Chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư (Phần 3)

Ngày đăng: 28/10/2024 lượt xem

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là một việc làm cần thiết đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường tài chính nói riêng và đầu tư nói chung. Việc đa dạng hóa giúp nhà đầu tư không “bỏ trứng vào một giỏ” từ đó giảm thiểu các rủi ro dẫn đến mất vốn khó khắc phục. Hơn nữa, đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng có thể giúp nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận tạo cân bằng tâm lý khi thị trường biến động.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là gì?

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là cách thức, phương pháp và chiến lược phân bổ nguồn vốn đầu tư vào các tài sản khác nhau để hạn chế được những rủi ro mà nhà đầu tư không kiểm soát được. Các tài sản đó có thể khác nhau về hình thức, lĩnh vực, ngành nghề, địa lý, thời gian.  

Ví dụ: nhà đầu tư vừa bán nhà có một khoản tiền lớn 10 tỷ đồng anh ta muốn đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà có thể sinh ra dòng tiền ổn định tốt hơn dòng tiền mà anh ta đang dùng bất động sản đó để cho thuê vì anh ta nghĩ rằng ngoài dòng tiền từ cho thuê bất động sản thì khả năng bất động sản tăng giá trong thời gian tới là rất thấp nên anh ta không muốn giữ bất động sản đó nữa. Lĩnh vực anh ta muốn đầu tư là cổ phiếu.

Tuy nhiên, vì cần dòng tiền để duy trì đóng học phí cho con và sinh hoạt hằng tháng nên anh ta phải suy tính sao cho vừa có dòng tiền và khả năng sinh lời cũng như hạn chế rủi ro. Theo tư vấn của chuyên gia anh ta đã đầu tư theo danh mục như sau:

Danh mục đầu tư mẫu được chuyên gia tư vấn
Bảng 1. Danh mục mẫu được chuyên gia tư vấn

Như vậy, với khoản tiền tương đương thì dòng tiền thu nhập của anh ta sau khi bán nhà tốt hơn rất nhiều so với trường khi bán nhà cùng với đó là độ rủi ro cũng chấp nhận được giúp anh ta thoải mái hơn trong cuộc sống và chi tiêu. 

Lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm mục đích gì?

Như danh mục được tư vấn ở Bảng 1 chúng ta có thể thấy nếu nhà đầu tư này dồn tiền vào đầu tư cổ phiếu thì anh ta sẽ có 2 rủi ro hiện hữu. Thứ nhất, nếu kết quả đầu tư cổ phiếu không như mong muốn thì anh ta không có dòng tiền để sinh hoạt phải dùng tiền vốn để sinh hoạt đây là điều tối kỵ trong đầu tư.

Thứ hai là lúc anh ta cần tiền sinh hoạt hay đóng học phí cho con đi học lại là lúc giá cổ phiếu đang tích lũy không tăng như kỳ vọng dẫn đến anh ta phải bán cổ phiếu sai lệch về thời gian. Như vậy, việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư phân tán được rủi ro, bám sát được mục tiêu tài chính của mình cũng như chủ động trong các kế hoạch tài chính.

Nếu như trước đây khi chỉ có nhà thì dòng tiền thu được của nhà đầu tư này rất thấp, tuy nhiên sau khi bán nhà và phân bổ lại tài sản thì kỳ vọng dòng tiền thu được của nhà đầu tư này cao hơn rất nhiều điều đó giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận của mình.

Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng giúp nhà đầu tư bảo vệ mình trước các biến động của thị trường. Nếu danh mục đầu tư chỉ toàn là cổ phiếu, lúc thị trường biến động mạnh, việc nhà đầu tư này phân bổ 50% tài sản của mình vào trái phiếu doanh nghiệp uy tín cũng đã giúp nhà đầu tư này giảm được rất nhiều tác động của thị trường.

danh mục đầu tư là gì - Đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư
Hình 1. Đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư

Làm thế nào để xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng?

Xác định mục tiêu và rủi ro cá nhân: Trong ví dụ ở Bảng 1 nhà đầu tư này đang cần một dòng tiền khoảng từ 25 triệu trở lên để chi tiêu tài chính cá nhân hằng tháng nên điều tiên quyết là anh ta phải xây dựng một danh mục có dòng tiền như thế. Do đó, anh ta được tư vấn có 2 hình thức: một là gửi tiết kiệm với lãi suất 4%/năm hoặc là mua trái phiếu của doanh nghiệp uy tín với lãi suất 6%/năm.

Tất nhiên là gửi tiết kiệm thì rủi ro thấp hơn nhưng anh ta cần phải bỏ số vốn lớn hơn gần 8 tỷ so với 5 tỷ nếu anh ta lựa chọn mua trái phiếu. Tuy nhiên, với 5 tỷ còn lại dùng cho đầu tư cổ phiếu và dành phần lớn cho các cổ phiếu blue chip nên cũng giảm rủi ro phần nào nên anh ta quyết định dành 5 tỷ mua trái phiếu doanh nghiệp uy tín cũng là phù hợp.

Đánh giá mục tiêu, điều chỉnh mục tiêu và phân bổ lại danh mục đầu tư: Sau khi xác định mục tiêu thì việc đánh giá mục tiêu cũng rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Mục tiêu này có thể duy trì được bao lâu và khi nào cần thay đổi mục tiêu là câu hỏi cần đặt ra đối với nhà đầu tư.

Trở lại ví dụ ở Bảng 1, với mục tiêu là có dòng tiền hơn 25 triệu/tháng nhưng nếu chi phí ngày càng đắt đỏ hơn thì anh ta sẽ phải thay đổi mục tiêu này hằng năm. Cùng với đó sau 1 năm thì tài sản của anh ta sẽ biến động, khi đó việc điều chỉnh và phân bổ lại danh mục đối với nhà đầu từ này cũng rất cần thiết. Nếu anh ta đầu tư chứng khoán ngày càng thuận lợi và cho lợi nhuận cao thì việc anh ta tiếp tục duy trì các khoản đầu tư ở chứng khoán là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán không thuận lợi, thì anh ta có thể rút bớt tài sản từ chứng khoán để chuyển sang trái phiếu hay tiết kiệm nhằm bám sát mục tiêu của mình tránh những rủi ro không đáng có ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ta.

>>> Theo dõi danh mục đầu tư theo thời gian thực tại HSC ONE

Các chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư

quản lý danh mục đầu tư

Hình 2: Các chiến lược đa dạng hóa Danh mục đầu tư

1. Đa dạng hóa theo loại tài sản

Với sự phát triển nhanh chóng của các loại tài sản đầu tư hiện nay, nhà đầu tư có điều kiện để đa dạng hóa danh mục theo các loại tài sản khác nhau. Như trước đây nếu nhà đầu tư vốn nhỏ khó có thể tham gia đầu tư lĩnh vực bất động sản thì ngày nay có nhiều loại sản phẩm giúp chứng khoán hóa bất động sản để nhà đầu tư có thể tham gia. Các loại tài sản mà nhà đầu tư có thể đa dạng có thể là bất động sản, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, cổ phiếu, hàng hóa hay thậm chí là tiền điện tử,…

>> Xem chi tiết về Các kênh đầu tư tối ưu nguồn lực tài chính

2. Đa dạng hóa theo ngành

Đối với nhà đầu tư cổ phiếu thì việc lựa chọn danh mục đầu tư cổ phiếu theo các ngành nghề khác nhau để tránh rủi ro bất lợi về ngành nghề cũng là một cách để giảm thiểu rủi ro khi tham gia đầu tư.

3. Đa dạng hóa theo địa lý

Để tránh những rủi ro địa chính trị, thiên tai,… nhà đầu tư cũng nên đa dạng hóa theo vị trí địa lý của doanh nghiệp. Như trong đợt bão lũ vừa qua tại miền bắc (ảnh hưởng của cơn bão Yagi – bão số 3) rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở miền bắc Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này ở miền nam lại phần nào đó được hưởng lợi do sự thiếu hụt nguồn cung tại miền bắc.

Nên việc đa dạng hóa danh mục đầu tư theo vị trí địa lý cũng rất quan trọng đối với nhà đầu tư.

4. Đa dạng hóa theo thời gian

“Lấy ngắn nuôi dài” cũng là một câu nói phổ biến trong đầu tư, có thể hiểu nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục theo các mốc thời gian khác nhau để có thể duy trì được danh mục ổn định, tránh những rủi ro thanh khoản không đáng có.

Các lưu ý khi đa dạng hóa danh mục đầu tư

Tránh đa dạng hóa quá mức: Nhà đầu tư cần phân biệt được đa dạng hóa với đa dạng hóa quá mức. Đa dạng hóa quá mức là việc nhà đầu tư phát triển số lượng tài sản trong danh mục của mình vượt quá mức kiểm soát gây nên sự manh mún, phức tạp trong theo dõi và quản lý dẫn đến thiếu hiệu quả, khó kiểm soát đối với danh mục của mình. 

Không bỏ qua việc nghiên cứu: Mặc dù đa dạng hóa danh mục đầu tư là chúng ta phân bổ vốn vào các tài sản khác nhau để phân tán rủi ro, nhưng nếu chúng ta mua các tài sản mà chúng ta không hiểu biết hoặc không được pháp luật công nhận như tiền số, tiền điện tử chẳng hạn có thể sẽ gặp phải những rủi ro mà chúng ta không kiểm soát được do đó việc phân bổ tài sản vào các loại tài sản cũng cần phải có sự nghiên cứu và hiểu biết nhất định về loại tài sản đó.

Kiên nhẫn và kỷ luật: Kiên nhẫn và kỷ luật là hai đức tính cần thiết của nhà đầu tư. Người ta thường nói trong đầu tư chứng khoán tiền sẽ chuyển từ nhà đầu tư ít kiên nhẫn sang nhà đầu tư kiên nhẫn hơn. Kỷ luật và tuân thủ nguyên tắc đã đề ra trong quản lý danh mục cũng là điều tối quan trọng đối với nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chứng khoán nói riêng.

Kết luận

Trong bài viết này chúng ta đã hiểu hơn về tâm quan trọng của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng như cách thức hình thành các mục tiêu, vận hành và quản lý danh mục đầu tư. Nhưng trước hết để đa dạng hóa được danh mục đầu tư nhà đầu tư cần phải xác định rõ mục đích và mức độ chịu rủi ro của mình.

Quý nhà đầu tư có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu, khám phá và học cách đa dạng hóa danh mục đầu tư tại HscEdu. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin cũng như tin tức từ thị trường chứng khoán hay các kiến thức về quản lý danh mục đầu tư, các bạn có thể theo dõi thêm tại Stock Insight nhé!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục:

Phần 1: Danh mục đầu tư là gì? Lợi ích của việc quản lý danh mục đầu tư
Phần 2: Làm thế nào để xây dựng và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả?
Phần 4: Cách đánh giá và điều chỉnh Danh mục đầu tư
Phần 5: Chiến lược tái cân bằng Danh mục đầu tư

Phạm Thạch
Wealth Manager

Bài viết cùng chuyên mục

Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản năm 2022 có nhiều biến động

Cổ phiếu bất động sản là gì? Danh sách mã hiện có ở Việt Nam

Cổ phiếu bất động sản là nhóm cổ phiếu có nhiều biến động, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vậy đặc điểm cổ phiếu bất động sản là...

Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán HOSE chính xác nhất!

Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán HOSE chính xác nhất!

Tổng quan bảng giá chứng khoán HOSE Một trong những yếu tố quan trọng khi tham gia trên thị trường chứng khoán là nhà đầu tư cần nắm được cách...

DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA

DCA là gì trong đầu tư chứng khoán? 8 cách áp dụng DCA cho hiệu quả đầu tư

  DCA là gì? Giải thích thuật ngữ DCA DCA là gì? DCA (Dollar-Cost Averaging) là một chiến lược đầu tư mà nhà đầu tư sẽ chia nhỏ nguồn vốn...