Bollinger Bands là gì? Ứng dụng Bollinger Bands trong giao dịch chứng khoán

Ngày đăng: 16/07/2024 lượt xem

Bollinger Bands là một công cụ để biểu đạt sự biến thiên của giá. Tiếp theo đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về chỉ báo này và cách ứng dụng nó vào trong giao dịch chứng khoán. Hay nói cách khác là làm sao để kiếm tiền được trên thị trường chứng khoán nếu chỉ dựa vào Bollinger Bands?

Bollinger Band là gì?

Định nghĩa về Bollinger Band

Bạn là nhà đầu tư mới hay lâu năm, bạn có nhiều hay ít kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán thì ít nhiều bạn cũng sẽ biết về chỉ báo Bollinger Bands. Đây là một trong rất nhiều chỉ báo được dùng trong phân tích kỹ thuật để biểu đạt sự biến thiên của giá chứng khoán, hàng hóa….Chỉ số này được phát minh vào những năm 80s của thế kỷ trước bởi nhà đầu tư huyền thoại John Bollinger.

Bollinger Bands hay còn gọi là dải Bollinger được cấu tạo bởi một đường trung bình động đơn giản ở giữa với chu kỳ chuẩn là 20 ngày (SMA20) được tính bằng giá trị trung bình 20 ngày của giá đóng cửa, từ đường trung bình động này mở rộng lên trên và xuống dưới với sự cộng thêm hoặc trừ đi 2 lần độ lệch chuẩn mà ta có được dải trên (Upper Band) và dải dưới (Lower Band). Trong đó độ lệch chuẩn cho thấy sự chênh lệch về giá trị của từng thời điểm đánh giá so với giá trị trung bình.

bollinger band

Đối với các nhà đầu tư dài hạn thì có thể áp dụng chu kỳ dài hơn và độ lệch chuẩn cao hơn, còn đối với trường phái ngắn hạn thì có thể điều chỉnh chu kỳ và độ lệch chuẩn ở mức thấp hơn.

Vậy Bollinger Bands có dự báo được xu hướng của giá trong chứng khoán hay không?

Chúng ta sẽ thấy các dải Bollinger Bands có lúc mở rộng ra nhưng có lúc co hẹp lại. Khi dải này mở rộng điều này chứng tỏ là xu hướng giá đang có biến động nhanh và mạnh. Ngược lại khi Bollinger Bands co hẹp lại cho chúng ta biết được rằng xu hướng giá đang đi ngang, biến động chậm và ít. Các dải Bollinger sẽ luôn thay đổi theo biến động của giá, và không dự báo chúng.

Và đến đây, chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi dải Bollinger có dự báo được xu hướng của giá trong chứng khoán hay không. Câu trả lời của chúng ta là không, nó chỉ vận động theo biến động của giá và không dự báo chúng.

Dải bollinger dựa trên đường trung bình động đơn giản, dữ liệu đầu vào là giá trị trung bình của giá đóng cửa nên đây là một chỉ báo có độ trễ, các dải sẽ luôn luôn thay đổi với các biến động của giá, do đó Bollinger Bands không phải là một tín hiệu giao dịch.

Giao dịch với Bollinger Bands như thế nào cho hiệu quả?

Trong giai đoạn đi ngang, các dải sẽ có xu hướng co hẹp lại, dải trên và dải dưới sẽ chuyển động lại gần nhau và tiến gần với đường trung bình động ở giữa. Lúc này nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược mua khi giá chạm biên dưới và bán khi chạm biên trên của dải. Áp dụng cách giao dịch này sẽ mang đến hiệu quả vì giai đoạn thị trường đi ngang, giá sẽ có xu hướng biến động chậm và có xu hướng lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ.

bollinger band là gì

Tuy nhiên khi ở xu hướng tăng hoặc giảm mạnh của thị trường thì chiến lược này lại khá rủi ro.

Và sự co hẹp của Bollinger Bands cũng là một tín hiệu cho thấy giá chuẩn bị có sự biến động nhanh và mạnh trong thời gian tới. Và nếu như vậy nhà đầu tư có quyền đặt ra câu hỏi là có nên mua vào để đón đầu xu hướng biến động mạnh này hay không? Câu trả lời sẽ là không. Nó chỉ cho chúng ta biết sắp có biến động nhanh và mạnh nhưng hoàn toàn không cho chúng ta biết sẽ tăng mạnh hay giảm mạnh vì đơn giản nó chỉ phản ảnh sự vận động của giá chứ không dự báo chúng.

Và khi dải Bollinger mở rộng (có thể theo hướng lên hoặc hướng xuống) thì việc áp dụng chiến lược mua khi chạm biên dưới và bán khi chạm biên trên sẽ không còn hiệu quả nữa mà có thể mang lại rủi ro khá cao cho nhà đầu tư. Vì khi dải mở rộng, nếu theo hướng lên thì giá có xu hướng tăng nhanh và liên tục bám vào biên trên hoặc thậm chí vượt ra khỏi biên trên, lúc này nếu áp dụng chiến lược bán khi chạm biên trên sẽ dẫn tới việc bán khá sớm hay bán lúa non.

Ngược lại khi mở rộng theo hướng xuống thì giá sẽ có xu hướng giảm mạnh và nhanh và liên tục ôm lấy biên dưới, thậm chí vượt xa biên dưới, lúc này nếu vẫn áp dụng chiến lược mua khi chạm biên dưới sẽ dẫn tới việc bắt đáy quá sớm và dễ rơi vào cảnh dò mãi không thấy đáy.

bollinger band chuyên sâu

Chính vì thế, trong giai đoạn thị trường biến động mạnh, ngoài việc áp dụng chỉ báo Bollinger Bands thì nhà đầu tư nên kết hợp với một vài chỉ báo kỹ thuật khác để có thể xác định rõ hơn xu hướng của thị trường, từ đó có quyết định mua bán một cách hợp lý, gia tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro một cách khoa học nhất.

Kết luận

Bollinger Bands là một công cụ mạnh mẽ giúp nhà đầu tư phân tích và dự đoán biến động thị trường, từ đó tối ưu hóa chiến lược giao dịch. Việc hiểu và sử dụng thành thạo dải Bollinger sẽ giúp bạn nắm bắt được những cơ hội giao dịch tiềm năng và giảm thiểu rủi ro. Hãy luôn kết hợp chỉ báo này với các chỉ báo và phương pháp phân tích khác để có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định chính xác. Tiếp tục học hỏi và cập nhật kiến thức để trở thành một nhà đầu tư thông thái và thành công trên thị trường chứng khoán.

Phan Thị Thanh Thuỷ
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

nến harami

Nến Harami là gì? Áp dụng mô hình nến Harami sao cho hiệu quả?

Trong phân tích kỹ thuật, có nhiều mô hình nến cung cấp dự báo về sự đảo chiều xu hướng giá. Một trong những mô hình quan trọng và phổ...

GAP là gì? Cách giao dịch với khoảng trống giá GAP

GAP là gì? Tận dụng khoản trống GAP trong chứng khoán

GAP là gì? GAP (khoảng trống giá) là một hiện tượng xảy ra sau khi mở cửa phiên giao dịch, giá cổ phiếu không nối tiếp với bước giá của...

HSC ONE

HSC ONE – Web chứng khoán chuyên nghiệp cho nhà đầu tư mới

Hiện nay có rất nhiều trang web chứng khoán giúp nhà đầu tư nắm bắt đầy đủ thông tin chính thức trên thị trường hỗ trợ cho việc ra quyết...