Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam
Vốn hóa của doanh nghiệp là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá sức mạnh, quy mô và vị thế của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động và điều đó sẽ thấy được tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Như vậy, nhà đầu tư nên hiểu vốn hóa như thế nào? Đâu là Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam? Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu tại bài viết này
Mục Lục
Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường (Market capitalization) hay thường gọi là Market cap được xác định bằng phép nhân giá cổ phiếu trên sàn với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Ví dụ: Cổ phiếu HCM có giá đóng phiên là 26,400 đồng/1 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu lưu hành là 719,971,114 → Giá trị vốn hóa = 26,400*719,971,114= 19,007 nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư có thể kiểm tra bằng thao tác đơn giản trên CafeF hoặc xem trên App HSC ONE.
Giá trị vốn hóa biến động qua từng phiên giao dịch và phụ thuộc vào giá giao dịch của cổ phiếu đó trong phiên.
Phân loại nhóm vốn hóa
- Nhóm vốn hóa lớn (Bluechip hay Large cap): bao gồm các doanh nghiệp lớn có tên tuổi, quy mô lớn trên thị trường với vốn hóa từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên. Nhóm doanh nghiệp này sẽ tập trung vào các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bất động sản, sản xuất công nghiệp quy mô lớn,… Các doanh nghiệp đầu ngành thường nằm trong nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu trong VN30 cũng thuộc nhóm này. Ví dụ như: VCB, MSN, GAS POW, SSI, FPT, HPG,… → Phù hợp cho phương pháp đầu tư tích lũy cho dài hạn.
- Nhóm vốn hóa vừa (Midcap): bao gồm các doanh nghiệp tầm trung có vốn hóa từ 1 nghìn tỷ đến dưới 10 nghìn tỷ đồng. Thường tập trung vào các ngành như xuất nhập khẩu, chế biến sản xuất (nông lâm ngư nghiệp), vận tải cảng biển, phân bón, hóa chất,…. Ví dụ như: SZC, PVT, TNG, ANV, HSG…
- Nhóm vốn hóa nhỏ bao gồm các doanh nghiệp nhỏ với vốn hóa từ 100 tỷ đến dưới 1 nghìn tỷ đồng được gọi là Smallcap. Ví dụ như NAF, PVB, NDN,.. Nếu vốn hóa dưới 100 tỷ và thị giá cổ phiếu dưới 10 còn được gọi là Penny và hay giao dịch với biên độ rộng trong phiên (trần hoặc sàn) có thể kể đến như DLG, LDG, OGC, HNG,…
→ Hai nhóm vốn hóa này phù hợp cho phương pháp đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.
Cần quan sát xu hướng của dòng tiền qua mỗi giai đoạn để linh động chọn nhóm vốn hóa phù hợp để tối ưu hóa trong giao dịch.
Ý nghĩa và vai trò của vốn hóa lớn đối với thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam
- Đánh giá quy mô, chất lượng và vị thế của doanh nghiệp: Vốn hóa doanh nghiệp càng lớn thì quy mô hoạt động càng lớn, tiềm lực tài chính càng mạnh.
- Là thước đo chuẩn để so sánh giá trị của các doanh nghiệp trong ngành.
- Đánh giá khả năng tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai: Nếu giá trị vốn hóa càng tăng lên thì sẽ đi kèm với niềm tin của nhà đầu tư về doanh nghiệp tăng lên (và ngược lại) → Tạo ra llợi thế hơn trong việc thu hút thêm vốn đầu tư trong và ngoài nước tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn mạnh hơn nữa.
- Đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư: Những doanh nghiệp có vốn hóa lớn sẽ ít bị tác động bởi thị giá cổ phiếu trên sàn.
→ Qua các đánh giá trên cho thấy vốn hóa đóng vai trò thật sự quan trọng trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa càng lớn sẽ giúp doanh nghiệp định vị được vị thế và giá trị của mình cho nền kinh tế của Việt Nam và hơn thế nữa là khẳng định được giá trị trên trường quốc tế.
Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam hiện nay
Sau đây là danh sách top 10 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Nhà đầu tư có thể checklist tại các trang nguồn tham khảo sau: TradingView, Fiintrade , SSC (Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
1. Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Ngân hàng (mã ICB: 8300)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 5,589,091,262
- Giá trị vốn hóa: 514,2 nghìn tỷ đồng
VIETCOMBANK là ngân hàng thương mại (NHTM) có hiệu suất kinh doanh hiệu quả nhất trong số các NHTM và dẫn đầu về lợi nhuận trong số các ngân hàng niêm yết. Luôn đứng đầu quy mô về thị phần giải ngân với các dự án trọng điểm quốc gia và là nơi đón đầu của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cổ phiếu VCB chiếm trọng số lớn trong VNINDEX, VN30.
2. Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV (BID-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Ngân hàng (mã ICB: 8300)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 5,700,435,900
- Giá trị vốn hóa thị trường: 259,47 nghìn tỷ đồng
BIDV là ngân hàng quốc doanh với vốn sở hữu của ngân hàng nhà nước gần 81%, luôn nằm trong top 5 về hiệu quả kinh doanh, cũng như chất lượng và quy mô tài sản, thị phần cho vay và huy động tín dụng luôn nằm top 1 trong số các NHTM. Là ngân hàng có lãi thuần về hoạt động kinh doanh ngoại hối lớn nhất 9 tháng 2024. Cùng với vietcombank đều là thương hiệu quốc gia.
3 .Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV-UPCOM)
- Ngành nghề kinh doanh: Hàng không và dịch vụ công nghiệp (mã ICB:2700)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 2,176,950,436
- Giá trị vốn hóa thị trường: 259,07 nghìn tỷ đồng
ACV có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới hàng không quốc gia Việt Nam, góp phần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ công nghiệp hàng không, tính từ thời điểm thành lập ACV đã đưa vào vận hành và hoạt động 22 cảng hàng không trong đó có 13 cảng hàng không quốc nội 9 cảng hàng không quốc tế.
4. Tổng CTCP đầu tư quốc tế Viettel (VGI-UPCOM)
- Ngành nghề kinh doanh: Viễn thông, công nghệ thông tin (mã ICB:9500)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 3,043,811,200
- Giá trị vốn hóa thị trường: 256,4 nghìn tỷ đồng
Viettel Global là doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn Viettel (nắm giữ hơn 99% vốn) hoạt động trong lĩnh vực khai thác và phát triển viễn thông tại nước ngoài với hơn 10 quốc gia: Lào, Campuchia, Đông timo, Haiti, Cameron, Mozambique, Myanmar, Burundi, Tanzania. Và nắm giữ vị trí số 1 về cung cấp sử dụng dịch vụ di động, internet, ví điện tử,… tại Campuchia, Lào, Đông timo, Haiti.
5. Công ty cổ phần FPT (FPT-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Viễn thông, công nghệ thông tin (mã ICB:9500)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 1,471,069,183
- Giá trị vốn hóa thị trường: 200,07 nghìn tỷ đồng
FPT là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, mở đầu cho xu hướng chuyển đổi số, phát triển, thúc đẩy các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, bán dẫn. Cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin, viễn thông cho các khách hàng tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
6. Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam- Vietinbank (CTG-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Ngân hàng (mã ICB: 8300)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 5,369,991,748
- Giá trị vốn hóa thị trường: 180,4 nghìn tỷ đồng
Vietinbank là 1 trong 2 ngân hàng thương mại có vốn sở hữu của ngân hàng nhà nước (NHNN) là 64,46% và là NHTM cổ phần hoạt động rất tích cực trong việc cung cấp các sản phẩm bán lẻ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. CTG có thu nhập lãi thuần sau 3 quý 2024 cao nhất trong hệ thống ngân hàng, thu nhập phi tín dụng cũng nằm top đầu.
7. Công ty cổ phần Vinhomes (VHM-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Bất động sản (mã ICB: 8600)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 4,354,367,488
- Giá trị vốn hóa thị trường: 175,7 nghìn tỷ đồng
Vinhomes là thương hiệu bất động sản số 1 Việt Nam và được Brand Finance vinh danh nằm trong top 20 thương hiệu bất động sản có giá trị nhất thế giới (năm 2023). Tập trung phát triển, vận hành và chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản như loại hình căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng,.. tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp. VHM luôn nằm trong top các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao nhất trong số các công ty niêm yết trên sàn.
8. Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Tài nguyên cơ bản (mã ICB: 1700)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 6,396,250,200
- Giá trị vốn hóa thị trường: 168,2 nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Hòa Phát có năng lực đặc biệt quan trọng trong nền sản xuất công nghiệp nặng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sắt thép. HPG nắm giữ 30% thị phần về thép nội địa, sản phẩm của HPG xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa kỳ, Châu Âu,…
9. Công ty cổ phần hàng tiêu dùng MASAN (MCH-UPCOM)
- Ngành nghề kinh doanh: Thực phẩm, đồ uống (mã ICB: 3500)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 724,637,791
- Giá trị vốn hóa thị trường: 162,1 nghìn tỷ đồng
Masan Consumer là đơn vị trực thuộc tập đoàn Masan với tỷ lệ sở hữu tại MCH hơn 92% là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng thuộc top đầu của Việt Nam. MCH sở hữu các thương hiệu tiêu dùng lớn mà hầu hết người dân Việt Nam ai cũng đã từng sử dụng qua như: mì Omachi, nước tương Chinsu, nước mắm Nam Ngư, nước khoáng Vĩnh Hảo, thương hiệu cà phê Vinacafe, nước giặt NET.
10. Tổng Công ty khí Việt Nam- CTCP (GAS-VN30)
- Ngành nghề kinh doanh: Điện nước và xăng dầu khí đốt (mã ICB 7500)
- Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 2,342,672,919
- Giá trị vốn hóa thị trường: 161,6 nghìn tỷ đồng
PV GAS là đơn vị trực thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu của PVN là 95,76% và là mắt xích vô cùng quan trọng cho nền công nghiệp năng lượng Việt Nam, đặc biệt là mảng khí đốt. Là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt + các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn (đạt gần 45 ngàn tỷ đồng). Có nhiệm vụ quan trọng trong việc đầu tư, khai thác, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ khí. PV GAS chiếm hơn 70% thị phần với khí LPG trên thị trường giữ vững vị trí số 1.
Số liệu về giá trị vốn hóa và thứ tự này của các doanh nghiệp sẽ biến động qua các phiên. Giá trị vốn hóa sau GAS lần lượt là: TCB, VIC, VPB, VNM, MBB, GVR, ACB, MSN. Các doanh nghiệp kể trên đều có giá trị vốn hóa trên 100 nghìn tỷ đồng.
Kết luận
Với vô số các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn, việc lựa chọn cổ phiếu thuộc Top 10 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam cũng là một trong số phương pháp đầu tư an toàn, bền vững và đặc biệt yếu tố rủi ro sẽ ít. Tuy nhiên, vốn hóa phụ thuộc khá nhiều vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành và giá cổ phiếu trên sàn nên sẽ mang tính thời điểm. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về xu hướng ngành nghề và các yếu tố vĩ mô để đưa ra quan điểm và quyết định đầu tư vào nhóm vốn hóa lớn.
Ngoài vốn hóa, các tiêu chí khác khi cân nhắc lựa chọn một cổ phiếu để đầu tư là gì? Hãy cùng Stock Insight tham gia khóa học Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tuyệt vời để đầu tư tại HscEdu ngay để biết thêm chi tiết.
Phạm Minh Hậu
Account Manager