Cổ phiếu ngành dầu khí có còn là tâm điểm của thị trường nửa cuối năm 2024?
Với triển vọng giá dầu neo cao và siêu dự án Lô B – Ô Môn sắp được triển khai, vậy cổ phiếu ngành dầu khí có còn là tâm điểm của thị trường nửa cuối năm 2024? Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu nhé.
Mục Lục
Bối cảnh thị trường cổ phiếu ngành dầu khí
Ngành dầu khí là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của nước ta khi liên tục nằm trong nhóm 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa lớn về mặt an ninh năng lượng và quốc phòng, nên rào cản thâm nhập ngành là rất lớn khi ngoài vấn đề yêu cầu về nguồn vốn lớn, kỹ thuật,… thì để tham gia cần có sự cho phép của Nhà nước.
Với rào cản lớn về chính sách và còn hỗ trợ mặt an ninh quốc phòng, thì ngành dầu khí Việt Nam gần như độc quyền và đại diện là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam – PVN) chịu sự quản lý chặt chẽ của Bộ công thương.
Với lợi thế gần như độc quyền, PVN và các Tổng công ty, Công ty thành viên có lợi thế rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các công ty trực thuộc PVN hoạt động trải dài từ: thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và phân phối các sản phẩm dầu khí và một số các công ty thành viên này đã niêm yết lên Thị trường chứng khoán hình thành nên nhóm cổ phiếu ngành dầu khí.
Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí là rất nhạy cảm, biến động lớn và chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới như giá dầu Brent và WTI.
Tính tới nay trên cả ba sàn HOSE; HNX và UPCOM đang có khoảng 28 cổ phiếu ngành dầu khí niêm yết giao dịch và thường xuyên thu hút được chú ý của giới đầu tư.
Đặc điểm của ngành dầu khí
Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới ngành dầu khí
Như đã đề cập bên trên, không riêng Việt Nam mà với bất kỳ quốc gia nào thì ngành dầu khí đều ảnh hưởng cực kỳ lớn tới an ninh năng lượng, quốc phòng từ đó ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế xã hội của quốc gia đó. Ngoài ra, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ cũng là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất công nghiệp quan trọng như: hóa chất, nhựa, nhiệt điện; phân bón;…
Vì vậy, ngoài yếu tố cung cầu thì giá dầu còn ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, tranh chấp xung đột giữa các nước, sự mạnh yếu của đồng USD, hay ý chí điều tiết giá dầu của OPEC+,…
1. Cung cầu ngành dầu khí
Dù với bất cứ ý chí chính trị hay sự điều tiết gì, thì cung cầu tự nhiên vẫn đóng vai trò chính và quan trọng nhất trong việc quyết định giá dầu.
Cung cầu thực của dầu mỏ được quyết định ngoài OPEC+ ra còn có nhóm các nước sản xuất và tiêu thụ lớn nhất trên toàn cầu. Năm 2023 nhóm 10 nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất chiếm 57.7% tổng sản lượng toàn cầu và nhóm 10 nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất chiếm 60.4% tổng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Trong đó Mỹ giữ vị trí số 1 cả sản xuất và tiêu thụ, do đó giá dầu thô giao dịch còn bị ảnh hưởng bởi thông tin lượng tồn kho thương mại tại Mỹ.
Ngoài Mỹ, cung cầu dầu mỏ còn được theo dõi chặt chẽ nhu cầu ở các nước như: Trung Quốc; Châu Âu, Ấn Độ; Châu Á Thái Bình Dương;…
2. OPEC và OPEC+
Khi nhắc tới ngành dầu khí không thế không nhắc tới tổ chức quyền lực nhất trong ngành là OPEC. Đây là liên minh các nước sản xuất dầu mỏ được thành lập với mục đích giành quyền điều tiết giá dầu từ nhóm 7 công ty dầu khí lớn của Mỹ và Anh,…Hiện tại, OPEC có 13 thành viên với đầu tàu là Saudi Arabia và 12 thành viên còn lại là: Algeria, Angola, Congo, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Guinea, Gabon, Nigeria, UAE và Venezuela.
OPEC+ là một nhóm gồm 23 thành viên, bao gồm OPEC và nhóm 10 nước sản xuất dầu mỏ lớn bao gồm: Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Nam Sudan, Sudan, Brunei, Bahrain, Mexico, Oman và Malaysia.
Tổng sản lượng của OPEC+ năm 2023 là 43.14 triệu thùng/ngày (nguồn: EIA) chiếm 42.24% tổng sản lượng toàn cầu.
3. Các yếu tố khác ảnh hưởng tới giá dầu
Ngoài cung cầu, OPEC thì các yếu tố khác cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá dầu và xu hướng giá dầu thế giới đó là:
Dòng vốn đầu cơ trên thị trường giao dịch dầu mỏ tương lai, đây là một trong những thị trường giao dịch sôi động để các nhà sản xuất dầu mỏ có thể phòng hộ (hedging). Tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ vào xu hướng giá dầu cũng quyết định lớn tới giá dầu thế giới. Tiêu biểu nhất là vào 4/2020 khi thế giới chống chọi với đại dịch Covid, hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn New York (NYMEX) đã có lúc âm 40.32$ và chốt phiên âm 37.63$.
Lý do cho việc giá dầu lần đầu tiên âm là do tới đáo hạn, nếu các nhà đầu cơ không đóng vị thế sẽ phải nhận dầu thô thật chứ không phải các hợp đồng tương tai, nếu nhận dầu thô thật thì lúc đó chi phí lưu kho sẽ tốn kém và chưa kể tới chi phí bán hàng,… và các nhà đầu cơ là không có kinh nghiệm, do đó họ đóng vị thế bằng mọi giá và đẩy giá dầu WTO giao tháng 5 về mức giá âm.
Giá trị đồng USD ảnh hưởng tới giá dầu, do dầu thô nói riêng và các loại thương phẩm khác nói chung được yết giá bằng USD. Do đó, khi đồng USD mạnh lên thì dầu thô có xu hướng giảm, và khi đồng USD yếu đi thì giá dầu thô có xu hướng tăng.
Xung đột tại giếng dầu Trung Đông luôn luôn là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá dầu, đây là nơi có 5/10 nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và các nước thành viên chủ chốt của OPEC. Do đó, mọi xung đột đều làm lo ngại ảnh hưởng tới nguồn cung dầu và khiến giá dầu thế giới tăng.
Ví dụ mới đây nhất là leo thang xung đột giữa Iran và Israel đã khiến lo ngại eo biển Hormuz bị phong tỏa, khi eo biển này là nơi vận chuyển 21 triệu thùng dầu/ngày và 90 triệu tấn LNG hàng năm chiếm 20% tổng sản lượng dầu thế giới và 25% tổng lượng LNG toàn cầu.
Các yếu tố ảnh hưởng tới cổ phiếu ngành dầu khí
1. Giá dầu thô trên thị trường thế giới – dầu Brent
Với các công ty thuộc nhóm ngành dầu khí niêm yết trên TTCK Việt Nam, ngoài ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới mà tiêu biểu là dầu Brent, thì các doanh nghiệp trong nhóm ngành hoạt động trải dài từ các khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Do đó, mức độ ảnh hưởng, độ trễ với giá dầu sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp hoạt động ở từng khâu.
Thông thường, các doanh nghiệp ở khâu hạ nguồn sẽ nhạy với giá dầu Brent nhất như: bán lẻ xăng dầu (PLX; OIL); Lọc hóa dầu (BSR); Phân phối khí (PGD; CNG); sản xuất đạm (DCM; DPM) hay nhà máy nhiệt điện khí (POW; NT2; BTP). Ví dụ như việc điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày để bám sát giá dầu thế giới cho thấy bán lẻ xăng dầu rất nhạy với giá dầu thô.
Tiếp theo là nhóm Trung nguồn: khi nhóm này chịu ảnh hưởng bởi chi phí giá nguyên liệu tăng, như: PVT; VTO; VIP hay như GAS.
Ít nhạy cảm nhất trong 3 nhóm là nhóm Thượng nguồn, công việc chủ yếu là thăm dò và khai thác dầu thô (PVD; PVS; PVB; PVC), khi mà các dự án Thượng nguồn sẽ triển khai hay tạm dừng khi xác định được xu hướng giá dầu trong dài hạn, vì một mỏ dầu sẽ hoạt động trong nhiều chục năm.
2. Các dự án dầu khí lớn của Việt Nam
Khi triển khai các dự án dầu khí lớn trọng điểm, sẽ cần huy động nguồn lực rất lớn và gần như tất cả các công ty từ các khâu: Thượng nguồn; Trung nguồn; Hạ nguồn.
Ví dụ như năm 2008, khi Việt Nam hoàn thành giai đoạn 1 dự án Nam Côn Sơn bao gồm hệ thống ống vận chuyển khí và nhà máy xử lý khí Dinh Cố, và giai đoạn 2 năm 2014 đã là bệ phóng giúp nhiều cổ phiếu dầu khí tăng mạnh mẽ và tạo giá cao mọi thời đại, tới bây giờ vẫn chưa vượt qua được như: PVD đỉnh 55,000 đ/cp; PVB đỉnh 52,000 đ/cp; PVC mức 19,000 đ/cp; PXS mức 28,000 đ/cp.
Và hiện nay, dự án dầu khí Lô B – Ô Môn và cụm nhà máy điện khí Ô Môn với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ USD đang được kỳ vọng sẽ đưa ngành dầu khí Việt Nam quay trở lại thời kỳ hoàng kim và có thể kỳ vọng các cổ phiếu GAS; PVS; PVD; PVB; PVC; PXS;… một lần nữa thiết lập mức cao mới.
Danh sách các cổ phiếu hưởng lợi từ ngành dầu khí
>>> Xem danh sách các Cổ phiếu ngành dầu khí
Trong số các dự án thượng nguồn trong kế hoạch triển khai như: Lô B-Ô Môn; Sư Tử Trắng -GĐ 2B; Cá Voi Xanh; Lạc Đà Vàng; Kèn Bầu;… thì Lô B-Ô Môn đang là dự án nhận được đầu tư và quan tâm lớn nhất hiện nay. Và các doanh nghiệp ở khâu Thượng nguồn sẽ được hưởng lợi trước tiên như: PVD; PVS; PVC; PXS sau đó là khâu Trung nguồn với các cổ phiếu của ngành dầu khí: GAS: PVB; PVS và cuối cùng là khâu hạ nguồn: GAS; PVS; PXS.
Trong đó, PVS là doanh nghiệp gần như xuất hiện ở tất cả các giai đoạn của dự án.
Lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu khí
Cổ phiếu ngành dầu khí với bản chất biến động mạnh và nhạy với giá dầu sẽ là cơ hội mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đi kèm đó cũng là rủi ro cần được cân nhắc. Nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu ngành này:
- Quan tâm tới biến động của giá dầu, và xác định giá dầu biến động ngắn hay trung hạn, do yếu tố cung cầu hay yếu tố địa chính trị.
- Quan tâm tới rủi ro chính trị, nhất là khu vực Trung Đông nơi có các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Hormuz;… và chiếm sản lượng dầu lớn của thế giới.
- Rủi ro môi trường gây ảnh hưởng tới cuộc sống có thể làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
- Và quan trọng là tình hình tài chính của doanh nghiệp sẽ quyết định giá cổ phiếu.
Lời kết
Hy vọng với bài viết tổng quan về ngành dầu khí đã mang lại một góc nhìn bao quát cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi đầu tư nhóm ngành dầu khí nhất là trong bối cảnh dự án Lô B – Ô Môn đang tới giai đoạn cuối cùng để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID).
Lê Trọng Đại
Wealth Manager