Quy tắc 6 hũ tài chính giúp bạn quản lý tài chính thông minh

Ngày đăng: 14/07/2024 lượt xem

Quy tắc “6 hũ tài chính” là một phương pháp thông minh và dễ áp dụng, giúp phân bổ thu nhập một cách khoa học, phương pháp này chia thu nhập hàng tháng thành sáu hũ tài chính với các tỷ lệ phần trăm khác nhau. Trên hành trình xây dựng tài chính cá nhân, kiếm tiền và tiết kiệm thôi là chưa đủ, cách phân bổ chi tiêu như nào cũng đóng một phần quan trọng. Ở bài viết này, Stock Insight sẽ cùng bạn tìm hiểu và áp dụng quy tắc “6 hũ tài chính” để quản lý tiền bạc hiệu quả và xây dựng tài chính cá nhân. 

6 hũ tài chính

Quy tắc 6 hũ tài chính là gì? Lợi ích của việc áp dụng chúng sẽ như thế nào?

Định nghĩa quy tắc 6 hũ tài chính

Quy tắc 6 hũ tài chính là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân được phát triển bởi T. Harv Eker, một chuyên gia tài chính và tác giả nổi tiếng. Phương pháp này chia thu nhập hàng tháng thành sáu phần, mỗi phần được dành cho một mục đích cụ thể nhằm giúp kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm, và đầu tư một cách hiệu quả.

Quy tắc 6 hũ tài chính được T. Harv Eker giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú” (Secrets of the Millionaire Mind), xuất bản năm 2005. Eker đã phát triển phương pháp này dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những nghiên cứu của ông về các thói quen tài chính của những người thành công. T. Harv Eker là một doanh nhân, diễn giả và tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính cá nhân và phát triển bản thân. Sinh ra tại Toronto, Canada. Ông được biết đến với những bài giảng đầy cảm hứng và các cuốn sách bán chạy về cách tư duy và quản lý tài chính.

Lợi ích của quy tắc 6 hũ tài chính

Bằng cách chia thu nhập của mình vào 6 hũ với các mục đích khác nhau, bạn có thể kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm, và đầu tư một cách hiệu quả. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của quy tắc này:

  • Giúp quản lý tài chính hiệu quả, tránh tình trạng chi tiêu hoang phí: Bằng cách chia thu nhập thành sáu hũ với các tỷ lệ phần trăm cụ thể, quy tắc 6 hũ tài chính giúp kiểm soát chi tiêu một cách chặt chẽ. Mỗi hũ đều có mục đích riêng, giúp phân bổ tiền bạc hợp lý cho các nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm, đầu tư, từ thiện và chi tiêu cá nhân. Điều này giúp tránh tình trạng chi tiêu hoang phí, đảm bảo rằng bạn luôn có đủ tiền cho những nhu cầu quan trọng nhất.
  • Tạo thói quen tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính hợp lý: Với việc dành riêng một phần thu nhập cho tiết kiệm dài hạn và đầu tư, sẽ dần hình thành thói quen tiết kiệm đều đặn. Đồng thời, việc lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm sẽ mang lại cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của mình, từ đó có thể  lập ra những mục tiêu tài chính rõ ràng và khả thi.
  • Giúp đạt được mục tiêu tài chính nhanh chóng và dễ dàng hơn: Việc phân chia thu nhập vào các hũ như 6 hũ tài chính sẽ dễ dàng theo dõi tiến trình đạt được những mục tiêu tài chính lớn như: mua nhà, mua xe hay kế hoạch nghỉ hưu sớm… Trong quá trình này có thể điều chỉnh tỷ lệ các hũ để nhanh đạt được mục tiêu tài chính hơn.
  • Mang lại cảm giác an tâm và tự tin về tài chính cá nhân: Một trong những lợi ích quan trọng nhất của quy tắc 6 hũ tài chính là mang lại cảm giác an tâm và tự tin về tình hình tài chính cá nhân. Khi bạn có một kế hoạch tài chính rõ ràng và biết cách quản lý tiền bạc một cách hiệu quả, bạn sẽ không còn lo lắng về việc thiếu hụt tài chính trong những tình huống khẩn cấp. Điều này giúp bạn tập trung vào các khía cạnh khác của cuộc sống mà không bị căng thẳng về tiền bạc.

Chi tiết về 6 hũ tài chính 

Quy tắc 6 hũ tài chính hướng dẫn chia thu nhập thành 6 hũ, với mục đích rõ ràng từ ban đầu. Chi tiết 6 chiếc hũ tài chính như sau: 

6 hũ tài chính

Hũ 1: Nhu cầu thiết yếu (55%)

Mục đích: Hũ này được dùng cho những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đây là những chi tiêu không thể lược bỏ.

Cách phân bổ và quản lý hũ 1:

  • Phân bổ: đây là hũ đầu tiên phải lấp đầy trong 6 hũ tài chính, và hơn 50% thu nhập sẽ được phân bổ vào hũ này. Bao gồm các chi tiêu cơ bản để duy trì cuộc sống, như tiền thuê nhà, tiền lãi mua nhà, tiền điện nước, thực phẩm, xăng xe, chi tiêu khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
  • Quản lý: Để quản lý hũ này hiệu quả, bạn nên lập danh sách các khoản chi tiêu hàng tháng và theo dõi chúng một cách cẩn thận. Điều này giúp bạn nhận biết được những khoản chi tiêu không cần thiết và điều chỉnh kịp thời để duy trì trong ngân sách.

Hũ 2: Tiết kiệm dài hạn (10%)

Mục đích: Hũ này sẽ được sử dụng cho các mục tiêu về dài hạn, như mua nhà, mua các tài sản có giá trị khác (ở đây đề cập tới các tài sản mà sẽ là công cụ để tạo ra tiền), những kế hoạch học tập cho con cái ở tương lai (như du học), nghỉ hưu…

Ví dụ: tài sản có giá trị lớn như xe hơi, trong trường hợp mua để sử dụng nó cho mục đích kinh doanh thì nó sẽ nằm trong mục này, còn nếu mục đích đi lại hoặc sở thích thì nó sẽ nằm ở Hũ 4. 

Lợi ích của việc trích quỹ:

  • An tâm về tài chính: Quỹ này trong 6 hũ tài chính sẽ là khoản dự phòng cho những sự kiện lớn hay tình huống khẩn cấp, cũng như công việc không được như ý trong tương lai. 
  • Tạo nền tảng tài chính vững chắc: khi mua tài sản lớn thì sẽ khiến chi tiêu tháng đó, năm đó vượt mức, hoặc có thể dẫn tới thiếu hụt. Nên việc có quỹ tiết kiệm dài hạn sẽ giúp những quyết định mua tài sản lớn này dễ dàng hơn. 

Hũ 3: Giáo dục và phát triển bản thân (10%)

Mục đích: Hũ này dùng để đầu tư vào học hành, phát triển kỹ năng và nâng cao kiến thức. Trong 6 hũ tài chính thì đây chính là hũ tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân.

Ví dụ về các khoản đầu tư vào giáo dục: 

  • Khóa học và đào tạo: có thể đăng ký những khóa học nâng cao kỹ năng, kiến thức bổ sung cho công việc hiện tại.
  • Sách và tài liệu học tập: Mua sách, tài liệu học tập, hoặc các sản phẩm số liên quan đến lĩnh vực bạn muốn phát triển.

Hũ 4: Giải trí và hưởng thụ (10%)

Mục đích: Hũ này dành cho các hoạt động giải trí, du lịch, và sở thích cá nhân.

Cách cân bằng giữa tiết kiệm và hưởng thụ:

  • Kế hoạch chi tiêu: Lên kế hoạch cho các hoạt động giải trí hoặc sở thích mang lại những giá trị tinh thần, nhưng cần đảm bảo rằng chúng nằm trong giới hạn ngân sách 10%.
  • Kiểm soát chi tiêu: Theo dõi chi tiêu trong hũ này để tránh việc chi tiêu quá mức và ảnh hưởng đến các hũ tài chính khác. 
  • Hũ này có thể giảm tỷ lệ khi hũ tiết kiệm dài hạn có những kế hoạch mua tài sản lớn, như mua nhà, để hoàn thành mục tiêu nhanh hơn. Nhưng không được bỏ hoàn toàn chiếc hũ giải trí và hưởng thụ này.

Hũ 5: Đầu tư (10%)

Mục đích: Tập trung đầu tư vào các tài sản tài chính, như Cổ phiếu, bất động sản, vàng,… hoặc một số hình thức đầu tư khác. Nhằm xây dựng những nguồn thu nhập khác ngoài kênh thu nhập từ lương bắt nguồn bởi 1 trong 6 hũ tài chính

Lợi ích và cách bắt đầu đầu tư:

  • Tăng trưởng tài chính: Đầu tư giúp tiền của bạn sinh lời và tăng trưởng theo thời gian, tạo ra nguồn thu nhập thụ động.
  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Bắt đầu bằng cách tìm hiểu và tham gia các kênh đầu tư khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, hoặc bất động sản.

Hũ 6: Từ thiện và cho đi (5%)

Mục đích: Hũ này dành cho việc quyên góp cho từ thiện, giúp đỡ người khác và đóng góp vào cộng đồng. Ngoài ra, hũ này cũng có thể dùng ưu tiên để gửi cho bố mẹ, ông bà đối với những gia đình không có điều kiện kinh tế mạnh. 

Tầm quan trọng của việc cho đi trong quản lý tài chính:

  • Góp phần xây dựng cộng đồng: Việc quyên góp và giúp đỡ người khác giúp cải thiện cuộc sống của những người xung quanh và tạo ra một cộng đồng vững mạnh.
  • Gắn kết gia đình: biểu hiện của sự hiếu thảo, giúp gia đình yêu thương nhau và gắn kết hơn. Cũng như tạo tấm gương tốt cho con cái trong gia đình. 
  • Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh: Việc cho đi giúp mang lại cảm giác thỏa mãn cho bản thân.

Một số lưu ý khi áp dụng Quy tắc 6 hũ tài chính

Ai cũng biết ưu điểm của việc chia nhỏ ngân sách để tối ưu hóa quá trình quản lý. Vậy cần lưu ý điều gì khi áp dụng quy tắc 6 hũ tài chính?

  • Nếu tài chính cá nhân hiện đang không thể chia thành 6 hũ do các khoản nợ đang quá lớn. Thì cần tính toán lại khoản tiền cần thanh toán hàng tháng, ưu tiên giảm các khoản nợ lãi cao trước. Cũng có thể tìm cách đảo các khoản nợ lãi cao này qua các khoản nợ có lãi thấp hơn. Trước khi có thể áp dụng 100% quy tắc thì hãy bắt đầu trước hết với thực hành thói quan chi tiêu hợp lý.
  • Linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ phần trăm cho các hũ tài chính phù hợp với hoàn cảnh cá nhân: Mỗi người có một hoàn cảnh tài chính riêng, vì vậy không có một phương án phân bổ phần trăm hũ tài chính nào phù hợp tuyệt đối cho tất cả mọi người. Hãy linh hoạt và điều chỉnh tỷ lệ phần trăm cho từng hũ sao cho phù hợp với thu nhập và các mục tiêu tài chính cá nhân của bạn.
    • Quỹ nhu cầu thiết yếu và quỹ hưởng thụ không nhất thiết phải chi hết sau khi phân bổ tiền vào, cuối tháng dư lại thì phân bổ phần này vào quỹ đầu tư hoặc tiết kiệm dài hạn. Nếu thu nhập quá cao thì có thể điều chỉnh giảm 2 quỹ về tỷ lệ phù hợp hơn.
    • Quỹ tiết kiệm dài hạn: sau khi quỹ này đạt số tiền mục tiêu, có thể thiết lập lại mục tiêu mới hoặc tạm phân bổ tỷ lệ của hũ này vào hũ đầu tư để tăng tỷ lệ cho các kênh đầu tư. Khi hũ tiết kiệm dài hạn bị giảm thì quay lại bỏ thêm vào.
  • Kỷ luật và kiên trì thực hiện Quy tắc trong thời gian dài: Quy tắc 6 hũ tài chính yêu cầu sự kỷ luật và kiên trì để thực hiện một cách hiệu quả. Bạn cần có khả năng tự kiểm soát và giữ vững phương pháp này suốt quá trình quản lý tài chính.
  • Thường xuyên đánh giá và điều chỉnh kế hoạch tài chính khi cần thiết: Theo dõi và đánh giá lại kế hoạch tài chính hàng tháng hoặc hàng năm để đảm bảo rằng bạn vẫn đang đi đúng hướng và có thể thay đổi phần trăm phân bổ giữa các hũ tài chính khi cần thiết.

Kết luận 

Quy tắc 6 hũ tài chính không chỉ là hướng dẫn phân bổ thu nhập, mà là công cụ để điều chỉnh chi tiêu hợp lý, khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và làm từ thiện. Việc áp dụng quy tắc mang lại tài chính bền vững, sự an tâm về tương lai trong điều kiện đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh. Các bạn có thể đọc thêm các bài viết liên quan về chủ đề tài chính cá nhân tại Stock Insight để nâng cao khả năng quản lý tài chính của mình.

Nguyễn Thị Vui
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Đầu tư tài chính

Đầu tư tài chính là gì? Các chiến lược đầu tư hiệu quả cho người mới bắt đầu

Đầu tư tài chính không chỉ giúp gia tăng tài sản mà còn mang lại sự ổn định và an tâm trong tương lai. Đối với những người mới bắt...

Room tín dụng là gì?

Room tín dụng là gì? Các quy định hạn mức room tín dụng ngân hàng

Room tín dụng là gì? Room tín dụng là một nguồn vốn cụ thể và có hạn mức mà một tổ chức tài chính như ngân hàng có sẵn để...

trái phiếu chính phủ là gì

Trái phiếu chính phủ là gì? 8 Quy chế về việc phát hành

Trái phiếu chính phủ là gì? Trái phiếu chính phủ (Government bond) là công cụ tài chính mà nhà nước phát hành để vay tiền từ các nhà đầu tư....