Tài sản ngắn hạn là gì? Khác biệt gì so với tài sản dài hạn?
Trong cấu trúc tài chính của một doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình tài chính của doanh nghiệp, phục vụ hoạt động kinh doanh một cách trơn tru trong suốt chu kỳ kinh doanh. Hãy cùng tìm hiểu về tài sản ngắn hạn trong bài viết hôm nay.
Mục Lục
Tài sản ngắn hạn là gì?
Định nghĩa tài sản ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn (tài sản lưu động) là những tài sản tồn tại và được sử dụng dưới một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản ngắn hạn được coi là những tài sản có tính thanh khoản cao, có thể chuyển đổi thành tiền mặt một cách nhanh chóng.
>> Xem thêm: Tính thanh khoản của cổ phiếu là gì?
Tài sản ngắn hạn bao gồm các khoản mục: tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác.
Đặc điểm của tài sản ngắn hạn:
- Khả năng thanh khoản cao, có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt mà không tốn quá nhiều chi phí.
- Thời gian sử dụng ngắn, thường trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp.
- Được đánh giá lại hàng kỳ do sự thay đổi giá trị trong 12 tháng.
Vai trò của tài sản ngắn hạn trong doanh nghiệp
Đảm bảo tính thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động hàng ngày như chi trả cho nhà cung cấp, thanh toán các chi phí vận hành.
Ví dụ: HPG có tổng nợ ngắn hạn trên BCTC tại quý 2.2024 là hơn 73.5 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản phải trả người bán ngắn hạn là gần 16 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó tài sản ngắn hạn của HPG là hơn 84 nghìn tỷ đồng, về cơ bản là đủ thanh toán hoàn toàn các khoản nợ ngắn hạn trong kỳ (chỉ số thanh toán hiện hành). Ngoài ra, doanh nghiệp còn duy trì lượng tiền mặt và tương đương tiền hơn 28 nghìn tỷ đồng, đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà cung cấp nguyên vật liệu.
Tài sản dài hạn là gì?
Định nghĩa tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn là tài sản có thời gian sử dụng hoặc có thời hạn thu hồi trên 12 tháng tại thời điểm lập báo cáo.
Tài sản dài hạn gồm tài sản cố định hữu hình (máy móc, thiết bị,…), tài sản cố định vô hình (bản quyền, bằng sáng chế,…), tài sản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác.
Đặc điểm của tài sản dài hạn:
- Thời gian sử dụng lâu dài, thường trên một năm hoặc hơn 2 chu kỳ kinh doanh.
- Tính thanh khoản thấp, khó chuyển đổi nhanh chóng thành tiền mặt và chịu rủi ro thay đổi giá trị trong dài hạn.
- Được ghi nhận theo giá gốc và có thể chịu khấu hao theo thời gian (đối với tài sản hữu hình).
- Khó thích nghi với sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vai trò của tài sản dài hạn trong doanh nghiệp
Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dài hạn thông qua đầu tư vào trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng,…
Đảm bảo khả năng phát triển và duy trì năng lực hoạt động trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.
Theo như BCTC của HPG (hình trên), đây là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu của Việt Nam và khu vực. HPG tập trung và đầu tư tài sản cố định (hơn 70 nghìn tỷ đồng) bao gồm máy móc thiết bị, nhà xưởng,…phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó tài sản dở dang cũng rất lớn, hơn 45 nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng nhà máy mới nâng cao năng lực sản xuất trong dài hạn.
Cách phân biệt tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn
Tiêu chí | Tài sản ngắn hạn | Tài sản dài hạn |
Thời gian sử dụng | Dưới 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh tại thời điểm lập báo cáo. | Có thời hạn thu hồi, sử dụng trên 12 tháng hoặc từ 2 kỳ kinh doanh trở lên. |
Khả năng thanh khoản | Có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt một cách nhanh chóng để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, các khoản phải trả cho người bán. | Thời gian chuyển đổi thành tiền mặt tương đối dài và chịu rủi ro biến động về giá trị. |
Ảnh hưởng đến quản lý tài chính | Chuyển hóa linh hoạt giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện liên tục, đảm bảo ổn định tình hình tài chính của doanh nghiệp trong ngắn hạn. | Thời gian luân chuyển thành tiền mặt kéo dài nên gặp khó khăn trong việc xử lý các tình huống tài chính bất lợi trong kỳ kinh doanh. |
Các loại tài sản | – Tiền và các khoản tương đương tiền.
– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. – Các khoản phải thu ngắn hạn. – Hàng tồn kho. – Tài sản ngắn hạn khác. |
– Các khoản phải thu dài hạn.
– Tài sản cố định. – Bất động sản đầu tư. – Tài sản dở dang dài hạn. – Các khoản đầu tư tài chính dài hạn. – Tài sản dài hạn khác. |
Ví dụ minh họa về từng loại tài sản | Tiền mặt, cổ phiếu đầu tư,… | Máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng,… |
Sự khác nhau giữa Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn
Tại sao doanh nghiệp cần cân đối giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn?
Đảm bảo tính thanh khoản và khả năng thanh toán ngắn hạn: Doanh nghiệp cần đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, đảm bảo duy trì hoạt động hàng ngày.
Đảm bảo năng lực sản xuất và phát triển dài hạn: Việc đầu tư vào tài sản dài hạn giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực sản xuất, phát triển bền vững trong tương lai.
Giảm thiểu rủi ro tài chính: Quản lý tốt cả tài sản ngắn hạn và dài hạn giúp doanh nghiệp cân bằng rủi ro về thanh khoản và khả năng phát triển dài hạn.
Tối ưu hóa chiến lược đầu tư: Cân đối giữa việc đầu tư vào tài sản ngắn hạn và dài hạn giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả tài chính tối ưu, từ đó tối đa hóa lợi nhuận.
Kết luận
Tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn là hai kết cấu tài chính vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Để doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh, nhà quản trị cần có những chiến lược quản trị tài sản hiệu quả.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về chiến thuật đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight.
Quốc Dil
Account Manager