Open Interest là gì? Chìa khóa để hiểu thị trường phái sinh
Open Interest (Khối lượng mở) là một công cụ cực kỳ hữu ích để phân tích thị trường phái sinh. Tuy nhiên nhà đầu tư thường nhầm lẫn Open Interest với Volume (Khối lượng giao dịch), hoặc hiểu sai về cách dùng của công cụ này. Vì vậy trong bài viết này hãy để Stock Insight giải ảo về Open Interest là gì và cách vận dụng hiệu quả để hiểu thị trường phái sinh nhé!
Mục Lục
Open Interest là gì?
Open Interest (OI) hay Khối lượng mở là số lượng hợp đồng đang được mở và đang lưu hành trên thị trường. Chỉ những hợp đồng đang được mở mới được tính vào OI, các hợp đồng đã bị thanh lý sẽ không tính vào OI.
OI là công cụ quan trọng đối với nhà giao dịch phái sinh vì nó giúp đo lường dòng tiền vào/ra thị trường và tâm lý của các thành viên thị trường, từ đó góp phần dự báo hướng đi của giá.
Cách tính Open Interest
Open Interest được tính bằng:
OI = Tổng số hợp đồng mở chưa được thanh lý trong một ngày giao dịch |
- Mỗi khi có thêm hợp đồng được mở mới, OI sẽ tăng.
- Mỗi khi có hợp đồng bị đóng, OI sẽ giảm.
Ví dụ: Giả sử trên thị trường có 3 nhà đầu tư: An, Bình, Chi cùng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2412.
- An: Mở vị thế Long 1 hợp đồng => OI tăng thêm 1
- Bình: Mở vị thế Long 3 hợp đồng => OI tăng thêm 3
- Chi: Mở vị thế Short 10 hợp đồng => OI tăng thêm 10
- Cùng ngày, Bình quyết định đóng hết tất cả vị thế bằng cách Short 3 hợp đồng => OI giảm 3
- Tổng khối lượng mở (OI) vào cuối ngày = 1 + 3 + 10 – 3 = 11 hợp đồng
Phân biệt Open Interest và khối lượng giao dịch (Volume)
Open Interest thường bị nhầm lẫn với Khối lượng giao dịch (Volume) vì cả hai đều liên quan tới số lượng hợp đồng và có tương tác qua lại lẫn nhau. Stock Insight sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng hai khái niệm này.
- Open Interest: Tổng số hợp đồng còn mở. Khi nhà đầu tư đóng bớt vị thế, OI sẽ giảm.
- Volume: Tổng số hợp đồng được giao dịch, Volume luôn luôn được cộng dồn và không thể giảm. Khi nhà đầu tư đóng bớt vị thế, volume sẽ tăng.
Ví dụ minh họa: Dưới đây là Open Interest và Volume trong ngày giao dịch của 3 nhà đầu tư An, Bình, Chi.
Nhà đầu tư |
Hoạt động | Open Interest | Volume |
An | Long 1 HĐ | +1 | +1 |
Bình | Long 3 HĐ | +3 | +3 |
Short 3 HĐ | -3 | +3 | |
Chi | Short 10 HĐ | +10 | +10 |
Tổng | 11 |
17 |
Open Interest trong các chiến lược giao dịch phái sinh
Ý nghĩa của Open Interest trong thị trường phái sinh
1. Đo lường tâm lý nhà đầu tư
Open Interest cao cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và mức độ cam kết cao vì nhà đầu tư nắm giữ vị thế qua ngày, trong thời gian dài.
Ngược lại, OI thấp cho thấy nhà đầu tư không tự tin nắm giữ vị thế.
2. Xác định xu hướng thị trường
OI tăng là dấu hiệu cho thấy có dòng tiền mới tham gia vào thị trường hoặc có thêm nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng xu hướng hiện tại sẽ kéo dài. Đây là dấu hiệu tiếp diễn xu hướng.
OI giảm là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường hoặc nhà đầu tư không còn tin tưởng rằng xu hướng hiện tại sẽ tiếp diễn. Đây là dấu hiệu xu hướng đảo chiều.
Cách đọc Open Interest để xác định xu hướng thị trường
Xu hướng giá | Open Interest | Volume | Ý nghĩa |
Tăng | Tăng | Tăng | Xu hướng Tăng mạnh & tiếp diễn |
Tăng | Tăng | Giảm | Xu hướng Tăng suy yếu |
Tăng | Giảm | Tăng | Xu hướng Tăng suy yếu |
Tăng | Giảm | Giảm | Xu hướng Tăng có thể sắp kết thúc |
Giảm | Tăng | Tăng | Xu hướng Giảm mạnh & tiếp diễn |
Giảm | Tăng | Giảm | Xu hướng Giảm suy yếu |
Giảm | Giảm | Tăng | Xu hướng Giảm suy yếu |
Giảm | Giảm | Giảm | Xu hướng Giảm có thể sắp kết thúc |
Ví dụ thực tế về phân tích Open Interest
Ta thấy xu hướng Tăng suy yếu dần khi OI giảm từ 65K hợp đồng xuống 58K hợp đồng. Ngay khi giá tạo đỉnh, OI giảm mạnh xuống chỉ còn 50K hợp đồng do các hợp đồng Long bị thanh lý. Sau đó, giá kết thúc xu hướng tăng và chuyển sang xu hướng giảm, OI tăng lên lại 55K, 59K hợp đồng khi các hợp đồng Short được mở mới.


Những lưu ý khi sử dụng Open Interest trong giao dịch
Kết hợp OI với các dữ liệu khác
Bản thân OI không mang lại nhiều gợi ý khi giao dịch, vì vậy nhà đầu tư cần phải theo dõi sự thay đổi OI theo thời gian, so sánh với quá khứ, kết hợp OI với các công cụ khác như Giá, Volume và các chỉ báo kỹ thuật để đưa ra dự báo xu hướng giá.
Cẩn trọng với các đợt tăng/giảm đột ngột của OI
Sự tăng/giảm đột ngột của OI có thể là một sự dịch chuyển rất lớn của dòng tiền, trong phần lớn trường hợp thì OI thay đổi đột ngột thường báo hiệu một đợt đảo chiều của giá.
Tuy nhiên cần lưu ý một trường hợp ngoại lệ là gần ngày đáo hạn phái sinh: OI giảm đột ngột ở hợp đồng đáo hạn và tăng đột ngột ở hợp đồng tháng mới, việc OI tăng giảm đột ngột gần ngày đáo hạn chỉ thuần túy do nhu cầu chuyển vị thế sang các hợp đồng mới, không có ý nghĩa dự báo đối với giá.

Kết luận
Sau khi tìm hiểu Open Interest là gì, có thể thấy OI là công cụ hữu ích để phân tích thị trường phái sinh. Nhà đầu tư nên theo dõi và rèn luyện khả năng diễn giải ý nghĩa của sự thay đổi OI để cải thiện tỷ lệ thắng khi tham gia giao dịch hợp đồng phái sinh. Stock Insight hy vọng rằng bài viết này đã mang tới kiến thức hữu ích, nếu thấy hay, hãy chia sẻ và lưu lại nhé.
Nếu bạn là nhà đầu tư mới bắt đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm, thì app chứng khoán HSC ONE chính là công cụ lý tưởng để bạn bắt đầu hành trình đầu tư.
Bên cạnh đó, nền tảng HSCEdu với giao diện sinh động và hệ thống theo dõi quá trình học sẽ hỗ trợ bạn tiếp thu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả. Hãy bắt đầu ngay hôm nay để sớm trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, tự tin chinh phục những danh mục đầu tư sinh lời!
Chúc bạn giao dịch thành công!
Đức Phú
Account Manager