi rủi ro ổn định cho việc tính toán trong các mô hình phân tích tài chính dài hạn.
Lãi suất phi rủi ro sẽ thay đổi tùy theo các quốc gia và loại tiền tệ, điều này phản ánh sự khác biệt về điều kiện kinh tế, chính sách tiền tệ và địa chính trị. Cho nên không thể sử dụng cho các quốc gia khác nhau.
Cuối cùng việc chọn đại diện để sử dụng làm lãi suất phi rủi ro cũng có thể gặp các rủi ro về thanh khoản. Trong thời kỳ căng thẳng hay khủng hoảng một số sản phẩm chứng khoán được chính phủ phát hành cũng có thế gặp phải vấn đề về thanh khoản khiến cho lãi suất được chọn từ các sản phẩm này có thể thay đổi.
Kết luận
Lãi suất phi rủi ro là một lãi suất lý thuyết của một khoản đầu tư có tỷ lệ rủi ro bằng không. Bất cứ khoản đầu tư nào có lãi suất lớn hơn lãi suất này đều có rủi ro. Do đó, bất cứ khoản đầu tư có rủi ro nào cũng phải được yêu cầu có lãi suất lớn hơn lãi suất này.
Trên thực tế lãi suất này là lý thuyết không tồn tại trên thực tế vì bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải có rủi ro dù là nhỏ nhất. Mặc dù là một lãi suất lý thuyết nhưng lãi suất phi rủi ro đóng một vai trò quan trọng trong việc định giá các sản phẩm tài chính, các dự án đầu tư,… Đây cũng là đầu vào để giúp các Chính phủ đưa ra các quyết sách về tiền tệ và chính các quyết sách này lại ảnh hưởng trở lại.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Phạm Thạch
Wealth Manager