Cách sử dụng đường SMA để xác định xu hướng thị trường

Ngày đăng: 12/02/2025 lượt xem

Đường trung bình động đơn giản Simple Moving Average (SMA) là một công cụ được sử dụng trong phân tích kỹ thuật của các nhà đầu tư tài chính. SMA được sử dụng khá phổ biến vì tính đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng rất hiệu quả.

Các nhà đầu tư quốc tế thường sử dụng đường SMA 200 để chỉ báo xu hướng dài hạn của một tài sản tài chính là rơi vào chu kỳ giảm giá (downtrend) hay tăng giá (uptrend). Trong bài viết này tôi sẽ đề cập kỹ hơn về đường trung bình động đơn giản SMA và cách sử dụng nó trong nhận định và giao dịch tài sản tài chính.

Đường SMA là gì?

Định nghĩa

SMA (Simple Moving Average) là đường trung bình động đơn giản, tính toán bằng cách lấy giá trung bình trong một khoảng thời gian cố định. Thông thường SMA được tính bằng cách lấy trung bình cộng của giá đóng cửa của những cây nến gần nhất trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ SMA5 là giá trung bình đóng cửa của 5 cây nến gần nhất trước đó.

Cách tính SMA

SMA = (P1 + P2 + P3 + … + Pn)/n

Trong đó P1 đến Pn là giá đóng cửa của n phiên trước đó. Ví dụ ta có bảng tính SMA5 và SMA7 của cổ phiếu SSI trong tháng 11 năm 2024 như sau:

Đường sma - Cách tính SMA5 và SMA7 của cổ phiếu SSI
Bảng 1. Cách tính SMA5 và SMA7 của cổ phiếu SSI trong tháng 11 năm 2024

SMA5 của ngày 7.11.2024 sẽ bằng trung bình cộng giá đóng cửa của 5 ngày liền trước từ 1.11.2024 đến 7.11.2024, SMA5 của ngày 8.11.2024 thì bằng trung bình cộng của 5 ngày liền trước từ 4.11.2024 đến 8.11.2024 tức là dịch xuống 1 ngày và tương tự cho các ngày khác cũng tính như thế. Đối với SMA7 cũng tính tương tự nhưng là 7 ngày liền trước.

Đặc điểm của SMA

Đường trung bình động đơn giản được xây dựng mượt hơn do được tính toán dựa trên giá đóng cửa mà bỏ qua các biến động trong ngày của cổ phiếu hoặc tài sản tài chính do đó việc sử dụng SMA ở các chu kỳ khác nhau sẽ giúp phản ánh xu thế tương ứng với các kỳ hạn đó.

Đường sma là gì - Đường SMA5, SMA21 và SMA50
Hình 1. Đường SMA5, SMA21 và SMA50

Vai trò của đường SMA trong phân tích kỹ thuật

Đường SMA có vai trò cực kỳ quan trọng trong xác định biến động xu hướng giá của cổ phiếu cũng như các sản phẩm tài chính khác. Thông qua các kỳ hạn khác nhau và so sánh với đường giá hiện tại để xác định xu hướng giá trong giai đoạn hiện tại. Nếu đường giá hiện tại đang nằm trên SMA thì có nghĩa là xu hướng giá đang tăng và ngược lại nếu giá nằm dưới đường SMA thì xu hướng giá là giảm.

>> Xem thêm: Phân Tích Xu Hướng Giá Với Chỉ Báo MACD Histogram

Ở một khía cạnh khác các đường SMA này cũng được xác định là các ngưỡng kháng cự hay ngưỡng hỗ trợ đối với giá cổ phiếu. Ví dụ trong ngắn hạn để xác định các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự người ta thường dùng các SMA21, trong trung hạn người ta hay dùng SMA100 và đặc biệt SMA200 là đường xu hướng quan trọng của giá cổ phiếu để xác định một trend của cổ phiếu đó có bị thay đổi hay không.

Các đường SMA ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
Hình 2. Các đường SMA ngắn hạn, trung hạn và dài hạn

Cách sử dụng đường SMA để xác định xu hướng thị trường

Sử dụng SMA đơn lẻ

Chúng ta có thể sử dụng những SMA đơn lẻ so với đường giá để xác định xu hướng biến động giá sắp tới. Ví dụ khi đường giá cắt đường SMA21 từ dưới lên thì có nghĩa là trong ngắn hạn xu hướng giá có thể tăng. Ngược lại khi đường giá cắt từ trên xuống dưới đường SMA21 thì xu hướng giá có thể giảm.

Trong phân tích kỹ thuật người ta thường dùng đường MA100 cho trung hạn và MA200 cho dài hạn. Đường MA200 vô cùng quan trọng trong phân tích kỹ thuật, khi đường giá cắt đường MA200 từ trên xuống có nghĩa là giá cổ phiếu rơi vào trạng thái downtrend trong dài hạn, chính vì vậy đường MA200 cũng chính là ngưỡng hỗ trợ mạnh của giá cổ phiếu khi cổ phiếu điều chỉnh mạnh.

Kết hợp nhiều đường SMA (Crossovers)

Người ta thường sử dụng các đường SMA đại diện cho các giai đoạn khác nhau để xác định xu hướng của cổ phiếu, ví dụ như đường SMA21 đại diện cho xu hướng ngắn hạn, SMA200 đại diện cho xu hướng dài hạn. Khi phân tích nếu đường đại diện cho xu hướng ngắn hạn cắt đường đại diện cho xu hướng dài hạn từ dưới lên thì có nghĩa là giá cổ phiếu đang bước vào chu kỳ tăng giá và ngược lại. 

Trong đồ thị hình 2 ta có thể thấy đường SMA200 màu tím đại diện cho xu thế dài hạn của cổ phiếu SSI, ở thời điểm ngày 17.10.2024 đường SMA21 cắt lên đường SMA200 dường như cho thấy thị trường có thể bước vào giai đoạn xu thế tăng nhưng đường SMA100 đại diện cho trung hạn vẫn nằm dưới đường SMA200 vì vậy xu thế tăng này rất mong manh và ngay sau đó đường SMA21 lập tức quay đầu khi giá cổ phiếu giảm và xuyên qua cả đường SMA100 và đường SMA200.

Có hai hình mẫu sử dụng SMA khá phổ biến đó là Death crossGolden cross. Death cross xảy ra khi đường SMA50 giảm xuống dưới đường SMA200 và điều này thường dẫn đến giá cổ phiếu sẽ giảm thêm nhiều nữa. Ngược lại Golden cross xảy ra khi ngắn hạn vượt lên dài hạn cùng với khối lượng giao dịch ở mức cao, khi xảy ra Golden cross nhiều khả năng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng thêm.

Kết hợp SMA với các công cụ khác

Đường SMA thường được sử dụng như đường chỉ báo xu hướng khi so sánh với đường giá, do đó ở một số trường hợp các đường SMA này thường được sử dụng như các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự.

Thông thường đường SMA 200 là một đường rất quan trọng, khi đường giá nằm trên đường SMA 200 thì có nghĩa là giá của tài sản tài chính đó vẫn đang ở xu hướng tăng và chính đường SMA 200 là một ngưỡng hỗ trợ rất mạnh trong quá trình điều chỉnh.

Để tăng độ tin cậy của chỉ báo này người thường kết hợp với chỉ báo RSI để xác nhận trạng thái của cổ phiếu hay tài sản tài chính đó có rơi vào tình trạng quá mua hay quá bán hay không. Thêm nữa khối lượng cũng là một yếu tố rất quan trọng để xác định giá của một tài sản tài chính đã vượt ngưỡng kháng cự hay thủng ngưỡng hỗ trợ hay chưa.

Việc kết hợp đường SMA với các công cụ phân tích kỹ thuật khác là điều rất cần thiết và được sử dụng thường xuyên đối với các nhà phân tích kỹ thuật để tăng tính ứng dụng và hiệu quả của công cụ SMA.

Phân biệt SMA với EMA

Trong công thức tính của SMA chúng ta có thể thấy dữ liệu của các ngày khác nhau đều có vai trò như nhau trong việc hình thành nên kết quả của SMA, với lý thuyết cho rằng những dữ liệu càng gần với hiện tại thì càng có giá trị hơn và phản ánh sát hơn với xu hướng giá hiện tại, vì vậy EMA được ra đời để khắc phục nhược điểm này.

Đường EMA sẽ nhạy cảm hơn đường SMA về xu hướng giá. Ở hình 3 bên dưới đường EMA màu xanh rõ ràng bám sát với đường giá hơn màu đen khi cùng chu kỳ 21 ngày.

Đường sma là gì - Đường SMA với đường EMA
Hình 3. Đường SMA với đường EMA

Kết luận

Đường SMA có ưu điểm là cách tính đơn giản, dễ sử dụng và tương đối hiệu quả khi xác định xu hướng của giá cổ phiếu hay các sản phẩm tài chính khác nên nó phù hợp với những nhà đầu tư mới khi phân tích kỹ thuật. Tuy vậy SMA cũng giống như các công cụ phân tích kỹ thuật khác là có độ trễ khá lớn nên thường ra tín hiệu muộn. Do đó, để khắc phục nhược điểm này nhà đầu tư cần phải kết hợp với nhiều tín hiệu khác để ra các quyết định phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bạn có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về đầu tư tài chính, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Phạm Thạch
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

VN Diamond

VN Diamond là gì? Cách xem chỉ số VN Diamond

Chỉ số VN Diamond là gì?  VN Diamond (Vietnam Diamond Index) – cổ phiếu Kim Cương Việt Nam là một chỉ số chứng khoán được xây dựng và quản lý...

Công cụ hóng kết quả FED – CME FedWatch Tool

Công cụ hóng kết quả FED – CME FedWatch Tool là một trong những tài nguyên quan trọng giúp nhà đầu tư và nhà phân tích dự báo sự thay...

Liệu GDP Trung Quốc sẽ cho tín hiệu về chu kỳ kinh tế toàn cầu?

GDP – Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ là tiêu điểm đầu tư vào tuần tới khi Bắc Kinh công bố dữ liệu quý đầu tiên về tổng...