ROA là gì? Giải mã chi tiết công thức tính và ứng dụng trong đầu tư chứng khoán
Mục Lục
Chỉ số ROA là gì?
ROA (Return on Assets) là một chỉ số được dùng để tính toán khả năng sinh lợi của một công ty so với tài sản họ có. Tài sản của một doanh nghiệp bao gồm tất cả các nguồn lực mà doanh nghiệp đó sở hữu hoặc kiểm soát, dựa vào đó mà tạo ra các giá trị kinh doanh.
ROA là chỉ số rất quan trọng để các nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu chính xác. Nhờ vào ROA, nhà đầu tư sẽ biết được mức độ hiệu quả của một công ty trong việc biến vốn đầu tư thành lợi nhuận.
Ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán
Chỉ số này cho biết số vốn sở hữu mà một công ty dùng để kinh doanh sẽ thu về được bao nhiêu lợi nhuận ròng.
Đối với chủ doanh nghiệp
Chỉ số ROA phản ánh mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. ROA sẽ được dùng để so sánh giữa các thời kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc với các doanh nghiệp đối thủ. Chỉ số ROA càng cao có nghĩa là doanh nghiệp sử dụng tài sản càng hiệu quả.
Cụ thể, nếu ROA cao thì công ty có xu hướng tiếp tục đẩy mạnh chiến lược kinh doanh hiện tại, ngược lại thì sẽ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến chỉ số ROA không tích cực ( Lợi nhuận sau thuế hay tổng tài sản). Từ đó đề xuất các phương án đổi mới để cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty.
Đối với các nhà đầu tư
Thông thường, công ty có khả năng sinh lời cao đối với nhà đầu tư cá nhân là những công ty có chỉ số ROA cao hơn so với các công ty cùng ngành. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng hay so sánh chỉ số ROA của công ty mục tiêu ở thời điểm hiện tại và trong quá khứ để đánh giá mức tăng trưởng – sự mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với ngân hàng cho vay
Đối với ngân hàng cho vay, chỉ số ROA thể hiện tình hình kinh doanh của một công ty. Dựa vào ROA, các ngân hàng sẽ đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp để xem có nên cho công ty này vay vốn hay không.
Công thức tính
Công thức như sau:
Chỉ số ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản x 100% |
Trong đó:
Lợi nhuận sau thuế = Tổng thu – Tổng chi – Thuế TNDN |
Chú thích: Tổng tài sản là tổng giá trị tài sản công ty sở hữu tại thời điểm xác định, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính, các khoản phải thu, tài sản cố định, hàng tồn kho, bất động sản đầu tư và tài sản khác.
Đơn vị tính của chỉ số ROA là phần trăm (%).
Ví dụ: Doanh nghiệp có vốn sở hữu là 50 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 3 tỷ. Dựa trên công thức, ta có được chỉ số ROA như sau: ROA = (3/50) x 100% = 6%
Sử dụng chỉ số ROA như thế nào cho hiệu quả ?
Chỉ số ROA là một công cụ đơn giản và dễ sử dụng để đánh giá hoạt động kinh doanh và hiệu suất của doanh nghiệp. Những nhà đầu tư mới có thể áp dụng nó khi phân tích cổ phiếu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ROA chỉ phản ánh một khía cạnh của doanh nghiệp và không thể thay thế cho cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính. Để đưa ra quyết định đầu tư chính xác, việc kết hợp với các chỉ số khác là cần thiết.
Đồng thời, do lợi nhuận công ty thường biến động, việc đánh giá ROA trong thời gian dài hơn sẽ mang lại cái nhìn chi tiết hơn. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với việc công ty có thể tinh chỉnh ROA bằng cách sử dụng các phương pháp kế toán.
Chỉ số ROA bao nhiêu là tốt?
Thường thì ROA trên 5% thường được coi là mức độ hiệu suất tốt, và mức trên 20% được xem là xuất sắc. Tuy nhiên, quan trọng nhất là so sánh ROA giữa các công ty hoạt động trong cùng ngành để có cái nhìn chính xác hơn về hiệu suất tài chính.
Ví dụ, trong trường hợp một công ty phần mềm có ít tài sản trên bảng cân đối kế toán so với một công ty sản xuất ô tô, ROA của công ty phần mềm có thể tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là xấu, vì ngành công nghiệp phần mềm thường có chi phí tài sản thấp hơn. Do đó, quan trọng là hiểu rằng mức ROA tốt hay không phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể của từng ngành và công ty.
Mối quan hệ giữa chỉ số ROE và chỉ số ROA
Các nhà đầu tư kinh nghiệm thường sẽ chú trọng ROE hơn là ROA vì chỉ số ROE phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa số vốn bỏ ra và lợi nhuận thu về của các nhà đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng nếu ROE cao khi mà ROA thấp có nghĩa là khả năng sử dụng nợ của doanh nghiệp không hiệu quả. Bởi vì:
Chỉ số ROE = Chỉ số ROA * Đòn bẩy tài chính |
Ví dụ: Giả sử có hai công ty A và B cùng hoạt động trong ngành công nghiệp và có cùng mức lợi nhuận thu được từ việc sử dụng tài sản (ROA = 10%). Tuy nhiên, doanh nghiệp A sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh mẽ hơn, có tỷ lệ đòn bẩy tài chính là 2, trong khi doanh nghiệp B chỉ có tỷ lệ đòn bẩy là 1.
Áp dụng công thức: ROE = ROA * Đòn bẩy tài chính, chúng ta có:
- ROE của công ty A: 10% * 2 = 20%
- ROE của công ty B: 10% * 1 = 10%
Mặc dù cả hai công ty đều có cùng mức ROA, nhưng do sử dụng đòn bẩy tài chính khác nhau, ROE của công ty A cao hơn nhiều so với ROE của công ty B
Kết luận
Chỉ số ROA là một chỉ số không thể thiếu khi đánh giá một doanh nghiệp. Để có thể sử dụng chỉ số ROA một cách thực sự hiệu quả, các nhà đầu tư có thể tham gia mở tài khoản chứng khoán online trên HSC để tham khảo thêm những bài phân tích chất lượng về ngành và doanh nghiệp.