Phố Wall là gì? Bí mật đằng sau vị thế trung tâm tài chính của thế giới

Ngày đăng: 03/07/2025 lượt xem

Phố Wall là gì? Phố Wall (Wall Street) là một con phố nằm tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Con phố này được cộng đồng tài chính toàn cầu xem là “đại bản doanh”, biểu tượng sức mạnh của thị trường tài chính và sự kết nối toàn cầu. Trong bài viết này, Stock Insight sẽ cung cấp đầy đủ và chi tiết thông tin về Phố Wall với các điểm nhấn về lịch sử, vai trò và tương lai của nó.

Phố Wall là gì? Vị trí và những mốc lịch sử quan trọng

Phố Wall là gì?

Phố Wall là một con phố ở khu tài chính thuộc Hạ Manhattan tại Thành phố New York, Hoa Kỳ. Con phố này trải dài tám dãy nhà, từ Broadway ở phía tây đến Phố South và Sông East ở phía đông. Thuật ngữ “Phố Wall” đã trở thành một phép ẩn dụ cho thị trường tài chính – đặc biệt là ngành dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ, và rộng hơn là toàn thế giới. Nơi đây tập trung trụ sở của nhiều tổ chức tài chính hàng đầu nước Mỹ và thế giới, được xem là trung tâm tài chính và công nghệ tài chính toàn cầu.

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ những năm 1660, những người Hà Lan ban đầu gọi Phố Wall là “Het Cingel”. Năm 1686, sau khi người Anh chiếm được vùng đất này, họ đổi tên nơi đây thành Phố Wall. Khi mới hình thành, khu vực này là trung tâm buôn bán nô lệ, dưới sự kiểm soát của chính quyền New York.

Đến cuối thế kỷ 18, Phố Wall đã trở thành nơi tụ họp của các nhà đầu cơ và giao dịch chứng khoán. Cũng trong giai đoạn này, Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) được hình thành.

Việc mở kênh đào Erie vào đầu thế kỷ 19 đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho hoạt động kinh doanh tại thành phố New York, bởi đây là cảng biển duy nhất ở bờ Đông có thể kết nối trực tiếp bằng đường thủy nội địa đến các cảng thuộc khu vực Ngũ Đại Hồ. Phố Wall nhanh chóng trở thành “thủ đô tài chính của Hoa Kỳ”. Nhiều tòa nhà được xây dựng, các doanh nghiệp đổ về đây để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh riêng.

Bên cạnh đó, cuộc Nội chiến đã góp phần mở rộng đáng kể nền kinh tế miền Bắc, mang lại sự thịnh vượng cho các thành phố như New York. Thành phố nhanh chóng trở thành trung tâm ngân hàng của quốc gia, đóng vai trò kết nối giữa “thủ đô của Cựu Thế giới” và “khát vọng của Tân Thế giới”. Đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, New York chỉ xếp sau London với vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu.

Đầu thế kỷ 20 được xem là thời kỳ hoàng kim của Phố Wall. Các tổ chức tài chính hàng đầu quy tụ tại đây, thị trường chứng khoán sôi động, hoạt động kinh doanh phát đạt đã góp phần tô điểm cho diện mạo ngày càng rực rỡ và hào nhoáng của Phố Wall.

Trên đỉnh vinh quang là vực thẳm — điều này hoàn toàn đúng với Phố Wall trong giai đoạn 1929–1930. Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 đã mở ra cuộc Đại suy thoái, khiến một phần tư lực lượng lao động thất nghiệp. Các bếp ăn từ thiện mọc lên khắp nơi, hàng loạt trang trại bị tịch biên và giá cả lao dốc. Trong giai đoạn này, sự phát triển của khu Tài chính bị đình trệ, và Phố Wall “phải trả giá đắt” khi dần trở nên lạc hậu trong đời sống kinh tế – xã hội của người Mỹ.

Sau thời kỳ Đại suy thoái, dưới tác động của Thế chiến thứ hai, các cuộc khủng hoảng kinh tế nhỏ vào những năm 1970–1980, cùng với chính sách siết chặt quản lý thị trường tài chính tại Hoa Kỳ, vai trò của Phố Wall dần suy giảm và trở nên kém nổi bật hơn.

phố wall là gì
Một góc của Phố Wall. Nguồn WSJ

Bước vào đầu thế kỷ 21, Phố Wall phải đối mặt với hai cú sốc lớn mang tính tiêu cực: bong bóng Dotcom (năm 2000) và vụ khủng bố ngày 11/09/2001. Trước đó, vào cuối thế kỷ 20, sự bùng nổ của các công ty công nghệ cùng với làn sóng đầu tư vào lĩnh vực internet diễn ra ồ ạt, vượt xa nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp công nghệ bị đẩy vào áp lực nợ vay lớn, các lỗ hổng tài chính dần lộ diện, tạo tiền đề cho sự sụp đổ của thị trường.

Sau khi các sai phạm bị phanh phui, cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ bị bán tháo hàng loạt. Một số cái tên như Yahoo, Netscape,… mất tới 75–95% giá trị thị trường. Ngay cả những ông lớn như eBay, Amazon hay Priceline cũng phải đối mặt với khủng hoảng kéo dài, mất hơn một thập kỷ để phục hồi. Chỉ số NASDAQ lao dốc từ mức 5.000 điểm vào năm 2000 xuống chỉ còn khoảng 1.000 điểm vào năm 2002.

Ngày 11/09/2001, Tòa tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York bị khủng bố, gây ra thiệt hại trực tiếp nghiêm trọng đối với Phố Wall. Cuộc tấn công làm tê liệt mạng lưới truyền thông và phá hủy nhiều tòa nhà trong khu Tài chính. Ước tính có đến 45% không gian văn phòng hạng nhất tại đây bị mất. Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) quyết tâm mở cửa trở lại vào ngày 17/09, gần một tuần sau vụ tấn công.

Chưa dừng lại ở đó, từ năm 2006, nước Mỹ và Phố Wall bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng mới đang đến. Tỷ lệ thất nghiệp tăng dần, áp lực nợ vay từ các khoản thế chấp mua nhà bắt đầu xuất hiện, bong bóng bất động sản dần hình thành từ các khoản vay thế chấp không đủ tiêu chuẩn. 

Chỉ trong hai năm 2007 và 2008, hàng loạt ngân hàng và tổ chức tín dụng đã tuyên bố phá sản. Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng thời xảy ra hiện tượng mất giá tiền tệ trên diện rộng tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Hơn 10.000 tỷ USD giá trị tài sản “bốc hơi” và hơn 30 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu.

Nhờ những nỗ lực mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và chính quyền liên bang, đến năm 2010, các công ty tài chính tại Phố Wall đã dần phục hồi, lấy lại sự giàu có và thịnh vượng. Phố Wall tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế – tài chính hàng đầu thế giới cho đến ngày nay.

Các yếu tố tạo nên vị thế trung tâm tài chính của Phố Wall

Sự xuất hiện của Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Được thành lập vào năm 1792 ngay tại Phố Wall với sự tham gia của 24 nhà môi giới trong một thỏa thuận giao dịch ban đầu, Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) hiện là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, với tổng vốn hóa thị trường vượt 30 nghìn tỷ USD. Đây là trung tâm của thị trường chứng khoán toàn cầu và đóng vai trò kết nối dòng vốn xuyên quốc gia.

NYSE là nơi niêm yết của nhiều tập đoàn, tổ chức tài chính và tín dụng hàng đầu thế giới như JPMorgan Chase, Barclays, Goldman Sachs, Alibaba,… Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu, NYSE luôn đi đầu trong việc phát triển và định hình các sản phẩm tài chính mới, góp phần định hướng dòng vốn và xu thế đầu tư quốc tế.

Các tổ chức tài chính lớn

Phố Wall là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán và tập đoàn hàng đầu, không chỉ của Hoa Kỳ mà còn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến như: JPMorgan Chase & Co., Citigroup, Morgan Stanley, Merrill Lynch,…

Bên cạnh NYSE, Phố Wall còn là nơi đặt trụ sở của NASDAQ — sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, nơi niêm yết của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Facebook (nay là Meta), Microsoft,…

Ngoài ra, Phố Wall cũng là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York — một trong mười hai ngân hàng thuộc Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Cơ quan này nổi tiếng với việc lưu giữ một lượng vàng khổng lồ, được xem là một trong những kho vàng lớn nhất thế giới.

Chứng khoán phố wall là gì - The Charging Bull, biểu tượng của Phố Wall
The Charging Bull, biểu tượng của Phố Wall

Dòng chảy tiền tệ và đầu tư quốc tế

Là trung tâm tài chính quốc tế, Phố Wall đóng vai trò then chốt trong việc kết nối các nhà đầu tư toàn cầu thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng. Dòng vốn quốc tế đổ vào thị trường Mỹ, sau đó được phân bổ gián tiếp tới các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Phố Wall và vai trò trong nền kinh tế toàn cầu

Ảnh hưởng của Phố Wall đến nền kinh tế Mỹ

Phố Wall giữ vai trò trọng yếu trong việc cung cấp dòng vốn, vận hành và giám sát thị trường chứng khoán thông qua các sàn giao dịch lớn như NYSE và NASDAQ. Với tầm ảnh hưởng của mình, Phố Wall còn gián tiếp tác động đến các yếu tố kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số PMI,…

Phố Wall và các khủng hoảng tài chính

Trong cuộc Đại Khủng hoảng năm 1929, cơ chế quản lý tài chính còn nhiều lỗ hổng, trong khi tình trạng đầu cơ gia tăng mạnh. Phố Wall gần như sụp đổ: hàng hóa dư thừa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp phá sản hàng loạt và thị trường chứng khoán lao dốc nghiêm trọng. Phải mất hàng thập kỷ sau đó, Phố Wall mới dần khôi phục được vị thế vốn có của mình.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ Phố Wall, khi các tổ chức tín dụng tại đây đẩy mạnh cho vay đối với các khoản thế chấp bất động sản dưới chuẩn (subprime), dẫn đến mất thanh khoản trên diện rộng và làm thị trường rơi vào khủng hoảng.

Sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Phố Wall đều trải qua những điều chỉnh quan trọng trong cơ chế vận hành, với việc siết chặt các quy định nhằm hạn chế rủi ro và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Phố Wall và các xu hướng tài chính hiện đại

Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với xu hướng chuyển đổi số đang làm thay đổi toàn diện lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các công nghệ hiện đại và đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và sinh trắc học được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng hóa kênh phân phối, hiện đại hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính.

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tài chính như bảo hiểm, bất động sản và giáo dục tài chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm công nghệ tài chính (fintech) toàn cầu, trong đó có Phố Wall.

Cùng với sự phát triển của tài chính hiện đại, các sản phẩm tiền kỹ thuật số đang trên đà bùng nổ. Vốn hóa thị trường của các tài sản số này ngày càng tăng mạnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn tại Phố Wall cũng như trên toàn thế giới.

Bí mật đằng sau vị thế trung tâm tài chính của Phố Wall

Nơi lưu giữ các yếu tố văn hóa và xã hội

Phố Wall không chỉ là trung tâm tài chính toàn cầu mà còn là nơi hình thành một nền văn hóa đặc thù của giới tài chính. Đây là nơi hội tụ của các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới, là điểm giao dịch và gặp gỡ của các nhà đầu tư toàn cầu, và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện tài chính quan trọng.

Chính tại Phố Wall, nhiều quyết sách kinh tế được ban hành, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Nhà đầu tư phố wall là gì - Sàn giao dịch chứng khoán New York. Nguồn Bloomberg
Sàn giao dịch chứng khoán New York. Nguồn Bloomberg

Nơi kết nối phát triển giữa truyền thống & đổi mới

Từ những ngày đầu, Phố Wall đã là nơi kết nối giữa các nhà buôn nô lệ, thương gia và những nhà giao dịch chứng khoán sơ khai. Trải qua hơn ba thế kỷ, Phố Wall không ngừng thay đổi để thích nghi với sự phát triển của nền tài chính hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn những giá trị truyền thống cốt lõi.

Luôn đổi mới theo xu hướng công nghệ và toàn cầu hóa, Phố Wall tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính quốc tế.

Khả năng tạo ra sự ảnh hưởng toàn cầu

Với vị thế của mình, Phố Wall tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống toàn cầu. Những đổi mới từ đây có thể dẫn đến sự điều chỉnh trong chính sách kinh tế, thay đổi dòng lưu chuyển tiền tệ và tác động trực tiếp đến kinh tế của nhiều quốc gia.

Phố Wall có thể được ví như một nguồn tài nguyên chiến lược, đóng vai trò thiết yếu đối với cả doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới.

Kết luận

Phố Wall, với các tổ chức tài chính hàng đầu đã trở thành một biểu tượng cho thị trường tài chính toàn cầu. Với vị thế và vai trò quan trọng của mình, Phố Wall sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thế giới trong tương lai.

 

Quốc Dil
Account Manager

Bài viết cùng chuyên mục

nến doji là gì

Tổng quan về Mô hình nến Doji

Mô hình nến Doji là gì? Mô hình nến Doji là tên của mô hình nến kỹ thuật được hình thành khi mức giá trị khi kết thúc phiên giao...

Lua chon co phieu

Làm cách nào chọn cổ phiếu để đầu tư? (Phần 2)

Chọn cổ phiếu để đầu tư không phải là một nhiệm vụ đơn giản, yêu cầu nhà đầu tư cần phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong bài viết...

DAR (Debt to Asset Ratio) là gì? Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp dựa trên DAR

DAR (Debt to Asset Ratio) là gì? Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp dựa trên DAR

Đối với nhà đầu tư hay người quản lý doanh nghiệp để có cái nhìn toàn cảnh, tổng thể về tình hình tài chính của doanh nghiệp rất quan trọng....