Tài chính doanh nghiệp là gì? Các chỉ số tài chính nhà đầu tư cần biết

Ngày đăng: 09/08/2024 lượt xem

Giả sử bạn đang làm chủ một doanh nghiệp, đầu tư rất nhiều tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bạn mong muốn tạo ra nhiều lợi nhuận để doanh nghiệp phát triển, vì thế bạn cần nghiên cứu các chỉ số tài chính doanh nghiệp để cho thấy doanh nghiệp của bạn có hoạt động hiệu quả hay không? Sau bài viết tìm hiểu về tài chính doanh nghiệp này hi vọng sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời cho doanh nghiệp của bạn có đang hoạt động hiệu quả không?

Tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp là gì?

Tài chính doanh nghiệp là gì?

Định nghĩa tài chính doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp được hiểu là tổng thể các hoạt động từ huy động, lên kế hoạch, quản lý, giám sát các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tài chính doanh nghiệp bao gồm nhiều nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi nhà quản trị phải có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị để phân tích số liệu, dự báo những biến động trong tương lai để có những chiến lược hợp lý.

Vai trò của tài chính doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh

Tài chính doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, thông qua hoạt động huy động vốn doanh nghiệp có đủ nguồn lực để duy trì và phát triển kinh doanh, phát triển các sản phẩm tốt hơn. Có thể nói nguồn vốn là nguồn lực quan trọng trong việc cạnh tranh với các đối thủ trong cùng ngành.

Kiểm soát chi phí: việc phân tích các số liệu về chi phí sẽ đưa ra những kết luận cho thấy doanh nghiệp có đang quản lý tốt chi phí trong hoạt động kinh doanh hay không từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh: thông qua việc lập kế hoạch và giám sát tài chính doanh nghiệp sẽ giúp quá trình đầu tư vào các dự án kinh doanh hiệu quả, đạt hiệu suất cao.

Kiểm soát rủi ro: rủi ro là những yếu tố có thể không được kiểm soát một cách chắc chắn, luôn tiềm ẩn trong quá trình kinh doanh, vì vậy phân tích các chỉ số tài chính doanh nghiệp sẽ giúp phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, tránh đầu tư vào các dự án có rủi ro cao.

Lý do nhà đầu tư cần quan tâm đến tài chính doanh nghiệp

Nâng cao hiệu quả đầu tư: phân tích tài chính doanh nghiệp giúp nhà đầu tư chọn ra được những khoản đầu tư tốt, từ đó nâng cao hiệu suất đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Kiểm soát rủi ro đầu tư: trên thị trường chứng khoán có rất nhiều doanh nghiệp có cơ cấu tài chính không lành mạnh, rủi ro mất tiền khi đầu tư vào các doanh nghiệp này là rất lớn. Nhà đầu tư cần nghiên cứu thật kỹ tài chính doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.

Các chỉ số tài chính doanh nghiệp quan trọng

Chỉ số lợi nhuận (Profitability Ratios)

Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin)

Biên lợi nhuận ròng (Net profit margin) là thước đo hiệu quả kinh doanh của tài chính doanh nghiệp thông qua tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế trên mỗi đồng doanh thu, hay nói cách khác với mỗi đồng doanh thu công ty thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Biên lợi nhuận ròng càng cao doanh nghiệp kinh doanh càng hiệu quả và ngược lại. Biên lợi nhuận ròng giúp các nhà quản trị doanh nghiệp đánh giá hiệu quả trong kinh doanh.

Công thức tính: 

Biên lợi nhuận ròng = (Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần) x 100%

Biên lợi nhuận gộp (Gross Margin)

Là chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc cho thấy một đồng doanh thu có được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp càng cao càng tốt.

Biên lợi nhuận gộp cho biết tỷ suất sinh lời từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, từ đó có thể so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành để đưa ra các chiến lược hiệu quả hơn.

Công thức tính

Biên lợi nhuận gộp = (Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần) x 100%

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity – ROE)

Là thước đo khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của doanh nghiệp. ROE càng cao cho thấy tài chính doanh nghiệp càng hiệu quả.

Công thức tính:

ROE = (Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu) x 100%

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (Return on Assets – ROA)

Là thước đo khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp. ROA càng cao doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp càng hiệu quả.

Công thức tính:

ROA = (Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản) x 100%

Chỉ số thanh khoản (Liquidity Ratios)

Tỷ lệ thanh khoản hiện hành (Current Ratio)

Định nghĩa: là tỷ số cho biết tài sản mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành tiền mặt để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn (dưới 1 năm).

Công thức: 

Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Ý nghĩa và ứng dụng trong phân tích: tỷ số này lớn hơn 1 chứng tỏ tài chính doanh nghiệp có đủ nguồn lực để thanh toán các khoản nợ trong ngắn hạn, ngược lại nếu nhỏ hơn 1 thì doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán.

Tỷ lệ thanh khoản nhanh (Quick Ratio)

Định nghĩa: là tỷ số cho biết khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn từ các nguồn tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao. 

Công thức:

Tỷ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Ý nghĩa và ứng dụng trong phân tích: hệ số thanh toán nhanh cho biết lượng tiền và các nguồn lực tài chính sẵn có để thanh toán được bao nhiêu trong khoản nợ đến hạn trong thời gian ngắn hạn, từ đó doanh nghiệp có kế hoạch thu xếp các nguồn lực khác để thanh toán.

Chỉ số đòn bẩy tài chính (Leverage Ratios)

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio)

Là tỷ số cho biết lượng tiền mà doanh nghiệp đã vay so với tiền mà doanh nghiệp đã huy động được (VCSH)

Cách tính:

D/E = Tổng nợ / Vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản (Debt to Total Assets Ratio)

Là tỷ số cho biết nợ đang chiếm bao nhiêu trong tổng tài sản hiện có của doanh nghiệp.

Công thức tính:

Tỷ số nợ trên tổng tài sản = Tổng nợ / Tổng tài sản

Chỉ số hiệu suất hoạt động (Efficiency Ratios)

Vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover)

Là chỉ số dùng để biểu thị số lần tồn đọng của hàng tồn kho trong năm, hay nói cách khác là trong một năm hàng tồn kho được xuất đi bao nhiêu lần. Chỉ số này càng cao doanh nghiệp bán hàng càng hiệu quả.

Công thức tính:

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán / Hàng tồn kho bình quân

Vòng quay tài sản cố định (Fixed Asset Turnover – FAT)

Là chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động dựa trên việc so sánh doanh thu thuần với tài sản cố định mà doanh nghiệp đầu tư hay nói cách khác FAT dùng để đo lượng hiệu suất tạo ra doanh thu từ tài sản cố định (nhà xưởng,máy móc, thiết bị,…). FAT đo lường, đánh giá hiệu suất từ đo cho thấy doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả vài tài sản cố định hay không.

Công thức tính:

FAT = Doanh thu thuần / Tài sản cố định bình quân

Vòng quay tổng tài sản (Total Asset Turnover – TAT)

Là chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động dựa trên việc so sánh doanh thu thuần với tổng tài sản của doanh nghiệp hay nói cách khác TAT đo lường hiệu quả tạo ra doanh thu từ tổng các nguồn lực mà doanh nghiệp đang có. Chỉ số này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động càng hiệu quả.

Công thức tính:

Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản bình quân trong kỳ

Chỉ số giá trị thị trường (Market Value Ratios)

Tỷ lệ giá trên thu nhập (Price to Earnings Ratio – P/E)

Là chỉ số tài chính được dùng để đánh giá thị giá cổ phiếu so với lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS), từ đó nhà đầu tư có thể đánh giá được giá cổ phiếu đắt hay rẻ.

Công thức tính:

P/E = P(Thị giá cổ phiếu) / E(Thu nhập trên mỗi cổ phần – EPS)

Để đánh giá cổ phiếu đắt hay rẻ dựa vào P/E phải so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành vì có thể P/E ở ngành này là cao nhưng đối với ngành khác nó có thể là bình thường và với ngành khác nó có thể được đánh giá là thấp.

Tỷ lệ giá trên doanh thu (Price to Sales Ratio – P/S)

P/S là tỷ số dùng để so sánh thị giá của cổ phiếu so với doanh thu mà doanh nghiệp tạo ra. Tỷ lệ này cho biết với mỗi đồng doanh thu được tạo ra nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu đồng cho một cổ phiếu.

Công thức tính:

P/S = Thị giá cổ phiếu / Doanh thu thuần trên mỗi cổ phần 
P/S = Vốn hóa thị trường của cổ phiếu / Doanh thu thuần

P/S được một số nhà đầu tư dùng để định giá cổ phiếu tương tự như chỉ số P/E.

Tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (Price to Book Ratio – P/B)

Là chỉ số tài chính được dùng để đánh giá thị giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách của mỗi cổ phần (BVPS), tương tự như P/E, P/B cũng được dùng để đánh giá cổ phiếu đắt hay rẻ.

Công thức tính:

P/B = P(Thị giá cổ phiếu) / B(giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần)

Cách sử dụng các chỉ số tài chính để đánh giá doanh nghiệp

Trong phần này sẽ trình bày cơ bản về việc vận dụng các chỉ số trên để đánh giá tài chính doanh nghiệp, lấy ví dụ là Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) trong giai đoạn 2019 – 2023:

Nhóm chỉ số sinh lợi: đây là nhóm chỉ số thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, nhóm chỉ số này càng cao càng tốt.

Tài chính doanh nghiệp - Nhóm chỉ số sinh lợi của FPT
Nhóm chỉ số sinh lợi của FPT. Nguồn: Vietstock

Từ dữ liệu trên có thể thấy khả năng sinh lời của FPT là rất tốt, tỷ suất lợi nhuận gộp gần 40%, tỷ suất lợi nhuận ròng luôn đạt mốc gần 15% (Những tỷ suất rất tốt cho các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay). Bên cạnh đó ROE và ROA luôn nằm ở mức hấp dẫn và có xu hướng tăng liên tục.

Nhóm chỉ số thanh khoản: thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn từ các nguồn lực có tính thanh khoản cao, chỉ số này càng cao càng tốt. Các chỉ số thanh toán lớn hơn 1 là tối ưu.

Tài chính doanh nghiệp - Nhóm chỉ số thanh khoản của FPT
Nhóm chỉ số thanh khoản của FPT. Nguồn: Vietstock

Từ dữ liệu trên cho thấy chỉ số thanh khoản của FPT luôn ở mức tốt, tỷ số thanh toán nhanh và hiện hành luôn lớn hơn 1, trong khi đó khả năng thanh toán lãi vay luôn ở trên mức 12 lần, điều này cho thấy FPT có cơ cấu tài chính tốt.

Nhóm chỉ số hoạt động: đối với nhóm chỉ số này, chúng ta lưu ý đến vòng quay hàng tồn kho, đây là chỉ số cho thấy khả năng bán hàng của doanh nghiệp, chỉ số này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp bán hàng tốt. Có thể nhận thấy rằng vòng quay hàng tồn kho của FPT trong giai đoạn 2019 – 2023 là rất cao, năm 2023 là 18 lần (thông thường 4 là tốt). 

Ngoài ra vòng quay tài sản cố định cho thấy doanh nghiệp đang đầu tư và tài sản cố định một cách hiệu quả.

Tài chính doanh nghiệp - Nhóm chỉ số hoạt động của FPT
Nhóm chỉ số hoạt động của FPT. Nguồn: Vietstock

Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính: là nhóm chỉ số cho biết cơ cấu nợ của doanh nghiệp so với các nguồn lực của doanh nghiệp hiện có. Nợ là một yếu tố mang đến rủi ro cho tài chính doanh nghiệp, vì vậy một doanh nghiệp có nợ càng thấp rủi ro ít. Tuy nhiên một doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao và sử dụng hiệu quả cũng sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận một cách mạnh mẽ.

Tài chính doanh nghiệp - Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính của FPT
Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính của FPT. Nguồn: Vietstock

Từ dữ liệu của FPT ta thấy doanh nghiệp này đang sử dụng đòn bẩy ở mức vừa phải so với nguồn lực của mình và luôn trong trạng thái an toàn.

Nhóm chỉ số giá thị trường: riêng về nhóm chỉ số của ngành này thì cần phải so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành để đánh giá doanh nghiệp được định giá đắt hay rẻ. Mỗi ngành nghề có một đặc thù khác nhau.

Tài chính doanh nghiệp - Nhóm chỉ số định giá của FPT.
Nhóm chỉ số định giá của FPT. Nguồn: Vietstock

Kết luận

Tài chính doanh nghiệp là thành phần không thể thiếu của mọi doanh nghiệp, việc quan tâm, chú trọng tình hình tài chính sẽ góp phần không nhỏ trong việc sử dụng, luân chuyển nguồn vốn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về tài chính doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả hơn.

Quý đọc giả có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HSCEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin về tài chính doanh nghiệp cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Quốc Dil
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Các hệ số tài chính quan trọng cần nắm rõ khi phân tích doanh nghiệp

Các hệ số tài chính quan trọng cần nắm rõ khi phân tích doanh nghiệp

Chúng ta thường nghe nói trong đầu tư nên chọn doanh nghiệp tốt, vậy như thế nào là một doanh nghiệp tốt? Việc đánh giá một doanh nghiệp sẽ dựa...

Cổ phiếu Free Float

Tỷ lệ Free Float là gì? Cách tính tỷ lệ Free Float

Để quyết định mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì nhà đầu tư cần quan tâm rất nhiều yếu tố: Thứ 1 là yếu tố...

dilution, pha loãng cổ phiếu

Dilution là gì? Hệ quả của sự suy giảm cổ phiếu đối với doanh nghiệp

Khi phân tích các chỉ số tài chính để đưa ra quyết định dài hạn về việc đầu tư vào doanh nghiệp hay một mã cổ phiếu, bên cạnh những...