Nới lỏng định lượng (QE) là gì? Phân tích tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế

Ngày đăng: 14/01/2025 lượt xem

Nới lỏng định lượng (QE) là một công cụ quan trọng mà các ngân hàng trung ương sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế. Đây là một biện pháp đặc biệt, giúp tăng trưởng tín dụng và kích thích tiêu dùng. Bài viết này Stock Insight sẽ phân tích khái niệm QE là gì, cách thức hoạt động và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Nới lỏng định lượng – QE là gì?

Tìm hiểu khái niệm QE

Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) là gì?
Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) là gì?

Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) là một chính sách tiền tệ được Ngân hàng trung ương Mỹ ban hành lần đầu tiên vào năm 2009 dùng để đạt được mục tiêu lạm phát. Về căn bản, đó là sự gia tăng lượng cung tiền để thổi phồng giá cả của các loại tài sản và kích thích hoạt động kinh tế. Nó liên quan đến việc mua vào một lượng lớn trái phiếu Chính phủ hay các công cụ tài chính khác như chứng khoán có đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại. 

QE được các Ngân hàng Trung ương (NHTW) xem như một công cụ kinh tế vì thông qua đó, NHTW sẽ đạt được một số mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, như: 

  • Kích thích tăng trưởng kinh tế
  • Giảm lãi suất
  • Ổn định thị trường tài chính
  • Giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Nguồn gốc của chính sách Nới lỏng định lượng

Khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ khi các khoản vay dưới chuẩn được cấp cho cho những người có khả năng thanh toán kém. 

Ngày 15/09/2008, Lehman Brothers – một trong những Ngân hàng Đầu tư lớn nhất tại Mỹ đệ đơn xin phá sản với tài sản 639 tỷ USD và nợ 619 tỷ USD được coi là sự kiện châm ngòi, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngày 16/09/2008, Tập đoàn Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIG) cũng mấp mé bờ vực phá sản khi tham gia mạnh mẽ vào chứng khoán phái sinh, đặc biệt là các sản phẩm tài chính phức tạp như các nghĩa vụ nợ liên quan đến các khoản vay thế chấp dưới chuẩn (CDO). 

Cơn hoảng loạn 2008 được xem là một trong những thảm họa tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử. 

Sự sụp đổ của thị trường vốn, hoạt động thương mại quốc tế, sản lượng công nghiệp và vấn đề công ăn việc làm đều quá tệ hại khiến người ta buộc phải đồng thuận trong các cuộc giải cứu, trong việc kích thích kinh tế và xây dựng quy định mới cho các ngân hàng. 

Trong tình thế cấp bách đó, Chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) lần đầu tiên được sử dụng vào tháng 03/2009 với mục đích là làm suy yếu đồng đô-la Mỹ trên thị trường ngoại hối, để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại thời điểm đó, lãi suất ngân hàng rất thấp, trên thực tế không thể hạ thêm được nữa. Vì vậy, cần có một chính sách khác để hạ lãi suất và khuyến khích tiêu dùng. Chính sách “đô-la rẻ” của Fed đã đạt được những hiệu quả như mong đợi. 

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện Nới lỏng định lượng (QE). Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 diễn ra, một số Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như: NHTW Anh (BOE), khu vực đồng Euro (ECB) và Nhật Bản (BOJ) cũng từng tiến hành biện pháp này.

Tại Anh, BOE tiến hành QE bằng cách mua trái phiếu Chính phủ với hơn 300 tỷ bảng Anh. Hay tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, ECB đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tái cấp vốn dài hạn kể từ thời điểm 2008: hai vòng mua trái phiếu có đảm bảo năm 2009 và 2011, giao dịch tiền tệ mở hoàn toàn năm 2012,…

Hơn nữa, BOJ còn tung ra chính sách tiền tệ siêu nới lỏng thông qua việc mua mạnh trái phiếu Chính phủ, quỹ giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng như các quỹ đầu tư bất động sản để can thiệp, cứu trợ cho cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Cơ chế hoạt động của QE

Nhìn chung, nới lỏng định lượng là một loại chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa mà Ngân hàng trung ương của một quốc gia dùng để can thiệp nhằm tăng tính thanh khoản của hệ thống tài chính, thường thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ dài hạn và kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các ngân hàng cho vay hoặc đầu tư tự do hơn.

QE là gì - Bản chất của nới lỏng định lượng là tăng cung tiền
Bản chất của nới lỏng định lượng là tăng cung tiền

Bản chất của nới lỏng định lượng là tăng cung tiền. FED mua lại các chứng khoán nợ của Bộ Ngân khố, từ một nhóm ngân hàng được chọn lọc gọi là “trung gian sơ cấp”. Nhóm các trung gian sơ cấp này lại có các khách hàng căn bản trên toàn cầu, bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia (SFW), các ngân hàng trung ương, các quỹ hưu trí, các định chế đầu tư và cả những cá nhân giàu có.

Nhóm trung gian nói trên đóng vai trò cầu nối giữa FED và không gian thị trường thông qua việc chào bán đấu giá các khoản nợ mới của Bộ Ngân khố và tạo ra thị trường cho các khoản nợ đã có.

Nới lỏng định lượng được thực hiện thông qua việc mua tài sản quy mô lớn. Ví dụ để ứng phó với đại dịch Covid19, FED bắt đầu mua trái phiếu kho bạc và trái phiếu thương mại có kỳ hạn dài hơn. Hành động mua lại tài sản ở thị trường mở dẫn đến sự thay đổi của nền kinh tế theo hướng tích cực hơn. Quy trình thông thường sẽ là:

  • FED mua tài sản: cái gọi là in tiền – bằng cách tạo ra dự trữ ngân hàng trên bảng cân đối kế toán của mình và mua lại tài sản dài hạn trên thị trường mở từ các tổ chức tài chính lớn (đại lý chính).
  • Tiền chảy vào nền kinh tế: nhờ các giao dịch này mà tiền được đưa vào lưu thông. Các tổ chức tài chính sẽ có nhiều tiền mặt có thể mang đi kinh doanh hoặc dùng để mua các tài sản khác để kích thích kinh tế.
  • Thanh khoản hệ thống tăng: tiền được bơm vào nền kinh tế để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động bình thường trong bối cảnh các khoản vay khả dụng giảm hoặc tiêu chuẩn vay tiền tăng mạnh.
  • Lãi suất tiếp tục giảm: với việc Fed mua hàng tỷ trái phiếu kho bạc và các tài sản có thu nhập cố định khác, giá trái phiếu tăng cao hơn (nhu cầu từ Fed tăng cao hơn) và lợi suất giảm xuống (người sở hữu trái phiếu kiếm được ít hơn). Lãi suất thấp hơn khiến việc vay tiền trở nên rẻ hơn, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay vốn cho các mặt hàng lớn có thể giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Phân tích ảnh hưởng của Nới lỏng định lượng đến nền kinh tế

Các thành phần trong nền kinh tế bị QE tác động như thế nào?

1. Đối với doanh nghiệp

Khi NHTW thực hiện QE, đồng nghĩa với việc họ sẽ mua lại các tài sản tài chính của doanh nghiệp, làm tăng lượng tiền mặt của doanh nghiệp. Khi có tiền mặt cộng hưởng với việc mặt bằng lãi suất thấp chủ doanh nghiệp sẽ cân nhắc mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư, điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Thông qua QE, FED đã trấn an thị trường và nền kinh tế nói chung.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể có nhiều khả năng vay tiền, đầu tư vào thị trường chứng khoán, thuê thêm nhân viên và chi tiêu nhiều tiền hơn – tất cả đều giúp kích thích nền kinh tế.

2. Đối với người tiêu dùng và người lao động

Cung tiền giống như một động thái cởi trói cho người tiêu dùng, kích thích cầu tiêu thụ. Một nền kinh tế vận hành ổn định, suôn sẻ sẽ làm người ta yên tâm trong việc tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. QE có thể gián tiếp tăng việc làm nhờ đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng.

Tác động tích cực của QE đến các cấu phần kinh tế

Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ phi truyền thống mà Ngân hàng Trung ương chỉ chuyển sang nó khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn lan rộng. Kể từ khi ra đời, đây được coi là một phương thức nhanh chóng để kích thích nền kinh tế của một quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế với các lợi thế như:

  • QE kích thích các ngân hàng cho vay với rủi ro thấp: nới lỏng định lượng thường được tiến hành trong bối cảnh lãi suất xuống dưới mức 0%, điều này hạn chế rủi ro cho phía ngân hàng khi họ tăng cung tiền ra thị trường bằng cách cho người dân vay. 
  • Khuyến khích tiêu dùng: mục đích của QE là cân bằng thị trường, làm cho việc chi tiêu và đầu tư trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn. Lượng tiền dồi dào trong hệ thống và mặt bằng lãi suất thấp sẽ thúc đẩy tiêu dùng, hoạt động kinh tế vận hành trơn tru hơn.
  • Tăng tài sản: thông qua QE, Chính phủ tăng cường mua vào tài sản thì những người nắm giữ tài sản được mua lại sẽ có thêm tiền tái đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, từ đó làm gia tăng tài sản.

Ảnh hưởng tiêu cực và rủi ro tiềm ẩn của QE

Lạm phát tiềm ẩn: QE có thể gây áp lực lạm phát nếu lượng cung tiền tăng vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Khi một ngân hàng trung ương in tiền, nguồn cung tăng lên. Về mặt lý thuyết, điều này có thể dẫn đến việc giảm sức mua của tiền đang lưu hành vì nguồn cung tiền lớn hơn khiến người dân và doanh nghiệp tăng nhu cầu với cùng một lượng hàng hóa, đẩy giá lên cao.

Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Ví dụ, lạm phát đã không xảy ra trong giai đoạn 2009-2015 khi Fed thực hiện QE để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính.

Bong bóng tài sản: Bằng cách hạ lãi suất, FED đã gián tiếp khuyến khích hoạt động đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Về bản chất, tài sản không có giá trị cao hơn, chỉ có người ta tốn nhiều tiền hơn để mua vì đồng tiền đã bị mất giá. Điều này có thể gây ra bong bóng bởi giá tài sản tài chính tăng quá cao do dòng tiền rẻ từ QE.

Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái: Trong thế giới toàn cầu hóa, các loại tỷ giá giống như một hệ thống cầu trượt nước và chúng chuyển động rất nhanh. Chương trình nới lỏng định lượng không chỉ tác động đến một quốc gia mà còn tác động đến các đối tác thương mại của quốc gia đó. Việc làm suy yếu giá trị đồng tiền tại một quốc gia này có thể tác động đến một quốc gia khác và cả thương mại quốc tế.

Kết luận

Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ trong đó một ngân hàng trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, mua chứng khoán thông qua các hoạt động thị trường mở để tăng nguồn cung tiền và khuyến khích cho vay và đầu tư của ngân hàng. Các chính sách QE đã được triển khai trên toàn cầu. Tuy nhiên, tác động của chúng đối với nền kinh tế của một quốc gia thường được tranh luận.

QE có hiệu quả trong việc hạ lãi suất và giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán, nhưng tác động rộng hơn của nó đối với nền kinh tế thì không rõ ràng. Và hơn nữa, tác động của QE có lợi cho một số người hơn những người khác, bao gồm cả người đi vay hơn người tiết kiệm và nhà đầu tư hơn người không đầu tư.

Các nhà đầu tư cùng tham gia vào HscEdu – Nền tảng đào tạo chứng khoán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Tham gia các lớp học cùng chuyên gia giúp tối đa hóa lợi nhuận.

Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

stop loss. lệnh stop loss

Stop loss là gì? Vì sao bạn nên dùng lệnh này?

Stop Loss là gì? Stop Loss (Lệnh cắt lỗ) là một loại lệnh đầu tư được sử dụng để đặt một giới hạn giá tối đa (hoặc tối thiểu) trước...

Nghệ thuật quản trị rủi ro: Chiếc la bàn của trader tài ba (Phần 5)

Trong thị trường đầy biến động, quản trị rủi ro như chiếc la bàn giúp nhà đầu tư luôn xác định được phương hướng để lèo lái con thuyền danh...

bullish

Bullish là gì? Hướng dẫn giao dịch khi thị trường tăng giá

Bullish là một thuật ngữ quen thuộc trong thị trường tài chính, ám chỉ xu hướng giá tăng và niềm tin lạc quan của nhà đầu tư. Đối mặt với...