Contrarian Trading: Khi nào nên đi ngược lại đám đông?
Contrarian Trading, hay giao dịch trái ngược xu hướng đám đông, là chiến lược tận dụng những thời điểm thị trường quá mua hoặc quá bán để tìm kiếm cơ hội đầu tư khác biệt. Chiến lược này đòi hỏi nhà đầu tư có tư duy phân tích mạnh mẽ và sự kiên nhẫn, nhằm phát hiện những điểm đảo chiều tiềm năng trong xu hướng thị trường. Vậy khi nào là lúc thích hợp để đi ngược lại đám đông? Cùng khám phá lợi ích, rủi ro và các yếu tố quan trọng để áp dụng Contrarian Trading hiệu quả.
Mục Lục
Contrarian Trading là gì?
Contrarian Trading (Đầu tư trái ngược) là một chiến lược đầu tư mà trong đó nhà đầu tư cố tình đi ngược lại xu hướng hiện tại của thị trường bằng cách bán ra khi đa số nhà đầu tư khác đang mua và thực hiện mua vào trong khi hầu hết các nhà đầu tư đang bán.
Đầu tư trái ngược cũng là một chiến lược đầu tư liên quan đến đầu tư giá trị, họ tìm kiếm các khoản đầu tư đang bị thị trường định giá sai và có xu hướng mua vào những khoản đầu tư có vẻ như đang bị thị trường định giá thấp hơn tiềm năng thực của công ty.
Khi đám đông đang nhìn về một hướng, một người phản đối tin rằng một số hành vi của đám đông nhất định giữa các nhà đầu tư có thể dẫn tới định giá sai mà một người đầu tư trái ngược có thể khai thác để kiếm lợi nhuận khổng lồ trên thị trường chứng khoán.
Một nhà đầu tư trái ngược không nhất thiết phải có cái nhìn tiêu cực về thị trường chung, cũng không phải nhà đầu tư Contrarian Trading luôn tin rằng nó luôn được định giá quá cao, hoặc luôn luôn cho rằng đám đông bao giờ cũng sai. Mà thay vào đó, nhà đầu tư trái ngược thông minh luôn tìm kiếm các cơ hội để mua hoặc bán các khoản đầu tư khi phần lớn đám đông đang làm ngược lại.
Warren Buffett với triết lý đầu tư: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi” và thực tế đã chứng minh ông là một nhà đầu tư trái ngược vĩ đại nhất thế giới.
Cách hoạt động của chiến lược Contrarian Trading
Về tư duy đối lập, trong cuốn sách “Nghệ thuật của tư duy trái ngược” của Humphrey B. Neill, ông nêu lập luận rằng có thể dễ dàng tìm thấy điều gì đó trái ngược, nhưng lại khó phát hiện ra khi mọi người tin vào điều đó. Ông đi đến kết luận “Khi mọi người nghĩ giống nhau, mọi người đều có khả năng sai”.
Sự bi quan thái quá về một cổ phiếu có thể đẩy giá cổ phiếu đó xuống mức thấp, hành động bán ra hàng loạt của các nhà đầu tư đến mức như là cổ phiếu đó sắp sụp đổ, phóng đại quá mức về rủi ro của công ty và đánh giá thấp triển vọng lợi nhuận của công ty đó. Việc xác định mua những cổ phiếu khó khăn như vậy, và bán sau khi công ty đó hồi phục có thể đem đến một khoảng lợi nhuận khổng lồ, điều này hấp dẫn nhà đầu tư trái ngược.
Ngược lại, sự lạc quan rộng rãi có thể dẫn đến việc cổ phiếu/hàng hóa bị định giá cao, cao tới mức phi lý mà nhà đầu tư trái ngược tin rằng giá của tài sản đó sẽ sớm giảm xuống. Lúc này, nhà đầu tư trái ngược sẽ thực hiện bán ra (hoặc bán khống) giữa lúc đám đông đang hừng hực mua vào.
Việc mua vào khi giá trị thực bị định giá thấp (do đám đông đồng loạt bán mạnh) hoặc bán ra khi giá đang quá cao (đám đông đồng lòng mua vào) là những nguyên tắc chung của những nhà đầu tư trái ngược đại tài, có thể áp dụng cho các khoản đầu tư có thể là cổ phiếu, trái phiếu, một lĩnh vực công nghiệp hay toàn bộ thị trường hay bất kỳ loại tài sản nào khác.
Các công cụ hỗ trợ cho Contrarian Trading
Các chỉ báo đối lập thường được sử dụng cho tâm lý nhà Contrarian Trading là chỉ số biến động hay còn gọi một cách không chính thức là Chỉ số sợ hãi. Chỉ số này đưa ra một thước đo về mức độ bi quan hoặc lạc quan của tâm nhà đầu tư trên thị trường.
Khi biểu đồ tâm lý đo đạc được tới mức độ Hưng phấn, nghĩa là các nhà đầu tư sẽ đồng loạt mua vào thì lúc này lại là đỉnh điểm của rủi ro tài chính lớn nhất, nhà đầu tư trái ngược sẽ thực hiện bán, đi ngược lại đám đông đang mua vào.
Ngược lại, khi biểu đồ tâm lý đo được tâm lý của đại đa số nhà đầu tư trên thị trường đạt đến mức Chán nản, nghĩa là các nhà đầu tư đang rất bi quan và sẽ thực hiện bán ra hàng loạt, nhà đầu tư trái ngược sẽ thực hiện mua vào vì thấy rằng đây là cơ hội đầu tư tốt nhất mà họ đang tìm kiếm.
Khi nào nên đi ngược lại đám đông?
Để đạt được tỷ lệ lợi nhuận cao trên thị trường, nhà đầu tư cần phải không ngừng trao kiến thức, liên tục cập xu hướng thị trường. Không phải lúc nào cũng đi ngược lại đám đông mà nhà đầu tư cần phải có những cái nhìn khách quan nhất với thị trường. Nhà đầu tư chỉ nên đi ngược lại đám đông khi nhận thấy những dấu hiệu sau đây:
-
- Thị trường quá mua hoặc quá bán: Khi nhận thấy thị trường bước vào vùng quá mua hoặc quá bán, để xác định được điều này nhà đầu tư cần kết hợp các chỉ báo kỹ thuật như RSI để tăng độ chính xác trong việc xác định vùng quá mua quá bán. Lúc này nhà đầu tư nên bình tĩnh để nhận diện được xu hướng, tránh chạy theo đám đông.
- Hiệu ứng bầy đàn và bong bóng tài sản: Không có tài sản nào tăng mãi và giảm mãi, nếu cổ phiếu đó thực sự tốt thì cũng cần phải có thời gian để xây dựng và củng cố nền tảng tốt đó thêm bền vững, vì vậy giá cũng sẽ có xu hướng tăng bền vững nhưng không có nghĩa là tăng mãi tăng mãi. Nên nhà đầu tư phải có lập trường mua bán, không đua lệnh mua khi cổ phiếu đã tăng khá mạnh trước đó mà không có sự điều chỉnh nào đáng kể.
- Thời kỳ khủng hoảng hoặc suy thoái: Khi bắt đầu hoặc kết thúc của một thời kỳ khủng hoảng hoặc suy thoái thì tâm lý đám đông phản ứng rất mạnh mẽ. Nếu là bắt đầu thì đa phần họ sẽ hành động mua vào ào ạt vì cho rằng mức giảm đột ngột như vậy đã đủ hấp dẫn, nhưng bạn cần thận trọng, khi bắt đầu chu kỳ suy thoái thị trường thường sẽ có xu hướng giảm dài hạn. Ngược lại, khi kết thúc chu kỳ suy thoái thì đa phần đám đông nhà đầu tư vẫn không nhận ra, họ vẫn cho rằng thị trường còn xấu, còn bi quan nên vẫn bán ra là chính. Lúc này nhà đầu tư trái ngược có thể hành động ngược lại đám đông để đón đầu cơ hội.
- Khi các tin tức xấu tạo ra hoảng loạn: Công ty vẫn đang trên đà phát triển, tạo ra doanh thu lợi nhuận tăng trưởng tốt… nói chung tình hình kinh doanh vẫn đang ở trạng thái tốt, thì trên thị trường đột nhiên xuất hiện những tin tức tiêu cực, đáng lý tin xấu này chỉ liên quan đến một số ít những mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác nhưng tin tức tiêu cực lại liên tục được đưa ra và có phần quá đà, tạo ra hoảng loạn cho đám đông, họ bán tháo tất cả kể cả cổ phiếu những công ty tốt. Lúc này nhà đầu tư trái ngược sẽ nhìn thấy được cơ hội và hành động ngược lại đám đông để tìm kiếm lợi nhuận.
Rủi ro của Contrarian Trading
Xu hướng kéo dài hơn dự đoán
Nhà đầu tư Contrarian Trading tin rằng giá trị của thị trường hoặc cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của nó và do đó nó đại diện cho một cơ hội. Về bản chất, sự bi quan thái quá của đám đông đã đẩy giá cổ phiếu xuống rất thấp, thấp hơn rất nhiều giá trị thực, nhà đầu tư trái ngược sẽ mua nó và khi niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại thì giá cổ phiếu sẽ bật tăng trở lại.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc cũng đúng, cổ phiếu này vẫn có thể tiếp tục bị định giá thấp trong tương lai (nghĩa là giá vẫn giảm sau khi nhà đầu tư trái ngược đã mua vào cổ phiếu). Lúc này nhà đầu tư trái ngược sẽ đối diện khả năng thua lỗ và có thể nói là gặp thất bại trong việc nhận diện cơ hội đầu tư.
Tâm lý đi ngược lại số đông còn có thể dẫn tới việc bỏ lỡ lợi nhuận nếu như tâm lý tăng giá của đám đông được thị trường chứng minh là đúng, thị trường vẫn cứ tiếp tục chu kỳ tăng giá ngay cả khi nhà đầu tư trái ngược đã bán ra hết cổ phiếu.
Sự kiện lớn có thể tiếp tục đẩy giá đi xa khỏi dự đoán
Nhà đầu tư trái ngược thường nhắm mục tiêu vào cổ phiếu của các công ty sắp phá sản, mua lại chúng khi cho rằng đám đông vẫn tiếp tục bán ra sau khi cổ phiếu đã giảm quá sâu là đang định giá quá thấp cổ phiếu đó. Tuy nhiên nếu không nhận diện được đúng cơ hội, với những sự kiện như công ty mất khả năng thanh toán, vay nợ quá nhiều, việc kinh doanh vẫn tiếp tục gặp khó khăn… rất có thể giá cổ phiếu vẫn còn giảm trong một thời gian khá dài.
Việc mua vào đi ngược với đám đông đang bán ra có thể sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư trái ngược trong tình huống này.
Tương tự, khi giá cổ phiếu của công ty mặc dù đã tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi, lúc này nhà đầu tư trái ngược nhận định có thể đã vào vùng quá mua và thực hiện bán ra giữa lúc đám đông vẫn đang mua vào.
Nhưng ngay cả khi nhà đầu tư trái ngược đã thực hiện bán ra hết cổ phiếu đang nắm giữ nhưng giá vẫn tiếp tục tăng vì cổ phiếu này thực sự có “một câu chuyện” tích cực “để kể” dài hạn với nhà đầu tư, nghĩa là cơ hội tăng giá đang thực sự rất lớn, rất thực…thì lúc này nhà đầu tư Contrarian Trading cũng bị rơi vào trường hợp “bán lúa non” và bỏ lỡ cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Kết luận
Không phải việc Contrarian Trading đi ngược lại đám đông bao giờ cũng đúng hoặc bao giờ cũng sai. Nhà đầu tư cần phải nhận diện rủi ro một cách khách quan nhất để hạn chế áp đặt nhận định chủ quan của mình lên thị trường, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Chiến lược đầu tư trái ngược nếu áp dụng đúng thời điểm sẽ gia tăng lợi nhuận rất nhiều.
Để việc đầu tư đạt được hiệu quả tốt nhất, nhà đầu tư cần thiết phải liên tục cập nhật tin tức thị trường, trau dồi thêm kiến thức trên HscEdu để nâng cao kỹ năng ra quyết định trên thị trường.
Hãy tiếp tục theo dõi Stock Insight để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về thị trường tài chính.
Phan Thị Thu Thuỷ
Wealth Manager