Pump là gì? Tác động của bơm thổi trong thị trường hiện nay

Ngày đăng: 26/12/2024 lượt xem

Thị trường tài chính vốn dĩ tồn tại nhiều cạm bẫy, một trong số chúng hình thành dựa trên trạng thái thông tin bất cân xứng (asymmetric information). Điều này xảy ra khi trong giao dịch, một bên có thông tin đầy đủ hơn và chất lượng thông tin tốt hơn so với bên (các bên) còn lại. Lợi dụng điều đó, một số cá nhân, tổ chức có động thái thao túng, bơm thổi (pump) cổ phiếu cả về khối lượng, giá trị giao dịch lẫn về các thông tin ở phương diện truyền thông.

Từ đó tạo ra lượng cung – cầu ảo trên thị trường. Dẫn đến hệ quả là tình trạng “bong bóng chứng khoán”, đưa cổ phiếu vượt xa giá trị nội tại của nó và tiến dần lên nguy cơ đổ vỡ.

Pump là gì?

Pump (bơm thổi) là một cạm bẫy phổ biến trong đầu tư, thường xuyên diễn ra trên thị trường tài chính được phản ánh qua hai khía cạnh: khối lượng và tin tức. Lợi dụng hệ thống thông tin không rõ ràng và sự thiếu minh bạch trên thị trường (đặc biệt là thị trường cận biên và thị trường mới nổi), một số đối tượng đã gom mua vào lượng lớn cổ phiếu (thường là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tạo ra lượng cung – cầu ảo trên thị trường.

Theo sau là hàng loạt các động thái: bơm tin tức, định hướng dư luận bằng những thông tin tích cực liên quan đến triển vọng của doanh nghiệp đó trên nhiều phương diện truyền thông. 

Từ đó, tạo cảm giác rằng cổ phiếu đó thật sự có triển vọng, làm nhiễu phán đoán của nhà đầu tư. Trong khi, một trong những yêu cầu cơ bản đối với một môi trường tài chính lành mạnh là luôn đảm bảo minh bạch thông tin. Nhà đầu tư cần dựa trên thông tin đó để phân tích, giao dịch và chịu trách nhiệm trên chính quyết định của mình.

Cách thức hoạt động của bơm thổi

Bơm thổi được hình thành qua hai giai đoạn: Mua gom và thổi giá.

Tại giai đoạn mua gom, những cổ phiếu được chọn để pump thường là dòng penny (vốn hóa nhỏ, chưa có nhiều sự chú ý của thị trường, thông tin được công bố còn hạn chế). “Cá mập”, cũng chính là người tạo ra bẫy này sẽ mua dần cổ phiếu khi chúng ở giá rất thấp hoặc trong một số trường hợp đó là cổ phiếu của doanh nghiệp do chính họ làm chủ.

Tiếp đến là bơm tin và thổi giá, dễ dàng nhận thấy điều này trên các phương tiện truyền thông. Trong thời đại số hóa, thông tin được truyền đi một cách nhanh chóng và rộng rãi, sẽ dễ dàng tạo được sự chú ý cho giới đầu tư. Cùng lúc đó, giá cổ phiếu không ngừng tăng lên nhưng thanh khoản sẽ giảm dần vì đây là giai đoạn “cá mập” phân phối cổ phiếu đã gom ra thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và thu lại một khoản lợi nhuận rất lớn từ chênh lệch giá.

Mối liên hệ giữa “pump” và “pump and dump”

Pump & Dump là một cạm bẫy trong đầu tư, xảy ra khi một hoặc một nhóm cá nhân liên kết với nhau thao túng một cổ phiếu, đưa giá của nó lên cao bất thường hòng thu lợi một cách bất chính. Hiện tượng này diễn ra một cách nhanh chóng và có thể để lại nhiều tổn thất nghiêm trọng cho nhà đầu tư nếu không sớm nhận ra. 

Tác động của bơm thổi trong thị trường hiện nay

Pump có thể dẫn đến sự biến động mạnh mẽ của giá cả, làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trong bối cảnh thông tin bất cân xứng. Hành vi bơm thổi tạo ra bong bóng tài chính, nơi giá tài sản bị đẩy lên vượt xa giá trị thực, dẫn đến sự sụp đổ khi bong bóng vỡ. Sự đổ vỡ trên thị trường tài chính kéo theo sự đổ vỡ trong niềm tin của nhà đầu tư.

Tâm lý hoài nghi hình thành dẫn đến hệ lụy theo sau là sự đánh đồng lên tất cả các doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp làm ăn minh bạch và chân chính cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Pump & Dump là những nhân tố làm nhiễu phán đoán, bào mòn niềm tin của nhà đầu tư. Họ không thể sử dụng những tính toán và khả năng phân tích vượt trội của mình để ra quyết định một cách chính xác. Tâm lý bất an, chán nản tất yếu dẫn đến việc rút vốn khỏi thị trường. Điều đó không chỉ xảy ra ở cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, kiềm hãm đáng kể sự phát triển của thị trường.

Ví dụ về tác động của pump trong thực tế

Giá trị cổ phiếu hình thành dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp và kỳ vọng của giới đầu tư. Khi mà đại dịch Covid-19 đi qua đã thổi bùng lên ngọn lửa kỳ vọng về sự hồi phục của các doanh nghiệp. Kỳ vọng về trạng thái “bình thường mới” giúp nhà đầu tư có niềm tin rằng triển vọng tương lai của nền kinh tế sẽ được phản ánh qua thị trường chứng khoán.

Chính vì thế, những năm 2020-2021 được xem là giai đoạn “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính thế giới nói chung. Lợi dụng thời cơ đó, cũng là lúc “kềnh kềnh sau bão” xuất hiện.

Nhắc đến những phi vụ pump & dump rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể không kể đến CTCP Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là một bài học thực tế, trực quan, điển hình về hiện tượng bơm thổi và kéo xả. Cùng đối chiếu lại giao dịch của FLC sẽ dễ dàng nhận thấy trong giai đoạn tháng 4/2020 đến đầu năm 2021, cổ phiếu này giao dịch không quá nổi bật cả về giá lẫn về thanh khoản.

Khối lượng giao dịch bình quân 7 triệu cổ phiếu/ngày, với giá dao động quanh vùng 2,500-4,000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, lãnh đạo của doanh nghiệp cũng liên tục đăng ký và mua vào. Điều này tương ứng với giai đoạn 1 – mua gom trong bẫy pump & dump (Nguồn: CafeF)

Pump - Giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn năm 2020 - 2021
Giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn năm 2020 – 2021 (Nguồn CafeF)

Theo sau đó là hàng loạt các động thái truyền thông về những triển vọng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp. Các thông tin tích cực được lan truyền rộng rãi trên khắp các diễn đàn, trang web, hội nhóm và cả trên những mặt báo giới đầu tư vẫn thường dùng để tham khảo. Nổi cộm trong số đó là “cái bắt tay” cùng nhau hướng đến một giai đoạn phát triển mới của FLC và Tân Hoàng Minh (một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng khác lúc bấy giờ và giờ đây cũng đã rơi vào vòng lao lý) hay FLC “bẻ lái” lợi nhuận, chuyển từ lỗ sang lãi. 

Từng quân bài liên tiếp được đưa ra đã thành công thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, hoàn thiện quá trình bơm tin. Cùng lúc đó, giá cổ phiếu được pump liên tục, vượt khỏi vùng kháng cự, tiến thẳng một mạch từ 5,000VND/cp lên thẳng 13,000VND/cp.

Khi cổ phiếu đã nằm trong watchlist của nhà đầu tư thì từng động thái giao dịch đều được quan sát. Việc giá tăng liên tục chắc chắn sẽ gây áp lực lên tâm lý sợ bỏ lỡ của nhà đầu tư, chưa kể đến việc đội ngũ của ông Quyết dùng nhiều tài khoản chứng khoán để mua – bán cổ phiếu FLC, tạo cung – cầu ảo trên thị trường.

Truyền thông vẫn tiếp tục làm việc, những chiếc bánh vẽ vẫn hiện diện mỗi ngày, nhà đầu tư say trong cơn sóng cho đến khi giá cổ phiếu đạt đến mức mà “kền kền” mong muốn (24,000VND/cp), thì cũng là lúc “nhạc dừng” – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC, niêm yết tại HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo. Đây cũng là một pha dump điển hình, làm bàng hoàng cả cổ đông của FLC lẫn toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Pump là gì - Mô tả quá trình pump & dump của cổ phiếu FLC
Mô tả quá trình pump & dump của cổ phiếu FLC

Cách phòng tránh và ứng phó với bơm thổi

Pump & Dump thực chất lợi dụng tâm lý sợ bỏ lỡ của nhà đầu tư, nhất là trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, gây ra những thiệt hại nặng nề.

  • Để ứng phó với bẫy này cần quan sát động thái của dòng tiền để đánh giá xu hướng và không bị cuốn theo tâm lý đám đông.
  • Nếu giá liên tục tăng nhưng thanh khoản kém rất có thể đây là bẫy tăng giá.
  • Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần giữ tỉnh táo trước những thông tin vốn dĩ đang tràn lan trên thị trường.

Chúng ta cần tập trung vào giá trị nội tại của doanh nghiệp, với một đội ngũ lãnh đạo uy tín, doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và đề cao tính minh bạch trong công bố thông tin.

Kết luận

Pump & Dump thường xảy ra với những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, doanh nghiệp không tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, vốn hóa thị trường ở mức thấp, thanh khoản kém. Việc cảnh giác với những doanh nghiệp như trên sẽ giúp bạn hạn chế được rủi ro trở thành con mồi cho những đợt bơm xả. Nhận diện rủi ro là một kỹ năng rất cần thiết cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Nếu chúng ta không hiểu biết về nó, thì đó sẽ là rủi ro.

Nhưng nếu chúng ta có kiến thức về nó, đó chính là cơ hội. Pump & dump thật sự nguy hiểm khi chúng ta hoàn toàn không có khái niệm về nó để mình bị cuốn và say theo những cơn sóng.

Đức Phú
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

cách tính lãi lỗ

Cách tính lãi lỗ trong chứng khoán phái sinh bạn nên biết

Trong thị trường tài chính, chứng khoán phái sinh đóng một vai trò quan trọng và ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng để có được sự hiểu biết và...

MBB - Đại hội cổ đông 2024

MBB – Cập nhật Đại hội đồng cổ đông 2024

Ngày 19.04.2024, MBB tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên với các nội dung chính như sau: Kế hoạch năm 2024 với các mục tiêu khá thận...

Cổ phiếu phân bón là gì? Danh sách các mã hiện có tại Việt Nam

Cổ phiếu ngành phân bón (cổ phiếu phân bón) là nhóm cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Vậy đặc điểm cổ phiếu phân bón là...