Cách phân biệt lãi kép và lãi đơn dễ hiểu nhất
Trong đầu tư hoặc trong hoạt động vay nợ có hai khái niệm rất quan trọng đó là lãi đơn và lãi kép. Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận của mình. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết và dễ hiểu nhất về lãi kép và lãi đơn, cũng như cách áp dụng chúng trong đầu tư tài chính.
Mục Lục
Lãi kép và lãi đơn là gì?
Định nghĩa lãi đơn (Simple Interest)
Lãi đơn là cách tính lãi dựa trên số tiền gốc cố định với lãi suất được xác định trước. Ví dụ: người A cho người B vay 100 triệu đồng với lãi suất đơn là 1%/tháng, và đáo hạn sau 6 tháng. Như vậy, mỗi tháng người B phải trả cho người A tiền lãi 1 triệu đồng, sau 6 tháng người A nhận lại cả gốc và lãi là 106 triệu trong đó 100 triệu tiền gốc và 6 triệu tiền lãi cho 6 tháng.
Định nghĩa lãi kép (Compound Interest)
Lãi kép là cách tính lãi dựa trên số vốn được ghép từ số tiền gốc và lãi của các kỳ trước đó cộng dồn lại. Với cách tính lãi này người cho vay sẽ được lợi hơn khi nhận được số tiền lãi lớn hơn đặc biệt với các kỳ dài hạn thì số tiền lãi sẽ tăng lên rất nhanh.
Trở lại với ví dụ trước nếu người A cho người B vay 100 triệu đồng với lãi suất kép là 1%/tháng và nhận cả gốc và lãi vào cuối kỳ tháng thứ 6. Ta có chi tiết trong bảng dưới đây.
Như vậy, vào cuối kỳ tháng thứ 6 người B phải trả cho người A cả gốc và lãi là 106,152 triệu đồng lớn hơn so với lãi đơn là 106 triệu đồng.
Cách tính lãi kép và lãi đơn
Công thức tính lãi đơn
T = A x (1+r x N) |
Trong đó A là số tiền gốc, r là lãi suất 1 kỳ hạn, n là số kỳ hạn.
Như trong ví dụ ở trên ta có: T = 100 triệu x ( 1 + 1% x 6) = 106 triệu.
Công thức tính lãi kép
T = A x (1+r)^n |
Trong đó A là số tiền gốc, r là lãi suất 1 kỳ hạn, n là số kỳ hạn.
Trở lại ví dụ ở trên nếu sử dụng công thức tính lãi kép ta có số tiền người A nhận được sẽ là:
T = 100 x (1+0.01)^6 = 100 x 1,06152 = 106,152 (triệu đồng).
So sánh cách tính lãi đơn và lãi kép qua ví dụ thực tế
Sự khác biệt chính giữa lãi kép và lãi đơn
Tác động của thời gian
Như trong thống kê ở bảng 2 ta có thể thấy nếu chu kỳ cho vay càng dài thì chênh lệch giữa lãi kép và lãi đơn càng lớn do khi thực hiện tính lãi kép thì tiền cơ sở được dùng để tính lãi ở chu kỳ tiếp theo là tiền gốc và tiền lãi của các chu kỳ trước cộng lại giống câu nói ta thường nghe nói là lãi mẹ đẻ lãi con.
Lợi nhuận dài hạn
Albert Einstein – Nhà khoa học nổi tiếng thế giới từng nói “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Ai hiểu được nó từ đó sẽ kiếm được tiền, còn những ai không hiểu… sẽ phải trả giá cho nó”. Rõ ràng khi đầu tư dài hạn lợi nhuận mang lại ở lãi kép ngày càng nhiều hơn so với lãi đơn do đó tìm kiếm những cổ phiếu hoặc quỹ đầu tư mang lại lợi nhuận theo mô hình lãi kép sẽ được ưu tiên hơn.
Rủi ro khi không hiểu rõ lãi kép và lãi đơn
Khi vay vốn thì người vay cũng phải xác định rõ để tránh những rắc rối khi đi vay hoặc phải trả khoản tiền lãi cao hơn bình thường. Hiện nay pháp luật không cho phép ngân hàng tính lãi trên số tiền lãi, tuy nhiên các hoạt động cho vay dân sự khác có thể phát sinh những khoản lãi như thế này nếu người vay không đọc kỹ các thỏa thuận sẽ gặp rắc rối khi phải trả lãi với mức cao hơn mình hình dung ban đầu.
Ứng dụng của lãi kép và lãi đơn trong đầu tư
Lãi đơn phù hợp cho những trường hợp nào?
Lãi đơn có ưu điểm là cách tính đơn giản, dễ hiểu nên được sử dụng khá rộng rãi. Trong các trường hợp người cho vay muốn nhận các khoản lãi cố định định kỳ thì việc sử dụng lãi đơn là phù hợp. Trong thực tế khi gửi tiền ngân hàng kỳ hạn ngắn như 1 tháng, 3 tháng, .. người gửi sẽ được nhận các khoản lãi định kỳ vào cuối các kỳ hạn.
Việc được nhận các khoản tiền lãi định kỳ này cũng giúp cho người gửi cảm thấy yên tâm hơn khi gửi tiền. Ngoài ra, các khoản trái phiếu cũng được người phát hành trả cho trái chủ cũng theo cách tính lãi đơn và được trả định kỳ. Trong hoạt động cho vay tín dụng thông thường thì các ngân hàng cũng đều tính lãi đơn.
Lãi kép phù hợp cho những trường hợp nào?
Với mục đích gia tăng lợi ích cho khách hàng để thu hút tiền gửi nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi kép cho tiền gửi của khách hàng ở các kỳ hạn. Thực ra đây là một hình thức đáo hạn, khi đến kỳ đáo hạn thì cả tiền gốc và tiền lãi sẽ được cộng lại và thực hiện một vòng quay tiền gửi mới. Việc đầu tư cổ phiếu trong một số trường hợp cũng có thể coi như sử dụng lãi kép, các quỹ hưu trí cũng sử dụng tiền lãi để tái đầu tư cũng có thể coi là một hình thức lãi kép.
Lợi ích của việc hiểu rõ lãi kép trong đầu tư tài chính cá nhân: Chúng ta cùng xét trường hợp đầu tư cổ phiếu FPT từ đầu năm 2014 đến nay. Lịch chia cổ tức bằng của phiếu của FPT từ năm 2014 đến 2024 như sau:
Cổ phiếu FPT không những chia cổ tức bằng tiền mà còn chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đối đều qua các năm. Ví dụ: năm 2013 nhà đầu tư có 1000 cổ phiếu FPT anh ta sẽ nhận được 10 triệu đồng cổ tức và 250 cổ phiếu vào năm 2014. Nếu anh ta rút 1 triệu ra chi tiêu và vẫn giữ nguyên số cổ phiếu đó thì năm 2015 anh ta sẽ nhận được 25 triệu đồng và 15%*1250 = 187.5 cổ phiếu. Nếu tiếp tục quá trình đó thì đến năm 2024 anh ta sẽ có 5277 cổ phiếu gấp hơn 5 lần số lượng cổ phiếu ban đầu năm 2013 và cổ tức bằng tiền vẫn nhận tăng dần qua các năm.
Trong trường hợp này chúng ta thấy hiệu quả rõ ràng của lãi kép khi cổ tức bằng cổ phiếu tiếp tục được giữ lại để chia tiếp bằng cổ phiếu thì sau thời gian khoảng 10 năm thì số lượng cổ phiếu sở hữu tăng hơn 5 lần, một hiệu quả đầu tư cực kỳ ấn tượng.
Kết luận
Hiểu rõ lãi đơn, lãi kép giúp người gửi tiền, người vay, nhà đầu tư có thể tận dụng được những thế mạnh của nó nhằm gia tăng lợi ích của mình. Đối với người gửi tiền nên tranh thủ sử dụng lãi kép để gia tăng thu nhập, người vay thì nên đọc kỹ các điều khoản cho vay để tránh phải trả lãi kép khi các khoản vay quá hạn.
Với nhà đầu tư thì lợi ích của lãi kép mang lại cực kỳ lớn do đó khi chọn phương án đầu tư dài hạn nhà đầu tư nên tính đến phương án sử dụng để có được kết quả đầu tư tối ưu.
Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về đầu tư tài chính, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!
Phạm Thạch
Wealth Manager