ROIC là gì? Ứng dụng ROIC trong đầu tư chứng khoán

Ngày đăng: 19/12/2024 lượt xem

ROIC (Return on Invested Capital) là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Trong bài viết này, Stock Insight sẽ cùng bạn tìm hiểu ROIC là gì, cách tính và ứng dụng của nó trong việc phân tích và đầu tư chứng khoán.

ROIC (Return on Invested Capital) là gì?

Định nghĩa ROIC (Return on Invested Capital)

ROIC (Return on Invested Capital) là Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư, nó thể hiện mức độ hiệu quả của công ty khi sử dụng vốn mà nó đã huy động được bao gồm cả của cổ đông và các chủ nợ.

Chỉ số ROIC cao cho thấy công ty đang tận dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả, từ đó tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho cổ đông.

ROIC (Return on Invested Capital)
Hình 1: ROIC là gì?

Công thức tính ROIC

ROIC = (NOPAT / Vốn đầu tư) *100%

Trong đó:

NOPAT (Net Operating Profit After Tax): Lợi nhuận hoạt động ròng sau thuế.

NOPAT = Thu nhập hoạt động x (1 – Thuế suất)

Vốn đầu tư (Invested Capital):

Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn góp của cổ đông và nợ đi vay, hai nguồn này được gọi chung là vốn. Tuy nhiên, không phải tất cả vốn đều được sử dụng vào mục đích đầu tư mua tài sản để hoạt động, một số vốn đó không hoặc chưa được sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số dư tiền mặt là một ví dụ.

Vốn đầu tư = Vốn chủ sở hữu + Nợ – Tiền và tương đương tiền

Ví dụ: Tính toán chỉ số ROIC của DGC dựa trên BCTC hợp nhất kiểm toán nằm 2023.

ROIC là gì - Tính toán ROIC của DGC
Hình 2: Tính toán ROIC của DGC

Dựa trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chúng ta sẽ tính NOPAT.

NOPAT = EBIT(1- thuế) = (LNTT + chi phí lãi vay – chi phí thuế)

         = 3485 + 31.9 –  246.7 = 3270.4

Vốn đầu tư = VCSH + Nợ – Tiền = 12027 + 1328 – 1060.5 = 12294.4

DGC có chỉ số ROIC  = 3270.4/12294.4 = 26.6%

Ý nghĩa của ROIC (Return on Invested Capital) trong phân tích tài chính

Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn

ROIC là một chì số quan trọng trong việc đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng vốn nhằm mục tiêu tạo ra lợi nhuận.

  • ROIC cao: cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vượt trội, là dấu hiệu của công ty có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ về sản phẩm tốt hoặc độc quyền, công nghệ sản xuất tiên tiến, lợi thế về chi phí,.. sẽ dẫn tới công ty có thể tái đầu tư để mở rộng quy mô và gia tăng lợi nhuận.
  • ROIC thấp: cho thấy hiệu quả sử dụng vốn yếu, bắt nguồn từ công ty không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Và hệ lụy là công ty chỉ sản xuất cầm chừng, không có nguồn lực tái đầu tư sản xuất và dẫn tới rủi ro về tài chính lâu dài khi gặp  điều kiện kinh doanh không thuận lợi.

So sánh với chi phí vốn (WACC)

Như vậy, ROIC cao là tốt, vậy ROIC cao bao nhiêu là tốt?

Và mốc đánh giá để biết được ROIC (Return on Invested Capital) có tốt hay không, chúng ta sẽ so sánh ROIC với chính “chi phí sử dụng vốn bình quân” WACC của doanh nghiệp đó.

  • ROIC > WACC: doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tạo ra từ vốn đầu tư lớn hơn chi phí vốn mà công ty huy động.
  • ROIC < WACC: doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả, chi phí huy động vốn đang cao hơn lợi nhuận mà công ty tạo ra.

Việc duy trì ROIC > WACC là điều mà doanh nghiệp hướng tới, dù xu hướng dài hạn là chênh lệch này sẽ càng thấp dần, khi ngày càng nhiều đối thủ tham gia và cạnh tranh kéo giảm biên lợi nhuận xuống.

Ứng dụng ROIC trong đầu tư chứng khoán

Sử dụng ROIC (Return on Invested Capital) để đánh giá doanh nghiệp

ROIC là một chỉ số quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra được những đánh giá về doanh nghiệp. Khi ROIC cao và lớn hơn WACC cho thấy mức độ hiệu quả trong sử dụng vốn và khả năng sinh lời cho cổ đông của doanh nghiệp.

ROIC cao cũng thường cho thấy Dòng tiền tự do (free cash flow) của doanh nghiệp tốt. Với dòng tiền mạnh mẽ, công ty có thể tái đầu tư, mở rộng dự án, trả cổ tức, giảm bớt nợ,… từ đó làm tăng sức mạnh tài chính dài hạn, và đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

So sánh các doanh nghiệp cùng ngành

Các doanh nghiệp khác nhau thì có cấu trúc vốn khác nhau, các ngành khác nhau thì cấu trúc vốn của ngành còn khác nhau nữa do đặc thù từng ngành. Có những ngành cần đầu tư tài sản lớn như hóa chất, thép,… để có lợi thế quy mô thì sẽ khác các doanh nghiệp thương mại, bán lẻ,..

Do đó, ROIC (Return on Invested Capital) không được dùng để so sánh các ngành khác nhau, mà chỉ được dùng để so sánh các doanh nghiệp cùng ngành. Khi đó, ROIC sẽ hữu ích giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định phân bổ tài sản. Với các doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng điều kiện rủi ro và môi trường kinh doanh thì nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có ROIC cao nhất.

Kết hợp ROIC với các chỉ số tài chính khác

ROIC cung cấp cho nhà đầu tư nhiều thông tin hữu ích, nhưng chưa đủ. Do đó, việc kết hợp thêm các chỉ số tài chính khác là cần thiết để có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động và quản lý tài chính của doanh nghiệp.

Ở đây, hãy cùng Stock Insight sử dụng kết hợp chỉ số ROIC với ROA (Return on Assets) và ROE (Return on Equity).

>> Xem thêm: ROA là gì? Giải mã chi tiết công thức tính và ứng dụng trong đầu tư chứng khoán

ROE – giúp đo lường tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, nhưng không đánh giá hiệu quả của vốn vay.

ROA – cho  biết mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản, nhưng ROA không cho biết nguồn tài trợ cho tài sản là vốn vay hay vốn chủ sở hữu.

  • ROIC > ROE > ROA: Đây là tín hiệu tích cực, khi ROIC cao hơn ROE, ROA cho thấy công ty sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đồng thời sử dụng tốt tài sản và vốn chủ sở hữu. Đây là dấu hiệu công ty có sự quản lý tài chính tối ưu, cả vốn chủ và vay nợ.
  • ROE > ROIC> ROA: Đây là dấu hiệu của một công ty sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. ROE cao hơn ROIC, ROA có thể tới từ vay nợ cao, do  đó, nhà đầu tư cần xem xét lại khả năng thanh toán nợ và rủi ro tài chính dài hạn.
  • ROA > ROIC> ROE: Đây là dấu hiệu của công ty sử dụng nợ vay thấp. ROA cao hơn ROIC, ROE cho thấy lợi nhuận từ tài sản, nhưng sử dụng vốn chưa hiệu quả, hoặc chưa tối ưu hóa nguồn vốn.
  • ROA, ROE, ROIC đều thấp: Đây là trường hợp tiêu cực, cho thấy công ty gặp khó khăn trong việc quản lý vốn cũng như tài sản, đồng thời không tạo ra giá trị cho cổ đông.

Lưu ý khi sử dụng ROIC trong đầu tư

ROIC (Return on Invested Capital) nên theo dõi trong một thời gian dài để phản ánh đúng hiệu quả lâu dài, do ngắn hạn, ROIC có thể bị ảnh hưởng bởi đột biến về doanh thu hay chi phí trong một khoảng thời gian ngắn.

ROIC bị ảnh hưởng bởi các quyết định kế toán, như việc tăng giảm thời gian khấu hao tài sản, định giá hàng tồn kho hay phương pháp xử lý thuế,… Từ đó dẫn tới kết quả ROIC ở các công ty là không nhất quán với nhau. Do đó, cần xem xét điều chỉnh để có thể so sánh ROIC giữa các công ty với nhau.

Xem xét ROIC trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, như doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng liên tục mở rộng sẽ có ROIC thấp. Các khoản đầu tư sẽ chưa mang lại lợi nhuận ngay, nhưng sẽ đóng góp vào tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp.

Cần sử dụng ROIC kết hợp với các chỉ số tài chính khác để có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp.

Kết luận

Áp dụng ROIC (Return on Invested Capital) vào đánh giá doanh nghiệp giúp nhà đầu tư có cái nhìn chuẩn xác về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ROIC cần sử dụng  kết hợp với các chỉ số tài chính khác để có cái nhìn toàn diện.

Quý độc giả có thể tham khảo thêm các chỉ số khác như ROE, ROA,… tại Stock Insight. Ngoài ra, quý nhà đầu tư cũng có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu nhé!

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

giao dịch với phân kỳ ẩn

Giao dịch với phân kỳ ẩn – Stock Insight

Định nghĩa về phân kỳ ẩn Để có thể hiểu về khái niệm phân kỳ ẩn, chúng ta cần phải xác định thế nào là phân kỳ. Hiện tượng phân...

chứng khoán cơ sở

Chứng khoán cơ sở là gì? Mối liên hệ giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh

  Chứng khoán cơ sở là gì? Chứng khoán cơ sở là một loại chứng khoán được phát hành bởi các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán....

Hướng dẫn bán Cổ phiếu lẻ trực tuyến

Hướng dẫn bán Cổ phiếu lẻ trực tuyến

Bán cổ phiếu lẻ trực tuyến đã trở thành một lựa chọn phổ biến và tiện lợi cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Với sự phát...