Chu kỳ kinh tế là gì? 4 giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Ngày đăng: 14/07/2024 lượt xem

Chúng ta vừa trải qua một năm 2023 với vô vàn khó khăn về đời sống kinh tế, và sự khó khăn đó hiện vẫn còn đang phả sức nóng sang năm 2024. Hiện tại mức độ khó khăn có thể xem là đã giảm bớt nhưng những triển vọng về tương lai vẫn chưa thực sự sự rõ ràng. Trong khoảng thời gian khó khăn đó những từ như chu kỳ kinh tế hay suy thoái kinh tế đã được mọi người nhắc đến rất nhiều. Vậy suy thoái kinh tế hay chu kỳ kinh tế là gì mà trong giai đoạn khó khăn lại được mọi người quan tâm đến vậy? Và nó ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ra ra sao?

Chu kỳ kinh tế là gì?

Định nghĩa chu kỳ kinh tế

Chu kỳ kinh tế, hay chu kỳ kinh doanh (business cycle) là quá trình biến động lên xuống của nền kinh tế thị trường, có tính lặp đi lặp lại nhưng không định kỳ. Khái niệm này thường được đo lường bằng biến động của tăng trưởng GDP.

Chu kỳ kinh tế có thể bị gây ra bởi những cú sốc từ bên trong hoặc bên ngoài của nền kinh tế. Các nguyên nhân gây ra chu kỳ kinh tế thường không lặp lại và cũng khó có thể dự đoán chính xác được một chu kỳ kéo dài bao nhiêu lâu. Nhưng dựa trên lịch sử của các chu kỳ trước người ta nhận thấy rằng chúng thường kéo dài khoảng 10 năm.

Bằng việc theo theo dõi và phân tích các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế, chúng ta có thể nhận được những tín hiệu cảnh báo sớm hơn về nền kinh tế đang ở trong giai đoạn nào. Từ đó có thể đưa ra các quyết định chính xác hơn đem lại hiệu quả cho quá trình đầu tư của nhà đầu tư.

chu kỳ kinh tế

Các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế

Chính sách tiền tệ (Monetary Policy)

Có thể nói chính sách tiền tệ là yếu tố ảnh hưởng nhanh nhất và trực tiếp nhất đến chu kỳ kinh tế. Bằng các công cụ như lãi suất, cung tiền, tỷ giá các ngân hàng trung ương có giúp kích thích tăng trưởng kinh tế khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp.

Tuy nhiên, nếu cung tiền được bơm ra nền kinh tế quá nhiều so với mức sản xuất của nền kinh tế có thể dẫn đến tình trạng lạm phát. Khi lạm phát cao ngân hàng trung ương lại phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát từ đó dẫn đến siết chặt tín dụng và chi phí vốn trong nền kinh tế tăng cao, dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm sút.

Chính sách tài khóa (Fiscal Policy)

Chính sách tài khóa là một chính sách quan trọng giúp Chính phủ điều tiết nền kinh tế, thông qua 2 công cụ chính là chi tiêu công và thuế. Khi nền kinh tế ở giai đoạn suy thoái cầu đầu tư và cầu tiêu dùng tư nhân sụt giảm, Chính phủ có thể tăng chi tiêu công để tăng tổng cầu và bù lại sự thiếu hụt do cầu cầu tư và cầu tiêu dùng sụt giảm.

Từ đó làm giảm sự ảnh hưởng của suy thoái và kích thích các khu vực khác dần hồi phục. Đồng thời với đó Chính phủ cũng có thể giảm thuế để kích thích các khu vực khác của nền kinh tế tăng chi tiêu.

Ngược lại khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng Chính phủ có thể điều tiết giảm sức nóng của nền kinh tế, để nền kinh tế tăng trưởng ổn định hơn bằng cách giảm chi tiêu công từ đó giảm tổng cầu của nền kinh tế. Hoặc Chính phủ có thể tăng thuế để điều tiết chi tiêu và bù đắp lại phần thâm hụt đã dùng trong giai đoạn kích thích tăng trưởng.

Công nghệ và đổi mới (Technology and Innovation)

Công nghệ và đổi mới tác động lên chu kỳ kinh tế khá phức tạp gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. Các thành tựu về công nghệ và đổi mới sẽ làm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải, giảm giá thành, giảm tiêu hao tài nguyên. Tạo ra các sản phẩm mới dẫn đến phát sinh thêm những nhu cầu mới, đồng thời có thể tạo ra các công việc mới, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. 

Ở mặt tiêu cực công nghệ và đổi mới có thể làm đẩy nhanh quá trình tự động hóa, máy móc dần thay thế con người dẫn đến thất nghiệp ra tăng nếu như lao động không kịp thời chuyển đổi sang các công việc mới. Ngoài ra đầu tư vào công nghệ mới thường tốn rất nhiều vốn và nguồn lực, nếu như khoản đầu tư vào công nghệ đó thất bại sẽ làm thất thoát một lượng lớn vốn và nguồn lực của nền kinh tế.

Nhưng nhìn chung trong dài hạn thì yếu tố công nghệ và đổi mới vẫn có tác dụng tích cực nhiều hơn vì nó giúp tăng trưởng kinh tế một các bền vững và theo chiều sâu vì giúp tạo ra nhiều của cải cho xã hội hơn.

Tâm lý thị trường (Market Sentiment)

Tâm lý thị trường phản ánh niềm tin và kỳ vọng của các thành phần thị trường về triển vọng kinh tế. Khi kỳ vọng về nền kinh tế trở nên lạc quan thì khu vực tư nhân có xu hướng đầu tư và tiêu dùng nhiều hơn, điều này giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngược lại khi kỳ vọng về nền kinh tế kém khả quan nhu vực tư nhân có xu hướng thu hẹp đầu tư, giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm, điều này tiếp tục làm kinh tế suy giảm.

Yếu tố quốc tế (International Factors)

Ngày nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa sự gắn kết của các quốc gia ngày càng trở nên khăng khít hơn, đặc biệt và về vấn đề kinh tế. Bất kể một sự biến động nào về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động chính trị, hay chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của các cường quốc dẫn dắt đều ảnh hưởng đến cung – cầu, giá cả hàng hóa, tỷ giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác từ đó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế của mỗi quốc gia.

Sự kiện Thiên nga đen (Black Swans)

Thiên nga đen là sự kiện kinh tế vô cùng hiếm gặp, bất ngờ và không thể dự báo trước được, nhưng lại có thể đem lại những tác động nặng nề cho nền kinh tế. Trong lịch sử kinh tế thế giới có vô số ví dụ về Thiên nga đen đã gây ra khủng hoảng kinh tế, thời gian gần đây có thể kể đến như Covid -19, sự kiện 11/9. Các sự kiện này gây ra sự sụp đổ nhanh chóng trong lĩnh vực nào đó, rồi từ đó lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu và gây khủng hoảng.

Có thể nhận thấy cuộc khủng hoảng do Black Swans thường gây ra những cú shock khá nhanh, tác động mạnh nhưng thời gian diễn ra ngắn. Tuy nhiên sau các cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến thay đổi, cấu trúc lại xã hội, nền kinh tế kéo dài sau đó.

Tầm quan trọng của việc nắm bắt chu kỳ kinh tế

Lịch sử cho thấy các chu kỳ kinh tế thường đi kèm với việc biến động rất lớn về chất lượng tài sản và thu nhập của các chủ thể trong nền kinh tế. Việc nắm bắt được yếu tố này sẽ giúp các chủ thể giảm thiểu rủi ro đầu tư kinh doanh, có thể tận dụng chúng để phân bổ tài sản hiệu quả hơn từ đó gia tăng chất lượng tài sản, thu nhập của mình.

4 giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Có một số lý thuyết khác nhau trong việc phân chia các giai đoạn của một chu kỳ kinh tế, nhà kinh tế học Joseph Schumpeter của thế kỷ 20 đã lập luận rằng một chu kỳ có 4 giai đoạn là: mở rộng, khủng hoảng, suy thoái, phục hồi.

4 giai đoạn của Chu kỳ kinh tế
4 giai đoạn của Chu kỳ kinh tế. Nguồn: Encyclopædia Britannica, Inc.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện đại do sự hỗ trợ tính toán tối ưu của các mô hình kinh tế lượng phức tạp đã giúp Chính phủ đưa ra các biện pháp can thiệp giảm nhẹ hậu quả của chu kỳ kinh tế.

Do đó giai đoạn khủng hoảng hiếm khi xảy ra, chu kỳ được thu hẹp lại cả về thời gian cũng như mức độ. Vì thế một số lý thuyết mới chỉ nói về 3 giai đoạn là: suy thoái, phục hồi, hưng thịnh.

Giai đoạn suy thoái

Suy thoái là giai đoạn trọng đó GDP thực tế giảm đi, người ta thường quy định rằng khi GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp thì gọi là suy thoái.

Đặc điểm của giai đoạn suy thoái gồm có: GDP giảm, lạm phát cao, tín dụng siết chặt, chính sách tiền tệ thu hẹp, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc, tâm lý tiêu dùng thận trọng.

Ví dụ lịch sử

Lần suy thoái gần đây có thể kể đến là suy thoái kinh tế năm 2020 do Covid-19. Khi đó kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2.91% thấp nhất giai đoạn 2011 – 2020, CPI bình quân tăng 3.23%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2.48%.

Giai đoạn phục hồi

Phục hồi là giai đoạn mà GDP thực tăng trở lại bằng mức trước giai đoạn suy thoái.

Đặc điểm của giai đoạn phục hồi: GDP tăng trở lại, lạm phát thấp, tín dụng tăng, chính sách tiền tệ mở rộng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp cải thiện, thị trường chứng khoán hồi phục, tâm lý tiêu dùng dần cải thiện.

Ví dụ lịch sử

Giai đoạn phục hồi gần đây trong nền kinh tế việt Nam có thể kể đến là giai đoạn 2010 – 2014. Giai đoạn đoạn này tăng trưởng GDP dao động trong khoảng 5.25% – 6.78%, lạm phát giảm từ 18.13% về 1.84%, tỷ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng 2.15% – 2.52%.

Giai đoạn hưng thịnh

Tiếp sau giai đoạn phục hồi là giai đoạn hưng thịnh, khi mà GDP tiếp tục tăng và bắt đầu lớn hơn mức trước giai đoạn suy thoái.

Đặc điểm của giai đoạn hưng thịnh: GDP tăng trưởng cao, lạm phát tăng, tín dụng tăng mạnh, chính sách tiền tệ trung lập, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lợi nhuận doanh nghiệp cao, thị trường chứng khoán tăng mạnh, tâm lý tiêu dùng lạc quan.

Ví dụ lịch sử

Giai đoạn hưng thịnh gần đây trong nền kinh tế việt Nam có thể kể đến là giai đoạn 2015 – 2019. Giai đoạn đoạn này tăng trưởng GDP dao động trong khoảng 6.12% – 7.08%, lạm phát giảm từ 2.31% về 3.54%, tỷ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng 2.09% – 2.33%.

Tác động của chu kỳ kinh tế đến các lĩnh vực

Tác động đến thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán thường được ví như là “phong vũ biểu“ của nền kinh tế. Do thị trường chứng khoán là nơi tập hợp khá đầy đủ các đại diện của nền kinh tế, và thường là các đại diện tiêu biểu nhất. Nơi thông tin được công bố kịp thời và khá minh bạch. Do đó các nhà đầu tư có dữ liệu để phân tích và đưa ra nhận định về trạng thái thị trường.

Mặt khác thị trường chứng khoán cũng là thị trường của kỳ vọng, nơi dòng vốn được luân chuyển nhanh chóng và linh hoạt. Nên nó phản ánh trước các kỳ vọng của thị trường vào nền kinh tế. Thị trường chứng khoán thường có các diễn biến trước từ 6 tháng đến 1 năm so với nền kinh tế.

Tác động đến ngành công nghiệp và doanh nghiệp

Nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng sẽ khác nhau trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế dựa vào kỳ vọng thu nhập của họ. Điều này dẫn đến thay đổi về cầu hàng hàng hóa, dịch vụ trong từng giai đoạn. Do đó trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế sẽ có những ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng, có những ngành thì lại được hưởng lợi nhiều trong giai đoạn nhất định.

Chẳng hạn như ngành tiêu dùng thiết yếu ít bị tác động bởi chu kỳ kinh tế. Trong khi ngành công nghiệp sẽ nhạy cảm hơn và có tính chu kỳ cao hơn. Tác động với ngành dịch vụ lại khác nhau tùy thuộc vào loại hình dịch vụ.

Việc nắm được chu kỳ kinh tế có thể giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư hạn chế được rủi ro, và tối đa hóa lợi nhuận.

Tác động đến người tiêu dùng và xã hội

Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, việc làm nhiều hơn. Dẫn đến chi tiêu cho cuộc sống tăng lên giúp chất lượng của sống cũng được tăng lên. Làm cho an sinh xã hội tốt hơn, ít các tệ nạn xã hội.

Ngược lại vào giai đoạn suy thoái thu nhập của người tiêu dùng giảm đi, việc làm ít đi, thất nghiệp tăng lên. Dẫn đến chi tiêu cho cuộc sống giảm xuống, áp lực lên cuộc sống tăng lên. Làm cho các vấn đề an sinh xã hội trở nên căng thẳng hơn, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn.

Nên đầu tư theo các giai đoạn của chu kỳ kinh tế như thế nào? 

Dòng tiền thông minh luôn vận động đến nơi có cơ hội đem lại tăng trưởng cao. Việc hiểu và nắm được chu kỳ kinh tế có thể giúp nhà đầu tư luân chuyển vốn sang những nơi có cơ hội đem lại lợi nhuận cao trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế.

Thực tế việc dự báo được chu kỳ kinh tế là việc không hề dễ dàng, và hiện tại vẫn chưa có một mô hình kinh tế nào có thể dự đoán được chính xác thời gian và cường độ của một chu kỳ. Nhà đầu tư phải thường xuyên theo dõi các chỉ số kinh tế, thông tin cập nhật về diễn biến thị trường để nâng cao khả năng dự báo.

Trên thị trường chứng khoán ứng với mỗi giai đoạn của chu kỳ kinh tế, chúng ta có thể chọn ra những ngành nghề có thể đem lại lợi nhuận cao hơn các ngành nghề khác do những yếu tố như sự hỗ trợ của chính phủ, thay đổi xu hướng tiêu dùng, đầu tư tư nhân đem lại.

Ở giai đoạn đáy của suy thoái kinh tế, chính phủ thường có xu hướng tăng cường đầu tư công và ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Do thị trường chứng khoán chạy trước kỳ vọng, nên các nhóm ngành dịch vụ tài chính và logistics sẽ vận động trước.

Ở giai đoạn hồi phục và hưng thịnh nền kinh tế chuyển sang tăng trưởng ổn định và kéo dài nhất trong cả chu kỳ, các ngành như công nghệ, công nghiệp, xây dựng, vật liệu,… sẽ có sự bứt phát và tăng trưởng mạnh về lợi nhuận doanh nghiệp, cũng đem lại hiệu quả đầu tư sinh lời cao hơn.

Ở cuối giai đoạn hưng thịnh, khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng, lạm phát cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong giai đoạn này có thể chuyển dịch tài sản sang những nhóm ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, và tiền mặt để bảo toàn vốn.

Chu kỳ kinh tế là hiện tượng tất yếu của nền kinh tế thị trường, lặp đi lặp lại theo thời gian nhưng lại không có quy luật, không có hai chu kỳ kinh tế nào lặp lại giống nhau. Nhưng mỗi khi đến giai đoạn suy thoái thì cả nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề.

Việc biết và nắm vững được những kiến thức về chu kỳ kinh tế sẽ giúp nhà đầu tư không còn sợ hãi về chu kỳ kinh tế nữa, hơn nữa nhà đầu tư có thể tận dụng nó để tối đa hóa được hiệu quả đầu tư của mình, cũng như biết cách giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Nhà đầu tư thường xuyên theo dõi các bài viết của Stock Insight để có những cập nhật về các chủ đề và thông tin kinh tế đầu tư mới nhất.

Lâm Quách
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

nến heikin ashi là gì

Nến Heiken Ashi là gì? Ứng dụng Heiken Ashi trong giao dịch

Lý thuyết: Nến Heiken Ashi Nến Heiken Ashi là gì? Heiken-Ashi, Heiken nghĩa là “trung bình” và Ashi nghĩa là “nhịp độ”, là một loại “thanh trung bình” bắt nguồn...

trái phiếu chính phủ là gì

Trái phiếu chính phủ là gì? 8 Quy chế về việc phát hành

Trái phiếu chính phủ là gì? Trái phiếu chính phủ (Government bond) là công cụ tài chính mà nhà nước phát hành để vay tiền từ các nhà đầu tư....

ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì? Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày mà người mua cổ phiếu không có đặc quyền liên quan như quyền nhận...