Đường góc phần tư (quadrant line) là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng trong phân tích kỹ thuật

Ngày đăng: 24/01/2025 lượt xem

Đường góc phần tư (quadrant line) là một công cụ phân tích kỹ thuật giúp nhà đầu tư xác định các mức hỗ trợ và kháng cự quan trọng trong biểu đồ giá. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về đường phần tư, ý nghĩa của nó trong việc xác định các điểm mua bán và cách áp dụng công cụ này trong chiến lược giao dịch.

Đường góc phần tư (Quadrant Line) là gì?

Định nghĩa

Đường góc phần tư (Quadrant Line) hay đường Tứ phần là công cụ chia vùng giá từ thấp nhất (Đáy/ Low) tới cao nhất (Đỉnh/ High) thành 4 phần bằng nhau. Chúng giúp nhà đầu tư nhận diện nhanh chóng các ngưỡng giá quan trọng, độ mạnh yếu của xu hướng từ đó quyết định điểm mua hoặc bán.

Đường Góc phần tư Với Cổ Phiếu HDG
Hình 1: Đường Phần Tư Với Cổ Phiếu HDG

Đường góc phần tư có cấu tạo khá đơn giản, với:

  • High là đường đi qua đỉnh cao nhất của xu hướng.
  • Low là đường đi qua đáy thấp nhất của xu hướng.
  • 3 đường còn lại, chia vùng giá thành 4 phần bằng nhau là các đường Middle ở giữa, nằm giữa Middle và High là đường Upper Quadrant Line; nằm giữa đường Middle và đường Low là đường Lower Quadrant Line.

Tính toán các đường góc phần tư

Phạm vi đường góc phần tư: Từ giá cao nhất (High/ Đỉnh) tới giá thấp nhất (Low/ Đáy) của xu hướng.

Giá trị 1 phần tư: (High – Low)/4:

  • Đường dưới cùng = Low
  • Lower Quadrant Line = Low + (Giá trị 1 phần tư)
  • Middle = Lower Quadrant Line + (Giá trị 1 phần tư)
  • Upper Quadrant Line = Middle + (Giá trị 1 phần tư)
  • Đường trên cùng = High

Ví dụ: Với cổ phiếu HDG ở “Hình 1”, chúng ta có các giá trị như sau:

Phạm vi đường góc phần tư: Đỉnh 33 tới đáy 25.

Giá trị 1 phần tư: (33 – 25)/4 = 2

Ta tính được các đường thành phần của đường góc phần tư như sau:

  • Đường dưới cùng = Low = 25
  • Lower Quadrant Line = Low + 2 = 25 + 2 = 27
  • Middle = Lower Quadrant Line + 2 = 27 + 2 = 29
  • Upper Quadrant Line = Middle + 2 = 29 + 2 = 31
  • Đường trên cùng  = High = 33

Ý nghĩa của Đường góc phần tư trong phân tích kỹ thuật

Xác định các mức hỗ trợ và kháng cự: Các đường tứ phần sẽ là các mức hỗ trợ hoặc kháng cự tiềm năng. Đơn giản như quan sát ở “Hình 1”, HDG sau khi tạo mức Low tại 25 thì hồi phục lên đường Middle tương ứng giá 29 thì điều chỉnh, đường Middle khi này trở thành đường kháng cự của nhịp hồi phục.

Đánh giá xu hướng: Vị trí của giá so với các đường phần tư giúp nhà đầu tư đánh giá được sức mạnh của xu hướng, khi giá nằm trên các đường phần tư cho thấy xu hướng tăng và khi nằm dưới đường phần tư cho ta một xu hướng giảm.

Dự báo giá tương lai: Thông thường các đường tứ phần sẽ là mục tiêu giá trong các nhịp hồi phục hoặc điều chỉnh. Ví dụ ở “Hình 1” HDG có nhịp hồi phục từ Low, sau khi vượt qua đường tứ phần đầu tiên là Lower Quadrant Line tại giá 27 thì mục tiêu giá cho nhịp hồi tiếp theo là tại đường Middle tương ứng giá 29, và hiện tại HDG vẫn đang có lần thứ 3 test đường Middle nếu vượt qua thì mục tiêu giá sẽ là đường Upper Quadrant Line tương ứng vùng giá 31.

Cách sử dụng đường góc phần tư trong phân tích kỹ thuật

Trong phần này, Stock Insight sẽ đưa ví dụ cụ thể để giúp nhà đầu tư nhanh chóng nắm bắt được cách sử dụng đường góc phần tư.

Đường góc phần tư sẽ được sử dụng kèm các chỉ báo RSI, MFI và kỹ thuật phân kỳ giá để giao dịch.

Giao Dịch HDG Với Đường Góc Phần Tư Cùng Chỉ Báo RSI; MFI
Hình 2: Giao Dịch HDG Với Đường Góc Phần Tư Cùng Chỉ Báo RSI; MFI

Để vẽ đường góc phần tư, đầu tiên chúng ta xác định phạm vi đường sẽ vẽ, và chỉ vẽ đường khi đã có các giá trị Đỉnh (High) và Đáy (Low).

HDG sau khi tạo đỉnh tại giá 33 vào ngày 15/7/2024 thì có nhịp giảm, và tạo đáy tại giá 25 vào ngày 6/8/2024, sau đó chúng ta vẽ từ đỉnh xuống đáy đường góc phần tư, một số nền tảng sẽ không có công cụ này thì nhà đầu tư có thể tùy chỉnh các giá trị của Fibonacci để có được các đường phần tư.

>> Xem thêm: Fibonacci là gì? Cách sử dụng trong giao dịch chứng khoán

Điểm mua: HDG sau khi hồi phục lên đường Middle và điều chỉnh, thì mục tiêu điều chỉnh sẽ là đường Lower Quadrant Line tương ứng giá 27.

Từ ngày 21/10/2024 tới 31/10/2024, HDG giao dịch quanh vùng giá 26.5-27 (Lower Quadrant Line) đồng thời RSI, MFI không giảm nữa mà có dấu hiệu đi ngang và tăng nhẹ tạo phân kỳ dương với HDG cho tín hiệu MUA quanh mức giá 26.5-27.

Sau đó HDG đã tăng lên đường Middle với giá 29 và nhà đầu tư có thể bán tại kháng cự.

Góc phần tư - Giao Dịch Bán HSG
Hình 3: Giao Dịch Bán HSG

Điểm bán: Với cố phiếu HSG, nhà đầu tư vẽ đường góc phần tư tại đỉnh 21.6 ở ngày 10/7/2024 và đáy 19.6 ở ngày 15/8/2024.

Quan sát thấy HSG có 2 nhịp hồi phục, nhưng không vượt qua đường Lower Quadrant Line quanh vùng giá 21.2 cho thấy đà hồi phục của HSG là yếu, đặc biệt tại lần test thứ 2 HSG có các phiên giao dịch quanh ngưỡng 21.2 nhưng hình thành mẫu hình “Falling three methods” báo hiệu xu hướng giảm. Nhà đầu tư nên bán quanh vùng giá 21, và tránh được nhịp giảm khi HSG có mục tiêu giảm về đường Low quanh giá 19.6 và tại ngày 14/11/2024 HSG đã phá vỡ mức Low cho thấy HSG sẽ tiếp tục tạo các mức giá thấp mới.

Ưu điểm và nhược điểm của việc sử dụng đường phần tư

Ưu điểm

Đơn giản và dễ sử dụng: Đường góc phần tư có cách vẽ và sử dụng trực quan, đơn giản và tương đồng với công cụ Fibonacci, giúp nhà đầu tư hình dung một cách rõ ràng các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.

Thích hợp sử dụng cho cả thị trường tăng và giảm, đặc biệt là trong thị trường có tính thanh khoản cao và dao động giá rõ ràng thì đường góc phần tư sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu giao dịch khi có thể mua ở hỗ trợ và bán ở kháng cự.

Dễ dàng kết hợp với các công cụ khác như chỉ báo RSI, MFI, MACD hay các mẫu hình nến để xác định các tín hiệu chính xác hơn.

Nhược điểm

Có tính chất cố định vùng giá đỉnh và đáy được chọn, do đó, khi thị trường có biến động lớn, đặc biệt là phá vỡ phạm vi giá, các mức Quadrant Lines có thể trở nên kém hiệu quả hoặc không còn phù hợp. Chưa kể việc xác định giá đáy và đỉnh sẽ phục thuộc vào kinh nghiệm của từng nhà đầu tư, có thể không phản ánh đầy đủ xu hướng thị trường nếu giai đoạn chọn quá ngắn hoặc không đại diện.

Dễ bị nhiễu, đặc biệt trong các thị trường không có xu hướng đi ngang giá thường xuyên vượt qua các mức Quadrant Lines mà không tạo ra xu hướng rõ ràng, gây ra nhiễu và tín hiệu giả.

Phụ thuộc vào sự kết hợp với các chỉ báo khác, đường góc phần tư không cung cấp các tín hiệu mua bán độc lập mà chỉ xác định các mức hỗ trợ/kháng cự. Nhà đầu tư cần kết hợp với các công cụ khác (RSI, MFI, MACD…) để ra quyết định mua bán.

Những lỗi thường gặp khi sử dụng đường góc phần tư và cách tránh

Chọn khung giá và xác định đỉnh (High) và đáy (Low) không đại diện cho xu hướng, dẫn tới các đường phân tư không hiệu quả. Ví dụ: Nhà đầu tư bỏ qua xu hướng dài hạn trên khung tuần, mà xác định giá trị High/Low trên khung ngày để giao dịch.

Lạm dụng đường góc phần tư là công cụ duy nhất, dẫn tới hiểu sai các tín hiệu hỗ trợ/kháng cự. Ví dụ: Quay trở lại “Hình 3” nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm giá HSG vượt đường Lower Quadrant Line và khẳng định xu hướng tăng mà không chú ý các mẫu hình nến giao dịch cũng như các chỉ báo khác mà tiếp tục mua sẽ bị thua lỗ khi HSG giảm mạnh (tín hiệu giả). Do đó, nhà đầu tư nên áp dụng với các công cụ và phương pháp phân tích khác.

Không cập nhật đường trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, do đó phải thường xuyên cập nhật lại High/Low để phản ánh tình hình thực tế.

Kết luận

Đường góc phần tư là một công cụ trực quan giúp nhà đầu tư nhanh chóng xác định được các vùng hỗ trợ, kháng cự và đánh giá xu hướng thị trường. Stock Insight hy vọng thông qua bài viết này đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ về đường góc phần tư và áp dụng giúp gia tăng hiệu quả giao dịch. Ngoài ra, để tăng độ chính xác nhà đầu tư nên kết hợp đường với các công cụ khác như RSI, MFI, MACD,… hoặc phương pháp khác tại HscEdu.

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Chỉ báo Vortex: Cách sử dụng để tìm điểm vào lệnh hoàn hảo

Chỉ báo Vortex: Cách sử dụng để tìm điểm vào lệnh hoàn hảo

Chỉ báo Vortex là công cụ hữu ích giúp trader xác định sức mạnh của xu hướng và tìm điểm vào lệnh hoàn hảo. Bằng cách dựa vào tín hiệu...

chứng quyền có bảo đảm

Cách tính lời lỗ khi giao dịch chứng quyền có bảo đảm

Bài viết này sẽ cũng cấp cho nhà đầu tư một góc nhìn đa chiều hơn về cách tính lời lỗ khi giao dịch chứng quyền có bảo đảm. Cấu...

Đường trendline

Đường trendline là gì? Cách xác định và lưu ý khi sử dụng

Trong thế giới đầy biến động của thị trường tài chính, việc hiểu và dự đoán xu hướng giá là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu...