Cán cân xuất nhập khẩu là gì? Công thức và ý nghĩa

Ngày đăng: 11/12/2024 lượt xem

Để một quốc gia phát triển và đi lên thì việc quốc gia đó mở cửa, giao thương hàng hóa với các quốc gia khác trên thế giới là điều cần thiết. Việc một nước không có thế mạnh sản xuất một loại hàng hóa bất kì là điều bình thường, khi đó họ bắt buộc phải nhập khẩu các nguyên, vật liệu mà mình không thể làm ra, để từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và lại đem đi bán cho quốc gia khác, hay còn gọi là xuất khẩu. Tỷ trọng giữa xuất và nhập khẩu chính là cán cân xuất nhập khẩu. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về Cán cân xuất nhập khẩu.

Cán cân xuất nhập khẩu là gì?

Định nghĩa

Theo quy định tại Điều 28 Luật thương mại 2008 định nghĩa về cán cân xuất nhập khẩu như sau:

Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

Từ khái niệm về xuất, nhập khẩu trên, ta có thể hiểu Cán cân xuất nhập khẩu (Cán cân thương mại: Balance Of Trade – BOT) là bảng đối chiếu giữa tổng giá trị xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu) với tổng giá trị nhập khẩu (kim ngạch nhập khẩu) của một quốc gia tại một giai đoạn nhất định hay còn được hiểu là mức chênh lệch của giá trị xuất khẩu và nhập khẩu.

cán cân xuất nhập khẩu
Cán cân xuất nhập khẩu là bảng đối chiếu giữa tổng giá trị xuất khẩu với tổng giá trị nhập khẩu
  • Tổng giá trị xuất khẩu lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu thì cán cân xuất nhập khẩu được gọi là xuất siêu.

Ví dụ: Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023:

tính cán cân xuất nhập khẩu
Nguồn: Tổng cục Thống kê
  • Tổng giá trị xuất khẩu nhỏ hơn tổng giá trị nhập khẩu thì cán cân xuất nhập khẩu được gọi là nhập siêu.

Ví dụ: Tình hình về xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2024:

công thức tính cán cân xuất nhập khẩu
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thành phần

Xuất khẩu và nhập khẩu là hai thành phần chính của cán cân xuất nhập khẩu. Có thể nói cán cân xuất nhập khẩu chính là sự so sánh giữa tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu và tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định.

Mối quan hệ

Ngay từ tên gọi, chúng ta đều thấy rằng xuất khẩu và nhập khẩu là hai hoạt động thương mại mang tính đối nghịch nhau nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ tạo nên cán cân xuất nhập khẩu của một quốc gia bất kì.

  • Hỗ trợ: Xuất khẩu và nhập khẩu là hai hoạt động đi đôi với nhau. Khi một quốc gia xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, họ sẽ thu được ngoại tệ để nhập khẩu những hàng hóa, dịch vụ mà quốc gia đó không sản xuất hoặc sản xuất với chi phí cao hơn việc đi nhập khẩu của quốc gia khác.
  • Cân bằng: Mục tiêu mà các quốc gia mong muốn thường là đạt được sự cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế, việc đạt được cân bằng hoàn hảo là rất khó.
  • Ảnh hưởng lẫn nhau: Sự thay đổi của xuất khẩu sẽ tác động đến nhập khẩu và ngược lại. Ví dụ, khi xuất khẩu tăng, sẽ tạo ra nhiều ngoại tệ, từ đó có thể tăng khả năng nhập khẩu của quốc gia.

Cán cân xuất nhập khẩu tại Việt Nam

Tình hình thực tế

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8/2024 tạo nên nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam vẫn duy trì mạnh tình trạng xuất siêu, cho thấy khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 8 tháng vượt 500 tỷ đô. Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.

Tính đến hết tháng 8/2024, cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam có có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%). Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt giá trị lớn nhất 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 41,9%, đạt 5,4 tỷ USD; sản phẩm chất dẻo tăng 31,2%, đạt 4,3 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,9%, đạt 46,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 21,8%, đạt 32,7 tỷ USD; sắt thép tăng 14,1%, đạt 6,5 tỷ USD; giày dép tăng 11,8%, đạt 14,9 tỷ USD.

Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm hàng tăng cao nhất trong 4 nhóm hàng. Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm này đều tăng cao như: Hạt tiêu tăng 42,6%, đạt 877 triệu USD; cà phê tăng 34,8%, đạt 4 tỷ USD; chè tăng 33,5%, đạt 163 triệu USD; rau quả tăng 33,2%, đạt 4,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,3%, đạt 10,4 tỷ USD; gạo tăng 21,7%, đạt 3,9 tỷ USD; hạt điều tăng 21,6%, đạt 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, hai nhóm hàng còn lại chỉ đạt mức tăng thấp là thủy sản tăng 4,9% và nhiên liệu và khoáng sản tăng 0,6%.

Kết quả có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.

Qua những con số đạt được trong cán cân xuất nhập khẩu, Việt Nam kỳ vọng trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ đạt tới con số là 800 tỷ đô với những chính sách phù hợp và nắm bắt thị trường. 

Thách thức và cơ hội

Thách thức: Trong tình hình kinh tế – chính trị hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn không nhỏ.

Thứ nhất, xung đột quân sự Nga – Ukraine và Israel – Hamas tác động trực tiếp đến dòng chảy thương mại toàn cầu, nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới là có thể xảy ra. Điều này không những ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba.

Cơ hội: Dẫu vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn hiện nay, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực này. Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển các thị trường trong nước và xuất khẩu như tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với doanh nghiệp mua hàng, các nhà phân phối quốc tế và nhà nhập khẩu nước ngoài trực tiếp và trực tuyến.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các đàm phán, các Hiệp định Thương mại khác còn tiềm năng nhằm đẩy mạnh tối đa hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Công thức tính cán cân xuất nhập khẩu

Cán cân xuất nhập khẩu = Giá trị Xuất khẩu – Giá trị Nhập khẩu

Trong đó:

  • Giá trị hàng hóa xuất khẩu là giá trị của hàng hóa đã được xuất bán ra thị trường quốc tế. 
  • Giá trị hàng hóa nhập khẩu là giá trị của hàng hóa được nhập từ quốc tế về để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán của người dùng, doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ: Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD. Suy ra, cán cân thương mại của Việt Nam năm 2020 bằng: 281,5 – 262,4 = 19,1 tỷ USD.

Như vậy, cán cân thương mại đang có thặng dư với xuất siêu là 19,1 tỷ USD.

Ý nghĩa của cán cân xuất nhập khẩu

Cán cân xuất nhập khẩu là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng. Nó không chỉ là một con số thống kê đơn thuần mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với nền kinh tế của một quốc gia.

Vai trò trong kinh tế vĩ mô

cán cân xuất nhập khẩu là
Ý nghĩa của cán cân xuất nhập khẩu

Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái thể hiện cho sự chênh lệch của đồng nội tệ và ngoại tệ với các quốc gia. 

  • Xuất siêu: Tăng cầu về đồng nội tệ, làm tăng giá trị của đồng nội tệ so với ngoại tệ.
  • Nhập siêu: Tăng cung về đồng nội tệ, làm giảm giá trị của đồng nội tệ so với ngoại tệ.

Khi giao dịch quốc tế, các công ty thường ấn định mức giá xuất nhập khẩu trên hợp đồng theo một tỷ giá nhất định, để quy về doanh thu theo giá tiền quốc gia đó.

Ví dụ: Công ty A xuất khẩu 1 lô hàng trị giá 100.000 USD, tỷ giá 24.000đ.

Vậy thì khi tỷ giá tăng lên 25.000 tại thời điểm nhận ngoại tệ về, sẽ có thêm lãi tài chính là (25.000-24.000)*100.000 USD.

Ảnh hưởng của cán cân xuất nhập khẩu đến dự trữ ngoại hối:

  • Xuất siêu: Tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia, giúp tăng cường khả năng thanh toán quốc tế.
  • Nhập siêu: Giảm dự trữ ngoại hối, có thể gây áp lực lên cán cân thanh toán

Ý nghĩa với doanh nghiệp: Ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

  • Xuất siêu: Khi một quốc gia xuất siêu, điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài tăng cao, mở ra nhiều thị trường mới và tiềm năng xuất khẩu. Từ đó, cũng gia tăng cơ hội việc làm cho người dân trong nước, nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
  • Nhập siêu: Ngược lại, nhập siêu có thể là cả cơ hội và thách thức. Các doanh nghiệp trong nước có thể tìm thấy nhiều nguyên liệu, linh kiện với giá cả cạnh tranh hơn từ nước ngoài để sản xuất. Tuy nhiên, nếu không nâng cao chất lượng và cạnh tranh, các doanh nghiệp nội địa có thể bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu.

Ý nghĩa với nhà đầu tư: Cách nhà đầu tư có thể phân tích cán cân xuất nhập khẩu để đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

Dựa vào kết quả đạt được về xuất siêu của Việt Nam, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng đây là một trong những động lực hỗ trợ nền kinh tế và thị trường  chứng khoán phát triển mạnh mẽ.

  • Doanh nghiệp xuất khẩu: Khi Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu), doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của các công ty này và kéo theo chỉ số thị trường tăng trưởng. Ngược lại, khi nhập siêu, doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn, lợi nhuận giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
  • Doanh nghiệp sản xuất: Cán cân thương mại ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Khi nhập siêu, giá nguyên vật liệu có thể tăng, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất. Điều này cũng tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Lợi ích của cán cân xuất nhập khẩu cân bằng

Ổn định kinh tế:

  • Giảm biến động tỷ giá: Khi cán cân thương mại cân bằng, áp lực lên tỷ giá hối đoái sẽ giảm, giúp ổn định thị trường ngoại hối.
  • Hạn chế rủi ro lạm phát: Cán cân thương mại cân bằng giúp kiểm soát lạm phát do nhập khẩu, đảm bảo giá cả hàng hóa ổn định.
  • Tăng cường niềm tin của nhà đầu tư: Một nền kinh tế có cán cân thương mại cân bằng thường được đánh giá là ổn định và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

>> Xem thêm: Lạm phát là gì? 4 Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát

Tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế:

  • Kích thích sản xuất trong nước: Để đạt được sự cân bằng của cán cân xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
  • Đa dạng hóa sản phẩm: Doanh nghiệp sẽ có động lực để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm sự phụ thuộc vào một số mặt hàng xuất khẩu chính.

Bảo vệ an ninh kinh tế:

  • Giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu: Cán cân thương mại cân bằng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, tăng cường an ninh kinh tế quốc gia.
  • Tăng cường dự trữ ngoại hối: Xuất khẩu nhiều hơn giúp tăng thu nhập ngoại tệ và dự trữ ngoại hối của quốc gia, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế.

Phát triển bền vững:

  • Bảo vệ môi trường: Để đạt được cán cân thương mại cân bằng, các quốc gia thường chú trọng đến việc phát triển các ngành công nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.
  • Đảm bảo công bằng xã hội: Cán cân thương mại cân bằng góp phần tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân và giảm chênh lệch giàu nghèo.

Tăng cường quan hệ quốc tế, mở rộng thị trường: Cán cân thương mại cân bằng tạo điều kiện để các quốc gia mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế và ngoại giao.

Cán cân xuất nhập khẩu và các yếu tố ảnh hưởng

Chính sách thương mại

Các chính sách của Nhà nước cũng tác động mạnh mẽ đến cán cân xuất nhập khẩu của một quốc gia, trong đó chính sách về thuế ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại. Thuế xuất nhập khẩu là hai loại thuế gián thu, đánh vào những loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam.

Thông thường, thuế xuất khẩu thường đánh vào những mặt hàng Nhà nước muốn hạn chế xuất khẩu. Ngược lại, thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa nước ngoài, hàng hóa quốc tế trong quá trình nhập khẩu. Từ việc áp đặt các loại mức thuế, Nhà nước thực hiện vai trò kiểm soát cán cân xuất nhập khẩu. Căn cứ vào tình hình thực tế đang ở trạng thái xuất siêu hay nhập siêu mà Nhà nước ban hành những chính sách về thuế quan và thương mại nhằm ổn định tình hình kinh tế.

Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái luôn có mối quan hệ mật thiết đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, không thể không nhắc đến cán cân xuất nhập khẩu. Sự thay đổi của cán cân xuất nhập khẩu do biến động tỷ giá là một vấn đề quan trọng của chính sách kinh tế vĩ mô.

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có đồng tiền riêng, việc thanh toán hàng hóa giữa các quốc gia dẫn đến trao đổi về các đồng tiền khác nhau. Cũng từ đây, khái niệm về tỷ giá hối đoái xuất hiện và tạo ra nhiều tác động đối với thị trường. Tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, đến biến động dòng vốn nước ngoài và ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế thị trường. Với các nước sử dụng chính sách thả nổi có kiểm soát, tỷ giá hối đoái trở thành một công cụ hữu hiệu của Ngân hàng Trung ương trong hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt là thương mại quốc tế.

>> Xem thêm: Tác động của tỷ giá hối đoái đến nền kinh tế

Rủi ro khi cán cân xuất nhập khẩu mất cân đối

Dù là xuất siêu quá mức hay nhập siêu quá nhiều, đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với nền kinh tế.

Rủi ro đối với nền kinh tế vĩ mô

  • Biến động tỷ giá:
    • Xuất siêu quá mức: Đồng nội tệ có xu hướng tăng giá, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế.
    • Nhập siêu quá mức: Đồng nội tệ có xu hướng giảm giá, làm tăng chi phí nhập khẩu, gây áp lực lạm phát và làm giảm sức mua của người dân.
  • Lạm phát:
    • Nhập siêu: Khi nhập khẩu quá nhiều, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng dẫn đến mất cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, có thể đẩy giá cả trong nước lên cao, gây ra lạm phát.
  • Suy giảm dự trữ ngoại hối:
    • Nhập siêu: Nếu nhập siêu kéo dài, dự trữ ngoại hối của quốc gia có thể giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán quốc tế và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
  • Phụ thuộc vào nền kinh tế khác:
    • Xuất khẩu quá tập trung vào một số thị trường: Nếu thị trường xuất khẩu chính gặp khó khăn, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Rủi ro đối với doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp xuất khẩu:
    • Xuất siêu quá mức: Đồng nội tệ tăng giá, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
    • Nhập siêu quá mức: Cạnh tranh từ hàng nhập khẩu gia tăng, doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
  • Doanh nghiệp nhập khẩu:
    • Nhập siêu quá mức: Đồng nội tệ giảm giá, làm tăng chi phí nhập khẩu, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp sản xuất:
    • Biến động tỷ giá: Ảnh hưởng đến chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

Rủi ro đối với người dân

Lạm phát: Cán cân xuất nhập khẩu mất cân bằng làm cho giá cả hàng hóa tăng cao, làm giảm mức sống của người dân.

Tỷ lệ thất nghiệp: Suy giảm kinh tế do mất cân đối thương mại có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao.

Bất ổn xã hội: Các vấn đề kinh tế như lạm phát, thất nghiệp có thể gây ra bất ổn xã hội.

Kết luận

Tóm lại, cán cân thương mại mất cân đối là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi các Chính phủ phải có những giải pháp toàn diện và lâu dài để khắc phục. Việc duy trì một cán cân thương mại hợp lý là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Stock Insight mong rằng với bài viết ngắn gọn này có thể giúp bạn đọc có được thông tin nhất định về cán cân xuất nhập khẩu.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về kinh tế thị trường cũng như đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Hoàng Thị Ngọc
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Các hệ số tài chính quan trọng cần nắm rõ khi phân tích doanh nghiệp

Các hệ số tài chính quan trọng cần nắm rõ khi phân tích doanh nghiệp

Chúng ta thường nghe nói trong đầu tư nên chọn doanh nghiệp tốt, vậy như thế nào là một doanh nghiệp tốt? Việc đánh giá một doanh nghiệp sẽ dựa...

Chỉ số DXY

Bản chất chỉ số DXY (US Dollar Index) và tác động của DXY đến thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng phức tạp, việc hiểu rõ các chỉ số đo lường sức mạnh tiền tệ trở nên vô cùng quan...

biên lợi nhuận là gì

Chi phí biên (MC) là gì? Khác gì với lợi ích cận biên

Chi phí biên là một khái niệm rất quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Chi phí biên Marginal Cost là gì, cũng như cách tính chi phí biên sẽ...