Chỉ số PEG là gì? Công thức và ứng dụng trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số PEG là gì, và nó có ý nghĩa như thế nào trong việc đánh giá tiềm năng của một cổ phiếu? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về công thức và cách ứng dụng của chỉ số này trong đầu tư chứng khoán qua bài viết sau đây của Stock Insight.
Mục Lục
Chỉ số PEG là gì?
Định nghĩa chỉ số PEG
Chỉ số PEG (Price Earnings to Growth ratio) là một chỉ số định giá, giúp nhà đầu tư đánh giá được giá trị của công ty dựa vào chỉ số P/E (Price Earnings ratio) và tốc độ tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu EPS (EPS Growth rate).
Chỉ số PEG được khởi xướng bởi Peter Lynch và giới thiệu trong cuốn sách “Trên Đỉnh Phố Wall” đã được dịch tại Việt Nam.
>> Xem thêm: Chỉ số P/E là gì? Lựa chọn cổ phiếu phù hợp với chỉ số P/E
Tầm quan trọng trong đầu tư của chỉ số PEG là gì?
Chúng ta đều khá quen thuộc với chỉ số P/E, là hệ định giá số so sánh giá công ty hiện tại với mức lợi nhuận mà công ty đạt được. Tương tự như P/E, PEG sẽ cho chúng ta một góc nhìn toàn diện hơn so với P/E, khi:
PEG bổ sung thêm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận tương lai vào định giá, giúp điều chỉnh chỉ số P/E dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập (EPS) để giúp nhà đầu tư quyết định cổ phiếu có đáng đầu tư ở hiện tại hay không.
>> Xem thêm: Chỉ số EPS (Earning Per Share) là gì? Chỉ số EPS bao nhiêu là tốt?
PEG không những giúp so sánh giữa các công ty cùng ngành, mà PEG còn hiệu quả khi so sánh giữa các công ty khác ngành nghề, hoặc các loại tài sản khác nhau.
Từ đó, PEG giúp nhà đầu tư tránh được cái bẫy đầu tư cổ phiếu có P/E thấp, nhìn có vẻ là “rẻ” nhưng thực ra thiếu động lực tăng trưởng, hoặc cổ phiếu P/E có vẻ là đắt nhưng tốc độ tăng trưởng EPS đủ cao để giải thích cho mức giá đó.
Công thức tính chỉ số PEG là gì?
Công thức cơ bản của chỉ số PEG
Trong đó:
- P/E là viết tắt của Price Earnings ratio. Trong đó, hệ số của P(Price) là giá thị trường của cổ phiếu, E (EPS – Earning Per Share) là lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phần của công ty.
- G là tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS, thường là số dự phóng dựa trên lịch sử quá khứ hoặc kế hoạch kinh doanh của công ty.
Ví dụ minh họa cách tính chỉ số PEG
Giả định, chúng ta có thông tin về cổ phiếu XYZ như sau:
- Giá đóng cửa: 85,000 đ/cổ phiếu
- EPS: 5,000 đ/cổ phiếu
- Tốc độ tăng trưởng EPS (G): 10%/năm
Để tính chỉ số PEG cho cổ phiếu XYZ, chúng ta thực hiện:
- Trước tiên chúng ta tính P/E = 85,000/5,000 = 17
- PEG = (P/E)/G = 17/10 = 1.7
Đánh giá: Cổ phiếu XYA có PEG = 1.7 (PEG >1) cho thấy thị trường đang trả giá khá cao so với tốc độ tăng trưởng EPS của công ty. Và chúng ta cần tìm hiểu thêm thông tin để ra quyết định đầu tư.
Phân loại giá trị cổ phiếu qua chỉ số PEG
Khi đầu tư vào một cổ phiếu, nhà đầu tư đều kỳ vọng vào tiềm năng giá trị lợi nhuận của cổ phiếu mang lại trong tương lai. Vì vậy, dựa vào PEG nhà đầu tư sẽ đánh giá được giá trị hiện tại của cổ phiếu có tương xứng với tốc độ tăng trưởng trong tương lai hay không.
Khi PEG >1: cổ phiếu đang bị định giá cao hơn tốc độ tăng trưởng, cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng cao hơn vào tốc độ tăng trưởng của công ty, và sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu. Điều này cũng đi kèm với rủi ro khi công ty tăng trưởng không đạt kỳ vọng.
Khi PEG <1: cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng, cho thấy nhà đầu tư đang không có nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng của công ty cũng như triển vọng kinh doanh mà công ty đặt ra.
Khi PEG = 1: Cổ phiếu được định giá hợp lý với tốc độ tăng trưởng của công ty.
Ví dụ minh họa cách tra cứu chỉ số PEG thông qua App HSC ONE
Trên HSC ONE, nhập mã chứng khoán FPT chúng ta dễ dàng tìm được thông số:
- P/E là 28.02 lần trong mục Thông tin thị trường.
- G = 22.0% là tăng trưởng lợi nhuận ròng, trong mục Chỉ tiêu tài chính.
- Như vậy, FPT có PEG = (28.02)/(22) = 1.27 lần.
Đánh giá: Như vậy, với mức giá 137,000 đ/ cổ phiếu ở hiện tại, FPT được xem là định giá phù hợp cho một công ty công nghệ đầu ngành ở Việt Nam, có doanh thu xuyên biên giới và được hỗ trợ bởi làn sóng chuyển đổi số toàn cầu.
Ngoài ra, chỉ số G còn được tính toán bằng cách dựa trên kế hoạch kinh doanh ở tài liệu ĐHCĐ thường niên, và các phương pháp tổng hợp khác.
Ứng dụng của chỉ số PEG trong đầu tư chứng khoán
Phân tích cổ phiếu tăng trưởng
Trường hợp cổ phiếu tăng trưởng, chúng ta có thể xem lại ví dụ ở “Hình 1: Sử dụng HSC ONE để tính chỉ số PEG cổ phiếu FPT”
Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một ví dụ để tránh bẫy cổ phiếu tưởng chừng “rẻ” khi có P/E thấp là cổ phiếu QTP – CTCP Nhiệt Điện Quảng Ninh.
Theo thông số trên App HSC ONE, chúng ta thấy QTP có mức P/E 10.32 lần khá hợp lý, và tỷ lệ cổ tức 7.18% cho thấy QTP đang giao dịch ở mức định giá khá rẻ để mua vào.
Tuy nhiên, QTP có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng -29.1%
QTP có PEG = 10.32/(-29.1 + 7.18) = -0.47
Với mức chỉ số PEG ở mức âm, và liên quan tới yếu tố tăng trưởng (G) cho thấy QTP đang nằm ngoài kế hoạch phát triển năng lượng chung, khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu Net Zero về giảm khí thải nhà kính vào năm 2050.
Mà QTP lại là một nhà máy nhiệt điện chạy than, với lượng khí thải CO2 ra môi trường rất lớn sẽ không nằm trong ưu tiên huy động điện của EVN trong tương lai, đó là lý do QTP có mức định giá khá rẻ, nhưng gặp vấn đề về tăng trưởng lợi nhuận do chịu ảnh hưởng thay đổi của ngành.
Đánh giá cổ phiếu ngành khác nhau
Chỉ số PEG ngoài dùng để so sánh các cổ phiếu cùng một ngành, còn được dùng để so sánh các cổ phiếu ở ngành nghề khác nhau, thậm chí là các lớp tài sản khác nhau như: Vàng, Bất động sản, cổ phiếu,… miễn là chúng ta xác định được các chỉ số P/E và Tăng trưởng (G) để tính toán.
Ví dụ, chúng ta sẽ so sánh 2 cổ phiếu FPT và MWG.
FPT ở “Hình 1” có các thông số là: P/E 28.2 lần, tăng trưởng G là 22% => PEG = 1.28
MWG ở đây có P/E là 43.67 lần, tăng trưởng G là 34.3% => PEG = 1.27
Như vậy, nhìn P/E thì MWG có vẻ đắt hơn FPT, nhưng khi xét tới yếu tố tăng trưởng lợi nhuận thì MWG rẻ hơn FPT.
Ứng dụng PEG trong việc lập danh mục đầu tư
Như vậy, thông qua hiểu chỉ số PEG chúng ta sẽ biết được cổ phiếu có đang bị định giá thấp hay đang được thị trường trả giá quá cao hay không. Từ đó, sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư dài hạn hay ngắn hạn.
Danh mục đầu tư dài hạn:
- Mục tiêu: lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian dài, ổn định bất kể biến động ngắn hạn của thị trường.
- Chiến lược PEG: chọn cổ phiếu có chỉ số PEG <1, là những cổ phiếu có mức giá tốt so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận ròng của công ty. Khi công ty tăng trưởng lợi nhuận đều đặn thì mức giá sẽ tăng trưởng trong tương lai.
- Nhóm ngành tiềm năng: Công nghệ; hàng tiêu dùng; y tế và chăm sóc sức khỏe; năng lượng.
Danh mục đầu tư ngắn hạn:
- Mục tiêu: tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn.
- Chiến lược PEG: lựa chọn các cổ phiếu có PEG từ 1-1.5 lần, các cổ phiếu có mức PEG này không quá cao và cho thấy cổ phiếu đang được thị trường chú ý và kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, việc công ty liên tục duy trì tăng trưởng trong một thời gian dài là không khả thi khi liên tục sẽ phải chịu sự cạnh tranh của đối thủ, vòng đời sản phẩm, môi trường kinh doanh,… do đó, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường và sẵn sàng hành động nhanh chóng khi có biến động.
- Nhóm ngành tiềm năng: cổ phiếu công nghệ mới; cổ phiếu có tính chu kỳ và cổ phiếu có thông tin tốt.
Dù là đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, thì chỉ số PEG vẫn không phải là một chỉ số toàn năng, mà chúng ta cần phải phối hợp với các chỉ số khác để có cái nhìn bao quát về sức khỏe của doanh nghiệp.
Kết luận
Trên đây là thông tin về chỉ số PEG mà Stock Insight gửi tới nhà đầu tư, hy vọng sẽ giúp ích trong việc lựa cơ hội đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận. PEG là một chỉ số ước tính dựa trên giả định tăng trưởng trong tương lai, do đó, nên sử dụng kèm theo các chỉ số khác để có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về đầu tư tài chính, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Lê Trọng Đại
Wealth Manager