Mô hình Harmonic trong giao dịch: Hiệu quả hay rủi ro?
Mô hình Harmonic là mô hình giá nâng cao tương đối phức tạp rất khó xác định nhưng Harmonic lại là một trong những mô hình giao dịch hiệu quả chính xác cao. Nếu bạn hiểu rõ bản chất của mô hình và cách vận dụng của nó sẽ giúp gia tăng hiệu quả đầu tư trên thị trường tài chính. Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu về mô hình này trong bài viết này nhé.
Mục Lục
Giới thiệu về mô hình Harmonic trong giao dịch
Mô hình Harmonic là gì?
Mô hình Harmonic do HM Gartley phát minh vào năm 1932. Ông đã viết về mô hình 5 điểm được nối lại với nhau (được gọi là Gartley) trong cuốn sách “Profits in the Stock Market”. Việc nối các điểm tạo nên hai đỉnh núi sát nhau ở mô hình Bullish (tăng giá) và hình chữ “W” với mô hình Bearish (giảm giá). Mô hình Harmonic ban đầu được áp dụng trên thị trường chứng khoán, sau đó mô hình này cũng được sử dụng trên thị trường tiền số và ngoại hối.
Mô hình Harmonic là mô hình giá được nối bởi các điểm trên mẫu hình theo tỷ lệ Fibonacci. Tùy từng mô hình sẽ có số điểm và số sóng tăng sóng giảm khác nhau. Theo mô hình này, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận qua các sóng tăng và bán khi vào sóng giảm.
Điểm khác biệt của mô hình này so với các chỉ số dao động khác là nó sử dụng các tỷ lệ Fibonacci để dự đoán các bước ngoặt cũng như đưa ra các tín hiệu đảo chiều tăng giá và giảm giá qua từng mẫu hình khác nhau.
Các mô hình Harmonic xây dựng các cấu trúc mô hình hình học (sự thoái lui và dao động hình chiếu/các chân) dựa trên hành động giá hình học và các mức Fibonacci. Khi được xác định chính xác, các mẫu hình Harmonic cho phép nhà đầu tư tham gia giao dịch trong vùng đảo chiều có độ tin cậy cao với độ rủi ro tối thiểu, chẳng hạn như các biến động giá tiềm năng và các điểm đảo chiều quan trọng hoặc đảo ngược xu hướng.
Các loại mô hình Harmonic phổ biến
Theo kinh nghiệm phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, Harmonic có rất nhiều biến thể phức tạp, nhưng phổ biến nhất là mô hình con bướm, mô hình con dơi, mô hình 3 sóng ngang, mô hình AB=CD, mô hình con cua, mô hình cá mập…Mỗi mẫu hình sẽ có những quy ước về tỷ lệ Fibonacci khác nhau.
Mô hình AB=CD
Đây là mẫu hình cơ bản và dễ xác nhận nhất trong số các mô hình giá Harmonic. Mô hình này hoạt động hơi khác so với các mẫu hình còn lại và chỉ gồm 4 điểm, 3 chuyển động. Có 2 loại là Bullish AB=CD và Bearish AB=CD. Cả hai loại này đều cung cấp tín hiệu đảo chiều.
Mô hình Bullish AB=CD
- Chuyển động 1: giá giảm từ điểm A xuống điểm B.
- Chuyển động 2: giá điều chỉnh tăng từ B lên C tại mức thoái lui từ 61.8% – 78.6% của đoạn AB trước đó.
- Chuyển động 3: giá giảm từ điểm C xuống D tại mức mở rộng 127.2% – 161.8% của AB. Thời gian hình thành và độ dài của đoạn CD phải bằng với AB.
Sau khi kết thúc tại điểm D giá có thể cho tín hiệu đảo chiều đi lên. Lúc này nhà đầu tư có thể vào lệnh Mua.
Mô hình Bearish AB=CD
- Chuyển động 1: giá tăng từ A lên B.
- Chuyển động 2: Giá sẽ điều chỉnh từ B về C tại mức thoái lui từ 61.8%-78.6% của đoạn AB.
- Chuyển động 3: Giá tăng từ C lên D tại mức mở rộng 127.2% – 161.8% của AB. Thời gian hình thành và độ dài của CD phải bằng với AB.
Sau khi kết thúc tại điểm D, mô hình sẽ cho tín hiệu giá đảo chiều giảm. Lúc này nhà đầu tư có thể vào lệnh Bán.
Mô hình con bướm – Butterfly
Hay còn gọi là mô hình Butterfly được tạo ra bởi 5 điểm X, A, B, C và D và cũng được chia làm 2 loại: Bullish Butterfly (mô hình con bướm tăng giá), Bearish Butterfly (mô hình con bướm giảm giá).
Đặc điểm mô hình Butterfly
Mô hình con bướm có 4 pha chuyển động:
- Chuyển động 1: giá di chuyển từ X đến A (giá tăng trong mô hình Bullish và giá giảm trong mô hình Bearish).
- Chuyển động 2: giá di chuyển từ A đến B (giá giảm trong Bullish và tăng trong Bearish) tại mức Fibo 78.6% của đoạn XA.
- Chuyển động 3: Điểm B là điểm quan trọng nhất của mô hình, tại B giá lại quay đầu tăng lên C (Bullish) hoặc quay đầu giảm xuống C (Bearish) tại mức Fibo 38.2%-88.6% của AB.
- Chuyển động 4: tại C giá lại quay đầu giảm xuống D (Bullish) hoặc giá quay đầu tăng lên điểm D (Bearish) tại mức mở rộng 161.8% 261.8% của đoạn AB. Điểm D được gọi là “Vùng đảo ngược tiềm năng”.
Sau khi điểm D kết thúc, giá có xu hướng đảo ngược mạnh mẽ, giá đảo ngược tăng mạnh (Bullish Butterfly) hoặc đảo ngược giảm mạnh (Bearish Butterfly).
Trong 2 hình dạng Bullish hoặc Bearish Butterfly, từ điểm D nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định Mua (Bullish) hoặc Bán (Bearish) để tìm kiếm lợi nhuận.
Mô hình Gartley
Đây là mô hình nguyên thủy của Harmonic gồm 5 điểm X, A, B, C và D nhưng được bổ sung thêm tỷ lệ Fibonacci. Mô hình cũng có 2 loại: Bullish Gartley và Bearish Gartley.
Đặc điểm mô hình Gartley
- Giá dịch chuyển từ X đến A (dịch chuyển tăng trong Bullish Gartley và dịch chuyển giảm trong Bearish Gartley).
- Giá sẽ điều chỉnh giảm từ A xuống B (Bullish) hoặc điều chỉnh tăng (Bearish) tại mức Fibo 61.8 của đoạn XA trước đó.
- Từ điểm B giá lại điều chỉnh tăng về điểm C (Bullish) hoặc điều chỉnh giảm (Bearish) tại mức Fibo 38.2% đến 88.6% của đoạn AB trước đó.
- Tại C giá sẽ điều chỉnh giảm xuống D (Bullish) hoặc điều chỉnh tăng (Bearish) tai mức mở rộng từ 127.2% đến 161.8% của đoạn AB trước đó. Hay điểm D cũng là Fibonacci 78.6% của đoạn XA.
Sau khi đến điểm D, xu hướng giá sẽ đảo chiều tăng (Bullish) hoặc đảo chiều giảm (Bearish). Nhà đầu tư có thể vào lệnh Mua (mô hình Bullish) và Bán (mô hình Bearish).
Các mẫu Gartley thường hình thành khi một xu hướng thị trường tổng thể đang điều chỉnh. Mẫu hình Bullish Gartley trông giống như chữ “M” với cạnh phải CD thấp hơn cạnh trái XA, trong khi mẫu hình Bearish lại trông giống như chữ “W” với đáy sau cao hơn đáy trước và cạnh phải CD ngắn hơn cạnh trái XA.
Mô hình con dơi – Bat Pattern
Mô hình con dơi khá giống với mô hình Gartley nhưng đoạn AB sẽ điều chỉnh ngắn hơn và đoạn CD sẽ dài hơn… Và cũng có 2 loại: Bullish Bat và Bearish Bat với đặc điểm như sau:
- Chuyển động 1: Giá di chuyển tăng từ X lên A (Bullish Bat) hoặc di chuyển giảm (trong mô hình Bearish Bat).
- Chuyển động 2: từ A giảm xuống B (Bullish Bat) hoặc tăng lên B (Bearish Bat) ở mức thoái lui là 38.2% – 50% của đoạn XA.
- Chuyển động 3: tại B giá quay đầu tăng lên C (Bullish Bat) hoặc giảm xuống C (Bearish Bat) tại điểm thoái lui từ 38.2% – 88.6% của đoạn AB.
- Chuyển động 4: tại điểm C giá quay ngược xuống D (Bullish Bat) hoặc quay đầu tăng lên D (Bearish Bat) tại mức mở rộng 161.8% đến 261.8% của đoạn AB.
Giống như mẫu hình Gartley, mẫu hình con dơi cũng là một mẫu thoái lui và tiếp tục hình thành khi một xu hướng tạm thời đảo ngược hướng của nó nhưng sau đó tiếp tục theo xu hướng tăng hoặc giảm ban đầu.
Mô hình 3 sóng ngang
Mô hình này gần giống với mô hình AB=CD và là tiền thân của mô hình sóng Elliott. Tuy nhiên, mô hình này lại có 3 sóng và 2 đoạn hồi lại. Mô hình này cũng có 2 loại: mô hình 3 sóng ngang tăng Bullish và mô hình 3 sóng ngang giảm Bearish.
Mô hình 3 sóng ngang tăng
- Sóng 1 là sóng giảm.
- Sóng A là đoạn điều chỉnh tăng so với sóng 1 và dừng lại ở mức thoái lui của Fibo 61.8% của sóng 1.
- Sóng 2 là sóng giảm và dừng lại ở mức Fibo mở rộng là 127% của sóng 1.
- Sóng B là sóng tăng điều chỉnh tại mức thoái lui 61.8% so với sóng 2.
- Sóng 3 là sóng giảm tại mức fibo 127% so với sóng 2.
- Thời gian hình thành sóng 2, sóng 3 bằng nhau và sóng A, sóng B cũng sẽ bằng nhau.
Sau khi sóng 3 hoàn thành, xu hướng thị trường sẽ đảo chiều tăng, nhà đầu tư có thể vào lệnh Mua.
Mô hình 3 sóng ngang giảm
- Sóng 1 là sóng tăng.
- Sóng A là đoạn điều chỉnh giảm so với sóng 1 và dừng lại ở mức thoái lui là 61.8% của sóng 1.
- Sóng 2 là sóng tăng và dừng lại ở mức mở rộng là 127% của sóng 1.
- Sóng B là sóng điều chỉnh giảm tại mức thoái lui 61.8% so với sóng 2.
- Sóng 3 là sóng điều chỉnh tăng tại mức 127% so với sóng 2.
- Thời gian hình thành sóng 2, sóng 3 bằng nhau và sóng A, sóng B cũng sẽ bằng nhau.
Sau khi sóng 3 hoàn thành, xu hướng thị trường sẽ đảo chiều giảm. Nhà đầu tư có thể vào lệnh Bán.
Phân tích mô hình Harmonic: Hiệu quả hay rủi ro
Hiệu quả của mô hình Harmonic
Mô hình Harmonic không chỉ có nhiều mẫu hình khác nhau mà các mức Fibonacci cũng có nhiều điểm khác biệt. Do đó, nhiều nhà đầu tư e ngại khi sử dụng công cụ này vào phân tích kỹ thuật trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên, các mô hình này lại có độ chính xác cao trong việc dự báo xu hướng giá trong hầu hết mọi khung thời gian.
Để phát huy được hết tính hiệu quả của mô hình Harmonic, nhà đầu tư có thể kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác như RSI, các đường xu hướng để xác định được các tín hiệu Mua/Bán được tạo ra bởi mô hình Harmonic một cách chính xác nhất giúp gia tăng tỷ lệ lợi nhuận đầu tư một cách tốt nhất.
Rủi ro của mô hình Harmonic
Mô hình Harmonic có rất nhiều loại và mỗi loại lại có tỷ lệ Fibonacci khác nhau nên khiến nhà đầu tư khó nhớ chính xác từng loại mẫu hình.
Việc sử dụng Fibonacci trong các mẫu hình càng làm cho các tín hiệu trở nên đáng tin cậy hơn nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ chuyên môn cao để có thể áp dụng chính xác tỷ lệ Fibonacci. Đôi khi các chỉ báo Fibonacci lại tạo ra sự mâu thuẫn với các mẫu hình Harmonic khiến cho nhà đầu tư cảm thấy khó khăn trong việc xác định các khu vực đảo chiều.
Do sự phức tạp của các mô hình Harmonic, các nhà đầu tư lâu năm, có chuyên môn tốt và kỹ thuật phân tích cao thì mới nên áp dụng mô hình này để nhận biết được những điểm đảo chiều xu hướng của thị trường chung phục vụ cho việc ra quyết định Mua/Bán được tốt hơn.
Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, kinh nghiệm chưa nhiều, kiến thức còn hạn chế thì không nên sử dụng Harmonic vì có thể sẽ bị rối và khó nhớ được đặc điểm chính xác cũng như tỷ lệ Fibonacci cho từng loại mẫu hình dẫn đến việc xác định vùng giá đảo chiều có thể sẽ không chính xác.
Kết luận
Mô hình Harmonic tuy có độ phức tạp bởi sự đa dạng và có thể khó nhớ hết đặc điểm của từng loại nhưng các tín hiệu đảo chiều mà nhà đầu tư nhận được từ mô hình này là rất đáng tin cậy và có độ chính xác cao. Do vậy, nhà đầu tư có thể thực hành nhiều lần để việc phát hiện mô hình một cách chính xác nhất. Nhà đầu tư cũng nên không ngừng học hỏi trau dồi thêm kiến thức để phục vụ tốt hơn cho quá trình đầu tư của mình.
Nếu bạn đang là một nhà đầu tư mới, chưa biết nhiều về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư thì việc sử dụng app chứng khoán HSC ONE là sự lựa chọn tối ưu dành cho bạn. Hãy tiếp tục theo dõi Stock Insight để có thêm nhiều kiến thức hữu ích về thị trường tài chính.
Phan Thị Thu Thuỷ
Wealth Manager