Chinh phục thị trường: Quản trị rủi ro không quá 10% (Phần 4)

Ngày đăng: 17/10/2024 lượt xem

Quản trị rủi ro 10% không đơn thuần chỉ là cắt lỗ, phương pháp này như một khoản bảo hiểm vốn đầu tư của bạn, đồng thời từ mức lỗ trung bình còn giúp bạn điều chỉnh chiến lược giao dịch phù hợp. Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu thêm về phương pháp quản trị rủi ro 10% nhé.

Thế nào là Quản trị rủi ro không quá 10%?

Rủi ro là những sự việc/sự kiện có thể nhận diện hoặc chưa được nhận diện mà khi xảy ra có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới tổ chức, doanh nghiệp.

Quản trị rủi ro trong đầu tư là việc xác định, đánh giá, đo lường lợi nhuận tiềm năng trên mỗi vị thế tương ứng với rủi ro tiềm tàng đi kèm. Đây là một quá trình liên tục, vì rủi ro sẽ luôn thay đổi theo thời gian.

Có nhiều nguyên tắc trong quản trị rủi ro, và Quản trị rủi ro không quá 10% là một nguyên tắc đầu tư phổ biến, trong đó nhà đầu tư hạn chế rủi ro của mỗi giao dịch hoặc khoản đầu tư vào một mức không vượt quá 10% tổng giá trị danh mục đầu tư.

Thực ra, con số 10% này chỉ là đại diện cho nguyên tắc quản trị rủi ro khi khoản lỗ nhỏ và tránh trở thành khoản lỗ lớn không kiểm soát được, còn mức 5%, 8%, 10% hay 15% là tùy vào từng phương pháp, khả năng chịu đựng của từng nhà đầu tư. 

Quản trị rủi ro không quá 10%
Hình 1: Quản trị rủi ro không quá 10% là một nguyên tắc đầu tư phổ biến

Ý nghĩa của nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10%

Hầu hết mọi người khi bước chân vào thị trường chứng khoán đều muốn khoản đầu tư của mình sinh lời, và càng nhanh càng tốt. Và chẳng bao giờ nghĩ tới thua lỗ, nhất là trong những giai đoạn uptrend. Đằng sau nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10% là ý nghĩa giúp nhà đầu tư có thể tồn tại lâu dài và tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường.

Bảo vệ vốn đầu tư

Bạn vừa bán cổ phiếu cắt lỗ thì tăng giá, điều này gây nên cảm giác khó chịu khi bản thân đã phạm phải sai lầm. Nhưng bạn hãy suy nghĩ theo hướng này: Bạn mua bảo hiểm cho chiếc ô tô vào năm ngoái, trong năm qua bạn không gặp phải tai nạn đáng tiếc nào. Hay bạn mua bảo hiểm sức khỏe, nhưng trong năm qua bạn không cần phải tới bệnh viện chữa trị bệnh gì. Vậy tiền mua bảo hiểm ô tô và sức khỏe có bị phí phạm? Bạn thấy khó chịu khi bị mất tiền?

Khoản cắt lỗ 10% khi bạn bán đi và cổ phiếu tăng cũng vậy, bạn hãy xem đó như 1 khoản phí bảo hiểm đầu tư cho danh mục của mình, giúp bảo vệ được số vốn còn lại và tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác trên thị trường.

Vì nếu bạn không cắt lỗ, có thể khoản đầu tư sẽ tăng lên thành lỗ 20% thậm chí 50% và khi đó bạn cần lời trở lại 25% hoặc 100% thì mới có thể hòa vốn trở lại ban đầu.

Giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường

Tất cả cổ phiếu đều có tính đầu cơ và rủi ro tiềm ẩn bất chấp tên tuổi, và lịch sử là những cổ phiếu càng cơ bản tốt, chất lượng thành tích tốt trước đây thậm chí, những cổ phiếu này càng khiến bạn thua lỗ nặng hơn khi thị trường biến động vì:

Vì là cổ phiếu cơ bản tốt, nên bạn sẽ chần chừ không bán ngay và kỳ vọng sẽ sớm tăng trở lại, nhưng cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm và gây nên khoản lỗ lớn.

Cổ phiếu cơ bản tốt nên đa số các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ cho tỷ lệ margin cao, và nhà đầu tư không kinh nghiệm sẽ bất lực trước hiệu ứng giảm mạnh khiến call margin và dễ dàng gây nên khoản lỗ lớn.

Quản trị rủi ro là gì - Thị Trường Biến Động Từ 11/2021 tới 11/2022
Hình 2: Thị Trường Biến Động Từ 11/2021 tới 11/2022 Cổ Phiếu Cơ Bản Như HPG Giảm 73%

Khuyến khích đa dạng hóa danh mục đầu tư

Lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục các bạn có thể theo dõi thêm ở bài : VÌ SAO QUẢN TRỊ RỦI RO LÀ YẾU TỐ SỐNG CÒN TRONG GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN? (PHẦN 1)

Nếu quy mô vốn của một cổ phiếu thế là 100%, thì khi cổ phiếu lỗ 10% tức sẽ ảnh hưởng tới 10% toàn danh mục, nhưng khi quy mô một cổ phiếu là 20% và cổ phiếu lỗ 10% thì chỉ ảnh hưởng tới 2% toàn danh mục.

Như vậy, với vị thế 20% tức bạn đã chủ động “đa dạng hóa danh mục” bằng cách mua 5 cổ phiếu, đó là lý do nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10% đã khuyến khích nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Cách áp dụng nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10% trong đầu tư

Để áp dụng nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10%, thì nhà đầu tư cần phải xác định được:

  • Mức thua lỗ trung bình
  • Quy mô vị thế lệnh

Và từ đó để tính toán tỷ lệ vị thế trên tổng vốn để duy trì mức lỗ có thể chấp nhận.

Mức thua lỗ trung bình:

Đây là mức tổn thất trung bình mỗi vị thế giao dịch của nhà đầu tư, được tính bằng cách lấy tổng lỗ chia cho số lượng các giao dịch thua lỗ.

Ví dụ: Nếu nhà đầu tư có 6 lệnh thua lỗ, và tổng lỗ là 12 triệu thì mức thua lỗ trung bình là 2 triệu đồng/ giao dịch.

Quy mô vị thế lệnh:

Quy mô vị thế lệnh là giá trị hoặc số lượng cổ phiếu nhà đầu tư mua hoặc bán trong một giao dịch. Quy mô càng lớn thì tiềm ẩn mức thua lỗ trung bình càng cao.

Ví dụ: Nếu nhà đầu tư mua 2,000 cổ phiếu HPG giá 25,000 đ/cp trị giá 50 triệu đồng. Nếu giá HPG giảm 5% tức là mức lỗ 2.5 triệu đồng.

Nếu nhà đầu tư tăng vị thế lên 4,000 cổ phiếu HPG, thì với cùng mức lỗ 5% nhưng mức lỗ tăng lên thành 5 triệu đồng.

Kiểm soát quy mô vị thế để kiểm soát mức lỗ trung bình:

Để kiểm soát mức lỗ trung bình, nhà đầu tư cần kiểm soát quy mô vị thế để mức lỗ không vượt qua một tỷ lệ nhất định tính trên tổng vốn đầu tư. Nguyên tắc phổ biến là mức lỗ mỗi vị thế không nên vượt quá 1% – 3% tổng vốn.

Ví dụ: Nếu một nhà đầu tư có tổng vốn 100 triệu, và mức lỗ tối đa là 2% cho mỗi giao dịch, thì mức lỗ là 2 triệu đồng. Mức cắt lỗ là 5% thì quy mô vị thế là 2tr chia cho 5% là 40 triệu, mức 40 triệu sẽ đảm bảo tổng mức lỗ không vượt quá 2 triệu đồng.

Từ mức lỗ trung bình, điều chỉnh quy mô vị thế phù hợp:

Để có được mức lỗ trung bình, thì việc ghi chép lại nhật ký giao dịch là một việc làm cần thiết. Khi có được mức lỗ trung bình, nhà đầu tư sẽ biết được mức lỗ của mình đang có lớn hơn so với mức phổ biến là từ 1%-3% hay không để điều chỉnh lại quy mô vị thế mỗi giao dịch.

Ví dụ: Giả sử nhà đầu tư có tổng vốn là 100 triệu mức lỗ trung bình của nhà đầu tư là 4 triệu, và nhà đầu tư  muốn hạ mức lỗ về 2 triệu, thì nhà đầu tư có thể chủ động tính toán quy mô vị thế mỗi giao dịch.

Ví dụ thực tế từ nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10%

áp dụng nguyên tắc quản trị rủi ro tài chính 10%
Hình 3: ví dụ thực tế áp dụng nguyên tắc quản trị rủi ro 10%

Ví dụ, bạn có vốn đầu tư là 500 triệu đồng, và bạn chỉ muốn chịu mức rủi ro 2% cho mỗi giao dịch tức là 10 triệu đồng.

Vào 15/3/2022, bạn có kế hoạch mua cổ phiếu SSI quanh giá 37-37.5 khi SSI quay về test ngưỡng hỗ trợ là MA200 (37.11). Và mức dừng lỗ là 35.5 (-5.3%) khi SSI giảm dưới MA200 và đồng thời tạo mức thấp mới.

Vậy quy mô vị thế mua SSI là: 

Giá sử giá mua SSI là 37.5 và giá cutloss là 35.5, vậy mức lỗ là: 35.5 – 37.5 = 2

Quy mô vị thế = (số tiền rủi ro)/(mức lỗ cổ phiếu) = 10 triệu/2000 = 5,000 cổ phiếu

Tổng giá trị vị thế  = 5,000 x 37.5 = 187.5 triệu đồng.

Trong trường hợp giá SSI giảm, và vi phạm mức cắt lỗ 35.5 thì số tiền mất là 2,000 đ x 5,000 cp = 10 triệu đồng (2% tổng giá trị danh mục).

Bài học và hạn chế của quản trị rủi ro không quá 10%

Nguyên tắc này không phù  hợp với nhà đầu tư có quy mô lớn và phân bổ nhiều loại tài sản khác nhau. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư giúp rủi ro tổng thể của danh mục giảm nên việc giới hạn 10% là không cần thiết.

Mức 10% đôi khi bị hiểu nhầm cứng nhắc là cổ phiếu cứ giảm 10% là cắt lỗ, do đó, nhà đầu tư phải tuân thủ quy tắc và tìm kiếm cho mình 1 ngưỡng rủi ro phù hợp để giới hạn mức thua lỗ trung bình.

Nguyên tắc này có thể tạo ra nhiều giao dịch không cần thiết, từ đó làm gia tăng chi phí giao dịch làm giảm lợi nhuận tổng thể.

Nguyên tắc này có thể  không hiệu quả trong bối cảnh thị trường hoặc cổ phiếu biến động mạnh trong các sự kiện giao dịch (event trading) từng xảy ra như: Brexit; ông D. Trump đắc cử tổng thống M,… khiến thị trường giảm mạnh nhưng hồi phục ngay sau đó.

Kết Luận

Nguyên tắc quản trị rủi ro không quá 10% là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư kiểm soát tâm lý và giảm thiểu tổn thất trong giao dịch. Stock Insight hy vọng nhà đầu tư sẽ điều chỉnh quy tắc này để phù hợp với chiến lược và mục tiêu đầu tư của mình để tối ưu hiệu quả đầu tư

Các nhà đầu tư cùng tham gia vào HSCEdu – Nền tảng đào tạo chứng khoán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Tham gia các lớp học cùng chuyên gia giúp tối đa hóa lợi nhuận.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 1: Vì sao quản trị rủi ro là yếu tố sống còn trong giao dịch chứng khoán? 
Phần 2: Khai thác sức mạnh của kỳ quan thứ 8: Lãi suất kép
Phần 3: Tư duy như ông chủ Casino: Bài học về quản trị rủi ro và quản lý cảm xúc
Phần 5: Nghệ thuật quản trị rủi ro: Chiếc la bàn của trader tài ba 

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

cổ phiếu vật liệu xây dựng

Tiềm năng cổ phiếu vật liệu xây dựng năm 2023

Khi đầu tư công đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì ngành vật liệu xây dựng được hi vọng có tiềm năng bứt phá trong năm...

DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA

DCA là gì trong đầu tư chứng khoán? 8 cách áp dụng DCA cho hiệu quả đầu tư

  DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA DCA là gì? DCA (Dollar-Cost Averaging) là một chiến lược đầu tư mà nhà đầu tư sẽ chia nhỏ nguồn vốn...

giá chứng khoán

Cách theo dõi giá chứng khoán cho nhà đầu tư

Giá chứng khoán: Mệnh giá chứng khoán và Thị giá chứng khoán là gì? Theo dõi giá chứng khoán là một kỹ năng quan trọng mà mọi nhà đầu tư...