Chọn cổ phiếu: Nhà đầu tư cần quan tâm đến các chỉ số tài chính nào?

Ngày đăng: 06/08/2024 lượt xem

Chỉ số tài chính là công cụ hiệu quả để nhà đầu tư nắm bắt tình hình tài chính tổng quan của một công ty, phân tích sức khỏe doanh nghiệp, tình hình tăng trưởng và so sánh các công ty trong ngành để tìm ra cơ hội đầu tư tốt. Trong bài viết này, Stock Insight sẽ giới thiệu hướng dẫn nhà đầu tư các chỉ số tài chính, cách hiểu và đọc chỉ số tài chính.

Chỉ số tài chính là gì?

Chỉ số tài chính (Financial ratio) là các chỉ số được tính toán từ số liệu trên Báo cáo tài chính – Bao gồm bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Chỉ số tài chính giúp quá trình phân tích báo cáo tài chính trở nên đơn giản và có hệ thống, loại bỏ yếu tố quy mô để phân tích một công ty theo chuỗi thời gian (time series analysis) và phân tích các công ty khác nhau thông qua so sánh chỉ số (cross sectional analysis). 

Các chỉ số tài chính được chia thành 5 nhóm chính và sẽ được thảo luận trong phần dưới của bài viết này.

5 nhóm chỉ số tài chính quan trọng

Chỉ số thanh khoản (Liquidity ratios)

Chỉ số thanh khoản là các chỉ số tài chính đo lường khả năng chi trả các nghĩa vụ nợ của một công ty trong ngắn hạn và dài hạn. Các loại chỉ số thanh khoản:

Chỉ số thanh toán nhanh (Quick ratio) = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán hiện thời (Current ratio) = (Tài sản ngắn hạn – hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán tiền mặt (Cash ratio) = (Tiền và các khoản tương đương tiền + Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn)/ Nợ ngắn hạn

Nếu một công ty có chỉ các số thanh khoản cao, đó được coi là công ty có sức khỏe tốt. Các chỉ số thanh khoản này, theo thứ tự từ trên xuống dưới, đo lường khả năng chi trả nghĩa vụ nợ ngắn hạn theo thời gian từ 1 năm tới dưới 1 tháng.

Trong tình huống thông thường, chỉ số thanh toán nhanh và chỉ số thanh toán hiện thời là hai chỉ số được sử dụng phổ biến.

Trong tình huống đặc biệt khó khăn về thanh khoản, chẳng hạn một đợt khủng hoảng tài chính, cạn kiệt thanh khoản trong hệ thống hoặc doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng chi trả, nhà đầu tư cần phân tích chỉ số thanh toán tức thời.

Chỉ số thanh toán (Solvency Ratios)

Chỉ số thanh toán là các chỉ số tài chính xoay quanh nợ vay, đo lường khả năng chi trả các nghĩa vụ nợ dài hạn và sức khỏe của một doanh nghiệp bằng cách so sánh quy mô nợ vay và lãi vay so với các yếu tố như vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, lợi nhuận hoạt động.

các chỉ số tài chính
Chỉ số thanh toán là các chỉ số tài chính xoay quanh nợ vay

Debt-to-Equity

Chỉ số Nợ/Vốn chủ sở hữu

= (Nợ vay ngắn hạn + Nợ vay dài hạn) / Vốn chủ sở hữu

Debt-to-Assets

Chỉ số Nợ/Tổng Tài sản 

= (Nợ vay ngắn hạn + Nợ vay dài hạn) / Tổng tài sản

Financial leverage ratio

Chỉ số Đòn bẩy tài chính

= Tổng tài sản / Vốn chủ sở hữu

Interest coverage ratio

Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay

= Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Chi phí lãi vay

Defensive Interval Ratio
Tỷ lệ khoảng phòng thủ
= (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn + Phải thu ngắn hạn) / Chi phí tiền mặt trung bình mỗi ngày

Nếu một công ty có chỉ các số thanh toán cao, đó được coi là công ty có sức khỏe tốt, là khoản đầu tư mang tính phòng thủ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng nếu ban lãnh đạo quá thận trọng và hoàn toàn không sử dụng vốn vay có thể dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn quá thấp và bỏ lỡ các cơ hội mở rộng quy mô, khiến khả năng tăng trưởng thấp hơn đối thủ trong ngành.

Trong điều kiện bình thường, nhà đầu tư thường xét tới các chỉ số Nợ/Vốn chủ sở hữu, Chỉ số đòn bẩy tài chính và khả năng thanh toán lãi vay. Trong tình huống đặc biệt khó khăn, tỷ lệ nợ vay quá cao, lãi suất tăng mạnh, nhà đầu tư xem xét Tỷ lệ khoảng phòng thủ.

Chỉ số hiệu quả hay Chỉ số hoạt động (Efficiency Ratios/Activity Ratios)

Chỉ số hiệu quả hay Chỉ số hoạt động đo lường hiệu quả của hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như khả năng bán hàng, thu tiền, quản lý hàng tồn kho, sử dụng các nguồn lực ngắn hạn của doanh nghiệp.

Vòng quay tổng tài sản 

= Doanh thu thuần / Trung bình tổng tài sản

Vòng quay hàng tồn kho 

= Giá vốn hàng bán / Trung bình hàng tồn kho

Vòng quay khoản phải thu 

= Doanh số tín dụng ròng / Trung bình khoản phải thu

Nếu một công ty có chỉ số hoạt động cao chứng tỏ công ty đó công ty đó được quản trị tốt, sử dụng nguồn lực hiệu quả và kết quả tất yếu là khả năng sinh lời tốt.

Chỉ số sinh lời (Profitability Ratios)

Chỉ số sinh lời là các chỉ số tài chính đo lường khả năng sử dụng tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận.

Biên lợi nhuận gộp 

= Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần

Biên lợi nhuận ròng 

= Lợi nhuận ròng / Doanh thu thuần

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

= Lợi nhuận sau thuế / Trung bình Vốn chủ sở hữu

Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)

= Lợi nhuận sau thuế / Trung bình Tổng tài sản 

Nếu một công ty có chỉ số sinh lời cao, chứng tỏ công ty có thế mạnh so với đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn sản phẩm đặc thù và độc nhất, khả năng định giá sản phẩm ở mức cao hơn trung bình ngành, chi phí thấp, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời trên tổng tài sản cao. Đây được coi là cơ hội đầu tư tốt.

Chỉ số định giá (Valuation Ratios)

Chỉ số định giá hỗ trợ quá trình định giá cổ phiếu và cho biết cổ phiếu đang đắt hay rẻ so với các yếu tố định giá: tài sản, lợi nhuận, giá trị doanh nghiệp.

EPS

Lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu

= (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi)/ Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân

P/E = Thị giá cổ phiếu / EPS
P/B = Thị giá cổ phiếu / Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu

Những lưu ý khi sử dụng chỉ số tài chính

các chỉ số tài chính doanh nghiệp

Như thế nào là một chỉ số tài chính cao hay thấp?

Không có con số cụ thể và duy nhất để kết luận rằng chỉ số tài chính ở mức nào là cao hay ở mức nào là thấp. Cần lưu ý không phân tích chỉ số tài chính một cách rập khuôn, máy móc.

Hãy xét ví dụ sau:

  • Công ty bán lẻ hàng tiêu dùng MWG có chỉ số vòng quay hàng tồn kho năm 2023 là 4.07 lần là cao khi so sánh với chính nó trong năm 2022 (3.74 lần) và so với mức trung bình của ngành chỉ là 3.40 lần. Cho thấy MWG bán hàng hiệu quả hơn trung bình ngành và quản lý hàng tồn kho tốt hơn quá khứ của chính họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2023 là một năm khó khăn với ngành bán lẻ và MWG chủ động đóng cửa hàng trăm cửa hàng, giảm bớt hàng tồn kho, chỉ duy trì lượng hàng vừa đủ để bán cầm chừng thì vòng quay hàng tồn kho năm 2023 tăng so với năm 2022 là kết quả của việc thu hẹp quy mô và giá trị hàng tồn kho quá thấp.
  • Công ty bán xe ô tô HAX có vòng quay hàng tồn kho năm là 2.1 lần, con số này là cao so với trung bình ngành chỉ là 1.8 lần, nhưng lại thấp hơn so với năm 2022 của chính nó là 3.83 lần. Chỉ số vòng quay hàng tồn kho năm 2023 của HAX giảm so với 2022 là do nhu cầu mua xe ô tô sụt giảm mạnh.

Như vậy, không có con số cố định hay cụ thể nào để kết luận chỉ số tài chính là cao hay thấp. Trong ví dụ trên, ta thấy vòng quay hàng tồn kho trung bình của ngành bán lẻ hàng tiêu dùng cao hơn bán xe ô tô – điều này hoàn toàn hợp lý do giá trị và vòng đời của xe ô tô là rất lớn. Cả hai công ty cùng tăng trưởng âm trong năm 2023, nhưng chỉ số vòng quay hàng tồn kho của MWG tăng, trong khi chỉ số vòng quay hàng tồn kho của HAX lại giảm.

Chỉ số tài chính cao hay thấp phụ thuộc vào đặc thù của ngành nghề, quy mô công ty, bối cảnh phân tích, thời gian phân tích. Để lý giải chỉ số tài chính, cần thực hiện so sánh chỉ số theo chuỗi thời gian (time series analysis), so sánh với các công ty cùng ngành (cross-sectional analysis), và xét bối cảnh.

Chỉ số tài chính đặc thù của ngành

Một số ngành đặc thù cần phân tích chỉ số tài chính riêng của ngành. Chẳng hạn ngành Ngân hàng có bộ chỉ số tài chính dành riêng cho ngân hàng. Ngành bán lẻ quan tâm tới chỉ số P/S, trong khi ngành xây dựng thì không quan tâm. Trong quá trình phân tích chỉ số tài chính, nhà đầu tư cần dựa vào đặc thù của ngành để lựa chọn và phân tích các chỉ số tài chính phù hợp.

Các phương pháp kế toán có thể ảnh hưởng tới chỉ số tài chính

Cần lưu ý rằng chỉ số tài chính được tính toán khá đơn giản mà không xét đến sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn kế toán giữa các công ty có thể khác nhau, cách ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, chi phí,… khác nhau có thể ảnh hưởng tới chỉ số tài chính và đưa ra những kết quả không chính xác.

Lời kết

Chỉ số tài chính là công cụ hữu ích. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được các chỉ số tài chính và cách phân tích chỉ số tài chính sao cho hiệu quả. Nếu thấy hay, hãy chia sẻ bài viết này nhé.

Nếu bạn là một nhà đầu tư đang tìm kiếm cách nâng cao kiến thức và kinh nghiệm của mình, thì ứng dụng chứng khoán HSC ONE chính là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn. Đừng quên theo dõi các bài viết từ Stock Insight để cập nhật những kiến thức đầu tư bổ ích và kịp thời! Stock Insight chúc bạn đầu tư thành công!

Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Giao dịch với mẫu hình nến bao trùm

Giao dịch với mẫu hình nến bao trùm

Định nghĩa về mẫu hình nến bao trùm Đồ thị nến Nhật Bản là một trong những hình công cụ chính của phương pháp phân tích kỹ thuật. Trong phân tích...

ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì? Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà người mua cổ phiếu không có đặc quyền liên quan như quyền nhận...

swing trading

Ứng dụng chiến lược giao dịch theo dao động (Swing Trading)

Chiến lược giao dịch theo dao động Swing Trading là gì? Là phương pháp giao dịch kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Tầm nhìn của các Swing...