Đánh giá khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán hiện nay

Ngày đăng: 03/01/2025 lượt xem

Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán trong đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế sẽ mở thêm dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. 

Tôi xin được trích một đoạn trả lời của ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital với phóng viên VTV. 

“Tôi nói chuyện với nhiều nhà đầu tư ngoại, họ nhìn Việt Nam như thị trường mới nổi: 100 triệu dân, năng động, chủ động, hiệu quả, đoàn kết, ổn định, đất nước phát triển… và họ muốn được đầu tư vào Việt Nam. Nhưng nhiều quỹ khi nhìn vào danh sách các thị trường chứng khoán mới nổi lại không có tên Việt Nam và họ hơi thất vọng vì họ rất muốn được đầu tư vào chứng khoán Việt Nam”

Bài viết chia sẻ các điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể được nâng hạng thị trường chứng khoán, thách thức mà thị trường có thể đối mặt.

Khái quát về nâng hạng thị trường chứng khoán

Phân loại các thị trường chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế

Hai tổ chức đánh giá và xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp thị trường chứng khoán Việt Nam vào Nhóm 3 – Thị trường Cận biên (Frontier Markets).

Các tổ chức đánh giá và xếp hạng chia các thị trường chứng khoán thành 3 nhóm: 

  • Thị trường Phát triển (Developed Market)
  • Thị trường Mới nổi (Emerging Market)
  • Thị trường Cận biên (Frontier Market)

Việc phân loại này hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức và quỹ đầu tư trên thế giới tìm kiếm thị trường đầu tư. Đồng nghĩa với đó là khi Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi thì sẽ đạt đủ điều kiện đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các Quỹ đầu tư lớn trên thế giới đầu tư.

Bộ chỉ tiêu đáng giá nâng hạng thị trường chứng khoán

Mỗi tổ chức đánh giá và xếp hạng đều có những bộ chỉ tiêu riêng để đánh giá và xếp hạng. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ tới các bạn bộ tiêu chí của MSCI. 

nâng hạng thị trường chứng khoán
Dẫn trích: MSCI Market Classification Framework

Lưu ý: ATRV (Annualized Traded Value Ratio) là tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm trên vốn hóa thị trường cổ phiếu.

Độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài

  • Yêu cầu trình độ của nhà đầu tư: Các nhà đầu tư quốc tế có được đối xử bình đẳng và công bằng, có tồn tại những điều điện cho nhà đầu tư quốc tế.
  • Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài: Tỷ trọng mà nhà đầu tư nước ngoài có thể sử hữu.
  • Giới hạn của nhà đầu tư nước ngoài: Tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài có thể mua, Các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch với nhau thông qua một hội đồng nước ngoài.
  • Quyền của nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài được nhận các quyền và lợi ích của cổ đông. Tiếp cận thông tin doanh nghiệp bằng tiếng Anh, quyền bình đẳng cho cổ đông thiểu số.

Chuyển tiền ra/vào để nâng hạng thị trường chứng khoán thuận lợi

  • Mức độ hạn chế của dòng vốn: Có sự hạn chế về dòng vốn nước ngoài chảy vào và chảy ra khỏi thị trường chứng khoán trong nước (không bao gồm hạn chế về chuyển đổi ngoại tệ).
  • Mức độ tự do hóa của thị trường ngoại hối: Sự tồn tại một công ty trong nước hoặc nước ngoài phát triển thị trường ngoại hối.

Cơ chế hoạt động của thị trường hiệu quả:

  • Thủ tục đăng ký đầu tư và thiết lập tài khoản: Có các yêu cầu hành chính hoặc quy định đăng ký đối với nhà đầu tư quốc tế như Mã số thuế cũng như mức độ dễ dàng/phức tạp khi thiết lập tài khoản địa phương (Ví dụ: các tài liệu cần cung cấp, các phê duyệt cần thiết). Thời gian hoàn tất quy trình bao gồm cả việc chuẩn bị các tài liệu.
  • Tổ chức quản lý thị trường và quy định tham gia: Mức độ tiến bộ của khuôn khổ pháp lý và quy định chi phối thị trường tài chính, sàn giao dịch chứng khoán và nhiều thực thể khác liên quan đến thị trường tài chính, một yếu tố quan trọng được đánh giá cao là: Dễ tiếp cận (bao gồm cả tiếng Anh), không mơ hồ và thực thi nhanh chóng luật pháp và quy định, cũng như tính nhất quán theo thời gian.
  • Công bố thông tin: Công bố kịp thời các mục thông tin đầy đủ về nâng hạng thị trường chứng khoán (Ví dụ: cảnh báo sàn giao dịch chứng khoán, tin tức của công ty, thông tin lưu hành, thông tin cổ tức) bằng tiếng Anh và theo các điều khoản thương mại hợp lý.
  • Cơ sở hạ tầng thị trường trong thanh toán và bù trừ: Hệ thống thanh toán bù trừ hoạt động tốt dựa trên khuôn khổ chung của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế bao gồm: Thanh toán và chuyển giao sở hữu cổ phiếu, không có yêu cầu nạp tiền vào tài khoản trước khi thực hiện giao dịch và khả năng sử dụng thấu chi.
  • Bảo đảm an toàn: Mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng giám hộ địa phương cũng như sự hiện diện của các ngân hàng giám hộ toàn cầu. Sự tồn tại của một cơ chế hiệu quả ngăn chặn các nhà môi giới có quyền truy cập không giới hạn vào tài khoản của nhà đầu tư và đảm bảo việc giữ an toàn cho tài sản của nhà đầu tư.
  • Đăng ký/lưu ký: Cơ quan đăng ký trung tâm hoạt động tốt hoặc các cơ quan đăng ký độc lập và một trung tâm lưu ký.
  • Giao dịch: Mức độ cạnh tranh giữa các nhà môi giới đảm bảo dịch vụ chất lượng cao (Ví dụ: giao dịch hiệu quả về chi phí, khả năng thực hiện các giao dịch nhóm với cùng mức giá cho nhiều tài khoản khác nhau của một nhà quản lý quỹ).
  • Khả năng chuyển nhượng: Khả năng giao dịch ngoài sàn và giao dịch trao đổi bằng hiện vật.
  • Cho vay cổ phiếu: Sự tồn tại của một khuôn khổ quản lý cũng như một cơ chế hiệu quả cho phép sử dụng rộng rãi việc cho vay cổ phiếu.
  • Bán khống: Sự tồn tại của một khuôn khổ pháp lý và thực tiễn cho phép bán khống.

>> Xem thêm: Bán khống là gì? Đặc điểm và rủi ro khi bán khống chứng khoán

Đa dạng của công cụ đầu tư: Sự tồn tại của các hạn chế đối với việc tiếp cận thông tin, dữ liệu và sản phẩm ngăn ngừa việc tạo ra các công cụ đầu tư.

Ổn định của các thể chế thị trường: Các nguyên tắc thể chế cơ bản như pháp quyền và việc thực thi pháp luật cũng như sự ổn định của hệ thống kinh tế “thị trường tự do”. Hồ sơ theo dõi sự can thiệp của chính phủ liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Lưu ý: Tháng 6 hàng năm MSCI sẽ cập nhật đánh giá và xếp hạng các thị trường chứng khoán.

Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay

Vị trí của thị trường chứng khoán Việt Nam theo xếp hạng quốc tế

nâng hạng thị trường chứng khoán việt nam - Đánh giá và xếp hạng của MSCI tháng 6/2024
Nguồn: Đánh giá và xếp hạng của MSCI tháng 6/2024 (Annual Market Classification MSCI)

Hiệu suất và sự phát triển của thị trường trong những năm qua

Ngày 28/7/2000, Phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam, chúng ta chỉ có 2 cổ phiếu REE và SAM. Nhưng đến này, thị trường có đến 729 mã cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn chứng khoán là HoSE và HNX. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn đạt trên 7 triệu tỷ đồng ~ 280 tỷ USD. Trong đó, chúng ta có khoảng 50 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD.

Trải qua 24 năm, chỉ số chung của thị trường chứng khoán Việt Nam VNindex vẫn đang ở mức 1.300 điểm, con số nhỏ so với tiềm năng và quy mô của thị trường. Điều này là cơ hội cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Tại kỳ đánh giá tháng 6/2024 của MSCI, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được đánh giá không nhiều tích cực. 

nâng hạng thị trường chứng khoán - Đánh giá tiếp cận thị trường toàn cầu MSCI
Nguồn: Đánh giá tiếp cận thị trường toàn cầu MSCI (MSCI GLOBAL MARKET ACCESSIBILITY REVIEW)

Những dấu trừ ở dưới đây là những điểm mà chúng ta cần cải thiện để có thể được nâng hạng. 

Bộ tài chính và Ủy ban chứng khoán đang quyết tâm và nỗ lực rất lớn để cải thiện những vấn đề nêu trên. Điển hình trong đó là việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tiến quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Việt Nam còn nhiều công việc phải làm, để thay đổi một dấu trừ là nhiều việc làm và trình tự cần được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản và khoa học. Vạn dặm xa xôi bắt đầu từ những bước nhỏ. Nếu kiên trì tiếp tục thay đổi và kiến tạo thì một ngày thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng. Và cho dù chưa đến được mức nâng hạng đó thì nhà đầu tư Việt Nam vẫn có nhiều nhà đầu tư quốc tế đang đồng hành.

Cơ hội và thách thức khi nâng hạng thị trường chứng khoán

Nâng hạng thị trường chứng khoán giúp cho dòng vốn của các Quỹ đầu tư lớn trên thế giới đổ vào Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước huy động nguồn vốn lớn hơn, các nhà đầu tư trong nước được hưởng lợi từ sự tham gia này. Tuy nhiên, điều này đặt chúng ta đến một thách thức phải duy trì thứ hạng của mình. Lịch sử có nhiều quốc gia bị đánh tụt hạng như: Hy Lạp, Argentina, Pakistan,…

Kết luận

Chúng ta còn cách việc nâng hạng bởi rất nhiều công việc, trình tự cần sửa đổi và nâng cấp. Cơ hội nâng hạng rất nhiều, nhưng thách thức trụ hạng cũng không đơn giản.

Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn có thể đánh giá được khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về chiến thuật đầu tư chứng khoán, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight

Xuân Nguyễn
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Cán cân xuất nhập khẩu

Cán cân xuất nhập khẩu là gì? Công thức và ý nghĩa

Để một quốc gia phát triển và đi lên thì việc quốc gia đó mở cửa, giao thương hàng hóa với các quốc gia khác trên thế giới là điều...

hedge fund là gì

Hedge fund là gì? Top 10 quỹ phòng hộ uy tín tại Việt Nam và trên thế giới

  Hedge Fund là gì? Hedge Fund (Quỹ phòng hộ) là một loại quỹ đầu tư tư nhân được thành lập với mục đích “phòng vệ”. Cụ thể hơn là...

Các chỉ số tài chính

Các chỉ số tài chính nhà đầu tư nên biết khi phân tích cổ phiếu

Việc nắm vững các chỉ số tài chính là bước cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng đối với nhà đầu tư trong việc đánh giá và lựa chọn cổ...