Chỉ báo MACD: Định hướng giao dịch theo chu kỳ thị trường

Ngày đăng: 27/11/2024 lượt xem

Chỉ báo MACD là một trong những chỉ báo phân tích kỹ thuật mạnh mẽ và cực kỳ phổ biến khi giúp nhà đầu tư vừa xác định được xu hướng vừa xác nhận điểm mua bán hiệu quả, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách sử dụng MACD. Hãy cùng Stock Insight tìm hiểu cách sử dụng và làm chủ MACD nhé.

Chỉ báo MACD là gì?

Định nghĩa

Chỉ báo MACD (Moving Average Convergence Divergence) hay đường trung bình động hội tụ phân kỳ là một công cụ phổ biến được dùng trong phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng; động lực và các điểm giao dịch tiềm năng.

Cấu trúc của chỉ báo MACD

Chỉ báo MACD được tính toán từ sự khác biệt của 2 đường trung bình động mũ của giá, và được thể hiện trên biểu đồ qua 4 thành phần:

  • Đường MACD = EMA(12) – EMA(26)
  •  Đường tín hiệu (Signal line) = EMA(9) của MACD.
  • Biểu đồ Histogram: là chênh lệch giữa đường MACD và đường tín hiệu.
  • Đường Zero: là 1 mốc tham chiếu quan trọng, giúp xác định chuyển đổi giữa xu hướng tăng và giảm.

Minh họa chỉ báo MACD với cổ phiếu MSN

Giới thiệu cấu trúc chỉ báo MACD
Hình 1: Giới thiệu cấu trúc chỉ báo MACD

Nguyên lý hoạt động của MACD

Nguyên lý hoạt động của chỉ báo MACD là dựa trên sự khác biệt của 2 đường trung bình động hàm mũ để phân tích xu hướng và động lực của giá.

Chỉ báo MACD - Nguyên lý hoạt động của MACD dựa trên sự khác biệt hai đường EMA
Hình 2: Nguyên lý hoạt động của MACD dựa trên sự khác biệt hai đường EMA

Nhìn vào “Hình 2”, chúng ta sẽ có cái nhìn trực quan hơn về giá trị của đường MACD và vị trí tương quan của 2 đường EMA(12) và EMA(26) từ đó cho chúng ta hình dung về xu hướng:

  • MACD > 0: Đường EMA(12) > EMA(26) cho ta hình dung 1 xu hướng tăng
  • MACD < 0: Đường EMA(12) < EMA(26) cho ta hình dung 1 xu hướng giảm
  •  MACD = 0 hay khi MACD giao cắt với đường Zero là khi EMA(12) và EMA(26) giao cắt nhau.

Về mặt động lực giá, chúng ta sẽ chú ý tới chỉ báo MACD và đường tín hiệu. Khi 2 đường giãn ra thì cho thấy xu hướng đang mạnh và khi 2 đường hội tụ thì cho thấy xu hướng (tăng hoặc giảm) đang dần yếu đi.

Định hướng giao dịch theo chu kỳ thị trường với MACD

Giai đoạn thị trường tăng trưởng

Giai đoạn tăng trưởng là giai đoạn mà thị trường tích cực, liên tục tạo xu hướng tăng khi thiết lập các đỉnh mới. Trong giai đoạn này, chỉ báo MACD sẽ hữu ích khi cung cấp các tín hiệu mua và nắm giữ.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro nhà đầu tư cần có chiến lược giải ngân từng phần và tùy theo mức độ rủi ro để cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.

Chiến lược giao dịch:

Chỉ báo MACD - Giao dịch mua STB với MACD trong thị trường tăng trưởng
Hình 3: Giao dịch mua STB với MACD trong thị trường tăng trưởng

Quan sát “Hình 3”, khi STB tạo đáy số 2 thấp hơn đáy 1, trong khi đó “MACD Histogram” đáy 2 cao hơn đáy 1 cho chúng ta ý tưởng về việc STB tạo phân kỳ với chỉ báo MACD Histogram và chính thức tạo đáy ở đáy 2.

Tín hiệu mua (đường kẻ sọc màu đỏ): Khi MACD bắt đầu thu hẹp với đường tín hiệu thể hiện qua biểu đồ Histogram bắt đầu thu hẹp. Đây là một tín hiệu rủi ro cao do trên đồ thị chỉ thể hiện STB đang thu hẹp xu hướng giảm, chứ chưa tăng nên tỷ lệ giải ngân phù hợp là thăm dò với 10%-20% vị thế mua.

Tín hiệu mua gia tăng (đường kẻ sọc màu vàng): Khi MACD cắt lên đường tín hiệu, cho thấy STB đã kết thúc xu hướng giảm, còn tiếp theo là tích lũy hay tăng thì chưa rõ ràng. Nhưng so với xu hướng giảm thì chuyển biến này là tích cực, và nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng mua thêm 30%-40% tùy khẩu vị rủi ro.

Xác nhận xu hướng tăng mạnh (đường kẻ sọc màu xanh): Khi MACD cắt lên đường Zero, và trên biểu đồ là EMA(12) cắt lên EMA(26) thể hiện STB bước vào xu thế tăng bền vững, đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư gia tăng vị thế mua, khi 2 điểm mua trước đó đã giải ngân được 40% – 60% vị thế mua.

Đóng vị thế: Nhà đầu tư xem xét chốt lời từng phần khi MACD Histogram bắt đầu thu hẹp hoặc một tín hiệu cảnh báo rủi ro sớm hơn là MACD và đường tín hiệu có dấu hiệu thu hẹp cho thấy động lực tăng đang suy giảm.

Giai đoạn điều chỉnh hoặc suy thoái

Trong giai đoạn điều chỉnh hoặc suy thoái thì hình thành nên xu hướng giá chứng khoán liên tục giảm, tình trạng bán tháo dễ dàng xảy ra, đáy sau thấp hơn đáy trước. Khi này, chỉ báo MACD sẽ trở thành công cụ quản trị rủi ro, giúp nhà đầu tư bán và tránh phải thiệt hại lớn.

Chiến lược giao dịch:

Với tín hiệu bán, chúng ta cần thực hiện dứt khoát và nhanh chóng hơn khi mua, vì khi mua giá chứng khoán tăng chậm, nhưng khi giảm thì tâm lý sợ hãi sẽ khiến nhà đầu tư bán tháo gây nên giá chứng khoán giảm nhanh và mạnh.

Chỉ báo MACD - Giao dịch bán HSG với MACD trong thị trường điều chỉnh
Hình 4: Giao dịch bán HSG với MACD trong thị trường điều chỉnh

Tín hiệu bán (đường kẻ sọc màu xanh): Trong quá trình chứng khoán tăng giá, chúng ta cần phải liên tục chú ý các dấu hiệu sớm về giá chứng khoán sẽ suy yếu như: phân kỳ âm giá chứng khoán và chỉ báo MACD, hay sự thu hẹp của MACD và đường tín hiệu (MACD Histogram suy giảm), các tín hiệu suy yếu này sẽ được xác nhận khi MACD cắt xuống đường tín hiệu.

  • Nếu MACD cắt xuống đường tín hiệu và bên trên đường Zero, thì đây là một tín hiệu bán mạnh, nhưng giá có thể chưa giảm mạnh ngay nên nhà đầu tư có thể bán trước 50%-70% vị thế tùy khẩu vị rủi ro.
  • Nếu MACD cắt xuống đường tín hiệu và bên dưới đường Zero, thì đây là một tín hiệu bán rất mạnh, nhà đầu tư nên bán 100% và thoát khỏi vị thế mua.

Xác nhận xu hướng giảm (đường kẻ sọc màu đỏ): Khi chỉ báo MACD cắt xuống đường Zero, khi này xu hướng giảm được xác nhận, và nhà đầu tư nên thoát 100% vị thế mua. Với nhà đầu tư bán khống có thể mở vị thế Short.

Chốt lời vị thế short (đường kẻ sọc màu vàng): Nhà đầu tư cần chú ý quá trình chứng khoán giảm, và quan sát sự thu hẹp của chỉ báo MACD và đường tín hiệu (MACD Histogram). Đây là tín hiệu của xu hướng giảm giá đang yếu đi, và nhà đầu tư cân nhắc chốt lời vị thế bán.

Giai đoạn tích lũy

Giai đoạn tích lũy là giai đoạn mà giá chứng khoán đi ngang không có xu hướng rõ ràng, đây là vùng mà bên mua và bên bán không có bên nào chiếm được ưu thế. Giai đoạn tích lũy thường xuất hiện sau một đợt giảm dài hoặc sau một nhịp tăng gọi là tái tích lũy trước khi tiếp tục xu hướng.

Chỉ báo MACD - Giao dịch ACB với MACD trong Giai đoạn Tích lũy
Hình 5: Giao dịch ACB với MACD trong Giai đoạn Tích lũy

Trong giai đoạn chứng khoán tích lũy, thường xuyên xuất hiện các tín hiệu giả gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Hình 5 cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về tín hiệu giả gây ra bởi chỉ báo MACD khi cắt lên đường Zero ở các tháng 9/2023; 10/2023 và 11/2023 và gây ra các mức lỗ lần lượt 3%; 4.5% và 3.9%.

Do đó, khi giao dịch bằng MACD nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch khi chưa có xu hướng rõ ràng, chờ đợi tín hiệu break out và giao dịch theo xu hướng mới.

Các lưu ý khi sử dụng chỉ báo MACD

Chỉ báo MACD là một chỉ báo có độ trễ, do đó, nên được sử dụng để xác nhận xu hướng hơn là dùng MACD để dự báo. Để hạn chế độ trễ của MACD, nhà đầu tư có thể phối hợp với một chỉ báo như RSI, Stochastic,…

Phân kỳ giữa giá và chỉ báo MACD là một tín hiệu hiệu mạnh, ở “Hình 3: Giao dịch mua STB với MACD trong thị trường tăng trưởng” đã cho thấy tác dụng sớm của phân kỳ và lợi dụng độ trễ của MACD cho xác nhận tín hiệu mua.

Không nên sử dụng MACD trong mọi thị trường, trong thị trường không có xu hướng MACD sẽ tạo ra nhiều tín hiệu nhiễu khi MACD và đường tín hiệu tạo ra nhiều giao cắt và gây thiệt hại cho danh mục cũng như làm tăng chi phí giao dịch không cần thiết làm bào mòn lợi nhuận.

MACD bản chất là sự chênh lệch giữa 2 đường EMA ngắn và EMA dài, do đó, nhà đầu tư có thể điều chỉnh tham số mặc định là (12;26;9) thành các tham số khác phù  hợp hơn với từng người. Ví dụ có thể chọn một bộ tham số nhỏ hơn để tăng độ nhạy với  thị trường như (6;13;5);…

Kết luận

Chỉ báo MACD là một công cụ mạnh nhưng không toàn năng, nhà đầu tư cần luyện tập để tăng trải nghiệm, học hỏi và rút ra được khung thời gian phù hợp với cá nhân mình. Hy vọng, thông qua bài viết này Stock Insight đã phần nào giúp nhà đầu tư hiểu hơn về MACD và có định hướng  giao dịch theo chu kỳ thị trường để mang lại lợi nhuận.

Các nhà đầu tư cùng tham gia vào HscEdu – Nền tảng đào tạo chứng khoán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Tham gia các lớp học cùng chuyên gia giúp tối đa hóa lợi nhuận.

Lê Trọng Đại
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Quy luật giá trị là một nguyên lý cơ bản trong kinh tế học

Quy luật giá trị là gì? Tác động của quy luật giá trị đến nền kinh tế thị trường

Quy luật giá trị là một trong những khái niệm cốt lõi trong kinh tế học, đóng vai trò như một sợi dây vô hình kết nối các hoạt động...

tỷ suất sinh lời

Tỷ suất sinh lời là gì? Mối liên hệ với quản trị vốn bạn không nên phớt lờ

Tỷ suất sinh lời là gì? Tỷ suất sinh lời (tỷ suất sinh lợi) là tỷ lệ giữa tổng lợi nhuận thu được và tổng số vốn đầu tư trong...

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính (Cập nhật 2023)

Trước khi bước vào hướng dẫn lập báo cáo tài chính, thì chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm báo cáo tài chính là gì. Báo cáo tài chính...