Mô hình nến Dark Cloud Cover là gì? Cách nhận biết và lưu ý khi sử dụng
Mô hình nến Dark Cloud Cover là một hình mẫu không quá phổ biến khi phân tích kỹ thuật và độ tin cậy cũng không cao, tuy nhiên mô hình Dark Cloud Cover lại là một công cụ hữu ích khi phối hợp với các tín hiệu hiệu khác để xác định thời điểm đảo chiều của một tài sản tài chính sau một quá trình tăng giá.
Trong bài viết này, StockInsight sẽ giới thiệu về cách nhận biết cũng như ứng dụng của hình mẫu nến Dark Cloud Cover trong giao dịch khi phối hợp với các chỉ báo khác như là RSI, MACD để tăng độ tin cậy của chỉ báo qua đó giúp nhà đầu tư có thêm một công cụ hữu hiệu để phân tích kỹ thuật.
Mục Lục
Mô hình nến Dark Cloud Cover là gì?
Định nghĩa và nhận dạng
Mô hình nến Dark Cloud Cover đúng như tên gọi “mây đen bao phủ” là một hình mẫu nến chỉ báo những ngày thời tiết đẹp đã qua và những ngày u ám sắp tới. Hay nói cách khác đây là hình mẫu nến xác định đảo chiều giảm giá trong một quá trình tăng giá trước đó của tài sản tài chính.

Hình mẫu nến Dark Cloud Cover gồm 2 nến có hình dạng như trong Hình 1, bao gồm một nền xanh tăng mạnh và một nến đỏ giảm kế tiếp. Chiều dài của nến xanh 1 phải khá dài thể hiện sự tăng mạnh. Nến đỏ thứ 2 có thể giá mở cửa không cần phải cao hơn giá đóng cửa của nến 1 nhưng giá đóng cửa của nến đỏ 2 phải nằm bên dưới đường trung bình ½ của nến xanh.
Điều kiện hình thành hình mẫu Dark Cloud Cover
Ngoài dấu hiệu nhận dạng được chỉ ra trong Hình 1 thì một điều kiện cần nữa là tổ hợp 2 nến Xanh và Đỏ này phải xuất hiện trong một quá trình tăng giá, tức là thị trường đã trải qua những ngày thời tiết đẹp, đem lại cảm giác dễ chịu và hưng phấn cho nhà đầu tư.

Như trong diễn biến giá cổ phiếu HHV từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2024 ta thấy có 2 thời điểm xuất hiện hình mẫu nến khá giống nhau đó là cuối tháng 9 và cuối tháng 10. Trong tổ hợp 2 nến ở cuối tháng 9 hình mẫu nến này xuất hiện sau một quá trình tăng giá khá dài từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9 nên hình mẫu 2 nến này được nhận dạng là Dark Cloud Cover.
Tổ hợp 2 nến cuối tháng 10 lại xuất hiện ở một quá trình giảm giá trước đó (mặc dù sự giảm giá này không nhiều) nên tổ hợp 2 nến này lại không phải là Dark Cloud Cover.
Diễn biến tâm lý của nhà đầu tư khi hình thành mẫu nến Dark Cloud Cover
Sau một quá trình tăng giá của tài sản tài chính, ban đầu nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan sát và đứng ngoài khiến giá cổ phiếu tiếp tục tăng điều này dẫn đến hình thành tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) và cây nến đầu tiên của hình mẫu là cây nến xanh dài đã chứng tỏ điều đó.
Khi tâm lý FOMO xuất hiện thì cũng là lúc các nhà cái ra tay để “tặng” lại hàng cho các nhà đầu tư, lực bán này khá lớn nên lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể thắng thế được, điều đó dẫn đến cây nến đỏ dài thứ 2.
Giá đóng cửa của cây nến đỏ dài thứ 2 phía dưới ½ cây nến xanh chứng tỏ bên mua đã yếu đi và thế chủ động nằm ở bên bán. Một dấu hiệu để tăng độ tin cậy của mô hình là khối lượng ở cây nến đỏ thứ 2 phải khá lớn vì ở cây nến này diễn ra sự đấu tranh giữa bên mua và bên bán nhưng cuối cùng bên bán thắng thế.
Kết hợp hình mẫu nến Dark Cloud Cover với các tín hiệu khác
Kết hợp với các ngưỡng kháng cự, Bollinger Bands, Fibonacci
Để tăng độ tin cậy của hình mẫu các nhà phân tích kỹ thuật thường xét cụm hai cây nến Dark Cloud Cover cùng với các ngưỡng kháng cự, biên trên của Bollinger bands hoặc là các ngưỡng của chuỗi fibonacci. Khi tổ hợp 2 nến Dark Cloud Cover này xuất hiện sát các ngưỡng này thì sự đảo chiều càng đáng tin cậy.
Kết hợp với chỉ báo RSI
Mô hình cũng rất hiệu quả khi kết hợp với chỉ báo RSI. Như phân tích tâm lý ở trên thì cây nến thứ 1 trong hình mẫu Dark Cloud Cover thể hiện sự FOMO trong khi chỉ báo RSI nếu vượt 70 cũng thể hiện trạng thái “quá mua” của tài sản tài chính. Do đó, nếu có hình mẫu Dark Cloud Cover xuất hiện cùng với chỉ báo RSI vượt 70 thì khả năng tài sản tài chính sẽ đảo chiều rất cao.
Kết hợp với chỉ báo MACD
Cũng tương tự như RSI chỉ báo MACD cũng cho phép xác định giá của tài sản tài chính rơi vào trạng thái “quá mua” khi khoảng cách giữa đường trung bình động ngắn ngày tăng mạnh hơn rất nhiều so với đường trung bình động dài ngày khiến cho khoảng cách giữa hai đường này ngày càng tăng tức là MACD tăng. Khi MACD tăng mạnh quá mức sẽ khiến cho giá tài sản tài chính này sớm đảo chiều.
Chúng ta cũng có thể sử dụng sự phân kỳ của MACD so với đường giá để xác định xu thế đảo chiều của tài sản tài chính. Khi đường MACD đi xuống dưới đường tín hiệu cùng với sự xuất hiện của hình mẫu Dark Cloud Cover sẽ làm cho tín hiệu đảo chiều càng tin cậy.
>> Xem thêm: Chỉ báo MACD: Định hướng giao dịch theo chu kỳ thị trường

Cách giao dịch với mô hình nến Dark Cloud Cover
Khi xuất hiện hình mẫu Dark Cloud Cover, mặc dù đây là một hình mẫu không đáng tin cậy nhưng nếu sự xuất hiện này kết hợp với các tín hiệu như khối lượng tăng mạnh ở cây nến đỏ và đặc biệt ở các vùng kháng cự thì nhà đầu tư nên bán ra tài sản tài chính để thu lợi nhuận sau một quá trình tăng giá để tận hưởng thành quả của những ngày thời tiết đẹp trước khi mây đen bao phủ.

Đối với các vị thế bán khống thì cần phải chờ thêm một cây nến thứ 3 nữa để tăng độ chắc chắn của mô hình nến này. Điều kiện để bán khống là cây nến thứ 3 tiếp tục là một cây nến đỏ độ dài cây nến này càng dài càng đáng tin cậy về nó chứng tỏ bên mua hoàn toàn bị lép vế trước bên bán. Và như ở Hình 3 ta cũng có thể thấy khi cây nến thứ 3 xuất hiện cũng chính là lúc đường MACD chính thức xuống dưới đường tín hiệu.
Kết luận
Hình mẫu nến Dark Cloud Cover không đáng tin cậy khi sử dụng riêng rẽ nhưng lại đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với các tín hiệu chỉ trạng thái quá mua khác như RSI hay MACD. Do đó, việc sử dụng hình mẫu này nhất thiết phải kết hợp với các tín hiệu khác để tăng mức độ tin cậy của hình mẫu.
Bạn có thể học thêm các chỉ báo khác trong phân tích kỹ thuật để giao dịch hiệu quả hơn tại HscEdu. Để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về đầu tư tài chính, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Phạm Thạch
Wealth Manager